Liêm còn có biệt danh "ẩn sĩ" vì dám bỏ cả một cơ ngơi bề thế ở thành phố để về quê ở. Cũng có cái lý vì quê Liêm vốn là địa danh văn hoá, sông nước hữu tình. Lần này về thăm, cậu ấy thật là “công tư vẹn cả đôi bề”.
Liêm đón tôi bên cạnh cây cầu dẫn vào làng. Cây cầu còn mới trông bề thế, vồng cao lên so với mặt sông. Có lẽ để đề phòng lũ. Vùng này là rốn lũ mà . Giọng Liêm hồ hởi: "Cây cầu này mới xây, khánh thành khoảng 8 tháng, thay cho cây cầu gỗ đã mục nát cùng lúc làng được nhận danh hiệu "Làng cổ" 400 năm đấy. Trên 40 nhà rường gần như nguyên vẹn. Còn cả sắc phong của nhà vua nữa. Làng bây giờ có tên trong các tour du lịch của tỉnh".
Liêm đãi tôi một bữa “quà quê” như lời cậu ta nói. Mâm đồng 3 chân sáng loáng, đĩa bát xanh lam, màu men cổ lờ mờ dấu rạn vết chân chim, cách nấu nướng và bày biện… Có lẽ Liêm muốn giới thiệu với tôi một cách kín đáo nét văn hoá ẩm thực của làng cổ. Dân dã thực đấy vì toàn là "rau trong nội, cá trong ao". Nhưng cái dân dã khiến cho những người sành ăn như Tản Đà nếu sống dậy cũng phải ngã nón cúi chào.
Xế chiều Liêm đưa tôi đi vòng vòng giới thiệu mấy chỗ: đình làng, miếu cổ cây Thị, giếng Ngọc, một vài ngôi nhà rường tiêu biểu tuổi thọ trên cả trăm năm gần như nguyên vẹn. Chiến tranh ác liệt thế, bão lụt triền miên thế, sự tồn tại của nó thật là một điều kì diệu. Một xưởng gốm vừa được phục dựng cũng chỉ ở mức làm sống lại cái nghề đã thất truyền và thêm vào một hạng mục để du khách tham quan. Chúng tôi đi trên những con đường làng quanh co rợp bóng. Gió từ mặt sông cứa vào bờ tre kẽo kẹt. Hương hoa oanh trảo thơm lừng. Buổi chiều êm êm, lặng lặng như thấm vào hồn người. Xưa vẫn thế và nay vẫn thế. Trong cái tĩnh lặng đến vô cùng dường như nghe được từ trong lòng đất xôn xao, rì rầm mạch sống từ bao đời, quá khứ 400 năm như hiện về dưới mỗi bước chân đi.
Liêm đưa tôi men theo một con đường vạch ngang bãi cỏ xanh um, lần theo những bậc cấp bằng đá thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Một con thuyền đang buộc vào gốc sung, thân oằn, tán loà xoà trên mặt nước.“Chúng ta xuống thuyền nghỉ một lát, vừa hóng gió vừa nói chuyện.”
-Thuyền của cậu à?
Liêm không trả lời, nâng tấm liếp tre lên. Trông cậu ta có vẻ quen thuộc với nơi này lắm. Lòng thuyền trống không. Một tấm ván neo chặt vào vách, trên có hai bát nhang một lớn một nhỏ”. Thuyền này không phải của mình. Cậu có muốn nghe câu chuyện về chiếc thuyền này không?”. Đang linh hoạt thế bỗng nhiên thấy vẻ mặt của Liêm trầm tư hẳn. Tôi không khỏi tò mò. Máu nghề nghiệp nổi dậy. “Ừ, cậu kể đi”.
-…Con sông này chia làng mình ra làm hai. Bãi cát bồi bên kia chỉ có dứa dại và xương rồng là thế giới của người chết. Bờ này là của người sống. Còn một thế giới chẳng phải bên này cũng chẳng phải bên kia là của gần năm chục hộ cư dân vạn đò ở ngã ba sông từ các nơi khác lưu tán về đây. Lão Mến-chủ con thuyền này-là một trong số đó. Vợ lão mất đã lâu. Lão có hai con. Thằng con trai lão cùng với đám thanh niên trong làng rủ nhau vào Nam kiếm sống. Đi đã mấy năm, không về thăm lần nào, tin tức thỉnh thoảng mới có. Lão sống với đứa con gái tên Thương chắc cũng đã hai mươi.
Hình như chẳng có mối quan hệ nào giữa ông già gầy yếu hom hem với cô con gái đẹp lạ đẹp lùng của lão. Con bé có nước da rám hồng, tóc hoe vàng của cư dân vùng sông nước. Trước đây đó là khuyết điểm nhưng bây giờ hoá ra lại hợp thời. Đôi lông mày đen, hơi xếch. Mắt nâu màu hạt dẻ dưới làn mi dày và cong. Mủi hếch và khoé môi cong cong trông như mĩm cười. Vẻ mặt trẻ con, hồn nhiên trái ngược với thân hình nẩy nở toàn là những đường cong, nét lượn. Sức sống tràn trề căng bật ra dưới bộ quần áo cũ kĩ, bạc màu, đôi lúc ngắn cũn cỡn. Chỉ có nắng, gió, sông nước ở cái ngã ba sông này hun đúc chứ nó thì được ăn uống tẩm bổ cái gì. Nó đẹp nhưng không biết mình đẹp. Cũng chẳng biết chăm chút như phần lớn các cô gái bây giờ. Nhưng lão Mến thì biết, có lẽ vì thế lão giữ riết con bé dưới thuyền, chẳng cho giao thiệp với ai. Ít thấy con bé lên bờ ngoài những lúc thay lão đi bán cá. Thỉnh thoảng mình gặp nó trên đường. Ở con bé toát ra một lực hút kì lạ. Thấy nó, con gái đồng lứa thì ghen tức, thanh niên không ngăn được tiếng huýt sáo trầm trồ, phụ nữ thì ưu tư, còn đàn ông lớn tuổi nhớ lại một thời trai trẻ. Nó chẳng hề biết điều ấy, rổ cá cắp ở tay, cứ thế lướt qua với những bước chân tràn đầy niềm vui, mắt nhìn thứ này , thứ kia thú vị , bỡ ngỡ như lần đầu mới gặp. Nó đẹp đến nỗi hoa lá cũng phải nao lòng…
Cô gái có vị trí như thế nào trong câu chuyện và trong tình cảm của Liêm mà cậu ấy lại kể với một ấn tượng sâu sắc đến như vậy. Tôi mĩm cười thú vị, quan sát cậu ta và hi vọng nghe được một câu chuyện tình lâm li. Cậu ấy goá vợ đã 6 năm. Cũng đến lúc phải tái hôn. Ngoài 40 và 20. Ừ thì khoảng cách ấy cũng có xa thực đấy. Nhưng trong tình yêu, tuổi tác thì có nghĩa gì. Một giáo sư tiến sĩ người Trung-Quốc 86 tuổi, có một cô vợ trẻ 26, đáng tuổi cháu, có sao đâu. Nhưng tôi không thấy có sự phấn khích và niềm vui trên mặt Liêm. Giọng nói trầm tư và ánh mắt xa vắng quá khiến tôi dù tò mò vẫn không dám hỏi, im lặng kiên nhẫn lắng nghe.
-…Mình phải kể thêm cho cậu nghe về lão Mến. Lão là một người nghèo nhất trong số dân vạn đò ở ngã ba sông. Cá bán không được là bao đâu, chỉ đủ nuôi hai miệng ăn. Lão phải đi làm thuê, làm mướn trong làng. Có điều lúc nào cũng có việc vì người ta thích cái tính siêng năng, thật thà của lão. Lão không như người khác chực chờ chủ nhà không để ý mà lãn công. Lão làm đâu ra đó, moi móc công việc mà làm mà tiền công vẫn thế. Đến giờ ăn trưa giục vài lần mới nghỉ. Trời tối mịt mới ra về. Mình hay thuê lão làm cái này, cái kia mình biết. Nghèo nhưng không ham tiền và sĩ diện lắm. Giỗ, Tết cũng biết đem cá biếu người quen. Nhỡ có bị ốm mà nhận tiền trước thì cũng làm cho hết mới nhận tiền công lần khác. Lão sống theo chuẩn mực đạo đức trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư đầu thế kỉ trước….
Liêm hơi trầm ngâm. Đôi mắt buồn ngó trông ra dòng sông thoáng rộng…
…Chuyện đời nghĩ cũng lạ. Có những chuyện xa lắc, xa lơ dường như chẳng hề liên quan, lại chi phối nhau theo một qui luật bí mật nào đó đưa đến những kết quả thực bất ngờ…Bà cô không chồng đang ở với mình, không bệnh hoạn gì hết, tự nhiên lên cơn đau tim bất tử rồi qua đời. Mình phải cặm cụi tự lo việc bếp núc. Trông thế chứ tỉ mỉ, phức tạp và mất thì giờ lắm cậu ạ. Ăn uống thất thường mình gầy nhẳng. Thấy vậy lão Mến đề nghị cho con gái lão lên giúp việc nhà cho mình một thời gian. Ngày làm việc, chiều về. Mình ngần ngừ, chưa nhận lời vì cũng thấy ngại. Cho dù nó đáng tuổi con, tuổi cháu, nhưng dù sao cũng là đàn ông goá vợ với gái lớn chưa chồng. Vả lại nó quá đep. Một bà già lớn tuổi có vẻ thích hợp hơn. Nhưng tìm đâu ra được. “Tôi biết ông là người nhân nghĩa thương người. Tôi tin ông. Miễn là lòng mình trong sáng. Sống ở trên đời làm sao tránh được điều nọ tiếng kia”. Mệt mỏi quá vì công việc, nghe giọng nói chắc nịch của lão, mình không còn do dự. Con bé thừa hưởng tính chăm chỉ, thật thà của bố nó. Có nó mình đỡ chân đỡ tay rất nhiều và vui lây với cái tính trẻ con, hồn nhiên của nó. Tưởng như êm xuôi…nhưng không phải thế…Sự việc bây giờ mới thật sự bắt đầu…Liêm ngừng nói một chốc như để nhớ lại…
…Những lời đồn đại râm ran…Những tiếng xì xầm to nhỏ…Nụ cười chế giễu và ánh mắt nhìn xoi bói sau lưng…Mình lờ mờ thấy điều gì đó nhưng chỉ khi ông chú bà thím mình kêu đến thì mọi việc mới vỡ nhẻ. “Anh có lấy vợ lại thì cũng phải chọn người đồng trang, đồng lứa để nó đỡ đần cho mình, coi sóc nhà cửa, lo việc kị giỗ. Đằng này con bé ấy trẻ quá, chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Làm như thế làng nước người ta cười, không phải chỉ riêng mình anh mà cả giòng họ nữa…”. Đến đây bà thím mới điềm đạm chen vào: "Mình là người có học, con nhà gia thế…nó là dân vạn đò…chú thím e rằng nó không thực lòng với anh…Sợ rằng cha con nhà ấy chỉ mưu mẹo bòn rút của anh mà thôi…". Mình nghĩ đến lão Mến và con Thương mà tức thay cho họ. Cứ là dân vạn đò thì chẳng có nhân nghĩa đạo đức hay sao. Nhưng mình kìm lại được. Cãi cọ liệu có ích chi. Họ cũng có cái lý của họ, không trách được. Mình vâng dạ và hứa sẽ giải quyết việc này sớm sớm mà thôi.
Liêm ngừng lại như để nhớ lại mọi chuyện…Tôi hồi hộp đợi chờ và lo lắng giùm cho cậu ta bỗng dưng vướng vào một rắc rối khó chịu không đáng có… "Cậu có nhớ cái điếm canh đầu làng, gần chân cầu không nhỉ"?
-Ừ,có.
-Nó cũng khá rộng, nhà thầu thi công cây cầu đã xây một cái lán cạnh đấy để tập kết vật liệu. Có một thủ kho và một người bảo vệ. Cậu bảo vệ tên Thái khoảng chừng 28, 30 gì đó. Người lực lưỡng, giọng Nam nhễ nhại, lạ tai. Cách nói chuyện hóm hỉnh, có duyên, hơi có chút thô lỗ của dân cầu đường lăn lóc từng trải. Có một kho truyện tiếu lâm để tạo tiếng cười và gây không khí thân thiện. Biết cách lấy lòng phụ nữ và cả người lớn. Thỉnh thoảng Thái qua nhà xem thời sự và bóng đá. Chính mình cũng thấy thích thích cái vẻ hoạt bát của cậu ta. Từ ngày có con Thương, mình thấy Thái năng qua nhà hơn, lân la trò chuyện, làm thân với con bé. Ban đầu, con Thương cũng có vẻ rụt rè, e ngại, về sau cũng quen dần. Có Thái sang chơi, con bé nấn ná ở lại chưa chịu về. Đợi khi con Thương ra về, cậu ta ráng thêm 5 phút cho tự nhiên rồi ba chân bốn cẳng đuổi theo. Có một lần đi đâu đó về, mình bắt gặp hai đứa trong bếp. Cậu ta đang kể chuyện, con bé cười, mắt tít lên, nét mặt rạng rỡ. Trông chúng có vẻ thân mật lắm. Những điều ấy chẳng qua được mắt mình nhưng mình thấy vô hạị, cái lẽ tự nhiên của thằng đàn ông khi thấy đứa con gái đẹp.
Cây cầu sắp xong, chỉ còn hoàn tất những hạng mục phụ. Ngày đón nhận bằng” Chứng nhận di tích” cũng đã gần kề. Mình được bổ sung vào ban truyền thống soạn thảo lịch sử cho làng. Mình bị cuốn vào công việc chẳng mấy khi ở nhà. Đùng một cái ông chú bà thím sai người kêu lại. Không biết có việc gì nữa đây, mình băn khoăn tự hỏi. Lần này họ không thận trọng rào trước đón sau mà đi thẳng vào vấn đề. “Anh có biết không. Làng nước đồn um lên chuyện con Thương đi lại với thằng cha cầu đường tên Thái….Người ta bắt gặp tụi nó đêm hôm ở chân cầu, ở dưới bến…Rồi đến lúc bụng nó chướng lên, nó đổ vạ cho anh thì mất mặt…Khéo rồi lại nuôi ong tay áo…” Lần này trông ông bà giận dữ thực sự. Mình cũng ngạc nhiên và giận vì cảm thấy như bị cả hai đứa lừa dối. Sự thể đến mức như thế này thì phải giải quyết gấp thôi.
Lần ấy về, đắn đo mãi, mình kêu nó lên. Thấy vẻ mặt nghiêm trang khác thường của mình con bé có vẻ sợ. Mình thấy sao khó mở lời quá! Lấy tư cách gì đây, lại là đàn ông nữa, mở miệng làm sao với những điều khó nói và tế nhị như thế. Dù sao cũng phải có trách nhiệm với ông già nó”. Cháu có…tình cảm với thằng Thái phải không?” Nó không nói. Nhưng câu trả lời nằm ở khuôn ngực trẻ phập phồng lên xuống, là gò má từ từ ửng đỏ, là ánh mắt ngời ngời, là nụ cười bẻn lẻn cố dấu niềm hạnh phúc tràn trề. Tên “Thái” như một nốt nhạc ngân nga làm khuôn mặt nó bừng sáng như một đoá hoa. Nó đã yêu. Không dấu được điều đó. Yêu bằng tình yêu bản năng thuần khiết của người đàn bà đầu tiên đối với người đàn ông đầu tiên trên trái đất. Không phân tích, lí luận. Vì thế những từ “gốc gác không rõ ràng, lừa dối, đề phòng, phận gái giữ mình” mà mình cố gắng dùng lời lẽ diễn tả cho dễ hiểu không có tác dụng gì cả. Mình bất lực như một thầy giáo tồi trước một cô học trò nhỏ. Sự thể như thế này thôi cũng đành vậy. Mình tự nhủ lễ hội cũng gần kề, cây cầu cũng sắp khánh thành, đến lúc đó giải quyết cũng chưa muộn.
Cây cầu được khánh thành cùng ngày với làng được công nhận di tích “Làng cổ”. Lễ hội tiến hành trong ba hôm. Cuộc sống bình lặng thường nhật được khuấy động. Ai nấy đều hồ hởi, mãn nguyện nhất là ban tổ chức trong đó có mình. Nhà thầu rút hết. Cậu Thái thuộc nhóm ra đi cuối cùng. Ngày cậu ta qua chào, mình thấy nhẹ nhỏm. Chỉ cần tích cực kiếm người thay con Thương. Thế là xong. Đương nhiên con bé buồn ra mặt. Nó có dấu được điều gì. Mình nghĩ chỉ cần thời gian, mọi việc rồi sẽ qua hết. Ba ngày sau Thái ra đi, mới tờ mờ sáng, lão Mến hớt hải chạy lên nhà mình cho biết con Thương đã bỏ nhà trốn đi. Chao ôi! Cái điều mình không lường trước nay đã xảy ra. Mình đã chậm chân một bước. Còn nước còn tát, mình lấy xe đèo lão Mến đến mấy chỗ trong làng, lên phố, lùng sục ở bến tàu, bến xe suốt một ngày. Chẳng có dấu vết gì cả. Ông lão suy sụp hoàn toàn. “Tôi sẽ nhờ cậu bạn rao trên TV, báo cho công an biết. Chắc thế nào cũng tìm ra nó. Ông đừng lo”. Mình an ủi lão thế nhưng chính bản thân mình cũng chẳng tin nỗi lời mình nói ra. Mình bảo lão đừng lo nhưng mình lại lo điến người với hình ảnh con bé ngờ nghệch thế kia vào tuốt trong Nam hay ra tận cùng biên giới phía Bắc…
Ba ngày sau, vào lúc xâm xẩm tối, con Thương trở về. Trông nó phờ phạc, áo quần nhầu nhò bẩn thỉu. Mình mừng quá! Mình không dám hỏi điều gì. Có lẽ bây giờ chưa phải lúc. “Cháu ăn tối chưa?”. Con bé lắc đầu. Nó ăn ngấu nghiến một lúc hai bát mì không kịp thở. Đắn đo mãi mình lựa lời: "Mấy ngày qua cháu đi đâu? Bố cháu lo lắm. Sao đi mà không nói".
-Cháu đi tìm anh Thái.
-Nó đi rồi biết đâu mà tìm. Nó có hẹn cháu không? Con bé lắc đầu. “Thế tiền đâu mà cháu đi được?”
-Trước khi đi anh Thái có đưa cho cháu.
Mình rủa thầm thằng đàn ông bất nhân nhưng ngoài mặt vẫn cố gắng bình tỉnh. “Cháu về được đây là tốt rồi. Nghỉ ngơi một lát rồi về kẻo bố cháu trông. Ông có la thì cũng ráng mà chịu nghe chưa”.
-Dạ…
Mình đi lên nhà một lát rồi trở xuống, thấy con bé nằm ngủ trong bếp, đầu gối lên bọc áo quần, vẻ mệt mỏi vẫn còn đọng trên khuôn mặt. Không nở kêu nó, nhưng như thế này lỡ ai đến gặp cũng thật là bất tiện. Thêm cơ hội cho những kẻ ăn không ngồi rồi đơm đặt. Mình lay nó dậy và giục nó ra về. Con bé tần ngần một lát rồi ôm bọc áo quần lững thững đi ra ngõ. Ra khỏi quần sáng của ngọn đèn, cái dáng thất thểu của nó biến mất trong cái ngõ sâu hun hút đầy bòng tối. Mình thương nó quá nhưng chẳng biết làm sao.
Bần thần về chuyện con bé, mình thao thức mãi quá nửa đêm mới chợp được mắt. Đang mơ màng nghe tiếng đập cửa rầm rầm, mình choàng tỉnh. Trời đã sáng. Cửa vừa mở đã thấy khuôn mặt hốt hoảng của bà thím ló vào.”Con Thương chết rồi . Biết chưa?’
-Sao? Ở đâu? Làm sao mà chết?
-Chết đuối. Dưới bến Cừa.
Khi mình đến đó, con nít, người lớn bu đen, bu đỏ, lớp trong lớp ngoài. Lách vào được đến nơi, mình không tin vào mắt mình nữa… Con bé vừa được vớt lên, người sủng nước. Trên nền cỏ ướt đẫm sương, mái tóc dài óng bung ra loà xoà, khuôn mặt như sáp nặn, đôi mắt he hé bình thản nhìn lên khoảng trời cao rộng tít tắp ở trên kia. Chưa bao giờ mình nhìn một cái chết trẻ thật gần đến như vậy. Đau thắt lòng nhưng mà đẹp. Cái đẹp của một "cành thiên hương thoắt gảy". Cái đẹp mong manh và vì mong manh cho nên đẹp, như giọt sương buổi sớm, như hoa quỳnh giữa đêm…Con bé đẹp lạ lùng ngay cả khi nó chết.
Lão Mến được hai người đàn ông dìu hai bên. Thân hình run rẩy, đôi vai oằn xuống. Đôi mắt sâu hoắm, đục lờ của lão ráo hoánh, phảng phất một nỗi buồn khó tả. Sức chịu đựng của lão thật ghê người. Nghiến răng mà chịu. Bấm bụng mà chịu. Nước mắt của lão chảy ngược vào trong. Mình sợ rằng lão vỡ tim ra mất…
Con Thương là dân sông nước, làm sao chết đuối được. Nó lại vừa bỏ đi mấy ngày ai cũng biết. Án mạng chăng? Thế là công an và pháp y vào cuộc. Mình cũng bị gọi lên mấy lần để lấy lời khai. Cuối cùng cũng có kết luận. Nó chết vì ngạt thở với cái bào thai chưa đầy 3 tháng. Người làng phụ nhau lo đám tang giúp lão. Nghĩa tử, nghĩa tận mà, người mình vốn thế. Tuy vậy, vẫn không tránh được tiêng xì xầm. Cái bào thai ấy là của người đàn ông goá vợ hay của thằng thanh niên đểu giả? Ai mà biết được. Nhưng lần này lạ lắm cậu ạ, mình không hề bận tâm gì về điều ấy. Đám tang con bé xong, mình xoay xở cho ông lão tội nghiệp một xuất trợ cấp "người già neo đơn", không gì nhiều, chỉ đủ gạo ăn hằng tháng, còn mọi thứ khác tính sau.
Sau ngày con Thương chết, lão Mến không hề bước chân lên bờ. Lão thu mình lại với nỗi buồn. Thay cơm bằng rượu. Lão gầy rạc chẳng còn ra hồn người. Đầu óc mụ mị, lẫn lộn giữa ngày và đêm, chuyện cũ và chuyện mới, nói năng lộn xộn không đầu không đuôi. Mình thấy bất lực chẳng biết làm gì để giúp đỡ ông già khốn khổ đó. Lão đau. Mình cũng đau. Có bao giờ cậu đau vì thấy nỗi đau của người khác mà mình bất lực không thể nào san sẻ được không?
Chưa đầy 3 tháng sau ngày con Thương mất, ông lão cũng đi theo luôn. Người ta tìm thấy lão chết lạnh trên thuyền…Lần này người ta nhắn tin được cho thằng con trai lão. Hắn về đến khi người ta chôn cất ông già được 3 hôm. Gương mặt đen sạm, lầm lì khó đoán. Nhưng cũng biết sắm sửa một mâm cau trầu rượu để tạ làng và cảm ơn mọi người. Nấn ná thêm 10 ngày để rao bán chiếc thuyền. Thuyền đã rách nát với 2 mạng người chưa đầy 3 tháng. Ai người ta mua. Cuối cùng mình ứng cho nó một món tiền lộ phí vào lại trong ấy và giữ lại chiếc thuyền. Ít ra hai cha con lão Mến phải có chỗ để đặt bát nhang chứ. Mình nghĩ đó là điều cuối cùng mình có thể làm cho họ.
Câu chuyện của Liêm chấm dứt trong cái lặng lẽ mênh mông của bờ bãi, trong tiếng gió thì thào…Tôi nhìn anh bạn của tôi. Đôi mắt Liêm thăm thẳm… “Giá như đêm ấy mình không sợ tiếng đời dị nghị, cho nó ngủ lại để nó bình tâm…hoặc ít ra mình bỏ chút thì giờ đưa nó về thuyền thì sự việc chắc không đến nỗi…Và nếu nó không lên giúp việc cho mình, có lẽ bây giờ nó vẫn còn sống…” Liêm nhìn tôi rồi nhìn ra mặt sông thoáng rộng, giọng chùng xuống như tự nói với mình.” Những lời khen, chê, dị nghị tưởng không đâu nhưng sao lại có sức mạnh và sự tàn phá khủng khiếp đến như vậy. Nó ràng buộc và làm cho con người nhẫn tâm quay lưng trước nỗi đau của đồng loại”.
Cậu đừng tự trách mình như thế. Mình nghiệm ra một điều: mọi sự ở đời đều có duyên nghiệp, nhân quả hết. Mình không thể nào lường trước được. Nhưng có điều mình có thể làm: bớt nghĩ về mình, mở lòng ra, làm hết sức, sau này dù xảy ra điều gì mình cũng không ân hận.
Lão Mến coi như đã trút xong nợ đời. Còn con Thương…con bé hồn nhiên và thuần khiết quá. Mà cuộc đời này thì quay quắt, không có chỗ cho nó…Có lẽ nó đã lên trời…
Tôi nhìn qua nghĩa địa bên kia sông. Lão Mến và cô Thương ở đâu đó trong số những ngôi mộ nằm lặng lẽ trong bóng chiều …Chiều trên sông man mác…lờ mờ khói sóng…Mơ hồ đâu đó có tiếng gõ vào mạn thuyền đuổi cá. Tôi nghĩ đến cha con lão già khốn khổ. Tôi nghĩ đến những cư dân vạn đò trên những con thuyền neo đậu xúm xít ở ngã ba sông đằng kia. Chừng ấy con người chen chúc nhau trong những khoang thuyền cũ rách nát, chật hẹp chỉ vài mét vuông. Họ sinh ra ở đó. Lớn lên ở đó. Sinh con đẻ cái ở đó. Rồi cũng chết ở đó. Từ đời này sang đời khác. Chịu sự oi bức của ngày hè và cái lạnh lẽo, tơi tả của ngày đông. Họ chung đụng, vật lộn với đủ các thứ mùi: mùi cá tanh nồng, mùi ẩm mốc của quần áo cũ lâu ngày không giặt, mùi thức ăn thừa, mùi heo chó gà vịt. Tất cả quyện lại thành một thứ mùi: mùi của cay cực, tăm tối. Họ chẳng hề biết đến hạnh phúc và niềm vui. Họ chỉ có một khao khát: được lên bờ. Lão Mến và cô Thương cuối cùng cũng được toại nguyện. Họ cũng đã lên bờ. Nhưng không phải để sống. Mà để vùi nắm xương tàn trong lòng đất….
L.T.C.T