Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Kim Sơn

Chùa Kim Sơn

187
0

Tính về tuổi, Kim Sơn ra đời cách đây trên dưới ba trăm năm mươi năm. Xây năm nào không rõ, chùa được trùng tu lần thứ nhất vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) khi các chúa vỗ ngựa mở rộng bờ cõi vào Nam. Có lẽ chùa được sửa nhiều lần nữa cùng với năm tháng. Đến khi bão Giáp Thìn (1904) thổi qua kinh thành dưới đời Thành Thái thì chùa sập hẳn. Chùa sập, tượng lo, nhưng vua không lo. Vua lo cho vua còn chưa xong, nói gì chùa. Cho nên tượng phải được mang vào thờ tạm trong liêu. Bốn năm sau, bộ Lễ đời Duy Tân giải quyết gọn nhẹ : thỉnh tượng qua chùa Thiên Mụ, còn Kim Sơn thì dẹp luôn, và nhân tiện, một công hai việc, dẹp luôn tăng chúng trong chùa. Trên hoang phế còn lại của trận bão, bộ Lễ cho phép vị trú trì tự xây một nhà tăng để thờ tự các vị tăng đã có công với chùa. Từ « chùa quan », Kim Sơn mất luôn một lúc cả quan liền chùa.

Phế hưng của lịch sử còn làm thay đổi cả tên của chùa cũ. Khi xây, chùa mang tên Bảo Sơn. Năm 1866, Đoàn Trưng, Đoàn Trực mưu giết vua Tự Đức, lập con của Hồng Bảo. Vì nhiều nhà sư có dính dáng với biến động này, vua giận, toan phá chùa, may nhờ hoàng hậu can được, chùa chỉ bị đổi tên thành Ngọc Sơn. Thôi thì « bảo » cũng quý mà « ngọc » cũng quý, cả hai đều là núi quý cả. Chỉ tiếc là bão Giáp Thìn chẳng biết quý chùa, thổi bay vào gió bụi cả hai tên.

Nhưng đồi Kim Sơn, nằm ở trên cao, nhìn xuống bờ phía bắc sông Bạch Yến thì nghìn năm vẫn còn đấy. Tên của đồi cũng vậy. Cho nên, năm 1944, khi bác sĩ Lê Đình Thám và hội An Nam Phật học xây Phật học viện đầu tiên trên đồi, nơi di tích đổ nát của « chùa quan » cũ, cơ sở mới đó được mang tên là Tùng Lâm Kim Sơn. Tên chùa Kim Sơn có từ đó và dính liền với lịch sử phục hưng của Phật giáo cũng như với kháng chiến chống thực dân. Khách du ngày nay chắc phải đòi chùa dựng bia ghi rõ ít nhất hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là lớp lãnh đạo mới xuất phát từ Kim Sơn với những tên sáng chói đã làm sống lại Phật giáo trong lòng đất nước tự chủ : Thiện Minh, Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Hoa, Trí Tịnh, Minh Châu … Sự kiện thứ hai là cái chết của thầy Trí Thuyên, một trong những tăng tài đầu tiên đào tạo ở Kim Sơn. Sống như chánh pháp, thầy đã chết như chánh pháp. Ngày 23-2-1947, lính Tây đóng đồn ở Văn Thánh mở trận càn quét lên Kim Sơn. Chúng bắt thầy, định bắn ngay. Thầy đề nghị để cho thầy tụng xong một bài kinh rồi bắn. Thầy ngồi yên tụng kinh. Kinh dứt, súng nổ. Tháp của thầy được xây trong khuôn viên Kim Sơn, khách du muốn nghe gió vọng trên đồi tiếng kinh và tiếng súng có thể đến thắp hương nơi chỗ thầy gục ngả.

Chính điện chùa Kim Sơn

Tôi nói thế nhưng chưa khi nào thắp hương cho thầy. Lý do rất đơn giản. Lần đầu tiên lên Kim Sơn, tôi không biết lịch sử của chùa. Chùa cũng chẳng hề kể lịch sử cho tôi nghe. Lần đầu lên Kim Sơn, tôi không biết đây là chùa cổ, vì chùa xưa đâu còn nữa để “cổ ” với đời nay ? Ngay cả gạch ngói điêu tàn cũng chẳng còn, bởi vì trong thời buổi khó khăn, mỗi viên gạch bể đều được dùng vào việc khác. Lên Kim Sơn, tôi chỉ thấy đất hoang cằn cỗi, khô nẻ dưới nắng hạ. Vườn chùa là đất núi, lún phún dăm ba cây chanh, cây bưởi há họng đòi nước. Tôi hỏi nước đâu, chùa trả lời : ở tận dưới kia, dưới chân đồi, phải gánh lên từng gánh, ngoài đôi vai không có cách nào khác. Gánh từng gánh ? Bước từng bước lên đồi cao ? Dưới nắng khét ? Tôi chịu, không tưởng tượng nổi một màu xanh nào đó có thể trải ra trên đất cháy, đất đói, đất khát, đất xương bọc da này. Chùa cổ, tôi chẳng thấy đâu, chỉ thấy chùa nghèo, nghèo mạt rận.

Hai năm sau, tôi trở lại Kim Sơn, chùa vẫn cùng đinh mạt hạng, nhưng cây bắt đầu rậm lá. Tôi vẫn chưa biết quá khứ của chùa, mà cũng chẳng cần biết, chỉ lo cho tương lai. Bây giờ thì hết phập phồng. Đất núi nấp dưới cây xanh tưởng chừng mát như da trẻ con trong áo mới. Tôi đi một vòng quanh chùa, rờ từng đọt cây. Hai năm sau nữa, vườn chùa không phải chỉ khoe áo ngũ sắc với tôi mà còn khoe trái thơm, trái bưởi, vừa ăn tại chỗ vừa mang về nhà. Với hai bàn tay và một quyết tâm, nước sông Bạch Yến đã chảy ngược từ dưới chân đồi lên tận đỉnh Kim Sơn.

Nhưng tôi vẫn chưa để ý lai lịch của chùa. Kim Sơn trước mắt tôi vẫn còn là chờ mong : chờ mong cây mít cho quả, đêm tối cho đèn. Trước mắt tôi, di tích lịch sử của Kim Sơn vẫn chỉ có hai, cả hai đều gần gũi với thiên nhiên. Một là cái giếng nước. Đúng là giếng cổ, giếng đá, sâu hun hút, thả gàu xuống, tụng hết năm bảy bài kinh gàu vẫn chưa đụng nước. Có lần tôi hỏi chùa sao không lấy nước giếng tưới vườn, gánh nước chi mà xa xôi, cơ cực vậy. Chùa cười, chắc là cười tôi thành thị, tiểu tư sản, múc nước tưới khăn mu-soa. Tôi cãi để chứng tỏ mình cũng hiện đại như ai : tại sao không dùng bơm điện hút nước lên ? Chùa lại cười : khách không thấy mặt trời mùa hạ cũng đang thèm uống cạn nước Kim Sơn sao ? Ai đến thăm Kim Sơn hãy múc một gàu nước giếng rửa mặt, biết đâu rửa luôn được ưu phiền trong lòng. Ai có chút lòng với đạo hãy kéo gàu lên để đo lòng giếng, đừng đo bằng sải tay mà đo bằng nam mô, xem thử bao nhiêu Nam-mô Quán Thế Âm thì gàu lên bờ giếng. Cái vui của nam mô và cái mát của nước giếng sẽ còn ở lâu với khách khi khách ra về.

Di tích thiên nhiên thứ hai hiện nay của Kim Sơn mà khách du có thể viếng là … thầy Từ Vân, đương kim trú trì. Cách đây hai năm, lên Kim Sơn tôi phải xuống xe, hạ mã, vì chùa nằm trên đồi mà cổng vào chùa lại rất dốc. Nhưng phải đi bộ, leo dốc, mới thấy Kim Sơn mở ra trước mắt, bầu trời cảnh bụt. Kim Sơn lánh mình trên núi, xa thành phố, lần nào lên thăm tôi cũng phải nam mô trước khi đi, sợ thầy Từ Vân đi vắng, không gặp. Thế mà có khi tôi đành về không. Có khi, chép miệng ra về, đến cổng, bỗng tiểu reo mừng : có tiếng xe, thầy con về rồi đó. Không cần nhìn, thấy cái nón là biết thầy Từ Vân, thầy mà không có nón thì cũng như kinh thành Huế không có cửa Ngọ Môn.

Hai năm rồi tôi chưa về lại Huế, không biết Kim Sơn bây giờ cây trái ra sao. Có lần ghé thăm Kim Sơn vào dịp Tết, tôi thấy chùa có cả mấy luống hoa lay-ơn đủ màu sắc hồng, đỏ, trắng, rất tiểu tư sản, rất đám cưới. Tôi khen : chà, bây giờ chùa có cả hoa Đà Lạt ! Thầy Từ Vân nhỏ nhẹ : năm nay hoa nở trễ quá, Tết qua rồi, chẳng ai mua nữa, để cho đẹp. Hóa ra thầy trồng hoa để kiếm thêm chút lợi tức cho chùa. Tết ấy, tôi được thầy chiêu đãi một bữa tiệc sang : bánh ướt chan với tương. Bánh ướt, thầy mua tận chợ Kim Long. Tương, thổ sản của chùa. Chỉ có thế. Bánh ướt với tương. Tương với bánh ướt. Xong tiệc, thầy trân trọng hạ trên bàn thờ xuống một trái táo Trung Quốc, chăm chú cắt thành bốn phần, tráng miệng đặc sản phương Bắc. Giữa buổi tiệc, có khách đến tìm thầy, khách từ xa về, trao cho thầy một phong thư nhỏ, nói là quà mọn quyên được để chúc Tết các chùa nghèo ở xa thành phố.

Kim Sơn là chùa cổ ? Khách kia có biết đâu, chỉ thấy có tên trong danh sách các chùa bạch đinh. Một phong thư nhỏ từ xa, một đồng, hai đồng, từng trái bưởi, từng cánh lay-ơn, từng gánh nước, từng hạt tương …lịch sử Kim Sơn đối với tôi cho đến hôm nay là như thế. Bỗng nhiên sáng nay tôi nhận được thư, không phải từ Kim Sơn mà từ bạn bè bên Hà Lan, kêu gọi quyên góp đại trùng tu chùa. Như vậy là lịch sử Kim Sơn đã sang trang ? Đã viết xong trang vườn, bây giờ trở lui phấn đấu với bão Giáp Thìn, với bộ Lễ ? Thật tôi không tưởng tượng nổi sức mạnh của hai bàn tay không. Lần đầu tôi đến Kim Sơn, thầy Từ Vân chỉ nuôi được một tiểu. Lần cuối, tôi nghe trong bếp tiếng chuyện trò của nhiều chú. Chú ngày trước đã thành thầy. Tôi biết các chú đã ăn gì để đi học, để thành thầy. Ăn từng hạt tương. Ngày xưa, thầy Thiện Siêu đã ăn như vậy. Và thầy còn hóm hỉnh : có tương mà ăn là may ! Tôi không phải là người tán dương sự khắc khổ, luôn luôn mong ước các cô các chú ngày nay sống đầy đủ hơn. Nhưng tự làm tự sống, bất tác bất thực là nếp sống của thiền môn tự ngàn xưa. Biết làm ra hạt tương để ăn, biết sống vừa đủ với hạt tương thì không sợ bất cứ thế lực, cám dỗ, quyền uy nào. Tùng Lâm Kim Sơn đã ra đời từ trong hạt tương đó. Từ cái « cổ » muôn đời đó, chùa mới vươn lên cái mới, cái « kim ». Cũng từ trong hạt tương mà ra cho nên thầy Trí Thuyên không bỏ Kim Sơn dù chiến tranh lan đến vùng chùa. Tôi đọc đoạn kết chuyện của thầy : Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tùng Lâm Kim Sơn điêu tàn hẳn. Một số các thầy vào Nam, một số tham gia kháng chiến chống Pháp trong các tỉnh, một số về Huế để củng cố giáo hội tăng già và Phật Học Viện Báo Quốc. Chỉ một mình thầy Trí Thuyên ở lại với Kim Sơn, chia sẻ mọi gian lao, đói khổ với dân chúng chung quanh vùng đồi xôi đậu. Thầy là một trong sáu vị tăng xuất sắc nhất mà Tùng Lâm Kim Sơn đã đào tạo được trong đợt đầu tiên. Khi Tây bắn, thầy chỉ mới 24 tuổi. Dân trong vùng đã an táng thầy trong khuôn viên Tùng Lâm…

Tháp Giảng sư Thích Trí Thuyên trong vườn chùa Kim Sơn

May mà còn Kim Sơn để hôm nay tôi đọc được lịch sử của chùa. Để biết có cái tiếng súng ấy. Nhưng nhờ đâu, nhờ ai mà còn Kim Sơn ? Nhờ đâu, nhờ ai mà dân chúng vùng đồi nghèo khổ này vẫn còn chùa bên cạnh ? Nhờ truyền thống không sợ cực, nhờ hạnh nguyện sống với hạt tương. Chung quy, lịch sử của Kim Sơn từ hồi có tên này cho đến tận nay là lịch sử của một hạt tương. Mai đây, khi về thăm lại Kim Sơn, tôi sẽ thắp hương trước tháp của thầy Trí Thuyên như thắp hương trước một vị tổ. Thầy sống như hạt tương, thầy chết như hạt tương. Hạt tương không biết sợ. Sợ cực hay sợ súng. Thầy để lại một hạt tương. Kim Sơn là hạt tương.

C.H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here