Anh làm nghề quét chợ và không biết nghề này có Tổ như bao nghề khác hay không, nhưng hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 11 Âm lịch là anh lại đến chùa Phước Lâm (Hội An) thắp hương, vì theo dân gian, đó là ngày giỗ của ông Tổ Quét chợ. Theo thói quen, mỗi lần đến địa phương nào tôi thường hay la cà ở các chợ, các quán nước vỉa hè vì thích lượm lặt những điều thú vị ở nhân gian. Sáng sớm, bạn tôi đã đến khách sạn đón tôi đi ăn sáng.
Muốn đưa tôi đến uống cà phê tại "tòa tỉnh", nhưng chiều ý tôi, anh đưa tôi đến quán cóc ở chợ Hội An.
Tổ Quét chợ
Quán cóc ban sáng cũng khá đông khách. Làm quen với người đàn ông tầm tuổi tôi, biết anh làm nghề quét chợ.
Anh không biết nghề này có Tổ như bao nghề khác hay không, nhưng hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 11 Âm lịch là anh lại đến chùa Phước Lâm (Hội An) thắp hương, vì theo dân gian, đó là ngày giỗ của ông Tổ Quét chợ.
Người bạn của tôi xen vào, cho biết đó là Tổ Bình Man Tảo Thị. Vậy là Tổ Quét chợ là chuyện có thật ở Phố Cổ mà trong dân gian còn truyền tụng.
Theo bạn tôi, đây là nhân vật có thật và cũng chưa phải xưa lắm nên dễ tìm hiểu. Anh đưa tôi đến gặp Tỳ kheo Thích Như Tịnh, trụ trì chùa Giác Viên.
Mộ tháp ở chùa Phước Lâm |
Chùa Phước Lâm |
Sân chùa có tấm bia đá chữ đã mờ, nhưng còn có thể đọc được. Bia này được cụ Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, con trai Thượng thư Bộ binh, Phó tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Tường Vân, viết.
Người bạn của tôi là kỹ sư Nguyễn Tường Mạnh, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An, nên cuộc trò chuyện rất cởi mở.
Theo Tỳ kheo Thích Như Tịnh, với tôn chỉ "Hộ quốc an dân" xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Thiền phái Chúc Thánh sinh sau đẻ muộn nhưng cũng không xa rời tôn chỉ ấy.
Ngoài việc tu hành chứng ngộ, các thiền sư dòng Chúc Thánh còn chủ trương nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm.
Điều này được thể hiện qua cuộc đời Thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác, thế hệ thứ ba Thiền phái Chúc Thánh.
Hạnh nguyện của Thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác không chỉ được lịch sử Phật giáo Việt Nam nhắc đến, mà trong dân gian, nhất là những người dân cố cựu ở Hội An, còn nhớ và kể cho con cháu nghe như một bài giảng về nghị lực và sự răn mình.
Sáng mãi ngọn đèn Thiền
Thiền sư Minh Giác (1747-1830), thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm Kỷ Mão (1759), khi vừa tròn 12 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Phước Lâm, Hội An với Hòa thượng Ân Triêm và được bổn sư cho pháp danh Pháp Liêm, tự Luật Oai. Như vậy, ngài nối pháp đời 3 dòng Chúc Thánh.
Năm Canh Dần (1770), sau hơn 10 năm tu tập, ngài về làng thăm song thân. Gặp lúc giặc Mọi Đá Vách nổi loạn, gây bất ổn cho cuộc sống an lành của người dân Quảng Ngãi, ngài tòng quân đánh dẹp loạn phỉ, lập nhiều chiến công, được phong chức chỉ huy.
Nếu ở lại trong quân ngũ, ngài có thể tiếp tục thăng quan tiến chức, hưởng công danh phú quý, nhưng ngài từ quan, về lại Hội An, phát nguyện quét chợ 20 năm để sám hối tội lỗi không cố ý đã gây ra trong chiến tranh.
Với ngài, quét chợ là để làm sạch cảnh trần ai và cũng là quét sạch mọi cáu bẩn trong tâm, dọn mình khiết tịnh để tiến lên bờ giác.
Năm Mậu Ngọ (1798), khi công hạnh viên mãn, ngài được chư sơn cũng như tín đồ thỉnh về trụ trì chùa Chiên Đàn và tôn hiệu là Minh Giác Hòa thượng. Sau đó, ngài trở lại Phước Lâm cùng Ngài Quảng Độ trùng tu chùa và kế thế trụ trì.
Ngài tích cực xiển dương chánh pháp cho đến khi viên tịch vào giờ Tý ngày mùng 10 tháng 11 năm Canh Dần (1830), hưởng thọ 84 tuổi.
Hàng đệ tử thờ ngài với câu đối đầy ý nghĩa: "Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện càng thêm lạ, tám mươi vãng sanh thành chánh giác/ Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức, sửa cũ đẹp, làm mới lại càng đẹp, ngàn năm sáng mãi ngọn đèn Thiền".
Người dân Phố Hội thường nhắc đến ngài với cái tên dung dị: Tổ Bình Man Tảo Thị. Từ đó đến nay, những người làm nghề quét chợ ở Hội An rất lấy làm tự hào về cái nghề của mình.
Đó cũng là niềm vui nho nhỏ dành cho những người theo cái nghề mà xã hội thường cho là thấp kém ở cõi ta bà này.
Thầy Như Tịnh khẳng định, từ khi cắm tích trượng trên đất Hội An, xuất kệ truyền Pháp, đến nay đã hơn 300 năm, từng bước dòng Thiền Chúc Thánh đậm chất Việt Nam.
Tuy rằng Tổ khai tông Minh Hải – Pháp Bảo là người Trung Hoa, nhưng qua bài kệ của ngài, ta thấy được tấm lòng ngài đối với đất nước Đại Việt.
Bài kệ này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch nôm: "Khơi sáng pháp chân thật/ Tánh chân như là đồng/ Cầu Thánh quân muôn tuổi/ Chúc đất nước vững bền/ Giới luật nêu trước tiên/ Giải và hành nói liền/ Hoa nở cây giác ngộ/ Hương thơm lừng nhân thiên".
Bài học về sự khiêm cung
Những ngày ở Hội An, anh Nguyễn Tường Mạnh đưa tôi đi đây đó để tìm thêm chất "hài hước" cho bộ phim tài liệu Phật giáo Việt Nam, những nẻo đường hoằng hóa do Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Công ty Du lịch Chính Tín phối hợp thực hiện mà chúng tôi nhận phần viết kịch bản.
Nhiều chuyện kể cứ níu bước chân tôi. Có lần, một đạo hữu trong phố Hội An có con trẻ bị "người cõi âm nhập". Vị ấy ra chùa Chúc Thánh thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Quả (1881-1962) vào chữa trị.
Hòa thượng trụ trì chùa Chúc Thánh không thích việc chữa trị tà ma như tín ngưỡng dân gian đã và đang tin như thế, nhưng vì cảm tình bổn đạo nên ngài hứa sẽ vào cầu an.
Chạng vạng hôm đó, ngài cùng với đệ tử Trí Nhãn khăn đãy vào phố. Khi đến gần miếu Ông Cọp, thấy có người đội nón cời ngồi chắn giữa đường, hỏi ra mới biết là… ma.
Hòa thượng khuyên không nên gây thêm nghiệp chướng, và cho phép về chùa nghe kinh kệ, ngày ngày được hưởng hương hoa. Nghe vậy, ma chắp tay cúi lạy và biến mất. Hòa thượng vào nhà đạo hữu tụng thời kinh Phổ Môn cầu an, và đứa bé khỏi bệnh.
Theo anh Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Quản lý di tích – Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Hòa thượng Thích Thiện Quả là bậc danh tăng xứ Quảng.
Ngày rằm tháng 7 hằng năm, phần lớn các chùa đều chẩn tế âm linh cô hồn để cầu âm siêu dương thịnh, riêng tại chùa Chúc Thánh, ngài không chủ trương như vậy.
Hồi còn trụ thế, mỗi năm, vào chiều rằm tháng 7, ngài cùng đại chúng lên chánh điện tụng kinh cầu siêu thôi, chứ không làm rình rang như các chùa khác.
Bây giờ trong giới tu sĩ và Phật tử ở Phố Cổ truyền nhau câu chuyện, sau giới đàn Từ Vân năm 1928 thì Quảng Nam gần như không mở giới đàn.
Thỉnh thoảng, Hòa thượng Đương Như, trụ trì chùa Long Tuyền, xuống đàm đạo và khẩn khoản xin ngài mở giới đàn tại chùa Chúc Thánh và tôn ngài lên ngôi Đường đầu Hòa thượng.
Nhưng lần nào ngài cũng từ chối và nói: "Tôi đã nhiều lần được thỉnh làm tôn chứng, giáo thọ ở các đàn giới, thấy giới tử lạy lục cầu xin thọ giới mà hổ thẹn. Mình giới đức không bao nhiêu mà để người ta lạy nhiều, tổn phước lắm".
Nghe vậy, tôi bỗng giật mình nghĩ về sự khiêm cung cần thiết ở mỗi con người.
Vu Gia (DNSG)