Chùa Thiền Tôn tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Chùa dựa lưng vào núi Thiên Thai nên còn có tên là Thiên Thai Thiền Tôn Tự. Chùa do Tổ sư Liễu Quán khai sơn vào năm 1708. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 2, trang 126 mô tả như sau: Núi Thiên Thai ở phía tây bắc huyện Hương Thủy hình thế cao vót, phía tây trông ra cánh đồng bằng, cạnh núi có chùa, gọi là chùa Thiên Thai Nội (Thuyền tôn), ngọn núi vòng quanh ôm chầu vào chùa, phong cảnh tuyệt đẹp… “
Năm 1746 Hoà thượng Tế Hiệp Hải Điện cho khởi công đại trùng tu chùa khang trang và sau đó cho đúc quả đại hồng chung. Theo niên đại ghi trên thân chuông thì quả đại hồng chung chùa Thiên Thai Thiền Tôn được đúc vào cuối xuân năm Đinh Mão, Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747); chuông cao 1m,60, nặng 855 cân xưa (1 cân=604,5gr). Và chính Hòa thượng Tế Hiệp Hải Điện là đệ tử đắc pháp với Tổ Liễu Quán đứng tên chứng minh.
Nhìn tổng thể, đây là một quả chuông được đúc với thân thẳng đứng, đường kính thân chuông trên trên dưới bằng nhau không như hầu hết Đại hồng chung các chùa xứ Thuận Hóa có hình bầu (trên nhỏ, dưới to).
Từ trên xuống quả chuông được chế tác khá hài hòa và đẹp, cặp bồ lao níu thân chuông với giá chuông được chế tác khá cầu kỳ, râu, vảy và kỳ chạy dày trên sóng lưng có nhiều đường nét rất tinh tế, miệng há to ngậm minh châu rất uy dũng chân có 4 móng níu vững mạnh vào thân chuông. Chỉ riêng về cặp bồ lao nầy thôi quả chuông cũng đã để lại cho chúng ta một giá trị về công nghệ và kỹ thuật chế tác chuông đồng của các nghệ nhân đúc đồng phường Đúc Huế cách đây gần 300 năm: Tinh xảo, mạnh mẽ.
Hoa văn trình bày trên chuông khá đơn giản nhưng mỗi chi tiết đều có một ý nghĩa sâu sắc. Đầu thân chuông có hai đường chỉ chạy tròn bao quanh thân chuông, giữa hai đường chỉ là hoa văn dây leo hoa lá: Thân chuông chính được chia 4 ô lớn, đầu mỗi ô có hình lá bồ đề và các chấm tròn (tượng trưng cho hạt bồ đề), chính giữa mỗi ô có khắc bốn đại tự (4 chữ lớn) là 4 câu chúc:
Ô 1: 皇圖鞏固 (Hoàng đồ củng cố- Cơ đồ Vua bền vững )
Ô 2: 帝道遐昌 (Đế đạo hà xương- Đường lối Đế rạng ngời)
Ô 3: 佛日增輝 (Phật nhật tăng huy-Mặt trời Phật sáng thêm)
Ô 4: 法輪常轉 (Pháp luân thường chuyển- Bánh xe Pháp chuyển mãi)
(Nguyện cho non sông bền vững, nước nhà phồn vinh, Phật pháp sáng soi, người người an lạc)
Đây chính là một sự khác biệt với nhiều quả Đại hồng chung khác cùng thời tại các chùa ở Thuận Hóa, Phú Xuân-Huế. Thường thì khắc 4 câu Phật nhật Tăng huy, Pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an” chứ ít có quả chuông khắc như trên.
Một điều khác lạ nữa là hai bên mỗi câu chúc Đại tự còn khắc 2 dòng chữ Phạn ngủ bộ chú (án lam, án sĩ lâm, án ma ni bát nhi hồng, án chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta ta bà ha).
Dưới 4 ô lớn là những đường chỉ và hồi văn cũng chia làm 4 ô nhỏ hơn. Trong mỗi ô có khắc chữ Hán. Căn cứ vào chữ khắc trên chuông trên thân chuông chúng tôi được biết quả chuông nầy do một vị Thái giám tên là Mai Văn Hoan, pháp danh Tế Ý đứng ra làm Hội chủ vận động tịnh tài của thập phương thiện tín để chú tạo vào năm Đinh mão (1747). Nguyên văn tài liệu khắc trên chuông mà chúng tôi đã ghi lại được
“會主掌太監兼該隊枚文歡法名際懿謹擇丁卯年三月初七日鑄大洪鐘壹口重八百五十五斤奉供留于天台山禪宗寺 dĩ 為法寶永遠”
Hội chủ Chưởng thái giám kiêm Cai đội Mai Văn Hoan pháp danh Tế Ý, cẩn trạch Đinh Mão niên tam nguyệt sơ thất nhật, chú đại hồng chung nhất khẩu, trọng bát bách ngũ thập ngũ cân, phụng cúng lưu vu Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự dĩ vi pháp bảo vĩnh viễn.
(Hội chủ – quan Chưởng Thái Giám kiêm chức Cai đội – Mai Văn Hoan, pháp danh Tế Ý, kính cẩn chọn ngày mồng 7 tháng 3 năm Đinh Mão, đúc một quả đại hồng chung, nặng 855 cân, cúng thờ lưu tại chùa Thiền Tôn, núi Thiên Thai để làm pháp bảo lâu dài.)
Ngoài ra, trong một ô nhỏ còn khắc mấy câu phục nguyện cánh ký và lạc khoảnh cho biết niên đại chú tạo quả Đại hồng chung:
伏願會主壽山益峻福海彌深身宮似金剛命位同磐石
更冀四生六道法界含靈情與無情同圓種智
景興八年季春穀日敬造
Phục nguyện:
Hội chủ, thọ sơn ích tuấn, phước hải di thâm, thân cung tợ kim cang, mệnh vị đồng bàn thạch;
Cánh ký,
Tứ sanh lục đạo, pháp giới hàm linh, tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí.
Cảnh Hưng bát niên quý xuân cốc nhật kính tạo.
(Cúi nguyện: Hội chủ, núi thọ cao nữa, biển phước sâu thêm, thân thể khỏe tựa kim cang, mệnh vị vững như bàn thạch; Lại mong: Bốn loài sáu nẻo, pháp giới hàm linh, tình và vô tình, đều tròn giống trí. Kính tạo nhằm ngày tốt, cuối xuân, năm thứ 8, niên hiệu Cảnh Hưng.)
Và 2 ô còn lại khắc hai bài kệ là “Khấu chung kệ” và “Khai chung kệ” như hầu hết các quả Đại hồng chung trong các ngôi chùa khác.
扣 鐘 偈
願 此 鐘 聲 超 法 界
鐵 圍 幽 闇 必 皆 聞
聞 塵 清 淨 證 圓 通
一 切 眾 生 成 正 覺
Khấu chung kệ:
Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác
(Kệ đóng chuông:
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Thiết vi tăm tối thảy đều nghe
Văn trần thanh tịnh được viên thông
Hết thảy chúng sanh thành chánh giác)
開 鐘 偈
聞 鐘 聲 煩 惱 輕
智 慧 長 菩 提 生
離 地 獄 出 火 坑
願 成 佛 度 眾 生
Khai chung kệ:
Văn chung thanh, phiền não khinh
Trí huệ trưởng, bồ đề sanh
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh
Án già ra đế da tóa ha.
(Kệ khai chuông:
Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ
Trí huệ lớn, bồ đề sanh
Rời địa ngục, thoát hầm lửa
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.)
Phần dưới quả chuông là các núm chuông và trang trí hoa lá uốn lượn, hồi văn, bát quái, bát bửu…Đặc biệt phần miệng chuông không trình bày hoa văn thủy ba (sóng nước) như truyền thống các chuông chùa Huế mà lại trình bày hoa sen, lá sen cách điệu.
Nhìn tổng thể thì quả chuông không được đẹp lắm, nhưng mỗi hoa văn, họa tiết cũng như chữ viết trang trí trên chuông đều mang những giá trị triết lý sâu sắc của tiền nhân.
Trong quá trình tìm hiểu về quả chuông, chúng tôi được biết vào thời Tây Sơn, cũng như nhiều quả chuông của các chùa Huế, chuông Thiền Tôn cũng bị tịch thu để lấy đồng đúc vũ khí. Nhưng bởi tiếng ngân linh diệu của quả chuông nên sau đó chuông không bị đập ra để lấy đồng mà được đem về treo ở Văn Thánh tại làng Long Hồ để làm điểm tựa tâm linh cho mọi người. Đến năm Gia Long thứ hai (1803) sau khi trùng tu chùa song thì thập phương tín đồ cùng với Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu mới dâng biểu lên nhà vua, xin thỉnh đại hồng chung về lại chùa Thiên Thai Thiền Tôn. Khi đại hồng chung trở lại chùa Tăng chúng và tín đồ đã vân tập làm lễ đàn tràng khai chung u minh trong 21 ngày đêm để cầu “Quốc thái dân an, đạo pháp lưu trường”. Từ năm 1803 trở về sau, tiếng đại hồng chung này lại ngân vang như xưa trên vùng núi Thiên Thai.
Có một điều đặc biệt nữa là vào thời nhà thơ Nguyễn Du được thăng hàm Đông các học sĩ, làm quan ở kinh đô Huế (khoảng từ 1805-1813), Ông thường du sơn ngoạn thuỷ, ngắm cảnh sông suối, núi đồi tại vùng núi Thiên Thai, ông đã có duyên được nghe tiếng ngân vang vọng linh diệu của quả chuông nầy bàng bạc giữa núi rừng Thiên Thai. Nên ông đã có đôi lần đến chùa chiêm bái đảnh lễ và cảm khái tiếng chuông chùa vọng ngân giữa núi đồi bát ngát mà đã cảm tác bài thơ “Vọng Thiên Thai Tự”. Bài thơ Vọng Thiên Thai Tự là một trong số bài thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Du được làm vào khoảng những năm 1806 – 1809. Một bài thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú có nhiều hình ảnh đẹp (Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng/ Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng) và ý nghĩa sâu sắc (Thương thay tóc bạc mà còn phải làm lụng vất vả/ Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung). Đặc biệt hai câu kết của bài thơ ông cho biết ông đã đến thăm chùa và đã đọc những dòng chữ khắc trên quả chuông này:
望 天 台 寺
天 台 山 在 帝 城 東,
隔 一 條 江 似 不 通。
古 寺 秋 埋 黃 葉 裏,
先 朝 僧 老 白 雲 中。
可 憐 白 髮 供 驅 驛,
不 與 青 山 相 始 終。
記 得 年 前 曾 一 到,
景 興 猶 掛 舊 時 鐘。
Vọng Thiên Thai Tự
Thiên Thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điều giang tự bất thông
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.
Nguyễn Du (Nam Trung Tạp Ngâm)
Dịch nghĩa:
Nhìn lên chùa Thiên Thai
Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông
Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
Thương thay tóc bạc mà còn phải làm lụng vất vả
Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung
Nhớ năm trước đã từng đến đấy
Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng
Dịch thơ:
Nhìn lên chùa Thiên Thai
Thành Đông chót vót núi Thiên Thai
Cách một dòng sông lối rẽ hai
Chùa cổ lá vàng nghiêng mái phủ
Triều xưa sư lão trắng mây bay
Gian nan đầu bạc hoài thương tiếc
Chung thủy non xanh chẳng đoái hoài
Năm trước đến đây còn nhớ lại
Cảnh Hưng chuông cổ vẫn treo đài
Hiện nay, quả chuông cổ đời Cảnh Hưng đã trở thành bảo vật quý trong di sản văn hóa Phật giáo Huế và được trưng tàng, bảo quản rất tốt tại lầu chuông trong nội tự Thiên Thai Thiền Tôn. Năm 2001, Tăng chúng và Phật tử Bổn đạo chùa đã chú tạo quả đại hồng chung mới cao 2m, nặng 1.500kg và tạo dựng một gác chuông bên ngoài chùa để thỉnh lên hai buổi sớm chiều nên rất ít người có duyên may được nghe “âm xưa chuông cổ” nữa.
T.T.N