Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Chuyện khóm gừng và luống rau diếp

Chuyện khóm gừng và luống rau diếp

132
0

Năm nào trời cũng giáng cho miền Trung đến vài trận lụt tả tơi. Ngoại lệ, sau 23 tháng 10 ba hôm lại bồi thêm hai trận nữa. Nước ngập triền miên, đồng bào miền thấp trũng sống chung với lũ, khiến cho cây cỏ phải chịu tang thương:

Lởm chởm vài hàng tỏi
Lơ thơ mấy khóm khương
Vẻ chi tèo tẻo cảnh
Thế mà cũng tang thương
(Nguyễn Gia Thiều – Cảnh nhỏ)

Nhóm gừng, luống rau của vườn chùa ở đồng bằng đã bị nước ngập đổ vào nhiều đợt, chà đi xát lại nhiều lần. Thân cây khóm gừng đã tàn úa, nhưng củ và rể của nó đâm sâu xuống lòng đất nên sau lũ đã hé nụ đâm chồi trông thật vững vàng: “Còn da lống mọc, còn chồi nở hoa”. Chất cay cay thì the thía thật hèn gì mà tên chữ của gừng là “cương” âm hưởng đọc lên gần giống với chữ “khương”có nghĩa là “mạnh khỏe” trong lời chúc tụng.

Tội nghiệp cho luống rau diếp cá thì không tài nào chịu nỗi cảnh nước ngâm dài ngày, bùn non đè lên đến nỗi làm thối cả thân, lá và tận rễ. Dường như ở chốn làng quê chìm nghĩm trong nước lũ vừa rồi, loài rau đã chết theo cùng những vồng khoai, luống sắn cứu nguy mà Lê Quí Đôn đã xếp hai loại này vào hàng bách cốc, ngoài năm loại ngũ cốc chính nuôi dưỡng thân người. Chúng điệu thản nhiên bảo nhau: “không sao”, sẽ lên miền cao không ngập lụt mua giống trồng lại các luống rau cho vườn chùa tốt tươi như trước.

Không ngờ nhà chùa lại có duyên lành, chủ nhật vừa rồi, trời hé nắng trở lại, từ phương xa có một đạo hữu đã lặn lội đến thăm quý cô sau trận thủy tai, lại mang theo cúng dường giống cây diếp cá có thân săn chắc mà lại ngon ngọt và một bắp chuối sứ to tướng bằng quả chày vồ giả gạo.

Có bắp chuối sứ mà không làm món chiên tẩm bột mì chấm nước tương gừng thì quả thật uổng cho bắp chuối và tội cho công khó lặn lội đường xa của đạo hữu nhà chùa đã chọn tìm cho ra “hàng độc”:

Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng trôi không tiếc, tiếc công  cầm vàng

Bắp chuối chứa nhiều sữa thực vật cho nên trong cúng kị ở làng quê không thể nào thiếu món được chế biến từ “bắp hoa”này còn được gọi là “lương dược”. Gừng cay sẽ điều hòa “chất mát”có sẵn ở trong bắp chuối sứ gợi nhớ, gợi thương.

Lại nữa, biết rõ nhà chùa thường dùng rau diếp cá, rau tía tô để ăn sống với nước tương hòa chao pha ớt, đạo hữu này lại gói sẵn mười khuôn đậu nành và một bó rau thân cây diếp cá còn vướng những chòm rễ già bọc trong vài bẹ chuối rất cẩn thận. Chưa hết, đạo hữu bàn lấy thêm mọt chai tiêu bột trong dãy ra, đặt bên món quà cúng dường nhà chùa sau trận thủy tai.

A-di-đà Phật, gừng cay, muối mặn và tiêu sọ Lao Bảo cũng cay thấm thía đượm đà mà lại phảng phất hương vị của xứ có gió Lào nóng như lửa đốt, thổi mạnh làm gió cát tung bay hắt rát cả vào mặt mày túi bụi người dân miền “Ô châu ác địa” sống đời hiền hòa. Chất cay cần cho cơ thể chống lại tiết trời se lạnh. Rau diếp cá ăn với một nửa khuôn đậu chiên dầu Trường An thì nhất sách. Nửa rau còn lại để gầy giống cây quý cho nhà chùa. Năm khuôn đậu – tươi tắn và tinh khiết, dựng trong hộp xốp để dành cho dì vãi làm chao.

Sau bữa cơm chiều, quý cô đem bó thân cây diếp cá ra vườn chùa trồng ngay, chúng điệu nhìn nhau hoan hỷ. Trời ơi! Cái ông đạo hữu “ngồ ngộ” này thực là “lạ thường” thật. Lạ mà không lạ, ăn rồi ông ấy chỉ ưa đi chùa, làm việc chùa không từ nan một việc gì kể cả việc nhổ cỏ, cạo rêu phủ bám vách tường, mộ tháp… Ông đi chùa đến nỗi bà con láng giềng lối xóm hễ thấy ông ra khỏi nhà, phóc lên ngựa sắt cà tong là biết ông đi lễ hoặc lên chùa hoặc đi làm từ thiện. Vợ con ông và cả bầy cháu nội ngoại đều nhất tâm ủng hộ. Mỗi lần xong “phi vụ”, ông hân hoan trở về tổ ấm, nếu có lộc Phật, ông chia đều cho mọi người thân.

Tưởng không chừng Đạo pháp ngày càng vẻ vang là do những cái “ngộ ngộ” và “chất phác” ấy của những đạo hữu tín thành với cửa Phật. Mỗi người phụng đạo mỗi cách, mỗi vẻ, mỗi hạnh để kết dệt thành xâu chuỗi, trở thành duyên lành mà “góp gió”làm cho nhà chùa hưng thịnh.

Ai ơi, xin đừng thấy việc thiện nhỏ mà chê không làm – Giáo pháp ở chốn Thiền môn chủ trương bình đẳng, nhất thiết không có tâm phân biệt. Đầy vơi bát gạo đồng tiền, tùy duyên phát tâm Bồ đề cứu nhân độ thế, phụng đạo giúp đời. Cửa chùa rộng mở nào đâu phân biệt sang / hèn, mới / cũ, lớn / nhỏ theo lối “coi ma đơm mâm” ở ngoài thế tục, không dung hợp với giáo lý nhà Phật xưa nay:Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

Mậu Tài, mùa lũ về
L.T.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here