Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Chuyện chưa từng biết về "Thần đồng" Phật giáo lạ thường ở...

Chuyện chưa từng biết về "Thần đồng" Phật giáo lạ thường ở miền Tây

131
0

GiadinhNet – Khi tròn 3 tuổi, bé Thùy Trang đã nổi tiếng khắp vùng vì thông hiểu Phật giáo. Gần 4 tuổi, cô bé lại tiếp tục cho ra đời hàng trăm bài thơ nói về chủ đề nhà Phật, nội dung răn dạy và hướng đạo để con người sống lành mạnh với nhau.

Nhiều người mộ đạo cho rằng, Thùy Trang là hiện thân của ai đó đã tu từ kiếp trước. Tuy nhiên, theo những người nghiên cứu thơ cho rằng, tất cả khả năng của thần đồng bắt nguồn từ trí thông minh trời ban.

Chuyên gia bình giảng chất thiền trong tập thơ kì lạ của đứa trẻ 4 tuổi (kỳ cuối) 1

Theo nhà thơ tôn giáo Võ Thái Sơn thì khả năng thơ của Thùy Trang nảy sinh từ trí tuệ hơn người.

 
Tiếng thơ từ nền tảng Phật giáo 
 
Cuộc tiếp xúc trực tiếp với “thần đồng” Phật giáo Nguyễn Thị Trùy Trang (theo Phật giáo Hòa Hảo, ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thực sự đã đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Bà Nguyễn Thị Hai Xuân (60 tuổi), người trong giáo hội đã đỡ đầu và cưu mang bé Thùy Trang từ thuở lọt lòng cam đoan với chúng tôi rằng, những khả năng của bé xuất hiện là hoàn toàn tự nhiên, chứ không có sự “tham gia”, “đầu thai” hay từ “thế lực siêu nhiên” nào nhập vào người để giúp bé trở thành “thần đồng”. Ngược lại, Thùy Trang vẫn như bao đứa trẻ khác, thơ ngây, trong sáng, ngoan ngoãn, đặc biệt trí thông minh của bé khi nói chuyện ai cũng có thể nhận ra.

Trong bài viết này, chúng tôi tạm gạt đi yếu tố tôn giáo để nhìn nhận khả năng của bé ở góc độ khoa học. Như đã giới thiệu ở kỳ trước, bé Thùy Trang xuất thân trong một gia đình bình thường ở miệt An Giang. Trên Thùy Trang còn có hai người chị gái, đều phát triển rất bình thường, không có khả năng “lạ” như bé. Hơn nữa, nhà Thùy Trang không ai theo đạo Phật giáo Hòa Hảo nên việc kế thừa tư tưởng nhà Phật hay được dạy bảo là hoàn toàn không có. Nói như vậy để thấy rằng, từ một bé gái bình thường đến bộc lộ những khả năng “hơn người” là do trí thông minh “thiên bẩm”. Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Thùy Trang tại nhà riêng, bé luôn khiêm tốn nhận mình là có hiểu ít nhiều về Phật giáo Hòa Hảo và thơ. Sự hiểu biết đó được bồi đắp bằng khả năng tự học của bản thân bé để mở mang tư duy, chứ không phải khả năng đó đến từ thế giới thần linh như mọi người xa gần đã từng lầm tưởng.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Hai Xuân cười nhớ lại: “Hồi trước, nghe tin bé mới 3 tuổi có thể nói chuyện Phật giáo, làm thơ nhiều, Phật tử khắp nơi tò mò tìm đến để được tận mắt chứng kiến, mỗi ngày có khi lên đến hàng trăm lượt người, có người còn bảo bé được “Thánh nhập”. Thế rồi khi thấy Thùy Trang người trần mắt thịt như bao đứa trẻ khác, nhiều người mới vỡ lẽ”. Thậm chí, cô bé còn kém may mắn khi ngay từ lúc sinh ra đã trót mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, cơ thể co quắp dị dạng, chỉ biết ăn chay. Vậy nên, khi phát hiện sự thông minh của bé, người người biết chuyện đều khâm phục và quý mến”.
 
Điều mà bà Hai Xuân và những người đồng đạo trong giáo hội cũng phải thán phục là Thùy Trang có khả năng làm thơ từ rất sớm. Xét hoàn cảnh thực tế, Thùy Trang phải cách ly cha mẹ từ khi mới lọt lòng và bản thân em cũng chỉ đi lại loanh quanh xóm giềng. Trong khi đó với hoàn cảnh bé phải cách ly cha mẹ từ khi lọt lòng, lại dị tật đi đâu cũng phải nhờ bà Hai Xuân bế bồng, xa nhất cũng chỉ loanh quanh xóm giềng, bé vẫn có kiến thức nền về Phật giáo đáng kinh ngạc. Không cao siêu nhưng đủ hiểu những điều cơ bản của tư tưởng Phật giáo Hòa Hảo, chưa sâu sắc nhưng có thể lý giải một cách thuyết phục theo nhân sinh quan và thế giới quan nhà Phật. Đó là cái nền làm nên tiếng thơ “xuất thần” khi Thùy Trang chỉ mới hơn 3 tuổi. Do am hiểu về Phật giáo, tiếng thơ của Thùy Trang cũng luôn soi rọi dưới góc nhìn thiện tâm của riêng bản thân bé. Những người trong ấp ngưỡng mộ thường tìm đến nhà để đối thoại về Phật pháp và nghe bé đọc thơ.
 
Trí tuệ trời ban 
 
Bà Hai Xuân đưa cho chúng tôi xem tập thơ của “thi sỹ” nhí Thùy Trang với lời tựa: “Những bài thi (thơ) của Búp bê Thùy Trang viết tặng đồng đạo”, đằng sau có ghi chú : “Đây là những bài thơ Thùy Trang viết lúc chưa đi học”. Bà bảo, đó là những bài mà bà tình cờ và kịp ghi lại được lúc bé buột miệng làm ra, chứ trên thực tế số lượng bài thơ bé làm nhiều hơn thế. Điều khá đặc biệt là Thùy Trang làm thơ một cách tự nhiên mà không ý thức được rằng mình đang làm thơ. “Thi sỹ” nhí Thùy Trang tâm sự: “Lúc đó, con không hiểu đó là thơ, bởi thấy gì trước mắt thì buột miệng nói thành vần điệu. Các cô, dì ghi lại, sau này cháu tìm hiểu thêm, khái niệm thơ mới hình thành”. 
 
Xem tập thơ của bé, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi có những bài “thi sỹ nhí” làm đến hàng chục câu, hàng trang giấy với thể loại 5 chữ, cuối câu đều có gieo vần điệu tạo nên tính nhạc trong bài. Khó tin hơn, ngôn từ trong thơ rất nhiều từ hầu liên quan đến giới Phật giáo với những ngữ nghĩa và khái niệm cao siêu, chỉ có người theo đạo, từng học qua mới hiểu được. Ví như: “Trì tâm chánh niệm” (kiên trì niệm điều thiện), “vãng sanh nơi cực lạc” (được sống viên mãn khi tu thành công), “nghiệp chướng” (khổ) hay “luân hồi” (kiếp người)… được bé sử dụng trong ngữ cảnh và dụng ý rất linh hoạt. Theo nhà thơ Võ Thái Sơn (người chuyên nghiên cứu thơ tôn giáo, TP. HCM), thì thoạt đầu đọc qua thì không có gì, nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy, việc dùng từ đặt câu trong thơ của bé Thùy Trang xuất phát từ sự thông hiểu Phật giáo và năng khiếu thi ca hiếm có. Ông Sơn cũng đã từng nghiên cứu nhiều về thơ tôn giáo, tuy nhiên đây là lần đầu tiên ông bắt gặp một “phong cách” thơ rất lạ. Theo ông, thơ của “thi sỹ nhí” Thùy Trang bắt nguồn từ nhận thức của bé, chứ không phải do Phật đầu thai từ tiền kiếp, nên ngôn từ rất ngộ nghĩnh và trong sáng của một đứa trẻ. 
 
Nói về điều này bà Hai Xuân cũng cho biết, lúc đầu nhiều người đã nghi ngờ về khả năng dùng từ ngữ “cao siêu” trong thơ của Thùy Trang, người ta cho rằng bé học vẹt, tập theo người lớn. Tuy nhiên, khi trực diện “đối khẩu, ứng thơ” thì ai nấy đều phải ngỡ ngàng và bị thuyết phục. Khi dùng từ, Thùy Trang biết sáng tạo và nắm ngữ nghĩa rất chắc để nói về một vấn đề gì đó. Ví dụ, khi nói về “tâm chơn” (tâm chân thành của con người). Thùy Trang viết: “Tâm bình tịnh mới là tâm Phật/ Cảnh tịnh luôn mới đạt tâm chơn/ Vui làm tuổi thọ càng tăng/ Buồn làm tuổi thọ ngày càng giảm đi”. Thùy Trang giải thích ý nghĩa đoạn thơ với chúng tôi: “Mỗi ngày chúng ta sống với cảnh u mê, đen tối, mù tịt… Vì vậy, chúng ta không thể không trở về sống với chơn tâm thanh tịnh thường có của mình. Vì chúng ta mê muội theo tiền của vật chất, gia tài…những thứ đó làm chúng ta khổ sầu điên đảo, cách trị nó là phải giữ tâm thanh tịnh”. Như vậy để thấy rằng, Thùy Trang hoàn toàn dùng từ theo ý thức, hiểu và vận dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ của mình trong thơ. 
 
Ngay từ khi Thùy Trang hiểu và nói chuyện Phật pháp, bé luôn nói về chân tâm, đạo tâm, hướng con người đến chân thiện, xa lánh tiêu cực, cũng như cách tu để làm sao nhanh đạt hiệu quả chứ không cần xa rời thực tế. “Trong nghiệp tu của mình, muốn hết nghiệp chướng, phải sống với chính mình. Làm sao phải sống được với cái tâm của mình, thì giải nghiệp chướng nhanh hơn”, Thùy Trang nói triết lý.
 
Chất liệu trong thơ của bé tuy thiếu vắng hình ảnh hương đồng, gió nội. Phần lớn là tâm từ, chất hạnh của một người tu làm tư tưởng chính trong thơ, nhưng đã tạo thành những cung bậc đủ để người đọc gật gù, ngỡ ngàng thán phục. Một em bé dị tật, chưa từng biết chữ, chỉ hơn 3 tuổi đã am hiểu Phật pháp và khả năng thơ phú hơn người vẫn là một hiện tượng hiếm gặp, xứng đáng được gọi là “thần đồng” Phật giáo của Việt Nam.
 

 

Chuyên gia bình giảng chất thiền trong tập thơ kì lạ của đứa trẻ 4 tuổi (kỳ cuối) 2
Sư Thích Minh Thủy cho rằng, hiện tượng “thần đồng” thơ Phật giáo Thùy Trang xuất phát từ trí thông minh.

“Theo đạo Phật, Thùy Trang có thể là một chủng tử, không phải tự nhiên sở hữu năng lực này, mà kiếp trước đã có tu. Qua sự triển biến của luân hồi nên kiếp này, cô bé không thể quên hết. Mười phần đã tu, đã học kiếp trước thì nay nhớ được 8 phần, không quên hết Phật Pháp. Còn theo lý giải ở góc độ khoa học, tôi cho rằng Thùy Trang là cháu bé có tố chất rất thông minh, biểu hiện đầu tiên đó là nhanh chóng lĩnh hội tư tưởng Phật giáo từ người lớn, biến nó thành kiến thức của mình. Còn khả năng làm thơ, thì đây là năng khiếu của bé. Thực tế, trên thế giới cũng từng có những trường hợp có khả năng “thần đồng” tương tự như bé Thùy Trang”, sư Thích Minh Thủy Trụ trì chùa Quang Bảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) nói.

(Gia đình)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here