Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi và chọn Phú Xuân – Huế làm kinh đô và những vị vua trị vì sau này đã củng cố vị thế nhà Nguyễn trên các mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội.. trong đó có kiến trúc nhằm tạo nên một nét riêng cho triều đại mình. Trong đó, có một đặc trưng kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” tiêu biểu cho phong cách xây dựng thời Nguyễn, không chỉ từ lăng tẩm, đền đài ở Huế mà còn ảnh hưởng vương xa đến các vùng khác.
Chùa Phổ Nghiêm tuy có lịch sử hình thành không lâu đời như chùa Đại Huệ, Cần Linh hày chùa Bà Bụt… nhưng kiến trúc thì có một nét khác biệt rất tiêu biểu và độc đáo. Nó mang phong cách Huế khá rõ nét, thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất là ví trí: Theo Nghệ An ký của TS. Bùi Dương Lịch thì huyện Nghi Lộc trước đây là huyện Chân Lộc, phía bắc giáp sông Cấm đổ ra Cửa Xá, phía nam giáp sông Lam đổ ra Cửa Hội, phía đông giáp đảo Sông Ngư .
Bên cạnh đó toàn vùng lãnh thổ là núi non trùng điệp với núi Cấm, Lộ Sơn, Tùng sơn và Kiếm Sơn. Vì thế mà các công trình Phật giáo thường được xây dựng trên núi cao, kín đáo như chùa Đại Tuệ, tọa lạc trên núi Đại Huệ; chùa Bà Bụt nằm gần núi Hội; chùa Phổ Nghiêm nằm trên núi Làng Kho. Nhà Nguyễn xưa nay khi chọn thế đất để xây dựng lăng tẩm hay cung điện thì luôn chú ý đến các điểm như có núi án tiền làm bình phong, núi chắn hai bên làm tay ngai, phía trước có lạch ngòi uốn lượn, tụ thủy làm minh đường. Thế đất như vậy mới được coi là vững chắc.
Toàn cảnh chùa Phổ Nghiêm |
Chùa Phổ Nghiêm cũng theo quan niệm đó mà chọn thế đất đứng chân cho mình. Phía sau chùa là một sườn đồi kéo dài hai bên trái và phải của ngôi chùa. Phía trước tuy không có núi án ngữ nhưng chùa đã dựng một bức bình phong, xa xa là những cánh đồng của nhân dân trong làng.
Về kiến trúc tạo hình thì các ngôi chùa thời Nguyễn có xu hướng nâng cao các bộ phận thanh mảnh và chuyển dần sang tiết diện vuông .
Chùa Phổ Nghiêm được xây dựng có kết cấu kiến trúc của nhà 3 gian. Chùa gồm hai khu vực là chính điện (khu vực chính) dung làm nơi thờ tự và một khu vực nhỏ hơn dùng làm nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi của chư tăng. Chùa cũng có hình tiết diện vuông. Chính điện được xây theo dạng “Trùng thiềm điệp ốc”, các mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhà. Đây là nét đặc trưng của kiến trúc Huế có ở chùa Phổ Nghiêm. Hầu hết chùa miền Bắc và chùa miền Nam (nếu có thì đó không phải là chùa mà là đình, miếu nơi thờ tự các vị công thần khai quốc) giai đoạn này đều không mang dáng dấp loại hình kiến trúc cung đình này. Điều này không chỉ chứng tỏ sự lan tỏa về văn hóa xứ Huế ở khu vực này mà nó còn thể hiện sự hòa nhập giữa phật giáo Nghệ An thời kỳ này với văn hóa Huế thể hiện qua kiến trúc.
Thứ hai là: Xung quanh ngôi chùa có tường cao bao bọc, cổng đi vào chỉ có một cửa nhưng nếu quan sát ở cửa ra vào khu chính điện ta sẽ bắt gặp ngay phía trên nóc mái có những mái nhỏ có độ cong nhẹ nhấp nhô những cập lưỡng long tranh châu. Đó chính là mô thức của Tam quan. Tuy quy mô của chùa không lớn lắm nhưng những thành tố làm nên kiến trúc ngôi chùa thì không thể thiếu một phần nào được.
Nếu xét về tổng thể kiến trúc ngôi chùa thì nó cũng phần nào chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi hệ tư tưởng vương quyền của triều Nguyễn. Thông thường những kiến trúc dạng này theo Luật Gia Long chỉ dành riêng cho giai cấp quý tộc như cung tẩm, lăng mộ, đền đài…Chùa Phổ Nghiêm khi lựa chọn phong cách này cũng phần nào nói lên vị thế của nó trong vùng.
Phong cảnh chùa Phổ Nghiêm |
Nghệ An là một vùng đất với thiên nhiên khắc nghiệt cho nên phong cách người xứ Nghệ cũng mang theo sự khắc khổ trong sinh hoạt, thiết thực trong yêu cầu ăn ở, thận trọng trong xử thế, dè dặt trong quy mô xây dựng. Cuộc sống luôn gắng bó thân tộc, gần gũi tập quán. Tất cả đều có ảnh hưởng đến quan điểm hình thành nên phong cách kiến trúc của vùng là đơn giản không cầu kỳ, mộc mạc nhưng tinh tế, khiêm tốn giản dị nhưng kiêu hãnh. Đó là tất cả những gì mà thông qua chùa Phổ Nghiêm ta có thể bắt gặp tính cách con người xứ Nghệ trong đó.
Qua một vài nét miêu tả phong cách kiến trúc Huế ở chùa Phổ Nghiêm, thực sự ngôi chùa này đã có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống văn hóa tinh thần của vùng. Giữa chốn non cao hiện lên một ngôi chùa mang kiểu kiến trúc cung đình Huế không khỏi làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Hình ảnh ngôi chùa trong tâm thức người Việt qua từng thời kỳ không hề thay đổi mà ngày càng tăng cao. Nhiều ngôi chùa mới khang trang bề thế được xây dựng lên nhưng hình ảnh về những ngôi chùa cổ luôn tạo cho ta cảm giác bùi ngùi về quá khứ. Mỗi vùng, mỗi địa phương nên cố gắng giữ gìn và phát huy những giá tri văn hóa truyền thống từ những ngôi chùa đừng để chúng rơi vào quên lãng.
Ban Quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Dương Lịch (1993). Nghệ An Ký. NXB Khoa học Xã Hội
2. Chu Quang Trứ (2001). Sáng giá chùa xưa. NXB Mỹ Thuật