Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chuyện kể từ một ngôi chùa

Chuyện kể từ một ngôi chùa

184
0

Từ những năm 30 của thế kỷ 20, trãi qua bao biến động và chiến tranh, chùa rơi vào cảnh điêu tàn, mãi cho đến sau năm 1975, Sư Bà Diệu Không mới đứng ra nhận trụ trì và giao cho Ni Cô Diệu Đạt phụ trách phục hồi sinh hoạt ở đây. Về kiến trúc, chùa vẫn giữ được đường nét xưa, còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vĩ, tấm biển sơn son thếp vàng thời vua Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời vua Minh Mạng; vẫn còn khám, tượng thờ cổ và chiếc trống được cho là lớn nhất Huế.(1)

Trong mấy năm sau này, chùa đại trùng tu chánh điện, tôn tạo và mở rộng nhà khách, thiền đường, ni xá và trai đường, dựng tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên chùa trở nên rộng rãi và trang nghiêm, nhưng vẫn kế thừa nét triến trúc cổ của một ngôi chùa ni, hài hòa với cây cao rợp mát và sân vườn với cây cảnh, non bộ, vườn cỏ,…vì thế chùa đã trở thành danh lam của đất cố đô, là địa chỉ hành hương và tham quan của Phật tử và khách du lịch trong và ngoài nước.

Chúng tôi đến chùa Đông Thiền vào một buổi chiều đầu hạ. Nắng nghiêng, gió nhẹ, cửa chùa đóng kín, yên nghỉ trong không gian rộng mở và tĩnh lặng. An lạc đến với mỗi chúng tôi, an lạc đến từng tảng đá, bậc thềm. May mắn thay cho Huế còn giữ được nhiều cảnh chùa như thế; chỉ cần một chút thời gian ngắn trên phương tiện xe máy là đến ngay nơi chốn tĩnh tâm, bạn thành kính lạy Phật, lắng lòng trong câu kinh tiếng kệ, và tri ân sâu xa đến lịch sử hơn hai trăm năm, với biết bao tang thương phù thế để lại cho đời một ngôi tam bảo vừa thiêng liêng vừa gần gũi này.

Nhưng hỡi ôi, thời buổi này sản sinh nhiều “ma”. Đó là những người tinh khôn, lanh lợi, nhưng mê mờ ám chướng, làm suy thoái đạo đức xã hội, và không tha cả chốn thiền môn. Vào tháng 4 năm 2010, nhà chùa đã bị mất tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, vốn đươc tôn trí trang trọng trong chánh điện, phía trước Tam Thế Phật. Đây là pho tượng cổ bằng đồng, nặng gần 50 kg, vô cùng giá trị, từ thời vua Gia Long. Pho tượng càng quý bởi thể hiện ứng hóa thân Quán Thế Âm Thủ Quyển, bàn tay mặt cầm quyển sách tròn, bàn tay trái thuôn dài, tựa vào chồng sách.

Kẻ trộm không cần phải khó nhọc lẻn vào lúc chiều tối, ẩn núp trong chánh điện, đợi đêm khuya rinh tượng rồi mở cửa chuồn ra, mà kẻ trộm có thể đã dàn cảnh thăm chùa, hầu chuyện với ni chúng, rồi đồng bọn lẻn phía sau, thừa lúc chánh điện không có người, ngang nhiên hạ tượng, ngang nhiên mở cửa để ra sân, lên xe nổ máy sẵn. Mấy ni cô nhớ lại, lúc đó vào khoảng 12 giờ 30 buổi trưa. Tất nhiên, sau này mới nhận định được cách ăn trộm, còn khi đó thì chỉ thấy xe lao đi, phía sau xe là một người khệnh khạng ôm cái gì. Nhà chùa không hề nghĩ chuyện gì khác, cho nên một thời gian sau, đến thời công phu chiều mới phát hiện mất tượng.

Chuyện đau lòng này là tiếp nối chuyện dài mất cổ vật, tượng, chuông mõ, pháp khí trong đình chùa miếu mạo trên khắp cả nước. Kẻ trộm thừa hiểu rõ giá trị của cổ vật và xây dựng “kịch bản” trộm cắp riêng biệt từng nơi, sau khi đã nghiên cứu kỹ hiện trường. Kẻ trộm không chỉ một vài người mà có thể cả hệ thống, còn kẻ nhúng tay trực tiếp chỉ là người được thuê, còn bóng ma chỉ huy chỉ đứng phía sau. Kẻ trộm có thể ở trong một đường dây buôn bán cổ vật, đường dây liên tỉnh và có thể ở ngoài nước. Trước kia, ăn trộm là kẻ nghèo mạt, cùng đường làm ăn, phải làm “nghề” đào tường khoét vách, còn nay, những kẻ lấy cắp tượng, cổ vật thì phây phây, no cơm ấm áo.

Tôi vào lễ Phật tại chùa khá nhiều lần, thật lòng tôi chỉ biết tĩnh tâm khi lạy Phật, lạy Đức Quán Thế Âm, mà không có cái nhìn của người thưởng ngoạn, nhưng vào chiều hôm đó, khi nhìn thấy trên bàn thờ, đế tượng còn đó mà Ngài vắng bóng, tôi giật mình và chạnh lòng; thì ra khi niềm tin thân thương và bình thường nhất mà bị động chạm thì nổi mất mát lại càng đau. Tôi đã đau như thế thì quý ni chúng của chùa hẵn rất buồn, cho dầu khi tiếp chúng tôi, ni sư trụ trì cho biết giờ đã có phần nguôi ngoai. Ni sư còn cười nói nhẹ nhàng: “Tượng đẹp lắm, không nơi nào có, vẻ rất thanh thoát. Chắc chắn cuối cùng Ngài sẽ tọa một nơi trang trọng, chỉ tiếc là mình mong Ngài ở lâu với chùa mà không được.”

Nghe ni sư nói như thế, tôi càng trân quý người xuất gia, mong sao cho chùa được thuận duyên để cửa chùa rộng mở cho mọi người. Nhưng trong một quốc gia, người dân không thể không bức xúc khi cảnh tôn nghiêm bị xâm hại, khi những pho tượng thiêng liêng, truyền lại từ đời này đến đời khác bị những kẻ hám tiền, lấy cắp ngày càng trắng trợn. Việc này đụng chạm đến tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, và chắc chắn ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn của xã hội; và suy cho cùng, những báu vật này cũng là tài sản của đất nước, là di sản thiêng liêng của dân tộc: nhà chùa bị mất tượng thì quốc gia chảy máu cổ vật.

Tất nhiên, sau khi bị mất tượng, chùa phải xem xét lại việc bảo vệ, cũng như mọi ngôi chùa khác phải cảnh giác, nhưng tôi nghĩ với đà như thế này, khi những kẻ đạo chích thời công nghệ hiện đại này càng tinh khôn và táo tợn, thì nếu bọn chúng đã nhắm mục tiêu ở đâu rồi, chúng sẽ lấy bằng được và nhà chùa chẳng thể nào canh 24/24 giờ để phát giác, và chẳng có uy lực để ngăn trở chúng. Cho nên pháp luật phải làm việc hiệu quả, nghiêm minh và đủ răn đe để chặn đứng loại ăn cướp này.

Chúng tôi cứ đứng nhìn lên bàn thờ Phật mà cứ ấm ức trong lòng, cho đến khi một ni cô thắp hương, chuẩn bị công phu chiều thì mình chợt tỉnh. Vâng, hãy biết sống theo lẽ vô thường. Chúng tôi về trai đường, hầu chuyện cùng quý ni cô. Tôi hỏi thăm sao chùa vắng vẻ thế, thì được biết sư trụ trì và ni chúng “đi củi”, có lẽ sắp về. Ô hay! “đi củi”, nghe lạ lạ quen quen! Đúng rồi, nhớ lại thời bao cấp khó khăn, khi chiều chiều, từ phía rừng núi xuống, những chiếc xe đạp đèo những cành cây khô hoặc những bao rác thông, và chủ nhân những chiếc xe đạp đó thường là những người lao động nghèo, kể cả công nhân viên, giáo viên. Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua, và tôi được biết: ni chúng của chùa đến lâm trường khá xa, từ chiều hôm qua, thu hoạch những cành cây do công nhân lâm trường tỉa cành, chất lên xe tải, về chùa làm chất đốt. Tôi sực nhớ một điều giản dị: hầu như mọi ngôi chùa đều dùng củi và rơm để đun nấu.

Đảm đang thay, kỳ diệu thay, bàn tay dâng hương hoa trên bàn thờ Phật và Bồ Tát, bàn tay giở từng trang kinh, bàn tay lao động cho cuộc sống trước mắt, bàn tay làm đẹp vườn tược, hoa lá, cây cảnh, bàn tay chăm sóc cho các cháu nhỏ ở các nhà trẻ và lớp mẫu giáo tình thương, bàn tay dạy trẻ múa hát, bàn tay làm lồng đèn mừng đại lễ Phật đản,…, bàn tay chắp hoa sen lạy Phật!

Vui chuyện với quý ni cô, chúng tôi được biết thêm về việc dạy và chăm sóc trẻ. Các lớp do quý ni cô phụ trách trước đây thuộc hệ thống trường dân lập, có được sự hỗ trợ của nhà nước. Nay không còn hình thức dân lập nữa, các lớp do chùa phụ trách trở thành tư thục, mà ngân sách trên danh nghĩa hoàn toàn do học phí. Nhưng học phí có là bao, chỉ 55.000 đồng/tháng, mà không phải cháu nào cũng đóng học phí. Không phải lấy thiệt hơn để nói chuyện thu chi khi nhà chùa nguyện làm công tác giáo dục để phục vụ xã hội, nhất là phục vụ gia đình nghèo, nhưng thật nan giải để hoạt động khi đồng tiền quá eo hẹp. Trong khi đó, trường mầm non công lập có đầy đủ phương tiện, có đôi ngũ cô giáo có tay nghề vững vàng, lại có mức học phí cao hơn và phụ huynh đóng góp nhiều hơn. Còn nhìn sang các trường tư thục của tôn giáo khác, số trẻ em đi học rất nhiều, trường khang trang, học phí cao hơn, thế mà phụ huynh vẫn vui lòng đóng góp thêm, ngoài ra còn có nguồn hỗ trợ khác.

Chúng tôi chia sẻ niềm vui với quý ni cô khi được biết trong hội diễn văn nghệ các lớp mầm non vừa qua, các cháu đã đạt giải khuyến khích. Vui nhưng cũng chạnh lòng vì thiên hạ chơi “hoành tráng” quá, sân khấu rực rỡ, phục trang lộng lẫy quá, ban nhạc chơi bài bản, dàn dựng công phu quá! Quý ni cô và chúng tôi cười với nhau: Đạo Phật của mình là vậy, mọi sự tùy duyên, cũng may là có những cá nhân, các tổ chức, các nhóm giàu đạo tâm, góp công góp của với các ni cô. Riêng chúng tôi rất phục các cô giáo Phật tử, đã cống hiến thời gian và công sức đứng lớp, săn sóc các em cũng như dạy múa, hát, vẽ, kịch,… Nhìn các cháu say mê trình diễn văn nghệ trong những dịp lễ hội Phật giáo, chúng tôi quá trân trọng tấm lòng của các cô giáo đó.

Hiện nay, hệ thống điều hành các cơ sở giáo dục mầm non và các lớp tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi trong các chùa ni hoạt động rất tốt, nhiều chùa đã tạo tiếng vang lớn trong nước và cả quốc tế, và được sự ủng hộ của Phật tử trong và ngoài nước, các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Tuy thế, các chùa như chùa Đông Thiền, khó khăn với các lớp này rất nhiều. Nên chăng, các cấp giáo hội đặt nặng hơn công tác giáo dục mầm non trong tình hình nhà nước đang khuyến khích phát triển hình thức tư thục, vận động tăng ni và Phật tử dấn thân vào công tác này, có định hướng cho Phật tử nhiều hình thức cúng dường, trong đó quan tâm giúp đỡ các chùa làm công tác Phật sự bằng giáo dục mầm non, và sau này cả tiểu học. Trẻ em bất hạnh trong các lớp này cũng rất cần các hình thức sinh hoat vui chơi, nghệ thuật và dã ngoại. Nhìn khuôn mặt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ của các em này trong những lần Trung tâm văn hóa Phật Giáo Liễu Quán tổ chức vui Trung Thu, hoặc mừng Vu Lan, mới thấy biết bao cảm động. Nhìn các cháu vui, người lớn cũng vui lây, và nguyện cùng nhau giúp các cháu lớn lên và trưởng thành trong tình thương bao la của quý Thầy Cô, trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

Tiếng chuông chùa đã điểm, bắt đầu thời công phu chiều. Chúng tôi đã được sống trong cảnh thanh tịnh, đã trao đổi chuyện đạo, chuyện đời với quý ni chúng của chùa, vẫn không ít băn khoăn, day dứt; nhưng rồi thấy quý ni cô an nhiên, dầu đề cập đến chuyện tượng Đức Phật Quán Thế Âm đã đi xa, dầu nghĩ đến chuyện khó khăn trong công việc dạy dỗ các cháu, hay dầu vừa mệt nhọc sau một ngày “đi củi” , cho nên tôi cảm nhận: không chỉ cảnh chùa an lạc, mà chính người xuất gia đem lại an lạc cho mình. Trong niềm an lạc đó, tôi như nghe đâu đây ý lành từ nhiều vị thiện tâm: nếu người nào có tâm nguyện chí thành muốn thực hiện một việc gì đem lại lợi ích cho người, cho xã hội, thì ắt sẽ gặp những người cùng có tâm nguyện như vậy, và lời nguyện sẽ có ngày thành tựu, không hình thức này thì cũng hình thức khác. Phải chăng, tâm nguyện đó cũng như hương bay ngược gió của người đức hạnh (2), sẽ tỏa đi khắp nơi nơi, sẽ tiếp nối từ người này qua người khác, để cùng với hương hoa của đất trời, đem lai hạnh phúc cho trần gian?

Cao Huy Hóa
Tháng 5/2010

Chú thích

1. Theo website của Tỉnh Thừa Thiên Huế: www3.thuathienhue.gov.vn
2. Theo bài kệ của Đức Phật trong kinh Pháp Cú: “Hương của loài hoa thơm / Không thể bay ngược gió / Hương của người đức hạnh / Ngược gió bay muôn phương”

Bài do tác giả cung cấp 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here