Có khoảng 200 Phật tử Ba Lan từ Trung tâm Phật giáo Tây Tạng Grabnik (cách thủ đô Warsaw 45km) và Phật tử VN tham gia buổi lễ.
Hai hội viên Hội Người cao tuổi VN tại Ba Lan – bà Vũ Thị Bảo và bà Đoàn Thanh Hằng – cùng rất nhiều hội viên tại Ba Lan yêu đạo Phật đều “thầm cảm ơn một người”. Người đó là ông Bùi Anh Thái – Giám đốc Nhà văn hoá Thăng Long Warszawa. Tôi đã có cuộc chuyện trò thân mật với người phát tâm xây chùa Thiên Việt và ông Hà Minh Hiển – Hội trưởng Hội người VN tại Ba Lan – về văn hoá tâm linh dân tộc Việt trên đất nước Thiên Chúa giáo.
– Ông Bùi Anh Thái: Trước tiên phải nói bạn là người có “duyên” mới hạnh ngộ được cao tăng Zangter hôm nay. Và tôi “có căn, có duyên” mới xây dựng được chùa Thiên Việt. Cách đây 15 năm, cộng đồng mình tại Warszawa đã có ý tưởng xây dựng một ngôi chùa Việt. Tuy nhiên, vì một số lý do mà ý tưởng này không thành hiện thực. Năm 2005, tôi quyết định một mình đứng ra xây dựng chùa.
– Ông đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì khi xây dựng chùa Thiên Việt?
– Tôi gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên bao giờ cũng là vốn. Bởi 100 nghìn USD không phải là một khoản nhỏ. Rồi nhân công. Rồi một số khó khăn khác trong lúc tiến hành xây dựng một công trình ở đất nước mà khi bạn đào sâu xuống đất 50cm hay thay đổi cửa sổ cũng phải xin phép. Tuy nhiên, sau đó những người hiểu biết về văn hoá ở Ba Lan lại rất ủng hộ. Do đó, ngôi chùa nằm trong khuôn viên 400m2 đã hoàn thành phù hợp với tổng thể không gian Nhà văn hoá Thăng Long.
– Tại sao ông lại chọn tên chùa là Thiên Việt và đặt kiến trúc chùa Một Cột giữa khuôn viên? Nguyên vật liệu, ông lấy từ đâu?
– Tôi chọn kiến trúc chùa Một Cột và coi như biểu tượng Phật giáo của dân tộc nơi xứ người vì đó là biểu tượng thể hiện được bản sắc dân tộc. Phiên bản chùa Một Cột được hoàn thiện tại TPHCM và vận chuyển bằng tàu biển sang, rồi được lắp ráp tại Warszawa. Tên chùa Thiên Việt cũng đến trong đầu một cách hết sức tự nhiên. Dù có thể về mặt ngữ nghĩa chưa hoàn thiện, nhưng tôi vẫn quyết định chọn. Từ Thiên Việt có nhiều nghĩa, nhưng trong trường hợp này hiểu theo nghĩa Trời nước Việt hay ngắn gọn là Trời Việt.
– Vì sao chùa lại thờ cả Phật, Thánh và Mẫu?
– Điều này thể hiện tinh thần hoà đồng tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt với Phật giáo. Ngoài ra, như vậy đáp ứng được nhu cầu phong phú về tâm linh của người Việt tại đây.
– Chùa được xây dựng trong khuôn viên Nhà văn hoá Thăng Long là của riêng nhà văn hoá hay của chung cộng đồng, thưa ông?
– Tôi quyết định xây chùa Thiên Việt là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của toàn thể cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan không phân biệt tín ngưỡng, già trẻ, giàu nghèo hay dân tộc. Do vậy, sau khi khánh thành tôi đã chuyển giao chùa cho cộng đồng và Hội Người cao tuổi đứng ra quản lý. Tiền công đức của cộng đồng được Hội Người cao tuổi sử dụng vào mục đích hoàn thiện ngôi chùa giai đoạn 2 (với kinh phí khoảng 100 nghìn USD nữa, được đánh dấu bằng Lễ Khai quang đợt II vào ngày 6.12.2005), vào các hoạt động từ thiện hướng vào cả người dân trong nước và người dân nước sở tại.
– Hoạt động thể hiện sự hội nhập với cộng đồng Ba Lan như thế nào, thưa hai ông?
– Ông Hà Minh Hiển: Ba Lan có nhiều nhóm Phật giáo. Trong Lễ cầu an đầu năm mới này, các Phật tử Ba Lan tham gia khá đông đã thể hiện rõ nhất sự hội nhập tôn giáo và cộng đồng.
Trước đây, còn rất nhiều hoạt động khác. Ví dụ, ngày 4.6.2006, Hội Người VN tại Ba Lan yêu đạo Phật cùng với Hội Người cao tuổi, Nhà Văn hoá Thăng Long thực hiện cuộc hành hương cho gần 50 Phật tử về Trung tâm Phật giáo Grabnik theo lời mời. Cuộc gặp gỡ để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các Phật tử Ba Lan, tăng cường đoàn kết và giúp họ hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng người Việt trên đất nước của họ.
– Ông Bùi Anh Thái: Như trên đã nói, tiền công đức dùng giúp đỡ cả những mảnh đời bất hạnh, những gia đình khó khăn ở Ba Lan.
Ngoài ra, sau khi chùa Thiên Việt khánh thành, báo chí, truyền hình Ba Lan đến đưa tin nên người dân của họ đều biết có một ngôi chùa Việt trên đất Ba Lan. Sau đó, chùa được đưa vào sách hướng dẫn du lịch của Warszawa mà chúng tôi không hề biết cho đến khi có một du khách người Brazil đến với tấm bản đồ du lịch trong tay. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Từ đó, các đoàn du lịch thường xuyên chọn một trong các điểm đến văn hoá của Warszawa là chùa Thiên Việt.
– Xin cảm ơn hai ông!
Huyền Lê (từ Warszawa)
————————————-
Tại địa chỉ UI.Zamoyskiego 2/4, thủ đô Warszawa của Ba Lan, tôi thật sự sững sờ khi đứng trước ngôi chùa Một Cột chẳng khác gì ngôi chùa Một Cột ngàn năm tuổi của đất Thăng Long, từ kích thước cho tới kiến trúc và chất liệu. Chỉ có điều nó hãy còn mới tinh…
Cũng như nhiều nước Đông Âu, tại Ba Lan hiện nay cũng có đông đảo người Việt đang sinh sống. Theo một quan chức của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cho biết, con số thống kê chưa chính thức đã lên tới hơn 40.000 người. Người Việt ở Ba Lan có nguồn gốc từ những người đi nghiên cứu khoa học, lưu học sinh và nhiều nhất là công nhân hợp tác lao động, sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, họ lưu lại đây sinh sống lâu dài. Cả một số người nhập cư sau này qua đường biên giới từ các nước Ukraina, Cộng hoà Czech, Belarus…
Hầu như trên khắp đất nước Ba Lan, ở đâu cũng có người Việt sinh sống, từ Gdansk, Gdynia bên bờ biển Baltic ở miền Bắc cho tới các vùng hầm mỏ của Krakow ở miền Nam. Nhưng hơn 3/4 dân số người Việt ở Ba Lan, sống tập trung tại thủ đô Warszawa. Ở đây có hẳn một trung tâm thương mại và một khu chợ trời mênh mông tập trung hơn chục ngàn người Việt sống bằng nghề buôn bán, đó là khu chợ Sân Vận Động.
Ngôi chùa Một Cột là một “tiểu cảnh” nằm ngay trung tâm của chùa Thiên Việt, ngôi chùa duy nhất của các Phật tử Việt Nam trên đất Ba Lan. Chùa Thiên Việt là một phần trong quần thể Nhà văn hoá Thăng Long, một trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng người Việt tại Warszawa. Người có ý tưởng và đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để xây dựng nên trung tâm văn hoá Thăng Long là ông Bùi Anh Thái.
Ông Thái là một kỹ sư ngành cầu đường, từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Tiệp Khắc (cũ). Sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, do sinh kế, ông Thái trôi giạt sang Ba Lan làm ăn. Qua nhiều thăng trầm gian nan, ông Thái dần dà trở thành một doanh nhân người Việt thành đạt tại Ba Lan. Hiện nay ông Thái là chủ tịch Công ty Newsan, một công ty kinh doanh khá đa dạng từ dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hoá, kho bãi lưu trữ hàng hoá cho tới nhà hàng ăn uống. Đồng thời ông Thái cũng đang là giám đốc của Nhà văn hoá Thăng Long.
Nhớ về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt luôn là mối quan tâm của hầu hết người Việt vì nhiều lý do khác nhau phải rời khỏi đất nước mình. Sự “phản ứng sinh tồn văn hoá” ấy truớc hết là họ luôn duy trì trong đời sống gia đình bầu không khí nói tiếng Việt và bằng mọi cách cho con cái mình học được chữ Việt. Điều tưởng như đơn giản này, thật không phải là một chuyện dễ, khi phải vật lộn với cuộc mưu sinh từng ngày từng giờ. Đâu chỉ có tiếng Việt và chữ Việt mà cần có cả một môi trường mà ở đó, từ nếp tôn ti trong gia đình, nét trang phục truyền thống cho đến những giá trị văn học nghệ thuật ngàn năm của ông cha được hiện diện trong mắt thấy, tai nghe của lớp trẻ người Việt vốn không được sinh ra và lớn lên trong lòng đất nước. Và cả phần đời sống tâm linh. Đây là điều mà ông Bùi Anh Thái luôn trăn trở suốt những năm sống xa Tổ quốc. Chính từ đó, khi công cuộc là ăn của cá nhân mình đã trở nên phát đạt, ông Thái đã xin phép chính quyền sở tại lập ra Nhà văn hoá Thăng Long.
Chùa Thiên Việt là một phần trong khuôn viên Nhà văn hoá Thăng Long. Về hình thức, chùa được thiết kế gần đúng nguyên dạng chùa Một Cột tại Hà Nội. Ông Thái phải nhiều lần về nước, tìm rước các nghệ nhân, tìm mua những loại gỗ quý, sau đó cho “phục chế” ngôi chùa tại trong nước rồi cho đóng vào container chuyển qua Ba Lan. Cùng đi với container ấy là cả một nhóm thợ lành nghề. Trong chùa chính thờ Phật thiên thủ thiên nhãn. Chung quanh chùa có tượng thờ Quán Thế Âm Bồ tát, có các am thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, vua Trần Nhân Tông, thiền sư Từ Đạo Hạnh, các Thánh Mẫu…
Ngày 16.12.2005, Nhà văn hoá Thăng Long đã long trọng làm lễ khai quan chùa Thiên Việt, có thượng toạ Thích Minh Trí, tổng thư ký Thành hội Phật giáo Hà Nội, từ trong nước sang chủ trì. Tuy nhiên cho đến nay chùa vẫn chưa có nhà sư nào chính thức trụ trì. Dù thế, trong những ngày rằm, dịp lễ, nơi này vẫn dập dìu thiện nam, tín nữ trong bóng nâu sồng, thành tâm bên hương khói.
- Nguyễn Hải Tần(Theo SGTT)