Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chùa Hoằng Phúc: ngôi chùa cổ còn lại trên đất Quảng Bình

Chùa Hoằng Phúc: ngôi chùa cổ còn lại trên đất Quảng Bình

197
0

Có lẽ ít ai biết rằng, tại khu dân cư xã Mỹ Thủy, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách Quốc lộ 1A 3km, từ chợ Mai đi vào, hiện còn lưu dấu một ngôi chùa cổ: chùa Hoằng Phúc, một trong số ít chùa cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh…, ngôi chùa đã bao lần hưng phế, cho nên hầu như hậu thế hôm nay, ngay cả người dân làng Mỹ Thủy cũng ít ai biết rõ lai lịch của ngôi chùa này.

1.     Chùa cổ Hoằng Phúc qua các nguồn sử liệu

Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa được khởi dựng từ đời nào, vào đời Trần hay đời Lê, hiện chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nguồn sử liệu nào xác nhận rõ, nhưng chắc chắn là có trước năm 1553, khi Dương Văn An soạn sách Ô Châu cận lục.

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An ghi: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi trong Tăng giới) và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”(1). Và trong Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam, khi đề cập đến chùa Hoằng Phúc cũng đã dẫn lời trong Ô Châu cận lục mô tả thêm một số chi tiết rất đáng chý ý: “Giữa nơi nước biếc vờn quanh, non xanh bao bọc, nổi lên một ngôi sơn tự, nhà phương trượng và các trai phòng san sát…Xưa có Tăng quan trụ trì và được cấp sái phu (người quét dọn) để phụng sự” (2).

Trong các sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, hoặc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Quảng Bình thắng tích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kim Chi biên soạn còn cho chúng ta biết khá nhiều chi tiết có giá trị về chùa cổ Hoằng Phúc, đặc biệt là những lần các vị vua chúa nhà Nguyễn viếng thăm, đề thơ vịnh cảnh và nhiều lần cho trùng tu lại ngôi chùa cổ này:

·        Năm Kỷ Dậu (1609), chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Kính Thiên trên nền cũ.

·        Năm Bính Thân (1716), chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa, cho tu sửa lại, ngự đề hai bức hoành biểu “Kính Thiên tự” và “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh), và ngụ chế 5 đôi liễn treo ở chùa (3).

·        Năm 1821, Hoàng đế Minh Mạng ghé thăm chùa, cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc tự”. năm 1823, vua xuất 100 lạng bạc trong kho ban cho để tu sửa lại. năm 1826, vua lại ban thêm 150 lạng bạc để tu sửa thêm.

·        Năm 1842, Hoàng đế Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, có Đức ông Tùng Thiện Quận vương tháp tùng, đến thăm chùa Hoằng Phúc, cấp 300 lạng bạc để trùng tu. Vua và Quận vương đều có đề thơ vịnh cảnh chùa, ghi lại thắng tích. Bài thơ được khắc trên biển đồng treo ở trong chùa (4).

  1. Chùa Hoằng Phúc hiện nay

Chúng tôi đến thăm chùa Hoằng Phúc vào một ngày giữa tháng 10 năm 2006. ngôi chùa tuy mới được dựng tạm sau chiến tranh, không còn là ngôi chùa núi u tịch, một cảnh thần tiên xưa, nhưng nhìn nền móng, bức tường xưa còn lại phủ đầy rêu phong, cổng tạm quan với rễ cây cổ thụ quấn chằng chịt, những cây si, cây xoài to lớn phủ trước sân chùa, chúng tôi vẫn cảm nhận được vẻ trầm mặc, cổ kính, hoành tráng và uy nghi của một ngôi danh lam cổ tự mà liệt thánh xưa kia đã đặt cho cái tên rất hay là Kính Thiên, Hoằng Phúc này. Ngôi chùa như đang ẩn chứa một vẻ huyền nhiệm, thiêng liêng mà người dân trong địa phương qua bao đời nay vẫn cùng nhau bảo vệ, giữ gìn.

Diện tích khuôn viên của chùa hiện vẫn còn nguyên như xưa kia, có đến 10.000m2. tuy nhiên, chùa chỉ sử dụng 100m2, phần diện tích còn lại, bao gồm các ao hồ xưa và một số diện tích canh tác, hiện hợp tác xã vẫn còn tạm cho dân đấu 3 năm 1 lần để nuôi cá, trồng cây.

Ngôi chùa cổ đã bị bom Mỹ phá hỏng. năm 1967, một số thiện tín trong làng đã phát tâm góp tiền, góp công cùng nhau làm lại ngôi chùa với diện tích 20m2 để hương khói, nhưng đến nay chùa cũng đã hư hỏng nặng. nền móng của ngôi chùa cổ, cũng như bức tường xưa kia ở phía trước chùa, nơi thờ phụng…hiện vẫn còn nguyên vẹn dấu tích. Qua những gì còn lại, và qua các sử liệu mô tả, như nhà phương trượng, trai phòng san sát, các vua nhà Nguyễn thường viếng thăm và có thơ đề vịnh…quả đây là một ngôi chùa lớn và rất nổi tiếng của vùng đất Quảng Bình.

Trong chùa hiện có tôn trí tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Bồ tát Địa Tạng, tượng Hộ Pháp, tượng Quan Công, cùng một số pháp khí bằng chất liệu gỗ và đồng, được đúc và chạm trổ rất tinh xảo. đặc biệt, chùa hiện vẫn còn lưu giữ được một quả Đại hồng chung cổ, được chú đúc vào đời Minh Mạng. bước đầu chúng tôi khảo sát như sau: chiều cao toàn bộ 1,15m; thân chuông 0,64m; chu vi 1,45m;đường kính 0,57m. Trên chuông có khắc dòng chữ Hán “Hoằng Phúc bảo chung” và dòng chữ “Năm Minh Mạng thứ 20 (1839)”. Đầu chuông có đúc hình con rồng rất tinh xảo.

Như vậy, Đại hồng chung xưa mà sách Ô Châu cận lục của Dương Văn an chép hiện không còn, thay vào đó là một quả chuông mà vua Minh Mạng đã cấp tiền cho đúc lại khi tên chùa được vua cho đổi lại là chùa Hoằng Phúc. Xưa kia, tiếng chuông chùa Hoằng Phúc (dân gian thường gọi là chùa Trạm) hôm sớm ngân nga đã truyền vào huyết quản người dân trong làng, với hai câu ca dao mà ai cũng biết:

Tận trời chuông Trạm kêu xa,
Thấu về Hạc Hải, băng qua nhà Hồ.

Hay câu:

Tạnh trời chuông Trạm kêu xa,
Anh ơi, em gửi mẹ già cho anh.

3.               Thay lời kết

Với những tư liệu thu thập được về ngôi chùa cổ Hoằng Phúc mà sử sách xưa ghi lại và qua khảo sát bước đầu, chúng tôi kính đề nghị đến Sở Văn Hóa Thông tin, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương mấy ý kiến sau:

+ Cần tiến hành khảo cứu xác định niên đại ngôi chùa, các lần hưng tạo,trùng tu, đánh giá các cổ vật hiện còn lưu giữ được, và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử văn hóa, để có điều kiện trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa.

+ Ngôi chùa có vị trí đẹp lý tưởng, gần sông, gần núi, gần các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở vùng phía Nam của tỉnh, vì thế cần sớm được tôn tạo để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương và trong tỉnh, là điểm tham quan, hành hương cho du khách trong nước và quốc tế. và đây cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội truyền thống rất lý tưởng ở trong vùng.

+ Ngôi chùa cần được giữ gìn, bảo vệ theo luật pháp hiện hành về bảo vệ các di tích văn hóa.

CHÚ THÍCH:

(1). Dương Văn An, Ô Châu cận lục (Trần Đại Vinh-Hoàng Văn Phúc dịch, chú), NXB Thuận Hóa

(2). Từ điển di tích Văn hóa Việt Nam, trang 322

(3). 5 cặp đối liễn của chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1716 treo ở chùa Hoằng Phúc:

1/ Huyền định kính vu đương không, sâm la vạn tượng

Xán tâm đăng vu tánh địa, diệu chứng vô vi

(Treo gương định chốn hư không, hiện bày vạn hữu

Thắp đèn tâm nơi đất tánh, diệu chứng vô vi).

2/ Đại đạo hoằng nhân, địa bố hoàng kim liên hoa pháp giới

Hằng sa hiện tướng, tòa liên bích ngọc thủy nguyệt thiền tâm

(Đạo lớn cho người, vàng ròng khắp đất, liên hoa pháp giới

Muôn vàn tướng hiện, ngồi tòa bích ngọc, trăng nước tâm thiền).

3/ Đàn tâm lý chi hương, kim lô bảo triện tường vân hợp

Thức huyền trung chi diệu, bối diệp linh văn pháp vũ quân

(Đốt nén tâm hương, lò vàng triện quý mây lành hợp lại

Biết diệu trong huyền, lá bối văn thuyên mưa pháp cùng khắp)

4/ Náo thị kiến thiền quan, động trung năng tĩnh

Vi trần minh tự tánh, hữu bổn tông vô

(Dựng cửa thiền nơi chợ náo, động kia là tĩnh

Rõ tự tánh của bụi trần, có vốn là không).

5/ Nhất thanh phổ độ dã, từ bi Cổ Phật

Ưu sanh giáo hóa dã, hoằng nguyện Như Lai

(Một tiếng độ khắp, Cổ Phật từ bi

Lo giáo hóa đời, Như Lai nguyện lớn)

(4). Thơ ngự chế của vua Thiệu Trị, được khắc bảng đồng treo ở chùa Hoằng Phúc:

Thanh tịnh hư vô diệu mạc cùng

Hà quan hiển hối sắc quy không

Khuê quang chiếu diện trùng tâm hoán

Bửu lạc từ bi đại khoách sung

Vạn hóa dao nguyên hoàng giác diệu

Thiên thu kim bích quốc ân hồng

Nguyện hoằng phúc quả chúng sanh toại

Phật nhật tăng huy để đạo long.

(Thanh tịnh hư vô diệu chẳng cùng

Nệ gì sáng tối sắc là không

Tượng vàng chói lọi ngôi khuê tỏ

Áo ngọc nghiêm trang vẻ”lạc lòng”

Muôn hóa cành đào kinh lẫn kệ

Nghìn thu ơn nước khánh và chuông

Mong đầy quả phúc muôn loài thỏa

Phật nhật thêm ngời, để đạo hưng)

·        Thơ vịnh chùa Hoằng Phúc của Tùng Thiện Vương:

Cổ tự ỷ xuân lâm
Thuyền phi cách trúc âm
Yên hàn giang nguyệt đạm
Hoa mặt dạ chung trầm
Thắng tích do kham thưởng
Cao tăng bất khả tầm
Hiếu minh thân hàn tại
Bái độc lệ triêm khâm

(Tháp cổ nương rừng tía
Cửa thiền cách bóng tre
Sông khói mờ trăng lạnh
Hoa rậm, tiếng chuông trầm
Dấu xưa còn lưu lại
Cao tăng tìm chẳng thấy
Tiền vương bút còn đây
Cúi đọc nước mắt đầy)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 27: Nguyễn Ngọc Trai

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here