Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Chúng ta đến thế giới này để học hỏi và phục vụ...

Chúng ta đến thế giới này để học hỏi và phục vụ chúng sanh

131
0

Thật ra, đời sống, công việc đều là những bài học cho chúng ta. Chúng ta đến thế giới này để học hỏi và phục vụ chúng sanh. Và hơn hết, lúc nào chúng ta cũng xem chúng sanh như là Thầy của mình trên nhiều phương diện. Đồng thời, chúng ta hãy sống hoà mình với tất cả và xem mọi người và mọi loài như nhau; nhưng, đừng bao giờ vì họ mà đánh mất bản tâm của chính mình.

Chúng ta phải hiểu rằng: mình sống đừng để bị họ ảnh hưởng, cũng như bản thân chúng ta cũng không nên ép buộc người khác, và gây cho người khác cảm giác khó chịu… Chúng ta hãy sống trong sự tự nhiên, rung động cảm hóa và chiến thắng tất cả.

Muốn được vậy: Chúng ta phải luôn có sự cảm nhận và thông cảm với mọi sự đau khổ của vạn vật, đồng thời mở lòng thương yêu ngày càng rộng đến với mọi người và mọi loài bằng cách: hướng dẫn, thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ, tha thứ và hy sinh… với một tinh thần đúng đắn. Và lúc nào chúng ta cũng đem đến sự vui vẻ, sự khoan khoái… và bảo vệ cho tất cả. Đồng thời, chúng ta hãy luôn tôn trọng và đối xử với mọi người và mọi loài như đối với chính mình. Cuối cùng, chúng ta cần phải có sự nhạy cảm và nâng tâm từ bi của chúng ta đến một trình độ hoàn mỹ…

Chúng ta phải hiểu rằng: Mình thương yêu tất cả nhưng không để bị ràng buộc. Mặt khác, trong từng sát-na của cuộc sống, chúng ta phải luôn kiểm soát Thân, Khẩu, Ý một cách tự nhiên nhất và tìm được sự bình an trong mọi vấn đề đến với chính mình…

Chúng ta có biết tình trạng tốt nhất cho một người tu hành là gì không? Đó là tình trạng khổ, tình trạng không thoải mái và tình trạng không được tốt…

Từ cổ chí kim, bất cứ người nào Đắc Đạo cũng đều vì khổ mà được. Không phải tự họ huấn luyện lấy bản thân, mà là tình trạng huấn luyện họ. Thật ra, khi tình trạng bị dồn ép, thì trí huệ mới loé sáng, đột khởi, rồi chúng ta mới biết được điều gì là Chân Lý. Cái “người suy nghĩ đó” chính là bổn nhân của chúng ta. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng: “Mỗi ngày xếp bàn, khoanh chân như thế mới là tu hành”.

Không phải vậy, nếu chúng ta chưa dùng tới trí huệ thì chưa phải là đang hoàn thiện mình, trí huệ cần phải được dùng mới gọi là trí huệ.

Thật ra, khi gặp những tình trạng không tốt như trên, chúng ta hãy tự nhiên dùng trí huệ để tìm ra Chân Lý. Đó là cơ hội ngàn vàng quý giá nhất!

Chúng ta hãy sống hoà hợp với thế giới xung quanh và tìm ra chính mình là ai? Chúng ta phải luôn luôn đặt Tâm Thức của mình tại mắt trí huệ trên con đường đi tới và giải quyết tất cả mọi vấn đề từ đây.

Chúng ta hãy quan sát và xử lý thật tốt tất cả ngay tại mắt trí huệ. Chúng ta hãy tự nhiên hoàn thiện một cách chuyên tâm, liên tục và đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta đã đến nơi, mà hãy cẩn thận ở chỗ mà chúng ta sẽ đặt chân lên. Hãy bước tới thật vững vàng là tốt nhất…

Đ.T.G

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here