Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Cố đô Huế – một chiều cuối năm

Cố đô Huế – một chiều cuối năm

131
0

Cố đô Huế những ngày cuối năm ai cũng muốn dạo quanh phố phường để thưởng thức cái không khí vui nhộn, tận mắt chứng kiến cảnh người người đi lại nói cười hỏi han nhau mới thấy lòng ấm lên lạ lùng.

Trời Huế năm nay thật lạ, gần Tết rồi mà “khi buồn khi vui”, mới nắng vàng ươm buổi sang đó tự dưng quá trưa lại ủ mặt buồn tênh, gió hiu hiu lạnh khiến cho biết bao người cũng vui buồn theo.

Chợ Hoa Tết bên Phu Văn Lâu

Chiều ra phố, dạo quanh qua chợ hoa bên Phu Văn Lâu, hoa bạt ngàn, rất nhiều loài hoa đua sắc khoe hương rực rỡ, nào là hoa cúc, hoa mai, nào là hoa thược dược, hoa xác pháo, chậu to, chậu nhỏ, chậu vàng, chậu tía từng hàng từng hàng chạy tít tắp tạo thành từng làn sóng màu quyện thắm tuyệt đẹp.

Hoa nhiều, và người cũng nhiều, từng nhóm, từng nhóm, cụm 5 cụm 3, nhóm nầy, đến nhóm kia người ta đi dạo đông như trẫy hội, nhưng chẳng ai biết họ đi ngắm hoa hay là đi mua hoa mà cả một buổi chiều để ý lắm mới thấy một vài người đem về một chậu hoa.

Mai Huế

Đám thanh niên, nam thanh nữ tú có lẽ là đông đúc nhất. Các cô, các cậu quần là áo lượt rủ nhau đi như hội, cười nói say đắm. Đi hết hàng hoa nầy đến hàng hoa khác chỉ để làm dáng, làm điệu, làm mẫu chụp hình, hết cười mỉm rồi lại cười toe toét; hết đưa 2 ngòn tay rồi lại ôm chậu hoa. Kể cũng hay, những đóa hoa thật tuyệt vời, chẳng cần biết ai buồn ai vui, cứ Tết là nở, các cô các cậu cũng cứ thế mà cứ Tết là tha hồ làm dáng, làm đỏm.

Chay dọc theo con phố Trần Hưng Đạo, con phố nổi tiếng kỳ cựu bậc nhất kinh thành Huế. Từng đoàn xe, đoàn người đi lại nườm nượp đông đúc hơn ngày thường gấp hàng chục lần. Chẳng ai biết mỗi người đang nghĩ gì, lo gì cho ngày Tết mà trên nét mặt ai cũng thấy gấp gáp, nô nức…, một không khí của ngày cuối năm chuẩn bị Tết vui vui.

Đường phố chiều cuối năm

Ghé vào một gian hàng bán hoa phong lan bên vỉa hè, nơi đang có vài người đang đứng ngắm nhìn những giò lan, nào là đại hồ điệp, nào là nghinh xuân, nào ngọc điểm…ai cũng say đắm, cũng thích, cũng muốn nhưng ai cũng trả giá xong thì cười rồi đi…Có lẽ tính cách người Huế là vậy, quen trả giá rồi đi chứ không mua liền tay. Ngày nầy không mua thì ngày mai mua có khi chần chừ mãi rồi cuối cùng đành mua với giá cao hơn.

Gặp một ông Tây bưng một chậu đại hồ điệp từ quầy hàng ra, chậu hoa rất to, có đến 10 nhánh hoa, hỏi thăm “how much” nhưng cũng không quên kèm theo câu tiếng Việt “bao nhiêu”, ông Tây cười hiền từ “một chai” (một triệu) mọi người xung quanh nghe thế cũng bật cười rộn ràng. Người kế bên nói “hơi đắt ông Tây nhỉ”, ông Tây lại cười “ngày Tết mà”. Tôi giật mình, ừ Tết! Tây ăn Tết ta cũng vui…

Trời Huế lúc buồn lúc vui…

Ghé vào một điểm bán phong lan khác chợt bắt gặp một người quen cũng đang đứng ngắm nghía một chậu Đại hồ điệp khá đẹp, màu vàng quý phái, hỏi “thầy đã trả chưa” thầy cười “rồi, 120 ngàn”. Người bán hoa cẩn thận bỏ giò phong lan vào giỏ, tự dưng thấy người mua, người bán đều rộn lên một niềm vui “Tết ni ri cũng được rồi…Thầy hi!”

Quanh quất nhiều mà không ngang qua chợ Đông Ba thì kể cũng thiếu. Đã là chiều cuối năm rồi mà hình như người ta mua sắm có vẻ không tấp nập hơn ngày thường là mấy. Cái “nét Huế cố hữu” của phụ nữ Huế “đi chợ Tết” thật là lạ, có khi đợi đến chiều 29, chiều 30 Tết mới chịu mua sắm, còn ra thì cứ đi, ngày nào cũng xách giỏ đi chợ nhưng chủ yếu là mua sắm vài thứ lặt vặt trong nhà chứ đồ đạc cho 3 ngày Tết, 7 ngày Xuân thì cứ “từ từ”…

Đi quanh quất rồi cũng vào Thành Nội, mà con đường thích nhất vẫn là đường Lê Thánh Tôn, nơi có nhiều ngôi nhà vườn với những ngôi nhà rường xưa hay những ngôi nhà kiểu Pháp rất thích thú lại có truyền thống ăn Tết theo kiểu Huế xưa…Không khí nơi đây diễn ra đằm thắm và ấm cúng hơn, thi thoảng thấy trước cửa ngỏ một vài nhà có các ông, các cụ đang thành tâm khấn vái trước những mâm cỗ có hương đèn quyện tỏa linh thiêng. Một số nhà thì đang đốt giấy vàng mã khói bốc lên âm ấm khiến cho mọi người đi đường cũng thấy ấm lây…

Kết thúc một chiều cuối năm với Huế, lòng cảm nhận bao điều thú vị, thấy cuộc sống “chậm” ở Huế cũng hay, mặc cho ngoại duyên thăng trầm thì người Huế vẫn thế, vẫn cứ “chậm” vẫn cừ “từ từ” “Tết thì vẫn cứ vui” mà cái vui của Huế thì không cân đong đo đếm được theo kiểu giàu hay nghèo. Và ấn tượng hơn hết sau một chiều với Huế cuối năm là Huế đẹp tuyệt vời: Trời đẹp, lòng người cũng đẹp; đâu đâu cũng thấy “Mừng…Mừng…Mừng”…

(Theo GiacNgoonline)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here