Hoà thượng Thích Giác Tiên lại là người rất thích sưu tầm cổ vật, rất có ý thức về cất giữ những pháp bảo xưa quý của chư tổ đi trước. Vì vậy mà rất nhiều những pháp bảo xưa quý đã được Hoà thượng bỏ tiền của cũng như công sức ra sưu tầm, tìm về cất giữ rất cẩn thận tại chùa Tây Thiên, Trúc Lâm.
BÌNH BÁT BẰNG CHU SA
Hòa thượng Thạch Liêm, hiệu là Đại Sán hay Hán Ông, quê ở Giang Tây, Trung Quốc, trú trì chùa Trường Thọ. Ngài sinh năm Quý Dậu (1633), học vấn uyên bác, thông Nho Phật Lão, giỏi cả về văn chương, chính trị, thiên văn, địa lý, dịch số… xuất gia ở chùa Thượng Lâm hầu Thiền sư Giác Lãng thuộc phái thiền Tào Động.
Năm Giáp Tuất (1694) chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cử hai vị sư sang Quảng Đông thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang xứ Đàng Trong của Việt Nam hoằng pháp có kèm theo bức thư thỉnh cầu của Thiền sư Hưng Liên. Ngày rằm tháng Giêng năm Ất Hợi (27-2-1695), Hòa thượng cùng các đệ tử và hai vị sư sang rước lên thuyền mang theo nhiều tượng khí, pháp khí và kinh sách sang Việt Nam. Ngày 28-Giêng-Ất Hợi (12-3-1695) cập đảo Cù Lao Chàm (Hội An). Khi đến Thuận Hóa, Hòa thượng Thạch Liêm và các đệ tử được chúa Nguyễn Phúc Chu mời lưu trú tại chùa Thiền Lâm, chùa Thiên Mụ và Giác Vương Nội viện (ở trong cung). Trong thời gian lưu hóa ở Thuận Hóa, ngài đã giúp chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng được một triều đình (cư Nho mộ Thích) rất được lòng dân. Vì vậy, Hòa thượng Thạch Liêm rất được sự sùng ái của chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa đã ban tặng ngài chiếc bình bát bằng chu sa, tích trượng, và giới đao bằng vàng. Ngài đã mở một giới đàn rất lớn, quy tụ hàng nghìn giới tử cả Tăng lẫn tục từ khắp nơi thuộc xứ Đàng Trong về thọ giới, trong đó có chúa Nguyễn Phúc Chu và hoàng tộc (đây có thể là giới đàn đầu tiên được tổ chức quy mô ở Đàng Trong).
Trong thời gian Hòa thượng Thạch Liêm ở tại chùa Thiên Mụ từ rằm tháng 10 năm Ất Hợi (1695) cho đến khi về nước ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696), Hòa thượng không ở trong chùa mà lui phía sau lập ra một phương trượng riêng để ở, sau đó chỗ nầy trở thành chùa Khánh Vân (thuộc xã Lưu Bảo, huyện Hương Trà). Cho nên từ sau khi Hòa thượng trở về Trung Quốc, những pháp khí như bình bát, bức tranh vẽ chân dung ngài… được gìn giữ ở chùa Khánh Vân này cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó, Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936) đã thỉnh về thờ tại chùa Trúc Lâm cho đến nay. Hiện nay, chiếc bình bát còn nguyên trạng màu đất nâu rất đẹp, phía trên nắp bình có khắc dấu triện pháp danh "Thạch Liêm". Còn chiếc muỗng gỗ theo như lời của HT.Thích Lưu Hòa, hiện là trú trì chùa thì đã cho ai mượn và có thể là đã thất lạc! Ngoài ra, hiện chùa Trúc Lâm còn thờ bức tiếu tượng của Hòa thượng Thạch Liêm mà người ta cho là nguyên gốc nhất.
Như vậy, đây có thể là chiếc bình bát xưa nhất (có niên đại hơn 300 năm), có nguồn gốc rõ ràng nhất của Phật giáo xứ Đàng Trong.
BẢN KINH KIM CƯƠNG THÊU BẰNG CHỈ NGŨ SẮC
Một trong những pháp bảo xưa quý hiện đang được chùa Trúc Lâm bảo quản rất tốt có bản kinh Kim Cương thêu bằng chỉ ngũ sắc trên nền gấm lót nhiễu điều rất độc đáo. Toàn bộ bản kinh đo được dài 4,47m, rộng 0,234m, tổng cộng hơn 6.500 chữ Hán thêu chỉ ngũ sắc, cỡ chữ (1×1)cm, được cất giữ trong một chiếc hòm gỗ trầm hương có chiều dài 29cm, rộng 10cm, cao7,7cm, bên ngoài có chạm khắc hoa văn rất công phu, tinh xảo nhưng không sơn son thếp vàng như các hồm cổ thường thấy.
Nội dung là nguyên văn bản kinh Kim Cương nổi tiếng trong tạng kinh Phật giáo Đại thừa. Các lạc khoản thêu hai bài tựa ngự chế và hậu bạt. Bài hậu bạt của bản kinh thêu cho chúng ta biết thời điểm hoàn tất công trình thêu tay này là ngày mồng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Cuối bài hậu bạt còn thêu danh tính người thực hiện là Tỳ kheo ni Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Ngoài ra, kết thúc bài hậu bạt còn có in dấu triện "Nội Nô", đây là chứng tích chứng tỏ bản kinh này đã một lần bị tịch thu đem về Huế.
Đặc biệt bài hậu bạc của bản kinh thêu còn cho biết việc thêu bản kinh là để cung tiến Nguyễn Tướng Công (tức Nguyễn Gia Ngô) tự Di Lạc và mẹ là Quỳnh Liên công chúa (Trịnh Ngọc Tuân) hiệu Trang Từ tặng thụy Trinh Thục. Gấm nhiễu điều và chỉ ngũ sắc là do Nguyễn Thị Định hiệu Thiện Trung cùng con gái là Nguyễn Thị Hòa hiệu Thiện Tài và con rể là Phan Huy Thực đóng góp. Qua đây, chúng ta nhận thấy, bản kinh thêu này liên quan đến nhiều vị danh nhân cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đến nay hơn 200 năm.
Về lai lịch của bản kinh này chu du đến chùa Trúc Lâm được kể như sau: Năm 1801 nhà Nguyễn đánh ra Bắc tiêu diệt Tây Sơn đã phát hiện và tịch thu đem về Huế thờ trong Khương Ninh Các (thuộc phạm vi cung Diên Thọ trong Đại nội Huế). Đến đời vua Khải Định (1916-1924), Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp ở Bình Định ra Huế dạy Phật pháp tại chùa Tây Thiên nghe được liền cho Tăng, Ni sinh dò tìm. Sư bà Diệu Không ở chùa Hồng Ân-Huế lần ra tung tích và mua về với giá 250 đồng (tương đương với 7 lượng vàng lúc bấy giờ) kể cả bản kinh và chiếc hộp trầm hương. Sau đó Hòa thượng Giác Nhiên nhận bảo quản ở chùa Tây Thiên, đến năm 1943 do chùa Tây Thiên bị mất cắp một số Pháp bảo quý, nên Hòa thượng Giác Nhiên đem sang giao cho Hòa thượng Mật Hiển ở chùa Trúc Lâm gìn giữ, và cho đến nay bản kinh vẫn còn được bảo lưu rất tốt, còn nguyên trạng và được quý thầy ở chùa Trúc Lâm cất giữ rất cẩn mật.
K.L