Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Kiều Đàm Huế

Chùa Kiều Đàm Huế

189
0

Trong số các ngôi chùa sư nữ ra đời khá sớm ở cố đô Huế, thì Kiều Đàm là một trong những ngôi chùa ít được nhắc đến. Song đó lại là một ngôi chùa quan trọng, bởi lẽ một điều rất giản dị: chùa do Ni trưởng Diệu Không khai sáng, trùng hưng và trụ trì. Ni trưởng là người có nhiều công lao trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xây dựng ni viện, cô nhi viện ở nhiều địa phương và Viện Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam (Đại học Vạn Hạnh). Ni trưởng còn biên dịch nhiều bộ kinh Phật, là một trong những sáng lập viên Nhà in Liên Hoa, Báo Liên Hoa…

Chùa Kiều Đàm tọa lạc trong một khu vực tập trung nhiều chùa tại ấp Bình An, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy ngày trước, nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Chùa quay mặt về hướng Đông Nam, phía trước có khe suối Tiên nước trong xanh uốn quanh làm cho cảnh chùa thêm phần thơ mộng, tươi mát. Cách đây hơn nửa thế kỷ về mùa mưa suối chảy xiết nước đổ ầm ầm, đến mùa khô hanh nước cạn dần, suối trở thành khe nước. Tương truyền rằng, một buổi chiều nọ, trời bỗng trở nên mát mẻ, từng đợt gió mơn man thổi như có một điều gì khác lạ. Nơi khe suối, người ta nhìn thấy 3 thiếu nữ xinh đẹp với xiêm y lộng lẫy đang vui đùa trong dòng nước mát trong. Khi những người đi đường nhìn thấy và tiến lại gần, ba thiếu nữ nhẹ nhàng bay lên hư không và mất hút trong bầu trời xanh thẳm, chỉ để lại những hương thơm kỳ lạ thoảng bay trong gió. Từ đấy, câu chuyện 3 tiên nữ xuống tắm nơi dòng suối được lưu truyền trong dân gian. Và có lẽ đấy cũng là nhân duyên để sau này khe suối mang tên là khe suối Tiên. Phong cảnh chùa thật thanh tịnh, nên thơ, thích hợp với nếp sống tinh thần của nhà tu hành và tâm hồn thi sĩ vốn yêu mến thiên nhiên của Ni trưởng Diệu Không.

Ni trưởng Diệu Không là Tổ khai sơn và đặt tên cho chùa là Kiều Đàm. Kiều Đàm là chữ được Ni trưởng Diệu Không lấy từ tên Tổ sư Ni Kiều Đàm Di, bậc trưởng lão của giáo đoàn Tỳ kheo ni đầu tiên thời Phật tại thế và là Tổ khai sơn của giới Ni lưu ngày nay, nhằm tỏ lòng hiếu đạo đối với Tổ sư Ni Kiều Đàm Di.

Theo Ni sư Thích nữ Diệu Trì: Chùa Kiều Đàm được sáng lập vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, trên thửa đất thuộc quyền sở hữu của cụ Hồ Đắc Khải (anh cả của Ni trưởng Diệu Không). Ban đầu, chùa Kiều Đàm ngoài việc là nơi thờ Phật và tu tập của Ni chúng thì chùa cũng là địa điểm đặt nhà in Liên Hoa lúc bấy giờ. Liên Hoa văn tập do cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm chủ nhiệm, Quản lý là Ni Trưởng Diệu Không và Tổng thư ký tòa soạn là thầy Thích Đức Tâm. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cả khu vực này bị bom đạn làm cho đổ nát nên nhà in Liên Hoa mới dời đi. Cũng vào lúc đó, Giáo hội mới chỉ thị cho Ni trưởng thành lập trường mẫu giáo. Từ đó, trường mẫu giáo Kiều Đàm bắt đầu ra đời trên mảnh đất Thần kinh. Ngôi trường mẫu giáo Kiều Đàm là một trường mẫu giáo tư thục bán trú, có hai xe đưa đón con em ở dưới phố lên học và một lớp miễn phí cho con em nhà nghèo trong thôn xóm. Trường mẫu giáo Kiều Đàm là một trong những ngôi trường mẫu giáo mẫu mực nổi tiếng ở thành phố Huế vào trước năm 1975.

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, húy thượng Trừng hạ hảo, hiệu Nhất Điểm Thanh. Ni trưởng thế danh  Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1905, là con gái út của quan Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Đắc Trung – nổi tiếng “thanh liêm chánh trực đương thời”, thân mẫu là cụ bà Châu Thị Lương ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ni trưởng có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo hồi thập kỷ 1930, cho phong trào tranh đấu chống chế độ độc tài vì hoà bình và vì sự tồn tại phát triển của Phật giáo dưới chế độ Mỹ-Nguỵ. Với lòng từ bi nguyện độ sanh nên khi thọ giới Sa di rồi, công việc đầu tiên là Ni trưởng lo xây dựng Ni viện Diệu Đức, để dời Ni chúng ở tại chùa Từ Đàm. Sư sáng lập rất nhiều Ni viện, Ni tự tại Huế, Chùa Bảo Thắng – Hội An, Chùa Bảo Quang – Đà Nẵng, Ni viện Diệu Quang – Nha Trang. Tại miền Nam, Sư cũng đã góp công sức xây dựng Ni trường Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp, Kiều Đàm…

Trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, ngoài những công tác Phật sự, từ thiện xã hội, Ni trưởng còn dành nhiều thì giờ cho việc dịch, soạn thảo và trước tác nhiều tác phẩm Phật học giá trị, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Thành Duy Thức, Du Già Sư Địa Luận, Lăng Già Tâm Ấn, Di Lặc Hạ Sanh Kinh, Đại Trí Độ Luận… đặc biệt có nhiều bài thơ khuyến tu rất hay. Đồng thời, Ni trưởng Diệu Không là nhà thuyết pháp có tài hùng biện, Sư đã tổ chức nhiều cuộc thuyết giảng ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế với hàng nghìn người mỗi lần. Sư còn viết nhiều luận văn khuyến tu, đề cao nữ quyền, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Là nhà thơ thiền nổi tiếng, Diệu Không đã sáng tác thơ từ những năm đầu thập kỷ XX với hơn 500 bài thơ đăng rải rác trên các báo của Phật giáo. Nội dung các bài thơ này tỏa sáng ánh trí tuệ và thơm ngát hương từ bi.

Những năm 60, Ni trưởng Diệu Không được giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên tôn vinh làm Ni trưởng và cũng là Ni trưởng có uy tín hàng đầu trong giới nữ tu ở miền Nam. Sau ngày thống nhất tổ chức Phật giáo cả nước, Ni trưởng Diệu Không được cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế.

Đến ngày cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng sư bà Diệu Không vẫn không ngừng làm việc và viết hồi ký, minh mẫn cho đến hơi thở cuối. Sau này, toàn bộ hồi ký của Ni trưởng được in trong cuốn “Đường thiền sen nở”. Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây vừa ấn hành trong quý 2-2009. Với công hạnh và đức độ của Ni trưởng, sau khi đọc hồi ký, Giáo sư Chương Thâu đã có đôi lời nhận xét: “Có thể tin lời Sư bà để chấn chỉnh hay xử lý lại những tin tức của thời đại ta đang sống (kể cả buổi giao thời đầu thế kỷ XX)…". Ni trưởng an nhiên thâu thần thị tịch vào khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu (tức 23.9.1997), hưởng thọ 93 tuổi với 53 hạ lạp.

Thực hiện ý tưởng của Ni trưởng Diệu Không về việc mở rộng quy mô Ni viện Kiều Đàm để đáp ứng cho sự phát triển Ni chúng ngày một đông đảo hơn. Chùa được đại trùng tu toàn diện thành tòa phạm vũ nguy nga vào năm 2002 do Ni chúng và tứ chúng đồng tâm hỗ trợ với quy mô gồm hai tầng: Tầng trên là Chánh điện và tầng dưới dùng làm Khách xá.

Du khách đến tham quan chùa Kiều Đàm phải qua một chiếc cầu nhỏ bắt qua khe suối Tiên. Tiếp đến, du khách đi một đoạn thì đến cổng tam quan. Cổng tam quan tuy đơn giản nhưng có vườn cảnh nên tạo ra sự hài hòa, tăng thêm vẻ trang nghiêm thơ mộng và bên trên có bản nối các trụ cao. Bảng chính giữa đề bốn chữ Quốc ngữ “Chùa Kiều Đàm”. Sân chính trước chùa có ba lối đi ngăn bằng hai dãy chậu hoa và cây kiểng.

Nhìn từ cổng vào, kiến trúc chùa vẫn theo mô hình ba gian hai chái, kiểu kiến trúc truyền thống của chùa Huế. Có đủ bốn con vật trong tứ linh: Long, lân, qui, phụng, hình đắp nổi sống động, cân xứng, mỹ thuật tạo nên vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Trên nóc chùa, hai bên có hai con rồng lượn quay đầu lại để chầu một “mặt nả” chính giữa đội Pháp luân. Đầu rồng, đuôi rồng vẫn hội tụ những nét cấu tạo trên nóc Đại Nội xưa. Hai đầu trái cũng đắp mặt rồng nổi hoặc bình phong rất công phu.

Dưới mái trùng thiềm chia thành 5 khung, khung giữa rộng đắp nổi bốn đại tự bằng chữ Hán “如 是 莊 嚴 – Như Thị Trang Nghiêm”. Bốn bức còn lại đắp nổi bốn bài kệ bằng chữ Hán. Mái dưới, bốn gốc cù giao có bốn con chim phượng hoàng, chân bước xuống nhưng lại ngẩng đầu quay nhìn lên, trông rất mỹ thuật.

Phần tiền đường có bốn trụ tròn long vân nổi lượn quanh theo kiểu “long vân đồng trụ”,  đế trụ là đóa sen nở. Bộ cửa bằng gỗ ghép đúng kiểu cửa chùa truyền thống Huế xưa. Hai bên cửa chính có đúc nổi hai con Kỳ Lân chở trên lưng các bức cổ đồ. Bên trên tiền đường có ba bức hoành. Ở giữa, treo bức hoành lớn nền đỏ chữ vàng bằng chữ Hán “悲 智 滿 足 Bi Trí Mãn Túc”. Bên tay phải (nhìn vào) là bức hoành đề “僧 寶 莊 嚴 Tăng Bảo Trang Nghiêm”, bên trái là bức hoành đề “導 獈 清 淨 Đạo Tràng Thanh Tịnh”.

 Khi mở 6 cánh cửa trước tiền điện có hoa văn hoa lá sen  ra thì bên trong chánh điện tuy thờ tự rất giản dị nhưng vô cùng trang nghiêm, cách thiết trí thờ tự vẫn theo cách truyền thống xứ Huế: “Tiền Phật điện, hậu Tổ linh”. Có hai cửa thông ở hai gian hai bên.Tuy cột kèo bên trong được kết cấu bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn có những hoa văn và cách trình bày chạm trổ theo truyền thống. Ba gian giữa là thượng điện thờ Phật. Phía trên dãy liên ba của chánh điện có ba bức hoành hình chữ nhật viết chữ Hán, chính giữa viết chữ “嬌 曇 寺 Kiều Đàm Tự”, phía bên phải (nhìn vào) viết chữ “知 苦 斷 集 Tri Khổ Đoạn Tập”, phía bên trái viết “修 道 證 滅 Tu Đạo Chứng Diệt”. Hoa văn trình bày xung quanh theo mô típ truyền thống là chạm nổi hình lưỡng long triều nguyệt, sơn son thếp vàng. Bốn cột có treo hai câu đối bằng chữ Hán. Trong đó có hai vế đối viết:

慧 日 高 懸 普 照 眾 生 于 覺 道
慈 風 普 扇 齊 胥 萬 類 出 迷 津 

Phiên âm:

Tuệ nhật cao huyền, phổ chiếu chúng sanh vu giác đạo,
Từ phong phổ phiến, tề tư vạn loại xuất mê tân.

Tạm dịch:

Tuệ nhật treo cao, chiếu khắp quần sanh trên đường giác
Gió từ phơ phất, mát cùng vạn loại vượt bến mê

Gian chính giữa (nhìn lên) trên dãy liên ba cũng có treo bức hoành lưỡng long triều nguyệt, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Bức hoành ở giữa đề mấy chữ lớn: “三 界  道 師 Tam Giới Đạo Sư”. Phía bên phải (nhìn vào) đề:“慈 禪 普 濟 Từ Thiền Phổ Tế”, phía bên trái đề: “洪 恩 廣 布  Hồng Ân Quảng Bố”. Song song hai bên, dưới ba bức hoành đều có hai câu đối viết bằng chữ Hán. Câu chính giữa có hai vế viết:

真 心 自 在 弘 開 大 道 體 融 通
妙 力 高 深 普 度 宭 生 超 色 相 

Phiên âm:

Chơn tâm tự tại hoằng khai đại đạo thể dung thông,
Diệu lực cao thâm phổ độ quần sanh siêu sắc tướng.

Tạm dịch:

Chơn tâm tự tại rộng mở đạo lớn thể dung thông
Năng lực nhiệm mầu, cao siêu khắp độ quần sanh, vượt lên sắ tướng,

Bàn thờ chính có ba tầng như mọi chùa Huế. Bàn kiểu xưa, chạm trỗ, mộng đường gờ thuộc nghệ thuật Huế. Trước hết và thấp nhất là bàn kinh. Kinh được tôn trí trong một tọa lung để chính giữa, hai bên là chuông mõ. Lên cao hơn là bàn thờ chính. Ngoài chân đèn, bình hoa và quả bồng, thì chính giữa có cái bệ, trên đó tôn trí  pho tượng đức Phật Dược sư. Ngôi tượng chính nhất ở Phật điện chùa Kiều Đàm là ngôi tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đang trong tư thế thiền định trên tòa sen bằng đồng lớn mới được chú tạo vào năm 2002. Tất cả được đặt trên một cái bệ hình lục giác cao khoảng 1m60, sáu mặt xung quanh đều có những hoa văn hoa lá rất đẹp. Phần  trong cùng trên bệ cao khoảng 2m, nhà chùa đặt một long khám bằng gỗ quý và sơn son thiếp vàng. Khám chạm trổ rất kép công, các mô-tuýp tuy quen thuộc nhưng rất phong phú. Diềm của trần long khám chạm lọng lưỡng long triều nguyệt. Trong long khám thờ ba pho tượng “Tam Thế Phật” tạc bằng gỗ mít, thếp vàng óng ánh. Tượng Tam Thế đều là tượng Phật của Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai. Tương ứng với biểu hiện của Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc. Trên khám chia từng khung và có chạm nhiều chữ “Phạn”, hai bên có hai vế đối viết bằng chữ Hán.

Phía trong, hai bên bàn thờ Phật có treo hai vế đối viết:  

佛  不 離 心 動 靜 隨 缘 消 舊 業
志 存 大  道 去 來 無 磑 悟 禅 機 

Phiên âm:

Phật bất ly tâm, động tịnh tùy duyên tiêu cựu nghiệp,
Chí tồn đại đạo, khứ lai vô ngại ngộ thiền cơ.

Tạm dịch:

Phật chẳng lìa tâm, động tĩnh tùy duyên tiêu nghiệp cũ,
Chí nơi đạo cả, đến đi vô ngại ngộ cơ thiền.

Đồng thời, hai bên bàn thờ Phật cũng treo hai tràng phan, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Ta Bà, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Tịnh Độ. Bên tả và hữu tôn trí hai án thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhìn ra có chuông đồng và trống lớn. Hai bên đầu trái, có hai bàn thờ Tiêu Diện và Hộ Pháp.

Phía sau chánh điện là gian nhà Tổ. Chính giữa trên cao có bức hoành đề ba chữ  “無 盡 燈 Vô Tận Đăng”. Lại có hai vế đối bằng chữ Hán treo ở hai bên bàn thờ Tổ, có đường viền hoa văn trang trí rồng phượng. Đối không có lạc khoản:

 離 四 句 绝 百 非 自 此 忘 言 真 有 道
 旋 六 根 淨 三 業 只 於 息 念 證 無 生 

Phiên âm:

Ly tứ cú, tuyệt bách phi, tự thử vong ngôn, chân hữu đạo,
Triền lục căn, tịnh tam nghiệp, chỉ ư tức niệm chứng vô sanh.

Tạm dịch:

Dứt trăm quấy, lìa bốn câu, tự chỗ vong ngôn mới thật đạo,
Xoay sáu căn, sạch ba nghiệp, chính nơi dứt niệm ấy vô sanh.

Gian giữa thờ long vị sơn son thiếp vàng và chân dung Ni trưởng Diệu Không – vị khai sơn chùa. Bức chân dung của Ni trưởng thờ trên hương án thật uy nghiêm và đạo hạnh. Bên án hữu thờ chư ni đã tịch, án tả thờ chư hương linh bổn đạo chùa Kiều Đàm.

Phía dưới chánh điện (tầng nhứ nhất) là khách xá. Ở gian giữa khách xá có thiết hương án chạm trỗ mỹ thuật, trang nghiêm. Pho tượng Chuẩn Đề(1) mười tám tay được tôn trí chính giữa. Hai bên có hai vế đối bằng chữ Quốc ngữ của Hòa thượng Thích Thiện Siêu tặng cho chùa và được Minh Đức – Triều Tâm Ảnh viết:

Phật đạo có gì đâu, thả chiếc thuyền từ chờ kẻ giác,
Pháp môn không kể xiết, khêu đèn Bát nhã đón người mê.

Ở giữa khách xá có ba bộ bàn ghế gỗ được chạm trỗ tinh xảo. Tả hữu khách xá có thiết trí hai tủ đựng kinh kệ. Ngoài Chánh điện, khách xá thì chùa Kiều Đàm còn có nhà Hậu, Trai đường, nhà Trù (nhà bếp)…

Về thăm chùa Kiều Đàm, không những được tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc của ngôi chùa mà du khách còn có thể lưu lại thưởng thức bữa cơm chay do nhà chùa làm  trong khung cảnh thiền môn với nếp sống thiền vị của nhà chùa thì thật là không gì bằng. Vì ở đây, chùa Kiều Đàm có nhiều ni cô nấu cơm chay ngon, nổi tiếng.

Với bàn tay tài hoa, tấm lòng phúc hậu và sự đảm đang tuyệt vời, các ni cô chế biến các món ăn chay từ những nguyên liệu bình dị giản đơn nhưng rất phong phú về chủng loại như phù chúc, đậu khuôn, đậu xanh, bánh tráng, nấm mèo, nấm rơm, vã, mít, chuối chát… Cái lạ, cái hay và cái ngon ở đây là tính triết lý trong các món chay – ăn để đoạn tham phá si, ăn để tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành và phát triển tình thương rộng lớn đối với mọi loài. Trong tất cả mọi giá trị giữa cuộc đời thì sự sống là cái có giá trị nhất và cần được trân trọng nhất. Vì thế ăn chay là một cách để biểu hiện lòng tôn quý và trân trọng sự sống. 

 Bên cạnh việc du khách thưởng thức món cơm chay ngon và đẹp không thua gì nem công chả phượng! Tại khách xá, nhiều khách tham quan đã trầm trồ thán phục về sự thông minh, khéo léo và sáng tạo của các ni cô với đường thêu mềm mại, uốn lượn khi được chiêm ngưỡng bức tranh thêu cành đào. Thêu là sáng tạo nghệ thuật bằng kim chỉ trên nền vải. Thứ tài sản quý giá và quan trọng nhất của những nghệ nhân thêu, là óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của họ. Dù ở đề tài nào cũng vậy, các ni cô đều thông qua những đường kim mũi chỉ để gửi gắm tình cảm và tài năng của mình với thiên nhiên của quê hương đất nước. Với những đường nét thuỳ mị, khéo léo, cần mẫn của người con gái xứ Huế, các Ni cô đã cho ra đời những dòng sản phẩm mang tính nghệ thuật cao được mọi người trong và ngoài nước ca ngợi.

Do nghề thêu tranh là một trong những nghề thủ công nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Trong những năm qua, các Ni cô ở chùa Kiều Đàm đã và đang đào tạo miễn phí cho hàng trăm đối tượng thuộc diện chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, chùa Kiều Đàm do Ni chúng trông coi và từng bước được tu sửa, làm mới thêm nhiều hạng mục trở thành một hệ thống kiến trúc thiền tự hoàn chỉnh khang trang, bề thế. Có thể nói rằng, chùa Kiều Đàm xứng đáng là chốn Già lam trang nghiêm, thanh tịnh, rất thuận tiện cho đời sống tu hành của Ni chúng cũng như hàng Phật tử, và cũng là điểm đến thú vị cho những ai muốn viếng thăm chùa Huế.

T.V.D (Sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế)

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Hải Ấn (2001), Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.
2. Thích Nữ Diệu Không (2009), Đường thiền sen nở, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành, Hà Nội.
3. Thích Thiên Siêu (2002) Tỏa ánh từ quang, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Q Thắng(1999), Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here