Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Có khi nào

Có khi nào

177
0

Này bạn, có khi nào bạn đang ngồi chơi trên một bãi cỏ thì bỗng nhiên có một con chim đáp xuống gần bên. Đó có thể là một con chim sẻ, một con chim sâu, hay một con bồ câu. Nó mổ mổ gì đó, chắc là ăn hạt cỏ, thật dễ thương. Nó đang từ từ đi  về phía bạn. Bạn không dám thở mạnh, không dám nhúc nhích. Bạn thích quá vì nó càng lúc càng gần chỗ bạn, tưởng như chỉ cần đưa tay ra là bạn có thể vuốt bộ lông rất óng mượt của nó. Bây giờ thì bạn không dám đến cả chớp mắt, bởi vì bất cứ một cử động nào dù là nhỏ nhất của bạn cũng sẽ làm nó hốt hoảng bay đi mất. Trong lòng bạn lúc ấy hẳn là vui lắm. Có cả một chút âu yếm, thương thương nữa. Đúng không?

Có bao giờ bạn tự hỏi mình là tại sao bạn lại thích một con thú nhỏ đến gần (hay đến gần một con thú nhỏ) như vậy? Có khi nào bạn để ý đến cảm giác thích thú, đến sự mềm đi của trái tim, đến nụ cười đang nở trên môi bạn khi đôi mắt bạn đang chăm chú nhìn nó đến gần?

Bạn có để ý không, ngoại trừ con chó mà mình nuôi ở nhà ra, không có con thú nào tự đến với chúng ta cả. À, có con mèo. Nhưng con mèo thì thất thường lắm, có khi mình kêu nó đâu thèm đến, có khi tự nó đến rồi cũng tự bỏ đi. Nói chung con mèo nó cũng đâu phải lúc nào cũng cho mình “cưng” nó.  Có thể có các con vật nuôi khác khi đã quen với mình thì nó sẽ đến với mình, hay sẽ cho phép mình đến gần chúng, thí dụ như trâu, bò, ngựa… Nhưng mà cũng tùy theo đó là con gì nữa. Thí dụ như con gà hay con vịt bạn nuôi đó, bạn thử đến gần nó mà xem. Bạn phải đuổi theo nó bở hơi tai đấy chứ. Chỉ có khi nào con gà nó nằm ổ để ấp trứng thì nó mới cam tâm cho bạn bắt thôi, vì nó không bao giờ rời ổ, ngoại trừ những lúc đi ăn và đi uống nước. Có khi nó còn không thèm ra ăn uống nữa, nó ốm o gầy mòn, mẹ bạn phải bắt nó bỏ xuống cho nó ăn uống nó mới chịu ăn. Nhưng mà nó cũng chỉ ăn qua quít rồi lại lên nằm trở lại. Bạn thấy nó có hết lòng không? Hơi bị lạc đề rồi bạn ạ, mình trở lại với việc các con thú nhé.

Các con thú hoang thì dễ gì mà mình đến gần nó được. Ngay cả con thằn lằn, con rắn mối. Con kiến và mấy con nhỏ như nó thì mình có thể bắt dễ dàng, vì chúng nó nhỏ quá, nhưng không thể nói là chúng tự nguyện đến với mình được (trừ trường hợp nó đến để ăn … mình, hay ăn đường, ăn mật dính trên tay mình), đúng không bạn? Còn mấy con lớn hơn mà mình thấy dễ thương, mình thích gần chúng như con chim, con nai, con kangooroo, con koala (là một loại gấu cù lần ở Úc) thì khó mà đến gần chúng được. Nhìn thấy những con ấy, tự nhiên mình lại thích đưa tay ra vuốt lên bộ lông chúng một cái, thấy trong lòng êm dịu lại, thấy vui, thấy tự nhiên mình mềm ra. Cũng như khi thấy một em bé, mình cũng muốn đến gần, đưa tay ra nựng một cái, muốn cười, muốn hôn má em một cái. Nhưng mà bạn cũng nên cẩn thận đấy nhé, không phải em bé nào cũng cho bạn làm vậy đâu. Có đứa còn nhìn bạn chăm chăm rồi miệng nó mếu lên, nó khóc. Thế là bạn hoảng quá, vội buông tay và đứng xa ra một chút. Bạn có nhớ không?

Tại sao vậy bạn nhỉ, tại sao chúng ta lại thích đến gần các con thú dễ thương hay đến gần một em bé? Có lẽ tại vì trong em bé hay trong những con thú ấy hoàn toàn không có sự tính toán nào cả, chỉ có một cái gì đó thật tươi mát, trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên, tin cậy mà khi tiếp xúc, mình thấy ở trong lòng tươi mát, dễ chịu, thư giãn, không cần phải đề phòng hay đối phó gì cả. Chúng nó rất dễ thương và rất tự nhiên. Rất là thích, có đúng không bạn? Trong trường hợp mà chúng tự đến gần mình thì lại càng thích hơn nữa. Bạn nhớ lại mà xem, thí dụ như tự nhiên lúc bạn đang ngồi với rất nhiều người mà em bé không đi đến gần ai hết, nó lại đến gần bạn và cho phép bạn ôm nó, có phải là bạn thích “mê tơi” không? Bạn cảm thấy nó tin mình, nó thích mình hơn những người khác, có đúng không?

Thế nhưng dù ta có thích em bé hay thích mấy con thú ấy đến mấy đi nữa thì dễ gì chúng cho ta đến gần. Bao giờ chúng cũng giữ một khoảng cách an toàn nhất định. Có con còn không thích mình nhìn nó nữa ấy chứ. Nói gì đến chuyện cho mình đến gần và vuốt đầu nó một cái. Chẳng hạn trong trường hợp của một vài đứa con nít. Mẹ nó đang ẵm nó mà mình nhìn nó là nó dúi đầu vào ngực mẹ nó ngay. Hôm qua có một sư cô kể rằng bên tu viện Nhập Lưu ở Úc, khi các sư cô đi thiền hành thì mấy con kangooroo đứng phía bên kia cánh đồng cỏ và nhìn các sư cô. Nếu mình cứ tiếp tục đi, ra vẻ không chú ý đến chúng thì chúng sẽ đứng yên ở đó, nhưng nếu mình đứng lại nhìn chúng thì thế nào chúng cũng nhảy đi theo kiểu kangooroo. Bạn có bao giờ thấy kangooroo chưa? Chúng ít khi đi lắm, chúng chỉ nhảy thôi.

Trong mấy sở thú, có khi bạn được cho phép cầm thức ăn trên tay và mấy con kangooroo sẽ đến ăn từ tay bạn, khi ấy bạn có thể lợi dụng cơ hội may mắn ấy, dùng bàn tay đang còn rảnh để vuốt lưng hay vuốt đầu chúng một cái. Thích vô cùng. Ngoài công viên, bạn cũng có thể bỏ một vài hạt lúa vào lòng bàn tay rồi dang tay ra đứng chờ một chút, vài con chim sẽ bay đậu trên tay bạn và ăn các hạt lúa đó. Cũng rất là thích. Nhưng hơi mỏi tay một chút bạn à, bởi vì có khi phải đợi khá lâu chúng mới chịu đến. Bạn thấy đó, được tận tay tiếp xúc với mấy con thú như vậy thật là đặc biệt, đâu có dễ gì được chúng cho phép phải không bạn?

Vậy mà lại có một loại dù không phải do mình nuôi, nhưng bất cứ khi nào mình muốn đưa tay ra chạm vào cũng được. Bạn muốn ôm, muốn leo lên thân chúng lúc nào cũng được. Nói chung là bạn có thể làm bất cứ cái gì bạn thích cũng được hết. Chúng sẽ đứng yên đó, không nhúc nhích, không thở than, quá lắm thì chúng chỉ đong đưa thân mình một chút thôi. Đố bạn đó là cái gì? Cho bạn một phút để dừng lại thở và suy nghĩ đó. Bạn đừng vội đọc tiếp nhé. Thử suy nghĩ xem.

À, bạn đoán ra rồi phải không? Đó là cây cỏ, là các loài thực vật. Bạn có khi nào nghĩ  nếu các loài cây cối và thảo mộc biết bỏ chạy giống như các con thú thì khi mình đến gần chúng cũng không cho phép hay không? Thử tưởng tượng xem. Mấy cây mình tự tay trồng thì không kể rồi, cho là chúng như mấy con chó mình nuôi đi. Còn mấy cây “mình không quen” kìa. Thí dụ như bạn đi đến nhà ai đó, một công viên, hay một cánh rừng nào đó. Giả sử bạn mới quen với một đứa cùng lớp, nó mời bạn về nhà chơi, nhà nó có vườn rất rộng, lại có nuôi chó. Khi mới đến, có nhiều khả năng là con chó của nó sẽ sủa ầm lên. Con chó đó có khi nhìn rất dễ thương, nhưng nó lại không cho bạn vuốt ve. Phải một lúc sau, khi hơi quen với bạn rồi nó mới đến gần.

Ở vườn của đứa bạn mới quen, bạn thấy vô khối các cây mà bạn thích, thí dụ như mấy cây ổi, cây xoài hoặc cây mận đang có trái. Nếu mà mấy cây đó biết chạy như con chó thì chắc chắn là chúng sẽ không cho bạn đến gần đâu. Phải một thời gian sau, khi đã quen với bạn rồi thì may ra chúng mới cho bạn vuốt ve một cái. Tưởng tượng mấy cái cây đó, khi bạn đến gần chúng vội chạy ra góc vườn khác đứng, rồi khi bạn đi theo thì chúng lại chạy tiếp qua chỗ khác… Thử nghĩ mà xem… Mấy cánh rừng sẽ chạy dạt đi khi có ai đó đi vào, chỉ còn mặt đất trơ trọi, bởi vì cỏ cũng chạy theo luôn … Nhưng mà chắc là buổi tối, khi mình về rồi thì chúng sẽ trở lại, bạn có nghĩ vậy không? Nếu việc này mà là sự thật thì biết đâu chừng việc phá rừng sẽ hạn chế hơn, rừng cây sẽ có nhiều cơ hội được sống sót hơn bạn nhỉ…

May mắn thay, mấy cây đó không chạy được, thế là bạn có thể đưa tay với lấy một trái ổi. Không, bạn phải dùng móng tay bấm một cái trước đã, để coi trái ổi đó chua chưa rồi mới hái và đưa lên miệng cắn. Cây ổi không nói lời nào, cũng không có phản ứng gì. Đúng không? Ha, may thật. Có khi nào bạn nghĩ trái chính là “trứng của cây” không? Mấy cái trứng đó mình có thể đưa tay ra bứt lấy. Mình đâu thể đưa tay ra “bứt trứng” của một con gà, hay con vịt, đúng không bạn? Trong khi đó cây xoài, cây ổi, cây mận, cây dâu, chanh dây, cây chôm chôm, sầu riêng… mình có thể “bứt trứng” của chúng bất cứ khi nào mình thích, dù là “trứng” của cây chôm chôm hay sầu riêng có hơi … gai góc một chút. Bạn có thấy đó là một sự mầu nhiệm không?

Mầu nhiệm và may mắn làm sao khi tất cả các cây cối trên trái đất này đều đứng yên một chỗ. Lần sau khi bạn đến gần một cái cây nào đó, bạn nhớ nhắm mắt lại một giây bạn nhé. Chỉ một giây thôi để cám ơn cái cây đó đã đứng yên cho bạn được đến gần. Có khi bạn không đến để “bứt trứng của cây”. Bạn chỉ đến để hưởng bóng mát của nó thôi. Thật là cám ơn cái cây quá, nhờ nó đứng yên mà bạn mới có bóng mát để thưởng thức, nhất là khi bắn bi, hay chơi nhảy dây mà có một cái cây bóng mát, dưới gốc cây bằng phẳng thì thật là lý tưởng. Lần sau khi theo ba mẹ ra sở thú hay một công viên nào đó, bạn cũng nhớ làm như thế nhé. Nếu mấy cái cây ở công viên, hoa cỏ đều chạy dạt đi chỗ khác hết thì sở thú, công viên sẽ không còn là sở thú hay công viên mà bạn thấy nữa. Eo ơi, khi ấy sẽ buồn biết mấy phải không bạn.

Bạn nhớ nhé, nhắm mắt lại một giây thôi để cảm ơn cái cây mà bạn đến gần, cảm ơn chậu hoa mà bạn đứng bên để chụp hình. Nếu bạn để ý nhìn thật kỹ, bạn sẽ thấy những bàn tay trên cây đang vẫy chào bạn, còn những bông hoa thì đang mỉm cười cùng bạn đó.

 Bé Út (Làng Mai)

(Tranh minh họa được sử dụng trong bài viết là của tác giả Wietzke Vriezen, trong tác phẩm Planting Seeds)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here