Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Cô bé không có mắt và hy vọng được đến...

Cô bé không có mắt và hy vọng được đến trường

123
0

Bàn tay lem nước cảm nhận được cái buốt lạnh mỗi khi gió thổi qua khiến tôi bất giác rùng mình. Bước vào phòng chờ của bệnh viện, tôi nhận ra cô  bé tôi đã gặp trong chương trình khám bệnh, phát thuốc của Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức ở Hà Nam. Em vẫn thế, vẫn chiếc áo sọc màu da cam, vẫn mái tóc xoăn mềm, buộc túm đằng trước. Em chào tôi bằng giọng khan khàn, nhẹ nhẹ:

Cháu chào cô.

Vừa nói em vừa đưa tay quơ trước mặt như muốn nắm lấy tôi. Tôi đưa tay mình đỡ tay em. Bàn tay ấm quá. Tôi vội rút tay mình thật nhanh. Vì sợ bàn tay vừa đi mưa của tôi sẽ làm em lạnh mất. Tôi hỏi:

Bé Thu trong vòng tay của bố

Chào cháu. Cháu tên là gì?

Cháu tên là Thu ạ.

Thu mấy tuổi rồi?

Cháu 6 tuổi

Thu hôm nay đi cùng bố đến đây làm gì nhỉ?

Cháu khám ạ.

Thu có sợ không?

Cháu không ạ.

Những câu trả lời ngắn gọn nhưng đủ cho tôi hiểu rằng nhận thức của em vẫn rất tốt. Chỉ có một điều mà ai nhìn thấy em cũng không thể không chú ý đó là đôi mắt. Trên khuôn mặt em, lớp da dày đã che hẳn cửa sổ tâm hồn của cô bé. Cửa sổ ấy đã bị đóng ngay từ khi em chào đời. 6 năm, em đã cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai, cái mũi và bàn tay.

Anh Nguyễn Văn Cả, 30 tuổi, xóm 7, Thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, Hà Nam bố của Thu kể. Ngày vợ mang bầu anh phải vào nam kiếm sống không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Cho tới tận ngày vợ lâm bồn, anh mới kịp về chào đón đứa con gái đầu lòng. Nhưng khi nhìn thấy con, anh đã không thể tin vào mắt mình. Anh ân hận vì nghĩ rằng do mình không quan tâm đến vợ, cho nên bây giờ không may con bị thế này thôi thì đành phải chấp nhận. Anh động viên vợ để chị vững tinh thần.

Để bác khám cho bé Thu nhé

Anh bảo: “Ngay sau đó 3 ngày, anh đã nhanh chóng đưa cháu lên Hà Nội khám. Các bác sĩ bảo về nhà theo dõi một tháng sau quay lại. Đúng hẹn, mình lại mang cháu lên. Nhưng kết quả là bệnh của cháu không thể chữa được. Nhiều lần đi lại khám bệnh, cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé Thu. Nên bây giờ, cứ trái gió trở trời cháu lại bị ho.”

Hai vợ chồng anh tuy sống nhờ vào vài sào ruộng và đồng công phụ hồ ít ỏi, nhưng vẫn luôn mong cho Thu bằng bạn bằng bè. Nhiều lần anh tìm cơ hội cho Thu được đi học nhưng không thành. Anh vừa kể vừa dưng dưng: “Có lần bé bảo: sao bố không cho con đi học, hay vì con không có mắt nên không được đi học”. Anh chị cũng không dám cho bé ra ngoài nhiều. Vì sợ con tủi thân nếu bị trẻ em trong xóm trêu trọc.

Trò  chuyện một hồi thì thầy Thích Giải Hiền đến. Vừa nghe thấy mọi người chào thầy, Thu đã nhanh nhẩu:

Con chào thầy

Sư phụ nắm lấy tay em, hỏi han và nhận ra em vẫn mang chuỗi vòng hạt và chiếc khăn quàng cổ mà các phật tử Đài Loan tặng. Sư phụ và hội đã nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Bán công chuyên khoa Mắt Hà Nội khám cho Thu. Nếu có thể cứu được đôi mắt em, các thành viên trong hội sẵn sàng ủng hộ.

Niềm hy vọng lúc này của cả Thu và gia đình là em được chữa khỏi để nhìn thấy cuộc sống. Sau nhiều bước khám bệnh của các bác sĩ chuyên gia, tia hy vọng dường như rất mong manh.                             

Đợi, người trực tiếp khám và chuẩn đoán cho em kết luận: “Da đã dính vào mắt, không có kết mạc, không có cơ vòng và cơ mi chỉ có da và tổ chức dưới da. Cho dù có mổ ra thì tự lớp da đó cũng sẽ liền lại, mà thậm chí còn dễ viêm nhiễm. Trường hợp này chỉ để thế này thôi, không thể làm gì được.”

Mọi người hỏi thăm và chia sẻ động viên với bố con bé Thu

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giờ đây em sẽ lớn lên với gương mặt không có mắt, với một cuộc sống là khoảng đen bí ẩn. Không chỉ có gia đình em mà cả những người có mặt trong buổi sáng hôm đó: sư phụ, chú Dũng, cô Mai, anh Tuất và tôi đều thực sự rất buồn vì đã không thể giúp được cho em nhiều hơn. Sau đó, sư phụ đã trao cho gia đình em 700 nghìn trợ cấp của tháng 4. Và cũng bắt đầu từ tháng tư này, mỗi tháng hội sẽ chuyển cho gia đình em 700 nghìn để chăm sóc cho cô bé.

Điều mà gia đình nhắn gửi là mong sao tìm được trường nào đó phù hợp để em được đi học. Trước đây, anh Cả có vào trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội xin học cho Thu. Nhưng anh bảo họ trả lời rằng: ở đây không nhận ngoại tỉnh.

Chia tay em, tôi vẫn nhận được lời chào ngọt ngào bằng giọng khàn khàn, nhẹ nhẹ: “Cháu chào cô”. Vẫn bàn tay ấm ấy, em đã truyền cho tôi cảm giác ấm áp lạ kì. Khi đó tôi đã nghĩ đến hai chữ: niềm tin và đáp lại em bằng một nụ cười.

L.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here