Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Cơ hội đoàn kết, hòa hợp dân tộc

Cơ hội đoàn kết, hòa hợp dân tộc

137
0

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 diễn ra tại Hà Nội có khoảng 500 tăng ni, phật tử là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài về nước tham dự. Đây là lần đầu tiên đông đảo kiều bào tăng ni, phật tử Việt Nam ở khắp thế giới trở về tham dự sự kiện lớn của đất nước.



Theo thông báo của Ban tổ chức, hơn 600 phái đoàn Phật giáo đến từ 90 quốc gia sẽ tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, trong đó, có khoảng 500 tăng ni, phật tử là người Việt ở các nước Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Mỹ, Myanmar, Hồng Kông, Ba Lan, Pháp, Bỉ… đã nhận lời mời về tham dự Đại lễ.


Trở lại trong khối đại đoàn kết


Có lẽ đây là dịp hiếm có, lần đầu tiên, một đoàn kiều bào các tăng ni, phật tử về nước đông đảo như vậy. Trong số hơn 3 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, đa phần theo đạo Phật và có nhiều sinh hoạt Phật pháp gắn với đất nước.


Trao đổi với VietNamNet, các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, ngoài ý nghĩa quảng bá hình ảnh, khẳng định và nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự phát triển, hội nhập của đất nước nói chung, Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng coi đây là dịp thúc đẩy đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng người Việt, trong đó có các tăng ni, phật tử đang sinh sống ở nước ngoài.


GS.TS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế (IOC), Tổng Thư ký Ban điều phối quốc gia Đại lễ Phật đản 2008 cho biết Ban tổ chức dự kiến dành 500 ghế tại hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia cho kiều bào tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ. 









Mô tả ảnh.

Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. (Ảnh: Lê Anh Dũng)



GS.TS Thát nói: “Đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 cũng để thực hiện ý nguyện đoàn kết dân tộc. Tổ chức thành công Đại lễ sẽ góp phần thúc đẩy hòa hợp kiều bào trong và ngoài nước”.


Thực tế, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định rõ mục tiêu đoàn kết, gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.


Ông Nguyễn Thanh Sơn, quyền Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc cho rằng các tăng ni, phật tử kiều bào gắn liền trong “khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam”. Đảng, Nhà nước mong muốn kiều bào trở về đông đảo tham gia các hoạt động lớn của đất nước.


“Đoàn kết và đoàn kết hơn”


Nhân dịp về quê hương dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, các tăng ni, phật tử kiều bào bày tỏ sự đồng hành, đóng góp cho quá trình đổi mới và phát triển đất nước.


Phật tử Đỗ Đình Chiểu, sinh sống tại Pháp cho biết Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho cuộc kháng chiến trước đây và ngày nay. Trong thời bình, các tăng ni, phật tử Việt Nam sinh sống tại nước ngoài luôn mong muốn góp phần tiếp tục duy trì truyền thống đó trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.   









Mô tả ảnh.

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 thể hiện hình ảnh Việt Nam hòa bình.  (Ảnh : Lê Anh Dũng).



Ông Chiểu nói: “Kiều bào luôn hướng về đất nước. Bà con sẽ đoàn kết và ngày càng đoàn kết hơn, mong muốn Việt Nam sẽ có vị thế, vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Hà Nội cho thấy một hình ảnh Việt Nam hiện đại, hòa bình”.


Chia sẻ tâm nguyện của phật tử tại Pháp, Đại đức Thích Thanh Phong ở Cộng hòa Séc nói, bà con kiều bào “dù đi đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc, càng ra đi càng nhớ về đất nước”. Trước đây, khi lập nghiệp ở nước ngoài, bà con phải tập trung lo đời sống kinh tế. Khi đời sống vật chất ổn định hơn, bà con có điều kiện chăm lo đời sống tâm linh.


Đại đức Thích Thanh Phong đề xuất xây dựng những ngôi chùa người Việt ở nước ngoài trở thành nơi không chỉ sinh hoạt tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa, lịch sử để các thế hệ người Việt sau này hướng về quê hương, đất nước.


Với mục tiêu gắn bó đồng bào trong khối đại đoàn kết toàn dân, Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 6 vừa qua đã xác định, đẩy mạnh các hoạt động hướng tới bà con người Việt ở nước ngoài. 


Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Ban Quốc tế TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết ngày càng có nhiều bà con người Việt ở nước ngoài mong mỏi Giáo hội giúp đỡ sinh hoạt tâm linh. “Bây giờ và sau này nhu cầu trợ giúp sinh hoạt Phật pháp của bà con người Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng nhiều hơn”.


Thượng tọa cho biết Ban Phật giáo quốc tế của Giáo hội đã giúp đỡ bà con người Việt ở Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ukraina xây dựng cảnh chùa, sinh hoạt Phật giáo nhân lễ Phật đản, lễ Vu Lan… Các hoạt động như vậy sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here