Cân bằng tâm lý
Một số nhân viên chứng khoán cho biết, họ chẳng lấy làm bất ngờ khi giới truyền thông có bài viết về việc Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận những trường hợp đầu tiên cần điều trị tâm lý do khủng hoảng tinh thần liên quan đến thua lỗ trong đầu tư chứng khoán.
Sau bài báo, nhiều nhân viên môi giới đã nhận được điện thoại từ phía người thân, bạn bè và thậm chí là cả khách hàng hỏi thăm, động viên và chia sẻ.
Anh Nguyễn Trần, nhân viên môi giới tại chi nhánh Hà Nội cũng của một công ty chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, “Nhiều người thân đã gọi điện hỏi han tôi. Tôi thấy mình cũng không nghiêm trọng và bê bết lắm. Nhưng mẹ và người nhà vẫn động viên phải cười lên cho mọi người vui vẻ. Hình như bề ngoài của tôi đang chán hơn là tôi tưởng."
Nhìn nhận về con đường dài của nghề môi giới chứng khoán, anh Trần tâm sự, có thể coi nghề này như làm xiếc trên dây. Mặc dù nhiều người đang có tâm lý rất chán, nhưng do phải chăm sóc khách hàng nên giữa lời nói và hành động khác xa với những gì người ta đang trải qua. Nguyên tắc người môi giới thường kể về các khoản lãi của mình và ít khi nói thật về những khoản lỗ và áp lực thực mà họ đang phải đối đầu.
Theo anh Hoàng Minh, một môi giới chuyên nghiệp tại một công ty chứng khoán phía Nam, tính đến thời điểm này các thành viên trên thị trường, ai cũng khó khăn. Một số người đã phải từ bỏ hẳn ngành chứng khoán, tuy nhiên một số vẫn cố gắng bám trụ, mặc dù để tồn tại đã có không ít người phải làm thêm nghề tay trái.
Một nữ nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán trên phố Thụy Khuê, Hà Nội, đã phải thốt nên với nhà đầu tư của mình: "nếu có tiền em cũng gửi tiết kiệm." Chị chứng kiến nhà đầu tư của mình thua lỗ nhiều quá nên không còn đủ niềm tin để thuyết phục khác hàng tiếp tục tham gia vào thị trường. Suốt thời gian qua, trên nick chat cá nhân, chị luôn treo dòng tâm sự “Giải pháp gì cho sự thất nghiệp…”
Ngoài lỗi lo về thu nhập và việc làm, nhiều người làm việc trong ngành chứng khoán còn đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn với gia đình, người thân, bạn bè và cả khách hàng. Những người đã tin tưởng giao tài sản cho họ với hy vọng đầu tư “bỏ một lãi mười”.
Đến với các thành viên trên thị trường, thầy Thái Tâm đã dành một phần bài giảng nói về cách chế ngự lòng tham, tránh được đau khổ khi không đạt được tham vọng.
Tổn thương nhờ được ưu đãi
Theo các chuyên viên môi giới chứng khoán, thị trường chứng khoán lình xình, nhà đầu tư đổ tiền bao nhiêu mất bấy nhiêu và đối tượng chịu trận nặng nề cùng giới đầu tư không phải ai xa lạ mà chính là họ.
Anh Hoàng Minh thấm thía kể, các nhân viên môi giới khi sử dụng đòn bẩy [ký quỹ chứng khoán] thường dễ dàng hơn các nhà đầu tư. Bởi, một mặt mình là nhân viên công ty và thêm vào đó muốn tư vấn cho khách hàng thì các môi giới phải tham gia đầu tư để cảm nhận hết tính chất vận động của thị trường, qua đó cũng kích hoạt được hoạt động đầu tư của khách hàng.
Cũng chính bởi yếu tố này mà các công ty chứng khoán thường ưu tiên tỷ lệ đòn bảy cho nhân viên các môi giới của mình. “Nguy hiểm là ở chỗ đó, trước đây chỉ đầu tư đơn thuần tài sản tự có, nhưng do được khuyến khích từ phía công ty, tôi đã nhờ người anh làm ở ngân hàng vay thêm một khoản tiền để tham gia vào thị trường, rồi tiếp tục sử dụng margin chính khoản đầu tư đó. Do đó, khi thị trường giảm sút, ngoài việc tài khoản thâm hụt tới 30%, tôi phải cộng gánh nặng tiền lãi lên trên 20 triệu đồng mỗi tháng. Cộng dồn tổn thất hơn một năm nay, không tính đến khối tài sản kiếm được trước đó đã không cánh mà bay, mà giờ đây tôi còn đang lâm vào cảnh nợ nần,” anh Trần nói.
Khắc nghiệt nhất trong hoạt động đòn bẩy chứng khoán là phải giải chấp đúng đáy. Anh Nguyễn Trần, nhân viên môi giới tại chi nhánh Hà Nội cũng của một công ty chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quan điểm của anh là đầu tư giá trị, nên thông thường anh Văn và các khách hàng của mình thường bám sát một đến hai mã chứng khoán có các chỉ số kinh doanh tốt, chiếm ưu thế ở top đầu trong ngành sản xuất của họ.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có những diễn biến khá đặc trưng, mỗi khi có xu hướng lên thì hết thảy các mã cổ phiếu tốt, xấu cùng lên và xuống cũng vậy, do đó giờ đây nhóm của anh Văn đã phải điêu đứng trước áp lực giải chấp của công ty.
Mặc dù thị trường khó khăn, nhưng vì tin tưởng vào khả năng đánh giá về kết quả và xu hướng kinh doanh một mã cổ phiếu MPC thuộc top đầu của ngành thủy sản, đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn mua ròng MPC với tỷ trọng rất lớn, do đó nhóm của anh Trần đã kiên trì nắm giữ mã cổ phiếu trên trong một thời gian khá dài.
Anh Trần thực hiện mua mã MPC ở thời điểm thị trường rất xấu. Nhưng theo anh, khi đó móm đầu tư này hầu như không lỗ vì có xuống thì cũng xuống rất thấp, cộng thêm việc khối ngoại mua khối lượng rất lớn, thành ra nó làm cho anh chủ quan.
Giá mua trung bình khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu, khi MPC lên được 36.800 đồng/cổ phiếu, anh Trần không bán, lý do chủ yếu là do kinh nghiệm đầu tư luôn có thắng lợi và quen với những khoản chênh lệch quá lớn, nên số lợi nhuận 20-30% làm anh không hài lòng, đây là nhược điểm khiến tôi không còn tỉnh táo nữa.
"Sau này thị trường xuống, chính tôi đã phải giải chấp một số lượng lớn cổ phiếu tại vùng đáy vào hồi cuối tháng Năm vừa qua. Mặc dù trắng tay và đối với bản thân tôi khoảng thời gian này là căng thẳng nhất. Song tôi không cảm thấy là khủng hoảng mà thay vào đó, tôi nhìn nhận lại bản thân, không còn quá tự mãn với những thành quả đã từng dễ dàng gặt hái.
Có thể tôi đã mất đi một khoản tài sản lớn mà nhiều năm mới dành dụm được, nhưng thay vì đó mình đang xây dựng một được nhân cách, một tinh thần của cuộc sống, bởi của cải là thứ chúng ta vẫn có thể làm ra khi duy trì được tinh thần minh mẫn và uy tín đối với những người xung quanh,” anh Trần nói.
Tham vọng lắm thì thất vọng nhiều nên nhà đầu tư cần có những khoảng lặng để chiêm nghiệm lại cuộc đời, với những được – mất, hạnh phúc – khổ đau, từ lúc sinh ra cho đến hiện tại.
Lúc đó, mọi người sẽ ngộ ra một điều, mọi thứ trên cuộc đời này đều do mình, tự mình làm ra nên khi mất mát hay đau khổ, chúng ta cũng phải tự mình đứng dậy, đừng trông chờ vào người khác. Đại đức Thích Thái Tâm |