Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa làng

Chùa làng

229
0

Vào những năm 1946, 1947, tức khi tôi vào khoảng 14, 15 tuổi, tôi từ giã Huế để về quê. Tôi về làng tôi ở Quảng Trị để sống. Làng tôi ở cách thị xã mười mấy cây số, và phần cuối của dòng sông Thạch Hãn chảy qua làng tôi, trước khi đi ra biển khơi.Thời gian sống ở làng đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm mãi khi tôi chuyển vào Huế ở tôi vẫn nhớ như in…

Từ nhỏ, ở Huế tôi đã quyến luyến với chùa. Cho nên ở Huế khi mấy Thầy, mấy Chú trên chùa về thăm gia đình chúng tôi thì đó là một nguồn hạnh phúc lớn cho chúng tôi, và tôi đã nhớ những chuyến về thăm mầu nhiệm, thiêng liêng đó, về thăm thì một lần, mà tôi nhớ thì suốt cả năm.

Về quê, gặp thời gian kinh tế khó khăn, tôi cũng đi làm ruộng như nhiều người khác. Bận công bận việc, tôi ít khi nghĩ đến chùa. Và vào thời buổi chỉ lo làm ăn không ai nói gì đến chùa. Nhưng có một ngày trên đường về ruộng bỗng nhiên tôi nhớ đến chùa. Và có được một lúc rảnh tôi từ ruộng đi về xóm, tôi nhớ thấy có một ngôi nhà nhỏ nằm riêng một mình ở cuối xóm. Tiếp theo ngôi nhà nhỏ là các vạt dưa quả, vạt sắn, vạt khoai, và rồi cánh đồng ruộng nước. Tôi đi tới ngôi nhà lẻ loi ấy, hy vọng thấy được đó là ngôi chùa làng.

Tôi thấy ngôi nhà cửa đóng, cửa sơn màu đỏ của đền miếu, nhưng màu đã xuống cũ. Trước hàng cửa là một mái hiên. Cửa có song để hở nên tôi bước đến nhìn vào bên trong. Chùa để lâu ngày không ai chăm sóc, hơi tối, và như đã lâu ngày không ai thắp hương. Trước mặt nhà Chùa là một hồ bán nguyệt không nước, khô, có cỏ thấp mọc đầy, phủ kín. Tôi biết thêm, đúng là ngôi Chùa làng rồi. Và một cây đa mọc bên hồ. Một điều hay là cây đa có rễ phụ lớn chạy thẳng xuống đất để làm thành một thân cây. Tôi đứng nhìn toàn cảnh. Và trong tâm hồn bỗng nhiên vui mừng, đây đúng là Chùa Làng rồi. Quý lắm phải không bạn, cảnh đủ để được gọi là một ngôi chùa, để có được một Ngôi Chùa. Mái chùa vẫn thiêng liêng. Hằng đêm người làng tôi đã quên thắp hương. Và ngôi chùa, đủ bóng dáng, đã tự mình âm thầm thắp hương mầu nhiệm giữa màn đêm. Tìm được ngôi chùa làng, trong tâm hồn tôi thấy khác, được ấm cúng thêm, và đời vẫn thiêng liêng, mầu nhiệm. Mãi đến hôm nay, ngôi chùa làng bé nhỏ, đủ bóng dáng một ngôi chùa, bị bỏ quên, vẫn tồn tại mãi, âm thầm, thiêng liêng trong tâm hồn tôi.

Sau năm 1975, trước cảnh đình chùa làng bị phá sụp đổ, dân làng muốn xây chùa lại. Các người Phật tử có chức vụ, hữu trách, mới họp lại với Ban Đại Diện làng soạn kế hoạch xây chùa. Ngôi chùa này không nằm chỗ cũ, mà được đem về nằm cạnh Đình làng. Con đường chính chạy trước mặt làng và chạy thẳng vuông góc với dòng sông Thạch Hãn. Đình làng nằm ngay nơi góc phải của đường và nhìn xuống dòng sông. Tiếp sau lưng Đình, tức qua khỏi khuôn viên Đình, và cách một con đường làng là ngôi chùa nhìn ra con đường chính, nhìn qua cánh đồng ruộng rộng lớn, qua đất lăng mộ rồi nhìn thẳng lên dãy Trường Sơn trùng điệp.

Làng còn nghèo, chỉ có khối tình đối với một ngôi chùa làng là nặng đầy và phong phú nên Ban Phật tử xây dựng chùa và làng quyết định xây chùa trên một nền đất cao, mái tranh, vách tre đan tô hồ xi măng cát, cố gắng làm sao xây lên một ngôi chùa tử tế, khang trang, ấm cúng. Ngày khởi công bắt đầu, những thanh niên nam nữ trong làng xưa nay hung hăng, có khi gây cãi nhau, có khi uống rượu say đánh đập nhau đôi tí, sáng ngày đó tập trung lại hết tại địa điểm chùa và làm việc, lấy đất đổ làm nền. Các em bỗng nhiên hiền lành, vui vẻ, đoàn kết, siêng năng, nhiệt tình, hăng hái, làm việc trong chỉ hai, ba ngày mà đổ được một cái nền rộng 7 mét, dài 15 mét, cao gần 1 mét. Thật là một kỳ công. Các em làm việc trong tinh thần tự nguyện, trong một nền nếp hiền lành, vui vẻ, như của một con người mới, hoàn toàn khác hẳn với tính hung hăng, thô bạo, thiếu hiểu biết, thiếu tư cách của con người cũ của ngày nào. Và các em đã giữ được nề nếp êm dịu đó từ đó về sau. Có nền rồi bây giờ làm tiếp vách và mái.

Dân làng ai cũng hưởng ứng xây Chùa nên tất cả đều đóng góp, người thì xin đóng góp mấy cây tre, người thì xin đóng góp tranh lợp mái, người thì xin đóng góp cột bằng cách đi đò lên rừng đốn cây làm cột chở về. Người thì xin đóng góp mấy ngày công. Có người nghèo làm việc 10 ngày và xin được đóng góp 7 ngày công. Và cứ như thế công việc tiến hành để xây một ngôi Chùa làng tử tế, khang trang, đầy đức hạnh, ấm cúng. Thế rồi Chùa cũng có Chuông, có Trống. Và bàn thờ có tượng Phật đẹp, có chuông, có mõ. Và những ngày sinh hoạt gia đình Phật tử, những ngày hội họp, những buổi tu học, những ngày đêm thắp hương, những ngày đêm được lạy lễ Phật, bắt đầu. Tôi ở Huế ra thăm chùa nhiều lần, và góp sức xây dựng Chùa bằng cách cúng tiền lát gạch hoa nền đất Chánh Điện, mua treo quanh tường những câu châm ngôn Phật giáo viết đẹp trên giấy hoa sen, thuê vẽ cảnh cây Bồ Đề sau tượng Đức Thế Tôn. Chùa làng được xây xinh đẹp trong một tinh thần Phật tử quá tốt đẹp, quá vui mừng an lạc nên ai cũng ưng ngôi Chùa đàng hoàng, trang nghiêm, nhiều kỷ niệm yên vui đó vẫn được còn mãi. Làng đã có được một ngôi chùa trong đức hạnh, trong tình thương, được kỷ niệm như một mái chùa thiên thâu. Ngôi chùa đã thành hồn của làng.

Vài năm sau, vài năm sau, Ngôi Chùa đó đã được phá đi để xây một ngôi chùa gạch ngói kiên cố hơn, bề thế hơn, có rồng uốn lượn đẹp, trang nghiêm trên nóc mái, và có phụng, có quy nơi đuôi mái. Bây giờ đó là một Ngôi Chùa được xây có quy mô truyền thống như mọi Ngôi Chùa khác, trên một quãng không gian khá rộng lớn. Và chùa cũng có một Đài Quan Âm có mái ở góc phải phía trước của sân Chùa. Chùa bây giờ đã có bóng mát cây đa, cây bồ đề, đã có sân đúc từng ô, sạch sẽ, xinh đẹp. Và Chùa đã có cổng tam quan của bốn trụ cao. Tất cả đã đi vào nền nếp với một Ngôi chùa có kiến trúc truyền thống, êm đềm mãi mãi. Tôi có về thăm Ngôi chùa mới nhiều lần. Nhiều đêm các Phật tử trong làng đã đến chùa họp. Và các em của Gia đình Phật tử nhiều tháng năm đã đến chùa sinh hoạt, càng ngày càng dễ thương, càng lễ phép, rất vui. Thấy được như thế, ai cũng mừng cho hôm nay, cho những ngày sau.

Dù vậy, những người điều hành Phật sự, dân làng, cũng như tôi ai cũng muốn rằng lịch sử của Chùa Làng phải bắt đầu với Ngôi Chùa tranh thân yêu. Trong cảnh nghèo khó, toàn thể làng từ thanh niên nam nữ cho đến các bậc lão làng ai cũng đem tâm mình ra vượt khó để xây Chùa để cho con người thành người có nhân cách, hưởng được bóng mát muôn đời lời Phật dạy, và để nghe được tiếng chuông chùa mầu nhiệm dẫn về nguồn cội tinh anh. Có một điều rất tốt đẹp nữa: Ngoài việc nhiều người làng đã học cách ăn chay, ai cũng nhận thấy các em trẻ thơ trong làng trở nên dễ thương hơn, lễ phép hơn. Đó là nhờ những sinh hoạt đầy tính giáo dục của Gia đình Phật tử ở Chùa Làng.

Việc xây lại Chùa Làng ở Quảng Trị không phải chỉ ở làng tôi, mà hầu như khắp tỉnh làng nào cũng xây chùa. Có một ngày tôi ở Huế ra, đi về làng. Chiếc xe khách đến Quảng Trị thì dừng lại. Tôi lấy xe đạp gởi trên trần xe xuống và đạp xe về làng. Lúc đó vào khoảng 3, 4 giờ chiều. Tôi đang đạp thì nhìn qua một đám ruộng lúa, một vạt khoai thì đến một con đường và một hàng tre. Một đoàn trẻ em Gia đình Phật tử mặc đồng phục xanh lam thường lệ đang đi đến chùa để sinh hoạt. Thấy như vậy tự nhiên trong lòng tôi rất vui mừng, và thấy cảnh cuộc đời hay và đẹp. Ở đời chỉ có một con đường duy nhất là đi đến Chùa. Các em phải học đi con đường tuyệt diệu tìm về Nguồn Cội cao sang, tìm về Dòng Dõi tình anh, tìm về những chân lý Như Lai. Bạn hãy thử tìm cho tôi một hình ảnh có thể đẹp hơn hình ảnh ấy! Vui mừng cho các em, các em đang đi con đường vi diệu, nhiệm mầu của Dòng – Dõi Cội và Nguồn.

 Nguyễn Tư Trừng

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here