Cũng như Biển, năng lượng tình thương của Mẹ không bao giờ cạn và luôn luôn dào dạt chuyển động không ngừng, bởi nó được vận hành bằng một động lực vĩnh cửu. Động lực của tình yêu. Trước sự tàn phá khủng khiếp của thời gian, mọi tự xưng giá trị sẽ lụi tàn một cách tội nghiệp. Nhưng hình ảnh cuả Mẹ sẽ vĩnh hằng tồn tại cùng sự sống của loài người.
Bất chấp mọi sự khác biệt về ngôn ngữ, từ Mẹ là từ đầu tiên bập bẹ trên khuôn miệng xinh xinh của mọi đứa trẻ trên hành tinh này. Thật kỳ diệu không hẹn mà gặp, tuy không cùng chủng tộc, không cùng ngôn ngữ, tuy khác biệt về không gian văn hóa, địa lý. Nhưng xét về mặt ngữ học, hầu như từ Mẹ trong các ngôn ngữ đều có sự tương đồng về âm tiết em-mờ [Mẹ (ngôn ngữ Việt) Ma Ma (tiếng Trung) Mother (ngôn ngữ Anh) Mami (tiếng Pháp) Murter (Đức) hoặc Mí; Má; Mạ, Mệ; Mế v.v… như một số dân tộc thiểu số nước ta….. ]. Một âm tiết đọc lên sẽ rung lên những âm điệu sâu lắng, dịu dàng khôn tả. Có thể có một sự thông linh kỳ diệu nào đó chăng? Bởi nếu có một mẫu số chung nào đó của loài người thì đó chính là tình mẹ, là lòng nhân ái! Ai cũng có một Mẹ cũng như ai cũng có một quê hương. Tuy cách thể hiện khác nhau nhưng lòng Mẹ ở bất kỳ nơi đâu cũng chỉ là một. Và đó là một sự kỳ diệu trên thế gian này! Tất cả mọi sự phân chia như: lớn – nhỏ; sang – hèn, nhiều – ít, xa – gần v.v… đều là sản phẩm của những đầu óc duy lý, nặng nề thành kiến. Làm gì có tình thương ít, tình thương nhiều hay là yêu hơn yêu kém, làm gì có tấm lòng cao cả ít, tấm lòng cao cả nhiều, mà sẽ chỉ là có hoặc không mà thôi… Ảnh – Corbis Những tấm lòng như vậy nhiều vô kể, họ âm thầm sống, và lặng lẽ hành xử như những vị thánh giữa đời thường, Nếu như có nhận được một sự suy tôn nào đó, tôi đoán chắc điều đó không nằm trong suy nghĩ của họ. Bởi bản ngã của họ là thế, như một đoá Dạ Hợp âm thầm toả hương trong đêm. Những hành vi tận thiện của họ âm thầm tỏa ra một năng lượng kỳ diệu. Năng lượng của tình người. Ai đó hãy chỉ ra cho tôi Công nương Đi-a-na; mẹ Tê-rê-sa, quí bà Mê-lin-Đa-ghết…có gì vĩ đại hơn họ? Không! tất cả họ, những bà mẹ, những người phụ nữ đích thực trên thế gian này đều vĩ đại, đều đáng trân trọng và đều đáng để chúng ta tôn vinh. Chỉ có điều những vẻ đẹp bình dị thì luôn vây quanh chúng ta song đôi khi vì hàng nghìn lí do, chúng ta đã chẳng nhận ra. “Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu/ thuỳ thính cô viên đề xứ thâm” (nhân gian dễ thấy nghìn non sáng/nhưng có mấy ai nghe được tiếng vượn trầm). Câu thơ xa vắng đầy tâm trạng của Tuệ Trung Thượng Sĩ có thể sẽ nhắn nhủ với chúng ta điều gì chăng!? Nhân nói tới sự tôn vinh. Gần đây tôi có được dự một buổi lễ đón nhận danh hiệu “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Bỏ qua tất cả những thủ tục phần nhiều rườm rà, (song không thể không có -dư âm ngàn năm của xã hội lễ, nghĩa phương Đông) thì cảm nhận chung là sự khoa trương, rầm rĩ hơi thái quá. Tôi đã tự hỏi: rốt cuộc thì chúng ta tôn vinh ai? Tấm lòng cao cả của Mẹ hay hành động cao cả của chúng ta? Giữa trập trùng những băng, cờ, biểu ngữ, giữa những bài phát biểu đại ngôn, tráng ngữ, giữa những đơn vị nhận tài trợ, những doanh nghiệp nhận phụng dưỡng…, Mẹ vẫn ngồi trầm lặng, mặc những lao xao. Hình như Mẹ đã lánh vào cõi riêng của mình. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải tìm đến một chiều sâu hơn cho những hoạt động bề nổi? Nếu không sẽ chẳng bao gìơ chúng ta chạm vào được cảnh giới tâm linh thăm thẳm của họ- những bà Mẹ vĩ đại. Ảnh – Corbis Có một biểu tượng còn mạnh hơn mọi biểu tượng về hoà bình, thậm chí nếu cho tôi quyền lựa chọn thì tôi sẽ chọn bức tranh đó chứ không phải là bức hoạ “chim câu ngậm cành ô-liu” (một tác phẩm tuyệt vời của danh hoạ Pi-cát-xô). Đó là bức tranh thánh; đức mẹ Ma-ri-a bế chúa hài đồng. Hãy chiêm ngưỡng khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc của người mẹ trong tư thế âu yếm cúi xuống nhìn con. Hãy chiêm ngưỡng sự tinh khiết của loài người trong hình dạng chúa hài đồng, để tìm thấy cái giật mình giữa một thế giới tha hoá, ngập tràn bạo lực. Bức tranh đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một thánh tích tôn giáo, bởi cao hơn cả hơn mục đích hoằng dương, quảng bá những tín điều cụ thể, thông điệp của nó chính là cứu cánh của nhân loại. Chúng ta hãy ngàn lần cảm ơn Mẹ, cảm ơn những người Phụ nữ. Bởi họ là một nửa nhưng là một nửa kỳ diệu trên thế gian này. Có lúc tôi đã trộm nghĩ có thể chính chính năng lượng của tình yêu, của lòng nhân từ đã tạo ra một sự cân bằng tuyệt diệu giữa các cặp phạm trù: thiện-ác; sáng -tối; lành-dữ. Trường bảo vệ từ nó tỏa ra đã giúp cho trái đất có thể an lành (một cách khó lý giải) giữa Thiên Hà mênh mông đầy bất trắc. Nếu ví cuộc sống này là một bản hợp xướng vĩ đại. Thì tình mẹ chính là những nốt trầm sâu lắng, là khoảng lặng kỳ diệu để chúng ta nghỉ mệt trên hành trình xa thẳm cuả kiếp người.
Mới rồi xem ti vi, thấy có một bà cụ sống gần một con lộ mới mở, thấy tai nạn giao thông xảy ra nhiều quá, mà ngành giao thông lại chưa kịp đặt biển báo, bà đã làm những biển báo tự tạo bằng mảnh bao “xác rắn” đem treo ở đoạn đường đó với hy vọng mọi người sẽ nhìn thấy mà cẩn trọng hơn. Đầu ngõ nhà tôi cũng có một bà cụ về hưu cứ sáng sớm bà lại ra đầu ngõ chỗ trẻ con khu tập thể vui chơi mỗi buổi chiều, để quét dọn và nhặt những mảnh thủy tinh, chai lọ, kim tiêm… mà những kẻ nghiện hút vứt lại trong đêm. Rồi chuyện một bà mẹ ở miền trung, tuy không có con nhưng đã ôm ấp che chở cho hàng trăm đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ dưới vòng tay ấm áp tình yêu thương của mình. Rồi má Năm “khùng”, người đã bỏ phố lên rừng, giành hết tâm-lực và phần đời còn lại của mình vào sứ mệnh cao cả nhưng cũng cực kỳ gian khổ: Tìm lại di cốt của đồng đội bị thất lạc trong chiến tranh…
Nếu như ai đó muốn đi vào cõi Mẹ, thì xin một lần hãy đọc Kinh báo hiếu của nhà Phật, tự sẽ khai ngộ ra sự kỳ diệu của lòng mình. Qua đó mà tìm đường tới bên mẹ. Chính đức hy sinh cao cả của mẹ như sức mạnh thần kỳ cuả một cơn gió mát, nó sẽ làm dịu đi những cái đầu duy lý nóng bỏng của chúng ta, sẽ gom mây tưới tắm cho những tâm hồn cằn cỗi của chúng ta, đánh thức sự đa cảm của trái tim chúng ta, làm cho nó rung lên những nhịp đập của tình yêu, của lòng nhân ái.
Trần Sáng (vietimes)