Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chuyên gia UNESCO William Logan nói về việc trùng tu di tích,...

Chuyên gia UNESCO William Logan nói về việc trùng tu di tích, di sản: Giá trị di sản nằm ở tính chân thật

181
0

Nhân đợt tập huấn công tác quản lý di sản thế giới do UNESCO tổ chức từ ngày 11 đến 13-5 tại TP Hội An, giáo sư William Logan – người Úc, chuyên gia thẩm định, đánh giá di sản thế giới của Unesco – đã chia sẻ với Tuổi Trẻ kinh nghiệm về bảo tồn, trùng tu di tích, di sản.

* Lần trở lại VN này, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý năm di sản thế giới của VN?

– Nhiều năm qua tôi đã đến VN rất nhiều lần và chủ yếu làm việc tại các di sản. Ấn tượng của tôi lần này chính là đội ngũ chuyên môn làm công tác bảo tồn vừa giỏi, vừa trẻ và tâm huyết. Tôi tin tưởng và vui mừng về tương lai khi những di sản được giao cho họ.

* Những tồn tại nào trong bảo tồn, trùng tu các di tích, di sản ông thấy cần khuyến cáo với những người làm chuyên môn, cơ quan quản lý?

– VN có năm di sản thế giới (vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn – PV), di sản được công nhận sớm cách đây 16 năm rồi. Tôi thấy công tác chuẩn bị và kế hoạch quản lý việc bảo tồn, trùng tu đang rất chậm và phức tạp. Tôi hi vọng VN sẽ sớm có chiến lược quản lý nhanh và tốt hơn. Điều cốt yếu là phải làm nổi bật giá trị của di sản và phát triển lên.

* Ý ông nói mọi chuyện đều phụ thuộc con người?

– Vâng, tất nhiên là vậy. VN còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao nhân lực cho công tác này.

Khu vực 1 đô thị cổ Hội An nằm bên sông Hoài mỗi năm lại chịu thiệt hại do lũ lụt, việc trùng tu rất gian nan – Ảnh: V.Hùng

“Xu hướng trùng tu cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận của mỗi nước. Ở Nhật Bản họ dỡ toàn bộ các bộ phận của di tích ra, nhưng họ đã đánh dấu và lập trình sẵn, sau đó lắp ráp lại. Còn ở Úc họ không làm vậy mà chỉ tìm ra điểm yếu cần bảo tồn để “chữa trị”. Tôi cho rằng cần hạn chế tối đa việc can thiệp trong trùng tu. Các di tích, di sản ở VN cần được nghiên cứu kỹ càng trước khi định trùng tu. Đừng nên phỏng đoán, võ đoán, chủ quan mà phải dựa vào tư liệu, căn cứ lịch sử. Sau đó áp dụng các kỹ năng, kỹ thuật truyền thống. Chẳng hạn như việc xây dựng công viên ở ngay đường sau khu Văn Miếu ở Hà Nội hiện đã có vấn đề. Người ta làm mới nhưng không có những nghiên cứu cụ thể”.

Giáo sư William Logan

* Công tác bảo tồn, trùng tu ở VN hiện không những thiếu nhân lực mà ngay cả người trực tiếp trùng tu còn yếu và thiếu. Khắc phục việc này thế nào, thưa ông ?

– Vấn đề này tùy thuộc rất nhiều vào đội ngũ quản lý di sản. Họ phải theo dõi sát sao công tác trùng tu và lựa chọn đúng người. Như thợ mộc trước khi trùng tu cũng phải được tập huấn để họ nắm được các kỹ năng cần thiết. Một số nơi trên thế giới đều có các lớp tập huấn ngắn hạn cho người làm thợ trùng tu.

* Lấy danh nghĩa bảo tồn, trùng tu để “mới hóa”, bêtông hóa, “trẻ hóa”, “tầm thường hóa”, “rẻ hóa” hàng loạt di tích đang là mối lo ngại ở VN hiện nay. Ông đánh giá thế nào về hành động này?

– Quá trình bảo tồn di tích, di sản rất dài hơi và cần được chính phủ, các cơ quan chuyên môn, kỹ thuật hỗ trợ nhiều. Mục đích tối cao của việc bảo tồn, trùng tu chính là bảo vệ và nâng tầm các giá trị nổi bật toàn cầu của di tích, di sản ấy. Và hình thức bảo vệ tốt nhất là không mô phỏng hay copy, hoặc biến nó thành “người khô” để phục vụ mục đích du lịch. Phải làm hài hòa giữa bảo tồn và mục đích du lịch.

Cần phải giữ được bản sắc di tích, di sản. Phải trả lời được vì sao nó lại được chọn vào danh sách di tích, di sản thế giới để đừng làm hỏng giá trị nguyên gốc của nó. Giữ nguyên bản sắc của nó là ưu tiên số một. Vì vậy cần tránh hoàn toàn những hình thức nhà báo đặt ra ở trên. Đó là những nguy cơ cho di tích, di sản.

Tôi muốn nhấn mạnh giá trị các di sản thế giới nằm ở tính chân thực, nguyên gốc của nó. Vì vậy khi trùng tu chúng ta nên sử dụng những phương tiện, kỹ thuật cổ càng nhiều càng tốt để giống với nguyên bản. Bêtông hóa sẽ phá hỏng tính nguyên bản của di tích, di sản.

VIỆT HÙNG – ĐOÀN CƯỜNG thực hiện (theo TTO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here