Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa làng tôi

Chùa làng tôi

143
0

Tôi nhớ năm xưa, nội tôi kể lại rằng chùa Trúc Lâm đã có từ khi nội tôi còn bé. Cơn bão năm Giáp Thìn (1904), vào đời vua Thành Thái năm thứ 16, thật kinh hoàng mang tang thương và chết chóc cho bà con đất Thần Kinh. Cầu Trường Tiền được xây dựng năm 1898, bắt qua sông Hương, với sàn cầu đóng bằng gỗ ván, đã bị cơn bão thổi bay mất ba nhịp. Sau đó cầu mới tu sửa lại và sàn cầu được đúc bê tông, nên có câu ca dao rằng:

“Chợ Ðông Ba đem ra ngoài Dại,
Cầu Trường Tiền đúc lại xi mon.”

Và cơn bão năm Thìn cũng đã làm cho dân làng Trúc Lâm chịu cảnh hoang tàn, đau thương. Nhờ ơn chư Phật gia hộ, ngôi chùa làng vẫn đứng vững, trở thành nơi trú ngụ, che chở cho dân làng ẩn náu.

Đường vào chùa làng Trúc Lâm – xã Hương Phong

Cuối Hè năm Quý Tỵ (1953), một trận lụt lịch sử ở Huế cũng đã làm thiệt mạng hàng trăm người và hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Tang thương bao trùm trời đất Cố Ðô và một lần nữa, ngôi chùa làng lại làm nơi trú ẩn và là nguồn cứu đói cho đông đảo dân làng nghèo khó.

Trở về quá khứ, vào năm Ất Dậu (1945), năm ấy, tôi lên 10, tuổi vừa mới đủ khôn để nhớ lời mẹ dặn. Mai là ngày rằm tháng Giêng, Tết Nguyên Tiêu, cả nhà phải ăn chay, lên chùa tụng kinh niệm Phật, cầu nguyện ngày đêm an lành. Chiều rằm hôm đó, lúc nắng vàng đã tắt, đêm xuống, trăng lên, cả nhà chúng tôi chuẩn bị lên chùa. Tiếng chuông chùa ngân nga, vang vọng vào thôn xóm như thúc giục, mời gọi bà con xóm làng đến chùa.

Thuở còn thơ dại, chỉ cảm nhận rằng tiếng chuông chùa êm ả quá, thân mến và quen thuộc quá… tiếng chuông thật ấn tượng, lắng đọng mãi trong tôi mà nào có hay. Ngay tới tuổi xế chiều mới hiểu rằng đó là tiếng chuông thức tỉnh lòng người quay về bến giác. Mỗi tối 30, rằm, tôi đều theo mẹ lên chùa suốt quãng đời thơ ấu. Cho đến khi chiến tranh xảy ra càng ngày càng khốc liệt, bà con thôn xóm và gia đình chúng tôi phải chạy tản cư vào đồng Chầm, nơi đèo heo hút gió để tránh bom rơi, đạn lạc. Thời gian sau đó, tôi không còn có dịp đi lễ chùa dưới ánh trăng rằm cùng mẹ nữa.

Những năm tháng tản cư, cuộc sống đầy gian khổ, phần nơm nớp lo sợ chiến tranh cướp mất người thân, làm mẹ tôi lâm trọng bệnh. Trước khi lâm chung, mẹ dặn dò con cái, “Mẹ chẳng có gì để lại cho các con. Mẹ chỉ có tình yêu thương các con và mẹ mong các con phải yêu thương, đùm bọc nhau, chăm lo các em còn thơ dại. Sau này dù sống nơi đâu, các con nhớ về mái chùa xưa, nơi mẹ đã gắn bó cả phần đời, hãy gìn giữ mái chùa ấy sống mãi.” Ðó là ước nguyện của mẹ tôi trước khi nhẹ gót về cõi Phật.

Tam quan chùa làng Trúc Lâm – xã Hương Phong – TP. Huế

Sau ngày mất mẹ, tôi rời quê lên tỉnh ăn học, rồi vào đời rày đây mai đó. Thỉnh thoảng tôi về lại thăm mái chùa làng, tôi lần theo lối cũ, đếm lại những kỷ niệm ngày xưa, tìm lại những hình ảnh chính mình vào những đêm trăng rằm cùng mẹ, anh chị em lên chùa lễ Phật. Quá khứ sống dậy trong tôi, dường như còn vang vọng đâu đây tiếng chuông chùa ngày xa xưa ấy thức tỉnh tâm linh, khơi gợi nguồn sống chánh đạo đã khắc sâu vào tâm trí tôi.

Năm 1975, gia đình chúng tôi rời bỏ quê hương, làng mạc, người thân đi tìm cuộc sống nơi đất lạ, quê người.

Những năm tháng tha hương, thỉnh thoảng tôi được tin từ quê gởi sang, biết được ngôi nhà tăng của chùa đã bị cháy từ lâu. Thầy trụ trì không còn nơi nương tựa. Ðất đai, ruộng vườn của chùa, lợi tức duy nhất để nuôi chùa từ bấy lâu đã bị chiếm hữu. Dân làng nghèo khó suốt đời lam lũ với mảnh ruộng vườn rau, tuy họ không thể rời xa ngôi chùa, nhưng lấy gì để tu sửa mái chùa xưa? Ước nguyện của họ là mong sao tâm linh có nơi nương tựa sớm chiều vào hồi chuông, tiếng mõ, vào giá trị đạo đức để làm người. Nhờ đức độ bao dung và sự hộ trì tích cực của Hòa Thượng Lương Phương, trụ trì chùa Phước Duyên. Ngài thấu hiểu được niềm tin sâu sắc và nhu cầu tâm linh của dân làng quê nên vào ngày rằm, mồng một hương khói vẫn còn phảng phất, câu kinh, nhịp mõ vẫn ngân vang suốt nhiều thập niên qua.

 Rồi một hôm chúng tôi về thăm lại mái chùa cũ năm Ất Dậu 2005. Kể ra đã 30 năm dài từ ngày bỏ nước ra đi. Chiều nay, đứng trước sân chùa làng, lòng thật xót xa, khi nhìn cảnh chùa tiêu điều, vắng lặng, ngôi chánh điện với vách tường, mái ngói đã rêu phong, người trăm năm cũ, không còn ai để gặp! Ngoài sân cây mít lưu niên đâu còn xanh tốt, mẹ con đàn gà ríu rít sớm hôm không còn nữa, giàn bầu, giàn bí, vốn là nguồn thực phẩm hàng ngày của chùa, cũng không thấy đâu ngoài đám cỏ dại. Tôi bước đi rồi quay đầu nhìn lại, ngôi chùa làng chỉ là cái bóng mờ đơn độc, trơ trọi, mây che phủ cả bầu trời ảm đạm chiều nay.

Trên đường về, lòng chúng tôi trống vắng, mang nặng nỗi niềm ưu tư, khắc khoải. Nhớ lời Phật dạy, “Vì lợi ích chúng sanh, vì an lạc cho Chư Thiên và loài người” làm chúng tôi bừng tỉnh, nguyện với lòng cố gắng khắc phục bao nỗi khó khăn để mái chùa xưa sống lại, đó là sự trông đợi của mọi người.

Vườn chùa Trúc Lâm

Nhờ chư Phật gia hộ, đầu Xuân Mậu Tý 2008, đại gia đình chúng tôi về làng dự lễ an vị khánh thành chùa mới đại trùng tu với trai đàn chẩn tế, giải oan bát độ được tổ chức. Ngày lễ như là một ngày hội lớn của dân làng và bà con Phật tử bao năm đón chờ. Người ta cứ trầm trồ, “Mấy chục năm rồi nay mới thấy lại một trai đàn lớn như ri!”. Những ai còn lưu giữ ký ức tuổi thơ mới thấy những ngày cúng cô hồn ở chùa làng là ấn tượng đến thế nào! Trong giây phút thiêng liêng này, tôi cứ ngỡ như có sự giao cảm giữa người sống và người chết, đúng là cõi âm có “siêu” thì cõi dương mới “thái”, khi những oan hồn của thiên tai, chiến tranh ly loạn được mát mẻ, vong linh thì người sống cũng hòa vui, thân ái và yên ổn. Tâm linh mở rộng làm thăng hoa giá trị sống, hạnh tinh tấn tạo mầm cho duyên lành. Ðó là hình ảnh hạnh phúc của người dân làng Trúc Lâm bao đời sống quanh ngôi chùa đã khơi dậy với vô vàn hy vọng.

Sau lễ khánh thành, an vị, Thầy Từ Sanh, người gắn bó ngôi chùa làng nhiều năm đã giới thiệu Thầy Huệ Tịnh về trụ trì chùa Trúc Lâm. Thầy Huệ Tịnh tuy là bán thế xuất gia nhưng rất có đạo hạnh, đức độ, khiêm cung. Từ khi thầy về chùa, sớm hôm đều công phu hai thời, hàng đêm đều vang lên những hồi chuông ngân nga sắp thôn xóm. Bà con dân làng nô nức đến chùa tụng kinh, niệm Phật đông vui, hớn hở. Ngày ngày đến giúp Thầy trồng trọt ruộng vườn, luống rau, bụi chuối, sắn khoai xanh tốt. Khoảnh vườn trước sân chùa đủ loại hoa: mai, lan, cúc, lài, vạn thọ… muôn màu, muôn sắc, các lối đi quanh chùa tươm tất, khang trang, cảnh quang chùa thêm sinh động, ấm áp, đàn bồ câu năm xưa nay đã trở về lại, bếp lửa chùa bập bùng và những tách trà nóng làm ấm lòng khách thập phương lại được dọn ra…

Cũng từ nay, Chủ Nhật hay ngày rằm mồng một, gia đình Phật Tử trong đồng phục truyền thống, sinh hoạt đều đặn, màu áo lam chiếm trọn sân chùa. Khuôn hội chùa làng càng ngày càng phát triển trong tinh thần gắn bó cùng chung lo Phật sự. Thầy trụ trì tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn không quên thăm viếng các cụ già yếu, bệnh tật, cô đơn. Những gia đình có người quá vãng, Thầy sẵn sàng đến đó lo toan, việc Phật sự chu toàn với thiện tâm, mà thầy không hề có một điều kiện gì. Bữa ăn của Thầy đạm bạc, rau dưa, tương chao. Phật tử cúng gì Thầy dùng nấy, rất giản dị, chân tình. Chùa nghèo nhưng tấm lòng Thầy không nghèo, Thầy nhân hậu, luôn mở rộng từ tâm cứu người, giúp đời.

Thầy Huệ Tịnh – Trú trì chùa Trúc Lâm

Bà con dân làng trong cộng đồng nhỏ này đều rất tin yêu, quý trọng thầy. Tiếng chuông chùa có Thầy mà đều đặn vang lên mỗi sớm khi sao Mai chưa lặn và mỗi chiều khi sao Hôm vừa mọc. Tiếng chuông phiêu diêu, thanh thoát gọi tâm hồn con người thánh thiện trở về. Nếu ai có dịp về lại Cố Ðô, xin hãy ghé thăm ngôi chùa làng Trúc Lâm, cửa từ bi luôn rộng mở đón khách thập phương.

Hình ảnh ngôi chùa làng hôm nay đã thỏa ước nguyện của dân làng bao năm thiết tha có được đời sống tâm linh ngày càng phong phú. Dân quê đã bao đời nay nương tựa vào mái chùa làng như nương tựa vào Tam Bảo để tu tập, có cuộc sống chánh đạo. Tiếng chuông sớm, nhịp mõ chiều hướng con người đến nếp sống đạo lý, văn hóa dân tộc. Ðó cũng là khát vọng muôn đời của bà con dân làng từ ngàn xưa…

Dù ở xa vạn dặm, ngót nửa vòng trái đất, nhưng lòng tôi luôn luôn hoài niệm về tiếng chuông chùa làng, làm tôi bồi hồi nhớ về quê nhà, nhớ mái chùa Trúc Lâm với ước vọng giản dị, mộc mạc mà chân thành. Tôi ước mong sao sẽ có thêm nhiều ngôi chùa làng như thế để khắp nơi trên đất nước, quê hương mình đêm ngày vang vọng tiếng chuông ngân, thức tỉnh con người trong cuộc đời phù du  này, giúp họ bớt khổ đau, đạo lý bớt suy đồi, xã hội bớt bất công, thiện nam tín nữ được sống trong ánh hào quang từ bi, sáng ngời của Ðức Từ Phụ.

T.D-L.N.A.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here