Đồi Dương Xuân Thượng nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi và núi bao quanh. Phía bắc giáp dốc Cầu Lim và đàn Nam giao; phía nam giáp đồi lăng mộ cụ thượng thư Hồ Đắc Trung và vùng núi Ngũ Tây, Thần Phù, Phú Bài; phía đông có núi Thiên Thai và vùng núi đá vôi và phía tây có đồi Thiên An, núi Kim Phụng mà xa hơn là dãy Trường sơn Nam. Sườn đồi Dương Xuân hình vòng cung , dưới chân đồi có khe suối uốn khúc chảy từ hướng nam bắc vòng qua dưới Cầu Lim vào địa phận Dương Xuân Hạ trước khi đổ ra sông Hương.
Cách đây hơn nửa thế kỷ về mùa mưa suối chảy xiết nước đổ ầm ầm, đến mùa khô hanh nước cạn dần, suối trở thành khe nước trong vắt ngọt lịm có thể thấy đá cuội dứới lòng khe và những đàn cá nhỏ tung tăng rượt đuổi nhau. Hai bên bờ suối là một dãi cát trắng phau nhất là ở trước mặt tiền của chùa, còn ở nơi khác thì cát chen lẩn với đá cuội đủ màu sắc (từ đen tuyền cho đến trắng bạch, xanh ngọc, xám, nâu vàng tím…) to nhỏ tròn lép hay có những hình thù góc cạnh khác thường trông rất lạ mắt đúng là:
Trước mặt bờ khe phơi cát trắng
Sau lưng chòm núi rợp cây xanh.
Đến thập niên 60 thế kỷ trước, sư ông trù trì chùa Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Mật Hiển cho ủi san bằng khu đất trước cổng chùa bên dưới chân đồi và đào sâu xuống thành một cái hồ hình chữ S. Sư ông còn đắp một con đường đi vòng quanh hồ, hai bên bờ trồng trúc, tre la ngà, dương liễu. Mé phải đầu con đường thiền hành này sư ông có cho dựng một cột đá có khắc chữ hình như là ba chữ Trúc Lâm Tự. Lâu ngày cột đá đổ xuống không rõ tấm bia nay còn hay đã mất.
Gần một thế kỷ khi mới lập chùa Trúc Lâm, chổ đó chỉ là một cái am lá thô sơ nằm trong một khu rừng hoang vắng rậm rạp tre trúc dày đặc. Chung quanh am là đồi núi khe suối chia cắt, theo đường chim bay thì từ kinh đô đến chùaTrúc Lâm còn xa hơn chùa Tra Am của sư Viên Thành ở dưới chân núi Ngự Bình. Ít người đến được nơi đây hoặc muốn tới phải băng rừng lội suối vạch lau sậy đi theo lối mòn của tiều phu hay thợ săn.
Đường vào chùa Trúc Lâm
Đồi Dương Xuân là đất bìa rừng của dãy Trường Sơn, đứng trên núi Ngự Bình hay trên đỉnh Thiên Thai nhìn về phía tây là có thể định vị đỉnh đồi Dương Xuân Thượng nếu như có một tiều phu nào đó đốt củi làm than trên đó.
Tồ khai sơn chùa là Thiền sư Giác Tiên, câu chuyện ngôi chùa được thành lập là một hạnh duyên cực kỳ lý thú :
Nguyên vào mùa xuân năm Ất Mùi (1895) triều Thành Thái, chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự càng ngày càng hư hỏng. Theo tương truyền là một thảo am của ông Nguyễn Hữu Hào (Đôn Hậu Công Thần Trấn Thủ sinh năm 1642 mất năm 1712 tức anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh ngưởi khai sinh ra thành phố Saigòn) tác giả của một truyên thơ bằng chữ Nôm truyền đời đó là truyện Song Tinh (một tác phẩm văn học cổ nước ta trước cả truyện Hoa Tiên và truyện Kiều hơn một thế kỷ). Lúc ấy, tự trưởng là Chánh Động Đại sư đem ngôi chùa cúng dường cho đại lão hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu. Bấy giờ có một tỳ kheo ni là bà Hồ Thị Nhàn người làng Chuồn ( An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên) con ông Hồ Đắc Tuấn và bà Công Nữ Thức Huấn, cháu ngoại của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà sinh năm 1863 kết duyên cùng ông Nguyễn Đôn Lý, sau ngày chồng mất bà xuất gia thụ giáo với hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu (1898) pháp danh Thanh Linh hiệu Diên Trường. Bà xin phép đại lão hòa thượng được trùng tu chùa Phổ Quang. Điện Phật, cửa chùa, nhà tăng, buồng bếp, ảnh tượng, đồ thờ được sửa sang trang nghiêm đầy đủ. Bà lại đem chuyện đó tâu lên với đức Thái hoàng Thái hậu Trang Ý Thuận Hiếu xin ban cho hai mẫu ruộng chi dùng vào việc đèn hương… Đấy cũng là thời điểm đang mở đường xe lửa chạy ngang qua dứơi chân đồi của chùa Phổ Quang, nơi ấy trở nên thị tứ ồn ào đông đúc, dân cư tụ tập, chơ búa ghe thuyền tấp nập… nên sư bà Diên Trường tìm đường rẻ lối tới chốn sơn lâm cùng cốc xa hơn lập một thảo am khác để tiếp tục tu hành. Duyên lành đã hạnh ngộ trên đỉnh đồi Dương Xuân là vậy, khi thảo am đã xong sư bà Diên Trường mời sư Giác Tiên về làm trụ trì và sư cũng là tổ khai sơn của chùa Trúc Lâm ngày nay.
Trước khi về nhận chùa, sư Giác Tiên đã cùng sư cụ Diên Trường du hành đó đây. Khi đến Trúc Lâm Yên Tử (một trung tâm Phật Học dứơi triều đại nhà Trần) hai vị đã lưu lại một thời gian, sưu tầm một số pháp bảo quý giá như kinh điển, pháp khí. Trở về Huế, sư đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh, có ý liên hệ với Trúc Lâm tinh xá thời Phật còn tại thế và thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử nước ta do Trúc Lâm Đầu Đà Đại Sĩ (hiệu của vua Trần Nhân Tông) thiết lập.
Tam quan chùa Trúc Lâm
Tổ khai sơn pháp danh Trừng Thành, tự Chí Thông thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Sư thế danh Nguyễn Duy Quyển sanh năm 1879 tại làng Dạ Lê Thượng, Thủy Phương, Hương Thủy. Lên 4 tuổi thì song thân mất, phải về ở với ông bà đến năm 11 tuổi (1890) xin xuất gia và được thọ giáo với tổ sư Tâm Tịnh (đời thứ 41 thuộc dòng Lâm Tế, người khai sơn tổ đình Tây Thiên). Đầu tiên ngài được tu học tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài Hải Thiệu đang làm trụ trì và ngài Tâm Tịnh làm giám tự. Năm 14 tuổi ngài được tổ cho thọ giới Sa-di. Năm 1907, Hòa thượng đàn đầu Vĩnh Gia tổ chức đại giới đàn tại chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam, ngài được cho đăng đàn thọ cụ túc giới. Tại đây ngài được cử làm thủ chúng Sa-di khi vừa 28 tuổi.
Năm 1918 sư mở đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, mời Hòa thượng Tâm Tịnh làm đàn đầu. Năm 1924 vân tập đại Tăng an cư kiết hạ tại chùa, năm sau sư được chiếu chỉ của triều đình mời làm trú trì ngôi quốc tự Diệu Đế.
Năm 1926, sư cho trùng tu toàn bộ Phật điện và tăng xá chùa Trúc Lâm. Đến năm 1928 ngài biến Trúc Lâm thành nơi đào tạo tăng tài. Năm Kỷ Tỵ 1929, ngài vào Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định mời Hòa thượng Phuớc Huệ ra Huế làm chủ giảng. Năm 1930, sư khuyến khích và giúp đỡ sư bà Diệu Hương xây dựng và mở Ni trường Diệu Đức.
Năm 1931, sư là người đầu tiên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và vận động thành lập Hội An Nam Phật học, thỉnh nhiều vị thiền sư tài đức về chung lo Phật sự. Năm 1932, nhờ sự giúp đỡ của bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu), vua Bảo Đại cho phép An Nam Phật học hội ra đời do sư đứng đầu, trụ sở đầu tiên đặt tại chùa Trúc Lâm Huế. Năm 1933, sư ủy cử thiền sư Mật Khế vị đệ tử xuất sắc của ngài mở trường An Nam Phật học sơ cấp tại chùa Vạn Phước. Năm 1934 vua Bảo Đại ban sắc chỉ đặt tên chùa là “Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự ”.
Chánh điện chùa Trúc Lâm
Năm 1935, pháp sư Trí Độ đảm nhiệm chức vụ Đốc giáo sau khi trường dời từ chùa Túy Vân (chùa Thánh Duyên) về chùa Báo Quốc. Trong năm này sư cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm, thu nhận 50 học tăng. Đến cuối năm ngài lại quy tụ các học tăng có trình độ cao về Trúc Lâm để mở thêm cấp Đại học Phật giáo, và đó là lớp Đại học Phật giáo đầu tiên có tại miền Trung. Ngoài vị đệ tử lớn của sư là thiền sư Mật Khế, còn có vị đệ tử tại gia rất xuất sắc là Bác sĩ Lê Đình Thám, người đã soạn thảo chương trình tu học cho thanh thiếu niên Phật tử. An Nam Phật học hội đã hơn một lần tổ chức một đại lễ Phật đản lớn chưa từng có ở Huế.
An Nam Phật học hội qui tụ được nhiều nhà tu hành uyên bác như các Thiền sư Mật Khế, Mật Thể, Đôn Hậu, Diệu Hương, Diệu Không… các cư sĩ như Tiến sĩ Đinh Văn Chấp, Nguyễn Khoa Tân, Bửu Bác… và ra báo Viên Âm, tổ chức các buổi thuyết pháp, dịch Kinh sách
Ngày 2 tháng 10 năm Bính Tý, sư cho quy tụ đồ chúng để nghe giảng kinh Pháp Bảo Đàn. Hai hôm sau khi giảng xong phẩm Bát nhã, sư nhìn từng đệ tử để truyền kệ và vào lúc 20 giờ ngày mùng 4 tháng 10 niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (tức ngày 17.11.1936) sư thị tịch lúc 57 tuổi trong lúc đang đảm nhận trách vụ trú trì hai tổ đình Trúc Lâm – Diệu Đế và chứng minh đạo sư cho hội An Nam Phật học.
Với công hạnh và đức độ của sư, ngài Tâm Tịnh đã phó pháp bài kệ sau :
Giác đạo kiếp không Tiên
Không không bát nhã thuyền
Quả nhân phù hạnh giải
Xứ xứ tức an nhiên.
(Đường giác kiếp không trước, thuyền bát nhã không không, hạnh giải hợp nhân quả, ở đâu cũng thong dong).
Nguyễn Lang viết : “Thiền sư Giác Tiên có thể gọi là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung. Thiền sư hướng đạo cho hội An Nam Phật học được bốn năm thì viên tịch. Các đệ tử của ngài là thiền sư Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện và Mật Thể đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này”.
Thiền sư Mật Khế là một trong những đại đệ tử của sư Giác Tiên. Sư là con ông Khóa họ Lê ở Thần Phù và bà Nguyễn Thị Lài người làng Cầu Ngói Thanh Toàn. Xuất gia từ năm lên 7 tuổi sau khi cha qua đời, sư là một người thông minh lanh lợi làu thông kinh sử ngay từ thuờ niên thiếu được mọi người trong chùa gọi là chú tiểu Nam. Năm 20 – 22 tuổi khi đang tu học ở chùa Thánh Duyên – Túy Vân (quê hương của đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại). Bà Từ Cung nghe tiếng sư là người uyên bác nên cho vời sư vào cung để thuyết giảng phật pháp.
Nhà thờ Tổ chùa Trúc Lâm
Thiền Sư Mật Khế qua đời khi còn rất trẻ khoảng 30 tuổi vì bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, hiện tại thiền sư còn một người em gái là cụ bà Hồ Thị Huyền vợ của ông Ưng Úy (thượng thư bộ Lễ) và bà đang sống tại Tp HCM.
Thiền sư Mật Thể thế danh là Nguyễn hữu Kê người làng Nguyệt Biều (Hương Thủy, Thừa Thiên) sinh năm 1912, xuất gia năm 12 tuổi, tu học tại chùa Diệu Hỷ, Từ Quang, Trúc Lâm. Năm 1930, được Hòa Thượng Giác Tiên nhận làm đệ tử pháp danh Tâm Nhất, hiệu Mật Thể. Năm 1937 sang Trung Quốc học ỡ Phật Học Viện Tiêu Sơn, năm 1941 dạy tại Phật học đường Lữơng Xuyên Trà Vinh, năm 1944 làm trụ trì chùa Phổ Quang ở Huế và mất năm 1961 tại Nghệ An.
Thiền sư Mật Hiển là vị Hòa thượng trụ trì chùa Trúc Lâm lâu nhất, mất năm 1992 là ngươi có công nhiều nhất trùng tu và xây dựng chùa Trúc Lâm để có được dáng vẻ như ngày hôm nay.
*
Từ thành phố Huế xe đi qua cầu Nam Giao vào con dường thẳng mà không bằng ấy đến đàn rẽ trái vượt qua cầu Lim găp một con đường đất bên trái đi thêm khoảng 500 mét là đến cổng chùa. Chỉ mất chừng nửa giờ đi xe là đến nơi, con đường đá vàng cát trắng quanh co ngày xưa mà bác sĩ Lê Đình Thám đã từng mô tả :
Đường Trúc Lâm đá vàng cát trắng,
Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh
Dòng khe lượn khúc như tranh
Rừng cây rợp bóng tươi xanh bốn mùa.
Thoạt đầu để mở được con đường quả thật là cam go vì khu vực này còn là rừng nguyên sinh, cây cối tre trúc um tùm ít bóng ngươi lai vãng. Đất đai chưa có ai khai phá có rất nhiều đoạn phải xẻ núi bởi triền đồi Dương Xuân Thượng có độ dốc khá dựng đứng bên phải là vực sâu có giòng khe nước chảy xiết nhất là mùa mưa bão.
Một trăm năm trước nhà chùa chỉ làm được một lối mòn ven triền đồi để đi lại, xe ngựa không thể vào đây được (dấu tích nay vẫn còn thấy). Sau những đợt trùng tu chùa vào các năm 1926, 1942, 1968, 1992 con đường mới được rộng rãi như hôm nay.
Qua vuông sân nhỏ, du khách đến trước chánh điện kiến trúc theo kiểu Á Đông. Mái cong lợp ngói đỏ có gắn long, lân, quy, phụng trên nóc và chia làm ba phần : phía trước là tiền đường, giữa là chánh điện, sau là hậu tổ. Tiền đường tả hữu là lầu chuông trống, chánh điện bên trong khám thờ đức Bổn sư, bên trái có ngài Ca-diếp đứng cầm hoa sen miệng mỉm cười, bên phải có ngài A-nan tay bưng bình bát như đang chờ đợi đệ tử kế thừa. Ở tầng kế tiếp thờ đức Phật Dược sư, hai bên có đức Quan Âm và Địa Tạng. Phía trước tầng này là bàn để chuông mõ. Trên tường có treo bức hoành sơn son thếp vàng bảy chữ “Sắc tứ Trúc Lâm đại thánh tự” và dòng chữ nhỏ “Bảo Đại bát niên cát nhật tạo”.
Gian bên trái phía trên thờ ngài Văn-thù-sư-lợi, bàn thấp hơn thờ đức Quan Thế Âm, cạnh bên trái sát tường là tôn tượng ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Gian bên phải phía trên thờ ngài Phổ-hiền, thấp hơn là bàn thờ ngài Đại Thế Chí, cạnh tường là tôn ảnh của ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán. Phía ngoài là hai bàn Tiêu Diện và Hộ Pháp đối diện nhau.
Bảo tháp Thiền sư Giác Tiên, khai sơn chùa Trúc Lâm
Hậu Tổ cách chánh điện bằng một bức tường ván sơn trắng nhạt. Gian giữa thờ di ảnh tổ Giác Tiên bằng sơn mài lọng kiếng, trên bàn thờ có ba long vị: ở giữa là long vị của tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp Di-đà tỉnh Bình Định; bên trái là long vị tổ Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, và bên phải là long vị tổ Huệ Pháp giáo thọ chùa Thiên Hưng. Phía dưới ba long vị này là long vị của ngài Giác Tiên, thấp hơn nữa là long vị Hòa thượng Thích Mật Hiển; hai bên có di ảnh của hai ngài. Từ tường nhìn ra, hai bên có hai câu đối của cụ Hồ Đắc Trung thân phụ của sư bà Diệu Không đề tặng khi ngài Giác Tiên vừa viên tịch:
Học hạnh khiêm ưu bình tố năng linh nhơn cảnh mộ
Tử sanh vô ngại tu trì định hoạch Phật siêu thăng.
Vị kế Đông sơn phi cụ nhãn yên minh tổ ý
Pháp khai Nam lĩnh thị mê nhơn bất khế Phật tâm.
Bên tả bàn thờ tổ là bàn thờ chư tăng viên tịch, bên hữu thờ di ảnh và bài vị của sư bà Diên Trường và chư ni đệ tử.
Trên bàn thờ tổ có thờ bộ kinh Kim Cang thêu trên gấm. Pháp bảo này do sư bà Diệu Nhàn phát tâm thêu bằng chữ Hán vào đời Cảnh Thịnh thứ 8, có bài tựa do chính vua ngự đề tại thành Thăng Long, được chúa Nguyễn thỉnh về kinh đô Huế để thờ. Bộ kinh này bị thất lạc trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Sau tổ Giác Tiên trên đường hoằng hoá gặp được ở một ngôi chùa làng, ngài xin thỉnh về thờ tại tổ đình Trúc Lâm. Cùng với bộ kinh này là một lư trầm bằng đá có từ đầu triều Nguyễn. Mặt trước lư khắc ba chữ ‘Sơn bảo tự” mặt sau khắc ba chữ “Bát sơn lô” và hai bên có chạm khắc hai bài thơ chữ Hán đường nét rất đẹp, hiện vẫn được dùng xông trầm cúng Phật tại chùa.
Ngoài ra chùa còn giữ một pháp bảo vô cùng trân quý là cái bình bát bằng kim sa của tổ Thạch Liêm Thích Đại Sán, vị trú trì đầu tiên của chùa Thiên Mụ. Sau vì chiến tranh loạn lạc, bình bát này trôi dạt ngoài dân gian cho đến ngày tổ Giác Tiên cũng nhân đi hành hoá ở thôn quê mà gặp được. Biết là bảo vật vô giá, ngài đã kiếm tiền mua về để thọ trì, bình bát được trở lại chốn thiền môn kể từ ngày đó.
H.Đ.D