Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Chuyện rau Muống: "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời...

Chuyện rau Muống: "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau!" của một người mẹ

151
0

Chuyện bên lề hội Vu lan, bắt đầu từ đâu không ai biết, chi biết có mẫu chuyện hóm hính vui vui bên mái nhà tranh trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán lúc giải lao. Xin trích dẫn: “Miền trung thời tiết lạ chi chi! mấy hôm chuẩn bị thì trời nắng chang chang, Vu lan tới thì trời mưa như trút nác (nước), trời không thương mùa Vu lan Huế rồi. Mưa ri mai rau muống chắc ngon. À! rau Muống, mọi người biết câu chuyện này không? Là thế này, ở vùng quê nghèo nọ nhiều hồ, ao chuyện có bà mẹ bồng con thơ ra chỉ tay xuống hồ rau Muống và nói với con mình: “Đó, hồ rau muống đó con, cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau!” mọi người hiểu thầm rồi cười vui, không ai biết trời đang nắng hay mưa mà chỉ có một mùa hoan hỷ với nụ cười hàm tiếu nở trên môi.

Không ai biết sau đó lại là một câu chuyện dài, cô bé đến gần bên tôi không nói năng chi, nhìn tôi với vẻ sầu nhớ cái gì đó xa xăm. Kể ra mới biết, quê cô bé ở Quảng Bình, mẹ cô vốn sống bằng nghề trồng bán rau Muống, tảo tần nuôi gia đình và mấy chị em ăn học. Thì ra cái thứ rau vốn bình dân ấy mà ta quen mỗi bữa cơm. Bát canh rau Muống, đọi Cà dầm tương thì ngon chi bằng. Và chúng ta chẳng ai nhớ nổi rau Muống có trong bữa cơm Việt từ bao giờ và thưởng thức nó lâu nay. Cô bé rơi lệ nhìn về bờ sông Hương rúc rích tâm sự. Anh ạ! mẹ em sinh ra em, em lớn lên nhờ rau Muống, áo quần em mặc, dép em đi, sách em học… đều là rau Muống đấy thôi. Mẹ em sáng tinh mơ đã chèo ghe đi hái Muống, trời sáng lại ra chợ bán, tối chợ hết hàng mới về nhà, quanh năm với bó Muống mà chưa biết, chưa dự ngày Vu Lan nào, tội mẹ em thật, tự dưng nhớ!. Quê em chùa ít, sách Phật lại hiếm hoi, mấy ai biết ngày Vu lan báo hiếu, với mẹ rau Muống lại rõ hơn ấy chứ. Cô bé im lặng mặc cho những hạt mưa thấm vào chiếc áo dài mỏng mảnh. Tôi biết em không thấy lạnh mà em đang nhớ mẹ, nhớ bó rau Muống quanh năm quấn bên mẹ, là người bạn của mẹ dãi dầu mưa nắng, thương con vất vả cho ngày lớn khôn. Cũng như cây Muống cắt rồi mọc, mọc rồi cắt, cho ngày nay, cho ngày mai cho muôn đời sau… cho bữa cơm ngon miệng. Vì thế! Muống trở thành món ăn truyền thống của dân tộc và sẽ gắn bó lâu bền trong mâm cơm Việt. Cũng như Muống, mẹ chịu bao sương gió nỗi trôi, cho con, cho gia đình cái tình mẫu tử một con người chỉ một lần được vậy. 

"Ai cũng cầu mong cho mẹ được sướng sung, cơm ngon chăn ấm. Nếu được chọn lời ước nguyện em cũng chỉ ước như vậy nhưng em vẫn muốn mẹ bán rau Muống". Cố bé ngồi lên chiếc ghế tre nhìn vào Trung tâm Văn hoá Liễu Quán và nói rí rí nhưng cố tình làm cho tôi vẫn nghe được: “Ước chi mẹ có duyên với nhà Phật”. Chừng ấy thôi cũng làm cho phận làm con như tôi nghĩ về chính mẹ mình. Cô biết nhà Phật chủ trương ăn chay nên cô bé vui, vui vì mẹ không mang nghiệp sát sinh và nói: May cho mẹ, bán rau Muống, chứ nhiều bà mẹ buôn thịt, bán cá nghĩ mà thương, tất cả suy cho cùng cũng vì con mà nghiệp chướng đầy

mình. Đâu có mấy khi có dịp đi chùa lễ Phật, đến chùa học Phật…

Cô bé chỉ cầu có một chuyện, cầu cho mẹ hợp duyên với chùa, với Phật mà được hưởng quả lành ngay ở hiện tại, tránh được nghiệp chướng do vô minh. Cầu cho mẹ bán rau Muống nhưng vẫn ung dung tự tại, dẫu vất vả nhưng lại hưởng quả tự do thơm mát. Nhớ lại bài “Bông hồng cài áo” của thầy Nhất Hạnh mà lâu nay tôi vẫn cầm đọc mà chưa kịp ngộ ra. Thế nào là con thương mẹ, thương như thế nào và thương ra sao… cũng không bằng mẹ gặp được giáo lý nhà Phật, đó là con đường của niềm vui, tình thương và sự hiểu biết, con đường báo hiếu chân thực và bền vững nhất.

Nhân ngày Vu lan cầu chúc cho những ai làm mẹ điều là Bồ tát trong lòng chúng con. Ta ngâm một đoạn trong bài hát “Huyền thoại mẹ” của nhạc sị Trịnh Công Sơn: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ…” và hiểu tình mẹ bao la biết nhường nào!!!

     Huế 15/07/AL
        N.B 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here