Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Chuyện về đại sư sáng lập phái Hoàng giáo Tây Tạng

Chuyện về đại sư sáng lập phái Hoàng giáo Tây Tạng

134
0
1. Tông Khách Ba sinh năm 1357 tại vùng Tông Khách ở Thanh Hải, Tây Tạng trong một gia đình quan lại quyền thế, nhưng đồng thời cũng là một gia đình Phật giáo. Cả cha lẫn mẹ của Tông Khách Ba đều là những tín đồ rất sùng tín của đạo Phật. Khi mới lên 3 tuổi, Tông Khách Ba đã được tổ đời thứ tư của chi phái Ca Nhĩ Mã (Karmapa) thuộc phái Cát Cử (Kargyupa) là Cát Mã Ba Nhiêu Tất Đa Kiệt truyền năm giới cấm và lấy pháp danh là Khánh Hỷ Tạng.

Cũng trong năm này, ở vùng lân cận có một vị đại Lạt Ma thuộc phái Ca Đương (Kadam) tên là Đốn Châu Nhân Khâm đã tặng cho cha của Tống Khách Ba rất nhiều ngựa, dê và nhiều tài sản quý kèm theo yêu cầu cha Tông Khách Ba phải tặng cậu cho ông ta. Cha của Tông Khách Ba đồng ý và từ đó Tông Khách Ba đi theo Đốn Châu Nhân Khâm.

Cho đến khi vào Tây Tạng, Tông Khách Ba đã được học rất nhiều kinh luận, đồng thời thực hiện các nghi lễ xối nước lên đầu của Mật tông. Pháp hiệu Mật tông của Tông Khách Ba khi đó là Bất Không Kim Cương. Tới khi lên 7 tuổi, Tông Khách Ba chính thức thụ giới sa di và theo học Đốn Châu Nhân Khâm.

Sau mười năm tu học với Đốn Châu Nhân Khâm Nhân, để có thể tiến bộ xa hơn trên con đường tu hành của mình, Tông Khách Ba, khi đó mới 16 tuổi đã xin phép sư phụ mình để qua Tây Tạng tầm sư học đạo mở mang kiến thức. Đầu tiên, Tông Khách Ba đến khu rừng Chỉ Công nằm ở phía Đông La Sa nghe vị đại sư phái Đại Thừa A Nhân Ba và nghe các giáo phái Đại Thừa.

Tiếp đó, Tông Khách Ba lại tới chùa Cực Lạc ở phía Tây La Sa để nghe kinh luận… Cứ như vậy trong suốt 3 năm tu học, Tông Khách Ba đã thụ lãnh tất cả giáo pháp về Nội Minh (kinh luật Hiển – Mật giáo), Thanh Minh, Nhân Minh, Y Phương Minh, Công Xảo Minh từ các vị đại Lạt Ma của những tông phái chính ở Tây Tạng như Ninh Mã, Ca Đương, Tát Ca, Cát Cử (hay còn gọi là Bạch giáo). Vì vậy, dù tuổi đời mới 18-19 nhưng Tông Khách Ba đã được công nhận là một đại học giả.

Tây Tạng

Cũng trong năm ấy, Tông Khách Ba đã thắng trong hai cuộc tranh luận với hai học giả lớn Chodra Chenbo và Samie tại hai tu viện lớn nhất của Tây Tạng thời bấy giờ. Tên tuổi của vị đại học giả Tông Khách Ba bắt đầu lan rộng ra khắp vùng trung thổ Tây Tạng. Sau cuộc tranh luận này, Tông Khách Ba cũng bắt đầu viếng thăm và tham dự nhiều cuộc tranh luận tại các tu viện.

Năm 19 tuổi, Tông Khách Ba đến Na Đường tìm thầy học kinh “Hiện quan trang nghiêm luận”. Tuy nhiên, trong sách này trích dẫn rất nhiều nguyên văn từ một cuốn sách khác có tên là “Cụ xá”, rất khó hiểu, vì vậy, Tông Khách Ba tạm dừng việc học sách “Hiện quan trang nghiêm luận” quyết tâm học bằng được sách “Cụ xá” trước.

Tại Na Đường, Tông Khách Ba đã chọn học sách dịch của “Cụ xá” trước. Tới năm sau đó, Tông Khách Ba đến Trạch Khâm mời Khánh Hỷ Tường giảng về “Hiện quan trang nghiêm luận” cho mình nghe. Khánh Hỷ Tường sau đó lại giới thiệu Tông Khách Ba đến chỗ của Nhân Đạt Ba để nghe ông giảng về “Cụ xá”. Nhân Đạt Ba là một đại sư trí tuệ cực kỳ uyên thâm, và đây cũng là người thầy có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp tu hành của Tông Khách Ba.

Trong số các vị đại sư Tây Tạng trước và sau mình, Tông Khách Ba được coi là người học rộng và uyên thâm nhất. Gần như không có bất cứ sách kinh luận nào của Phật giáo có ở Tây Tạng mà Tông Khách Ba chưa từng nghe giảng hoặc được truyền dạy trực tiếp. Chính vì vậy, khi Tông Khách Ba chính thức thụ giới Tỳ kheo và thu nhận đồ đệ, đã có rất nhiều người tìm đến theo học.

Tượng Tông Khách Ba

2. Sau khi thụ giới Tỳ kheo và bắt đầu thu nhận đệ tử vào năm 29 tuổi, Tông Khách Ba bắt đầu đổi sang đội mũ màu vàng. Các đệ tử của Tông Khách Ba sau đó cũng đều học theo ông đội mũ vàng, nhờ vậy bắt đầu hình thành Hoàng Mạo phái (hay phái mũ vàng). Mũ vàng vốn là mũ dành riêng cho những đại sư có nhiệm vụ duy trì giới luật.

Sách “Nguồn gốc các tông phái” nói, khi Công Ba Nhiêu Tắc tiễn Lô Hải tới Tây Tạng đã lấy chiếc mũ màu vàng mình đang đội trên đầu tặng cho Lô Hải, nói rằng, đội chiếc mũ này để nhớ tới mình. Công Ba Nhiêu Tắc là người đã phục hưng Phật giáo sau khi Phật giáo tại Tây Tạng bị bạo chúa Lương Đạt Mã ra lệnh khủng bố.

Vì vậy, trước thời Tông Khách Ba, những người duy trì giới luật của Phật giáo thường đội mũ màu vàng để tưởng nhớ tới Công Ba Nhiêu Tắc. Tông Khách Ba vì muốn chấn hưng lại giới luật khi đó đã bị các giáo phái sao nhãng, vì vậy mới học theo những người giữ giới luật đội mũ màu vàng.

Trong mười năm sau đó, tuy vẫn còn đi tham gia học với các vị đại Lạt Ma, cũng như nhận trọng trách hoằng pháp, nhưng Tống Khách Ba vẫn thường chú trọng việc tinh tấn tu trì khổ hạnh, nên đã đạt được Mật pháp bí yếu viên mãn. Qua tuổi 40, Tông Khách Ba bắt đầu tiến hành công cuộc cách mạng tôn giáo qua việc đề xướng giới luật thanh tịnh của ba thừa (Tiểu thừa, Bồ tát thừa, Mật thừa).

Đây cũng là thời gian ông trước tác quyển “Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận”. Tới năm 47 tuổi, Tông Khách Ba lại trước tác quyển “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”. Hai quyển “Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận” và “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận” sau này trở thành những tác phẩm đại biểu cho tư tưởng hệ thống hóa toàn bộ giáo nghĩa Đại – Tiểu thừa Hiển – Mật giáo của Tông Khách Ba.

Tới năm 1408, khi Tông Khách Ba 52 tuổi, vua nhà Minh là Minh Thành Tổ cho đoàn sứ thần hơn trăm người sang mời ông đến Trung thổ giảng pháp. Tuy nhiên, Tông Khách Ba đã từ chối. Do không mời được Tông Khách Ba, lại sợ Vua Minh Thành Tổ phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ nên các sứ thần nhà Minh đã cố thuyết phục để Tông Khách Ba cho phép người đệ tử giỏi của mình là Thích Gia Trí thay mặt mình tới đất Trung thổ giảng pháp. Ngay sau khi Thích Gia Trí tới kinh thành và yết kiến Minh Thành Tổ lập tức được phong làm Đại Từ Pháp Vương.

Một năm sau đó, Tông Khách Ba thiết lập Đại pháp hội cúng Dường chư Phật tại chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát với sự tham dự của hàng trăm ngàn tăng ni và cư sĩ, cùng đạt được rất nhiều điềm linh dị kiết tường (từ đó cho đến ngày nay, chư Tăng Tây Tạng vẫn y theo truyền thống tổ chức Đại pháp hội cúng Dường chư Phật vào tháng giêng trong mỗi năm). Đồng thời, do lời thỉnh cầu của chư đệ tử, Tông Khách Ba kiến lập chùa Cách Đăng (Ganden) để làm đạo tràng chính cho phái Hoàng giáo.

Thể theo lời dạy của Bổn Tôn Bồ Tát Văn Thù cùng Diệu Âm Thiên Nữ, Đại sư cùng hơn bốn mươi đồ đệ tu trì và được thành tựu với pháp tiêu tai tăng thọ mạng. Tới năm 1415, đại đệ tử của Tông Khách Ba là Ráng Dương Kiếp Kết sáng lập chùa Triết Bang (Drepung), trở thành đạo tràng thứ hai của Hoàng giáo.

Năm Tông Khách Ba 61 tuổi, ông đã cho xây một mật điện đặt tên là Quảng Nghiêm trong chùa Cách Đăng để chuyên tu Mật pháp. Tới năm 1418, một đệ tử khác của Tông Khách Ba là Thích Ca Dã Hiệp kiến lập chùa Sắc Nhạ (Sera), trở thành đạo tràng thứ ba của Hoàng giáo. Phái Hoàng giáo ngày càng được mở rộng.

Tu viện Tây Tạng

Vào ngày 25/10/1419, sau 60 năm theo đuổi con đường tu hành, đại sư Tông Khách Ba đã qua đời. Năm đó ông 63 tuổi. Suốt cuộc đời Tông Khách Ba là cuộc hành trình học tập không ngừng nghỉ. Ngay từ nhỏ, ông đã tham gia học tất cả các tông phái, các kinh luận Phật giáo vì vậy, sau này ông không chỉ tổng kết lại giáo lý Đại – Tiểu thừa, Hiển – Mật giáo mà còn thông qua những cuốn sách ấy tự đứng thành một chủ thuyết riêng, có cách lý giải riêng.

Từ đó, ông tự sáng lập nên giáo phái Hoàng giáo có sức ảnh hưởng rất rộng rãi thời bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, các tín đồ Phật giáo thuộc hệ thống Tạng ngữ vẫn tôn sùng ông như một vị giáo chủ.

Sau khi Tông Khách Ba viên tịch, các đại đệ tử tiếp tục tu tập và truyền bá giáo pháp Hiển – Mật theo đường hướng cải cách giáo chế của Tông Khách Ba. Thế nên, suốt hơn sáu trăm năm, Hoàng giáo đã và đang là một tông phái lớn nhất ở Tây Tạng. Hiện tại, Hoàng giáo nói riêng và Phật giáo Tây Tạng nói chung vẫn được truyền bá rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Có được điều đó là nhờ phần công rất lớn của đại sư Tông Khách Ba, vị tổ sáng lập nên giáo phái Hoàng giáo.

Bằng Hư (phunutoday)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here