Bây chừ nhìn lại, ngồi và lắng nghe nhịp đánh của tiếng chuông, hòa vào nhịp thở của mình ta mới thấy được cái tinh tế, cái ý nghĩa mà tiếng chuông thay lời chư Phật thức tỉnh ta trong đêm dài tăm tối phiền não vô minh này.
Chuông chùa có nhiều loại, chuông to (đại hồng chung) dùng để đánh buổi khuya và buổi tối, chuông vừa (gia trì) dùng để khi đi tụng kinh mới đánh. Chuông được cấu tạo rỗng, trống không nên khi đánh tiếng vang xa và to. Chuông là pháp khí của Phật giáo và đây cũng là một trong những điểm khác biệt giữa đạo Phật và các đạo khác.
Sau một đêm dài mê ngủ, chúng ta bắt đầu thức dậy khi nghe tiếng chuông vang vọng giữa không gian lặng lẽ như tờ. Sau khi đánh ba tiếng chuông thì ta bắt đầu đọc kệ:
“Nguyện thử chung thanh siêu pháp giớiThiết vi u ám tất giai vănVăn trần thanh tinh chứng viên thôngNhất thiết chúng sanh thành chánh giácÁn dà ra đế da tóa ha (3 lần)”.
Một tiếng chuông ta đánh thì nó vang xa cỡ vài ngàn mét thế thì làm sao nơ cõi Thiết Vi có thể tới được. vậy tới được hay không là do lời nguyện của mình có chí thành hay không. Đức Phật dạy: “Nhất niệm thông tam giới”. Bởi thế người thỉnh chuông rất quan trọng. Sao gọi là thỉnh? Thỉnh có nghĩa là mời chuông vang tiếng để thức chúng sanh. Vì thế chuông có tác dụng là chuyển mê khai ngộ cho tất cả loài hữu tình và vô tình. Hay là dùng sự để hiểu lý, khi đã được lý rồi thì nên quên sự. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Từ vô thỉ chúng sanh và thế giới sinh sự ràng buộc nhau nên không vượt khỏi khí thế gian”. Nên khi đánh chuông nhờ oai lực của Tam Bảo khiến tiếng chuông này trên thấu thiên đường, dưới thấu địa phủ đều được nghe.
Nghe để làm gì? Nghe đề chuyển “trần nghe”thành “huệ nghe”. Bởi vì chúng sanh thường dùng nhĩ căn của mình thâu nhận tất cả các âm thanh tốt, xấu, có, không rồi phân biệt thị phi, bỉ, ngã… đó là nguyên nhân của sự sanh tử luân hồi. Nay nhờ tiếng chuông này, nó đánh mạnh vào tàng thức làm cho người nghe trở về với chính mình, thay vì nghe bên ngoài giờ đây phải dùng “huệ nghe” tức cái nghe bằng trí tuệ để quên hết phân biệt tính chấp mà có thể chứng viên thông.
Đây cũng là cách tu của Ngài Quán Thế Âm, Ngài áp dụng “nhĩ căn viên thông” để tu tập. Nghĩa là cũng từ nhĩ căn, cũng nghe như tất cả chúng sanh, nhưng ngài không hề vướng kẹt vào chỗ nghe, nên hai tướng động tịnh rốt ráo chẳng sanh. Để ý niệm của mình rỗng rang, nên ngài mới đạt đạo.
Nay nguyện này cũng vì muốn tất cả chúng sanh đều như ngài Quán Âm, nhờ cái nghe này mà thành Phật. Đây là một việc làm hữu ích dù Phật không chế nhưng các bậc cổ đức vẫn làm mà ngày nay cần làm nhiều hơn.
Như trên đã nói người thỉnh chuông rất quan trọng, tâm phải thanh tịnh, tiếng chuông thanh tịnh nữa, hai cái này luân lưu đắp đổi cho nhau, lời nguyện mau chóng thành tựu. Nếu không như vậy, coi việc đánh chuông là bổn phận phải làm, tụng kinh thì hời hợt, suy nghĩ buông lung, là tất phải đánh như vậy… Thà đừng đánh còn hơn, vì như thế thì chỉ mất thời gian của mình và giấc ngủ của mình.
Vậy mình đánh sao để khi họ nghe được tiếng chuông thì người âm cũng như người dương đều sanh tâm hoan hỷ, phát khởi Bồ đề tâm, phiền não dần rơi rụng. Họ cả ngày lăng xăng làm việc, đêm về không biết chú tâm vào chỗ nào cả. Thật là “Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng?”. Nay nhờ tiếng chuông này như người trợ duyên đắc lực, giúp họ quay về với tự tánh thanh tịnh của mình nhiều hơn.
Khi thỉnh chuông tối thì trước chậm sau nhanh, ngụ ý rằng trước đánh chậm để người trần đưa tâm mình vào chánh niệm, sau đánh nhanh để thúc giục chúng sanh trong địa ngục mau thoát khỏi khổ hoặc nhờ nó mà ra khỏi chốn u đồ.
Chuông sáng thì trước nhanh sau chậm, vì chúng sanh đang mê mờ trong dục vọng, vô minh nên đánh nhanh đê họ mau tỉnh ngộ đời là vô thường, mới tối đó lại sáng đó, không lo tu tập thì oan uổng một kiếp người, và sau chậm là để họ tỉnh rồi lại hòa tâm thanh tịnh của mình với tiếng chuông.
Đánh chuông dù nhanh hay chậm thế nào thì cũng đủ 108 tiếng, cốt để trừ 108 phiền não. Vì khi chúng sanh nghe chuông, đem cả thân và tâm trở về với bản thể thanh tịnh của mình, đó là Giới, nhờ Giới này mà Định sanh, không còn phân biệt thị phi nên Trí tuệ lần lần phát triển, trí phát thì phiền não rơi rụng. Vì thế nghe tiếng chuông cũng rất quan trọng. Khi trí phát, phiền não tan tức là chuyển được mê lầm thành trí đức, đạo quả Bồ đề lần lần thành tựu.
Người đánh chuông có nguyện cho chúng sanh mau thành Phật, tâm ấy là tâm Phật, tâm và nguyện ấy đều từ chỗ nghe chuông mà phát khởi, cùng một lúc phiền não của mình và người đều dứt, cửa địa ngục từ đó mà mở, Phật đạo từ đó mà thành, nên việc nghe và đánh chuông cả hai đều rất quan trọng, chỉ cần tâm niệm nhất như thì không gì là không thành tựu cả.
Như vị tăng ở chùa Đại Trang Nghiêm có người anh đi theo vua Đường Đế đi vào nam, giữa đường chết vì không giữ trai giới, đọa vào địa ngục hầm lửa, sau nhờ chuông chùa Thiền Định gióng lên, tiếng vang đến địa ngục, ông nhờ thế mà thoát khổ sanh về cõi vui.
Vì tiếng chuông có tác dụng lớn như vậy nên chúng ta phải biết trân quý tỉnh thức khi nghe, vì mệt mõi nằm không ngồi dậy thì sẽ:
“Văn chung thanh ngọa bất khởiHộ pháp hận, thiện thần sanhHiện tại duyên quả bạcLai thế thọ xà thân”.
Nằm một chút không tới đâu mà gây ra nhiều tội lỗi, các Ngài quở trách, hiện tại phước huệ giảm, đời sau đoạn làm thân rắn. Bởi đây cũng là pháp bảo, mình không giữ gìn, không tạo thanh quy cho chùa thì lấy gì làm thành sự nghiệp. Mình đánh chuông để thức tỉnh cho người, sao mình không tự thức mình trước mà vô tình mình để lời nguyện của mình như gió thoảng mây bay.
Tu hành cốt trên tâm niệm, tâm khinh lờn như vậy thì người đời còn không kính huống gì hộ pháp thiện thần, kẻ khuất mặt sau lưng.
Ta nghe: “Gần chùa gọi Phật bằng anh”, đây cũng xuất phát do mình nghe hoài nên sanh khinh, xem nhẹ, mà tu là tu ở nơi những chổ bình thường này chứ tìm đâu cho mệt. cái bình thường mà không hành cho rốt ráo thì cái cao thượng cũng chẳng lấy gốc đâu mà thành. Đây là một điều rất tai hại, từ cái này mà dần dần sanh ra những cái khác, như ngày nào cũng đi học, cũng nghe từng ấy giáo pháp, nên đôi khi cũng xem thường, chánh pháp của Phật cũng từ đây mai một chứ có gì lạ đâu.
Vì thế việc đánh chuông và nghe chuông tưởng như đơn giản mà cũng hết sức khó khăn. Người thỉnh đòi hỏi chánh niệm cao và người nghe cũng phải nhập tâm vào tiếng chuông nhiều hơn. Hai đàng hợp nhau thì sá gì vô minh, phiền não. Nói vậy, chứ thực hành đúng thì quả là một vấn đề, nó đòi hỏi tinh thần tự giác và trái tim Bồ tát cao… Nghe chuông cũng được trí tuệ và được đạo quả Bồ đề thì tất nó cũng lợi ích bằng tu tập Tứ Đế, Bát Thánh Đạo… Sao ta không thử tập cái gần gũi này mà ngày nào cũng học “rỗng” các giáo lý đó, quên đi tiếng chuông vang vọng giữa Ta bà hóa độ chúng sanh.
H.T