Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Quốc Ân và thực trạng tháp Tổ sư Nguyên Thiều

Chùa Quốc Ân và thực trạng tháp Tổ sư Nguyên Thiều

214
0

Quá trình hình thành và trùng tu sửa chữa

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn trong mục chùa quán có ghi chùa Quốc Ân " ở ấp Lương Cải xã Phú Xuân huyện Hương Thuỷ. Tương truyền, chùa do Hoán Bích thiền sư dựng, bản triều Hiển Tông cho hai câu đối, phía tả câu đối khắc tám chữ "Quốc vương Thiên túng đạo nhân ngự đề, nay vẫn còn. Phía dưới chùa có tháp Phổ Đồng, cũng do Hoán Bích thiền sư dựng. Đầu đời Gia Long Mật Cương hoà thượng sửa lại".

Chánh điện chùa Quốc Ân

Tổ sư Nguyên Thiều Hoán Bích (1648-1729), người ở Triều Châu, Quảng Đông bên Trung Quốc sang hoằng hoá ở Việt Nam vào năm 1665 ở tại phủ Qui Ninh (nay là Bình Định) lập chùa Thập Tháp-Di Đà, vào khoảng năm 1683-1684, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) tổ Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hoá dựng chùa Vĩnh Ân (nay là Quốc Ân) tại  chân đồi Hoà Thiên phía trái núi Ngự Bình nay thuộc phường Trường An Huế. Với tầm ảnh hưởng to lớn của tổ Nguyên Thiều (Quốc sư), nên thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với Phật giáo xứ Đàng Trong… 

Bàn thờ tổ sư Nguyên Thiều (trên) và chư tổ (dưới)

Chùa đã được nhiều lần trùng tu, mà điển hình nhất là vào năm 1786 chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn nổ ra, chùa Quốc Ân bị tàn phá rất nặng nề, trong đó đặc biệt nhất là ngôi tháp Phổ Đồng đã bị biến mất hoàn toàn. Các sư trong chùa may mắn lắm mởi bảo quản được một số bia ký, văn khế và một số tượng khí, pháp khí. Đến năm 1806 khi Long Thành Thái Trưởng công chúa cúng 300 quan tiền thì chùa mới được tu sửa. Minh Mạng (1820-1840) năm thứ 3 (1822) Hoà thượng Mật Hoằng xin dâng sớ trùng chùa Quốc Ân và được vua cấp cho 500 quan tiền và các vật hạng. Trong đợt trùng tu nầy, chùa được xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tượng A Di Đà trang trí lại nhà thờ Tổ và tạo lại long vị chư Tổ…Năm 1851 Hoà thượng Từ Hoà-Liễu Triệt đã trùng tu lại chùa và cho dựng cổng tam quan, sau đó ít lâu, chùa được Thái Trưởng công chúa cúng cho chùa 400 quan, thiền sư Liễu Chơn cho chú tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc…

Bàn thờ Quan thánh

Những dấu ấn văn hoá

Mặc dầu, cho đến nay chùa Quốc Ân đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa lớn nhỏ như thế, tuy nhiên điều đặc biệt và đáng được quan tâm hơn hết là cứ mỗi lần trùng tu là mỗi lần để lại cho chùa nhiều dấu ấn văn hoá Phật giáo trong mỗi thời kỳ tương ứng khác nhau của lịch sử. Vì vậy, đến nay chùa Quốc Ân có thể nói là một trong những ngôi Tổ đình ở Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hoá xưa quý nhất của Phật giáo xứ Thuận Hoá.

Chiếc khánh thời Minh Mạng

Điển hình nhất là lối kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chùa chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hoá xưa, gồm 4 phần khép kín từ chánh điện chùa đến nhà Tổ, bên tả là trai đường và bên hữu là trai đường. Chánh điện và tiền đường chùa được xây dựng theo lối nhà rường trùng thiềm điệp ốc ba gian hai chái. Trong chùa hiện đang thờ tự và bảo quản được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời dựng chùa cho đến nay. Như chính điện thờ bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851; giang bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm hai bên là Hộ Pháp phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma (do Tổ Nguyên Thiều đem từ Trung Hoa về), giang bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường) tượng nầy cũng do tổ Nguyên Thiều đem về từ Trung Hoa. Hậu liêu thờ chân dung Tổ Nguyên Thiều và nhiều Long vị của chư Tổ và chư vị Trú trì kế thế…Chùa còn có chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Vua Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký…nay vẫn được nhà chùa bảo quản rất tốt.

Bàn thờ Thập điện Minh Vương

Đến tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang nhiều dấu ấn văn hoá của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hoá nói riêng. Đúng theo tinh thần của hai câu đối do Minh Vương-Nguyễn Phước Châu (1691-1725) ban tặng:

Bối diệp phiêu vân, lục thời thiền tụng kỳ phong mẫn; Ca sa thấp vũ nhất trị thanh cơ kiến đạo xương

Bát bảo xán kim lương, hiểu nhựt lâm quan tiễn hữu nhơn hữu cảnh; Ngũ vân sanh ngọc đống, xuân quan triều toả, hỷ bất tức bất ly.

Tạm dịch:

(Mây phất phơ trên kinh lá bối, sáu thời tiếng thiền niệm cầu hoa lợi phong đăng, Mưa thấm khắp nếp áo Cà sa, mùi đạo thanh tu có cơ duyên phát đạt.

(Đồ bát bảo rực rở rương vàng, vừng mặt trời chiếu đến thiền quang, mến được có người và có cảnh; Mây ngủ sắc giăng quanh cột ngọc, bóng xuân triều về toà Phật, vui thay không mất lại không xa.

Và thực trạng…

Chùa Quốc Ân ngày nay thì đã được bảo tồn rất tốt, toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa-tổ đường-tăng xá…tạo thành một hệ thống kiến trúc chữ khẩu theo đúng tinh thần kiến trúc chùa Huế xưa. Các di vật, pháp bảo trong chùa đều được bảo tồn khá cẩn thận…Tuy nhiên, còn ngôi bảo tháp của Tổ Nguyên Thiều tọa lạc tại một đồi núi ở xứ cửa Hoá, xóm Thuận làng Dương Xuân Thượng, nay là thôn Thượng Một, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, cách chùa Quốc Ân khoảng 1,5 km và cách trung tâm thành phố Huế chưa đầy 3 km về hướng Đông Nam thì "quá ngậm ngùi".

Tháp Tổ sư Nguyên Thiều đang được "bảo quản bằng dây kẽm gai"

Những ai đã từng đến đây để dâng nén tâm hương lên vị Tổ sư tôn kính (vị tổ sư của nhiều Tổ sư) đều không khỏi ngậm ngùi. Ngôi bảo tháp đã xuống cấp rất trầm trọng, toàn thân tháp và tường thành đều bị mục rữa, bia đá thì đã bị vôi hóa đi rất nhiều, chữ mất chữ còn rất khó đọc. Và một con đường cái quan to rộng hai chiều đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế cho quy hoạch và đã hoàn thành cắt ngang qua ngôi tháp tổ với nhiều đất đá ngổn ngang. Rồi một ngày nào đó, đương nhiên con đường đẹp đẻ tốn nhiều tiền bạc nầy sẽ có nhiều nhà phố mộc lên (lẽ nào lại không! và đã có công ty đến xây cơ sở). Liệu khu tháp mộ của Ngài còn yên vị hay không? và cảnh quan có còn tôn nghiêm thanh tịnh như vốn có nữa không? hay là sẽ bị người dân phóng uế gây ô nhiễm và lấn chiếm đất đai đến tận chân Tháp như một số tháp mộ ở các chùa Bắc-Trung-Nam đã từng xảy ra.

Và tấm bảng giới thuyết bằng xi măng…rất phản cảm

Giải pháp tình thế đối phó bằng cách rào dây kẽm gai và dựng tấm bảng bằng xi-măng có ghi một mặt bằng chữ quốc ngữ" Bảo tháp tổ sư Nguyên Thiều truyền phái Lâm Tế khai sơn tổ đình Thập Tháp Di Đà (Bình Định) Tổ đình Quốc Ân và Hà Trung (Thừa Thiên-Huế). Di tích lịch sử Phật giáo Đàng Trong. (thế kỷ XVII) "  hoàn toàn không có giá trị về mặt bảo tồn mà ngược lại còn rất phản cảm!

Còn "bia đá lời vàng" thì đã bị vôi hóa chữ mất chữ còn

Chùa Quốc Ân đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định bảo vệ số 1046 ngày 8-10-1993 thì không cớ gì ngôi tháp của người khai sơn ra ngôi chùa đó lại không được bảo vệ. Như thế có nghĩa là cơ hội và giải pháp bảo tồn và tôn tạo vẫn còn rất nhiều, với lại trong khi con đường chưa kịp cắt lô xây cất nhà, phố thì hy vọng những người có trách nhiệm liên quan cần nắm bắt cơ hội nầy để sớm vào cuộc, có kế hoạch và đồ án thiết kế để bảo tồn nhằm tránh thiệt hại về tinh thần và vật chất cho mai sau
 

K.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here