Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Tra Am

Chùa Tra Am

315
0

Nhân vật có công nhất trong việc xây dựng chùa Tra Am là Hoà Thượng Thích Viên Thành. Ngài là đệ tử chân truyền của Hoà Thượng Thích Thuần Khiết.

Những tài liệu của Thượng tọa Thích Mật Thể và cụ Trần Văn Giáp cho biết: Ngài Viên Thành tên thật là Công Tôn Hoài Trấp, cháu đích tôn của ngài Định Viễn Quận Công (con trai thứ sáu của vua Gia Long) sinh năm 1879 tại làng Dương Xuân thuộc huyện Hương Thủy.

Năm 15 tuổi, đã được vào học tại trường Quốc Tử Giám một thời gian; sau đó lại được Hoà Thượng Viên Chân giảng dạy kinh điển Phật Giáo cho nên đã hấp thụ được nhiều kiến thức đa dạng.

Ngài xuất gia tại chùa Ba La Mật trong địa phận của làng Thế Lại Thượng hồi đó do Hoà thượng Thích Viên Giác trụ trì. Năm Thành Thái thứ 12 (1900) khi ngài Viên Giác viên tịch thì ngài Viên Thành kế vị trụ trì chùa nầy, pháp hiệu là Trừng Thông. Năm sau, ngài vào Phú Yên tham dự Đại Giới Đàn Nguyên Thiều và đỗ Thủ khoa trong hàng Sa Di, được thưởng bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn và một bình bát sản xuất tại tỉnh Thiễm Tây Trung Hoa.

Hiện nay những bảo vật và pháp khí của ngài Viên Thành còn lưu giữ thờ tại chùa Tra Am. Khi trở về lại chùa Ba La Mật, ngài chuyên tâm tu hành và dịch nhiều bộ kinh Phật Giáo nổi tiếng, kể cả bộ Lăng Già Tâm Ấn lưu truyền đến ngày nay.

Năm 1923, đời vua Khải Định, ngài giao lại quyền điều khiển chùa Ba La Mật cho một đệ tử chân truyền thuộc dòng họ Nguyễn Khoa, rồi đến địa phận làng Thủy An, thôn Từ Tây và dựng lên chùa Tra Am. Chùa nầy trong giai đoạn sơ khởi chỉ có một gian nhỏ dùng làm chánh điện, nhưng về sau thì được tu bổ thêm suốt trong 10 năm trời sau đó. Đức độ và tài năng của ngài Tra Am đã được nhiều Phật Tử kính mộ đến xin quy y và ra công phát triển thêm nhiều mặt cho ngôi chùa nầy.

Chùa Tra Am toạ lạc trên một khoảnh đất bằng phẳng thuộc địa phận của Thủy An, trên triền núi Ngũ Phong thuộc dãy Huyền Sơn. Chung quanh ngôi chùa có nhiều gốc thông già từ mấy trăm năm qua, nhiều khe suối quanh co. Phía nam của chùa là ngọn núi Thiên Thai mà nhiều truyền thuyết nói là thần tiên thường xuất hiện. Phía đông là phần chính và cao nhất của rặng Ngũ Phong chính thức. Phía bắc là núi Ngự Bình.

Như thế chùa nằm trong một địa thế thiên nhiên hùng tráng. Tuy tọa lạc trong một vị trí khá hiễm trở, nhất là trong mùa đông lụt lội, nhưng chùa có nhiều vị danh tăng và có thờ nhiều tro cốt của Phật tử quá cố cho nên vẫn tổ chức những cuộc lễ bái thường xuyên, có đông đảo tín đồ khắp mọi nơi tham dự.

Trong giai đoạn đầu thì ngôi chùa nầy chỉ là mái tranh vách đất, khó lòng chống chọi lại gió mưa bão táp của vùng thâm sơn nầy; dần dà, tín đồ góp công, góp của để kiến thiết, tô bồi thêm, trở nên khang trang, vững vàng hơn.

Chùa Tra Am nổi tiếng về phong cảnh đẹp và tàng trữ nhiều di sản tài liệu Phật Giáo trong vùng. Quang cảnh chung quanh chùa cũng được bố trí hài hòa, đầy thi vị; tăng chúng đã ra công xếp đặt những tảng đá lớn từ những nơi khác về đặt bên cạnh những dòng suối mát, những khóm hoa san sát nhau tạo thành những tiểu phẩm trang trí thanh nhã lạ thường.

Những gốc tùng, gốc mai được xếp đặt khéo léo “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Những tài liệu lịch sử và kiến trúc cho biết: Khi mới xây cất quy mô thì nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đã mượn theo kỹ xảo của Trung Hoa như từng thấy ở những ngôi chùa từ đời Trần.

Phần chính của ngôi chùa là một bình đồ rộng lớn hình chữ nhật dựng lên giữa vùng đồi núi; phía trước là chánh điện và tiền đường; bên trong là nhà tổ, nhà tăng và nhà trai soạn.

image
 

Mô hình Đại trùng tu chùa Tra Am tin đến nay (10-2013) đã hoàn thành

Những thành phần nầy nối nhau theo trục chiều dài. Phương đình của chùa có bốn mái, một gian hai chái; cách một khoản thì đến thượng điện, trung điện; cả hai đều ba gian hai chái nhỏ, sau đến nhà Thiên Hương nối theo. Có một khoảng cách giữa hai tiền đường, trên lợp mái ngói, gọi là Thiên đỉnh. Những cảnh trí chung quanh chùa cũng được Hoà thượng Viên Thành đặt cho những tên riêng: dòng suối nhỏ uốn khúc trước chùa được gọi là Tẩy Bát Lưu; chiếc cầu tre bắt ngang qua dòng suối nầy được gọi là Lược Ước Kiều; bến của dòng suối thì có tên là Tẩy Bát Thủy.

Theo nhận xét của sử gia Dietrick Seckel thì: Cấu trúc của chùa Tra Am là một phương thức hài hòa giữa kiến trúc Phật Giáo và mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, dung hợp được nhiều tính chất khác nhau, tạo nên một bản sắc kỳ thú.

Cụ Ưng Bình đã viết về chùa Tra Am như sau:

Thiền đình thanh tịnh, cảnh xanh tươi, Tâm trí thanh tao, nghi sáng ngời. Hương sắc Tra Am hồn đỉnh Ngự, Diệu huyền kinh kệ, đỉnh non soi. (Vỹ Dạ Thi tập)

Trong cuốn Tra Am Ký của nhà văn Mai Tu có đoạn viết:Tra Am là một tiểu giang sơn cách biệt hẳn cuộc tục lụy bên ngoài. Chủ nhân chùa Tra Am là một cao tăng thanh tao, không còn là người nữa mà là một bậc đã liễu ngôn lý thiền, sống ngoài danh sắc của thế gian.

Nhà văn Thanh Tùng đất Thần Kinh cũng viết:

Cảnh trí của Tra Am đã khiến cho người đến vãn cảnhcũng có được tâm hồn đẹp thêm ra; người làm cho cảnh thêm tình, thêm xinh; trong vòng sáu năm đến đây, cao tăng Viên Thành vừa tu hành, vừa ra sức xây dựng ngôi chùa nầy. Đến đây, sống chan hoà giữa mây nước, cỏ hoa, nhà sư đã không ngừng nghiên cứu và sáng tác ( Văn Thơ Huế)

Tháng ba năm 1928, Hoà thượng Viên Thành viên tịch, để lại cho Phật tử Huế muôn ngàn thương xót một cao tăng thoát tục siêu nhiên, một thi sĩ đại tài của Phật Giáo Việt Nam. Nhiều tài liệu cho biết: Hoà Thượng Thích Viên Thành chẳng những là một cao tăng uyên thâm Phật Pháp, mà còn là một thi sĩ nổi tiếng tại cố đô một thời. Rất nhiều thi văn nhân, nhất là trong nhóm Mạc Vân Thi Xã thường đến viếng thăm chùa và đàm đạo, xướng họa.

Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là khách thơ văn thường xuyên đến chùa.Tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoà Thượng Viên Thành nhan đề là “Lược ước tùng sao” nội dung gồm những bài thơ đạo thuần khiết, tiêu sái.

Trong Nam Phong Tạp Chí,Thượng Chi Phạm Quỳnh có viết: Ngoài những ngôn ngữ uyên áo trong Lược Ước Tùng Sao của một thiền sư thoát tục, còn có một tâm vị của một thi nhân yêu nước, yêu thiên nhiên.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here