Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Hà Trung

Chùa Hà Trung

198
0

Tuy là ngột ngôi chùa làng, song chùa Hà Trung thuộc loại danh lam cổ tự trong lịch sử Phật giáo xứ Huế, vì nó liên hệ đến vị Tổ của một Thiền phái rất lớn ở Nam Hà: ngài Nguyên Thiều.


Tên làng Hà Trung thấy xuất hiện muộn ở cõi đất Thuận Hóa. Trong sách Ô Châu Cận lục của Dương Văn An hiệu đính vào năm Mạc Cảnh Lịch (1555) chưa thấy tên làng Hà Trung trong danh sách các làng xã buổi đầu của hai châu Ô, Rí chuyển thành Hóa châu và Thuận châu. Chỉ đến khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên tập lục ở Triêu – Dương – Các, trước thành Phú Xuân vào năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776) triều Hậu Lê thì mới thấy tên xã Hà Trung trong số 7 xã của tổng Diêm Trường là: Diêm Trường, Phụng Chính, Hà Trung, Nghi Giang,Vinh Hòa, Đồng Dương và Phúc An thuộc huyện Phú Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Vào triều vua Đồng Khánh thì làng Hà Trung thuộc huyện Phú Lộc cho đến hiện nay. Như thế, làng Hà Trung có thể đã được thành lập vào khoảng thời gian Nguyễn Hoàng vào trấn Phương Nam, 1558 tl trở lại. Tuy thế, chùa làng Hà Trung có mặt trên đất Thuận Hóa, kể cho đến nay (2008) cũng phỏng chừng gần bốn trăm năm hoặc có muộn hơn thì cũng đến gần 350 năm chứ không ít.


Thời sơ sử của ngôi chùa làng Hà Trung được kiến trúc như thế nào hiện không có sách vở nào truyền lại. Nhưng đại loại, theo phong cách kiến trúc của thời đại trong toàn xã hội, thì chùa làng Hà Trung trong thời đầu tiên của nó cũng chỉ là ngôi chùa thấp bé, lợp tranh, vách đất mà sách thường gọi các ngôi chùa như thế là “mao tự”. Bộ sườn nhà thường kết cấu một gian hai chái. Bên trong thờ tự sơ sài nhưng bác lạp, cả Phật, Khổng, Lão và tín ngưỡng bình dân. Các ngôi chùa làng thường ít khi thờ Phật tuần tuý.


Đến thế kỷ thứ XVII tl; chính xác là vào năm Ất Hợi (1695) đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1625-1791) làm chúa Nam Hà, mới được Thạch Liêm Hòa Thượng sang tổ chức Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa, thì chính vị Hòa Thượng người Trung Quốc này đã có ghé lại chùa Hà Trung, và ông đã miêu tả lại cảnh trí chùa Hà Trung thời đó như sau:


“Gần đứng bóng, đến chùa Hà Trung. Man mác xa trông, đây là một vùng eo của biển cả, ba đào chẳng gợn, phẳng lặng như tờ, một vũng cạn bùn lầy, cỏ rêu san sát, nơi ẩn núp của tôm tép cá cua. Thẳng bờ có đóng cừ, mọc đầy những cây dương nước; một gian chòi cỏ, nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài. Chùa cất trên một đám đất bằng, nước bao quanh ba mặt; ngoài cửa chừng trăm bước là nơi bùn lầy; đắp đất làm đê, thẳng đê trồng dương liễu; gió hiu hiu thổi, lau lách phất phơ, cá lội cua bò, ốc hàu lểnh nghểnh; người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao! Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! Các chùa nước Đại Việt, chùa nào cũng trồng đầy những thứ tạp mộc, cau dừa xoài mít v.v… Còn cây tùng chỉ thấy đây là một. Xuyên bóng tùng đi vào, chùa không có vòng tường ngoài. Một ao vuông trước điện, nước ao lên xuống ăn rập với nước ròng ngoài sông, vì gần biển đất thấp, lẽ cố nhiên như vậy. Trong ao, cá gáy đỏ vô số, mấy người tùy tòng bẻ bánh tai voi quăng xuống, từng bầy nhảy lên đớp; lội qua lội lại, tự nhiên chẳng sợ người. Luống rau giàn bầu, bồn hoa bụi cúc, rải rác ở các nơi đất trồng dưới gốc tùng. Sau điện có những cây tùng lớn mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ, thực là những thiên niên cổ thụ; trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn thành từng nắm tròn (…) Cai – bá, Giám – tự rước ta vào trong chánh điện để cúng chay. Giám tự nguyên cũng là một thụ giới đệ tử.


Cơm chay xong, trở ra thuyền kéo neo đi nữa. Đoái nhìn chùa Sơn điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác (…) [1]


Qua đoạn văn viện dẫn ở trên, ta thấy cảnh một ngôi chùa làng của nước Đại Việt thế kỷ XVII tl được miêu tả như vẽ, rất rõ ràng. Nhưng có mấy điều cần chú ý: Không nói về cách thờ tự, nhất là không nói đến pho tượng Quán Thế Âm bằng đá trắng mà người ta thường theo một giả thuyết nào đó để cho rằng Tổ sư Nguyên Thiều đã mang về đây.


Thứ hai là trước khi ngài Nguyên Thiều đến thì ở đây đã có ngôi chùa làng. Nếu không, với cuộc đất trước mặt là vùng bùn lầy, phải đắp đất làm đê, tức là làm con đường chính vào chùa, ba mặt là nước lợ đầm Hà Trung bao quanh, thì người ta trồng tùng ở đây để làm gì mà nó đã trở thành cổ thụ mấy trăm năm? Sau chùa lại còn có nhiều cây tùng có ngọn queo cành cỗi, thân lớn đến mấy ôm, trên đọt lá xoắn thành từng nắm tròn, tỏ rõ cái đẹp của dáng cây cổ thụ cả trăm năm tuổi thọ. Nếu nói chùa Hà Trung do ngài Nguyên Thiều lập ra vào lúc ngài từ phủ Quy Ninh ra Thuận Hóa vào khoảng năm 1680 tl, thì làm gì quanh chùa lại có loại cây tùng cổ kỳ lạ như vậy. Vì từ đó đến khi Hòa Thượng Thạch Liêm ghé lại chùa vào năm 1695 tl, khoảng thời gian giữa hai điểm mốc ấy mới cách nhau 15 năm? … Các sách sử của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, như Đại Nam liệt truyện tiền bản thì chỉ nói: “Kế ra Phú Xuân Sơn, tỉnh (Sic!) Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ” (Sic!) [2]. Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chỉ ghi: “Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, đời Hiển tông bản triều, Sư Hoán Bích làm trú trì ở đó” [3]


Văn bia “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư tháp Ký Minh” cũng chỉ viết: “…Sơ tích Quy Ninh phủ, sáng kiến Thập tháp Di Đà tự, quảng khai tượng giáo. Tái hồi Thuận Hóa, Phú Xuân Sơn, sùng tạo Quốc Ân tự tịnh Phổ Đồng tháp”.


Tất cả các tài liệu viện dẫn ở trên từ xưa tới cận đại, không nơi nào nói ngài Nguyên Thiều dựng lập chùa Hà Trung. Còn về pho tượng, thì trong tất cả các tài liệu trên, kể cả trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược, Pháp Sư Mật Thể viết vào năm 1943 tl; tài liệu bằng tiếng Pháp trong B.A.V.H 1914; không nơi nào có nói rằng pho tượng ấy là do ngài Nguyên Thiều rước từ Quảng Đông qua như một số sách báo hiện nay đã ghi.


Sau khi ngài Thạch Liêm miêu tả trong Hải Ngoại ký sự thì không còn một sách vở, tài liệu nào nói về chùa Hà Trung. Có bao nhiêu lần đồi phế, bao nhiêu đợt trùng tu, trùng tạo, không ai biết. Nhưng cứ sự lịch sử, trong những lần hành quân của Tây Sơn vào năm 1786 tl. Và của Nguyễn Ánh vào năm 1801 tl. Bằng đường thuỷ từ cửa Tư Hiền, theo hệ đầm phá để lên sông Hương, thì chắc ngôi chùa Hà Trung ở vùng đất giữa đầm phá Hà Trung không khỏi bị ảnh hưởng và lâm vào tình trạng đồi phế. Sau những lần ấy hẳn là có sự trùng tu, nhưng là vì ngôi chùa làng nên không được sách vở nhắc đến; mà ngay trong văn hóa “folklore”, dân làng Hà Trung cũng không tuyền khẩu lại gì!


Ngay vào đầu thế kỷ XX tl, dưới triều vua Duy Tân (1907 – 1916). Ông Nguyễn Đình Hòe được ông Tri huyện Phú Vang là Trần Đình Thửng và hương chức của làng Hà Trung cho biết nhiều về pho tượng Quán Thế Âm bằng đá trắng để viết bài “La statue bouddhique de Hà Trung” để thông tin với Hội Đô Thành Hiếu Cổ, và sau đó công bố trên B.A.V.H 1914, thì ông cũng không viết một chữ nào về ngôi chùa, thực đáng tiếc! Đoạn sau chúng tôi sẽ nói rõ về pho tượng này.


Bây giờ xin nói tiếp về tình trạng ngôi chùa làng Hà Trung vào khoảng những năm trước 1995 là năm ngôi chùa được tái thiết như hiện nay. Trải qua những khoảng thời gian dài, trước sự biến cải của thiên nhiên và sự phát triển của con người. Khoảng đầm nước lợ bao quanh ba mặt mà Hòa Thượng Thạch Liêm đã thấy, thì hiện nay đã được bồi đắp thành ruộng vườn, đất khô pha cát để trồng trọt. Dân đã làm nhà ở trên đó, với những nương khoai ruộng lúa. Cái ao trước chùa mà trong ao có cá gáy đỏ vô số thì vẫn còn, nhưng tình trạng “biển xanh hóa thành ruộng dâu” đã làm cho ao bị thu nhỏ lại, cá gáy cũng không còn, mà năm mùa khô hạn đã làm cho ao trơ đáy. Tuy nhiên, người ta cũng vẫn trồng sen, và trên bờ trồng phi lao, để tạo cảnh trước chùa có sân rộng, có cây xanh và ao sen.


Vùng đất có ngôi chùa tọa lạc là một vùng đất pha cát, bằng phẳng, không cao lắm so với mặt bằng xung quanh; một mặt có con đường vào làng, một mặt còn có đoạn thành thấp, nhưng không còn nguyên vẹn, có thể đây là vết tích của một lần trùng tu sau cùng, vì ngày xưa chùa không có thành bao quanh.


Ngôi chùa tuy nhỏ, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Đó là một ngôi nhà vuông, kiểu một gian hai chái. Đằng sau chùa còn nhiều lùm cây rậm, cũng có loại cổ thụ, nhưng không còn tăm hơi của những gốc tùng cỗi của hơn ba trăm năm trước!


Đến năm 1995 tl, toàn dân trong làng Hà Trung, nói riêng là tín đồ Phật giáo đã đóng góp công sức, tịnh tài để mở đợt trùng tu lớn. Hiện chùa có một tiền đường, có lầu chuông trống hai bên và một điện thờ Phật cấu trúc theo lối “xây xông gác băng”, vách gạch mái ngói.


Từ trước thì trong ngôi chùa vuông gọi là “phương tự” ấy cũng đã có biển hiệu chùa bằng ba chữ Hán “Phổ Thành tự”, không có lạc khoản, trên các cột nhà còn có mấy câu đối, không ghi lạc khoản. Nhà nghiên cứu “Văn Khắc Hán Nôm” ở Huế, ông Lê Nguyễn Lưu, đã sao lại một câu treo trong chính điện như sau:


Khổ hải phiếm từ hàng, phổ tái chúng sanh đăng bỉ ngạn;


Hôn cù dương tuệ cự, tế tư vạn loại xuất thâm khanh


Và chính ông Lê đã dịch ra như sau:


Bể khổ thả thuyền từ, chở hết chúng sanh lên bến giác;


Đường mờ dương đuốc tuệ, vớt đều vạn loại khỏi hang sâu.


Cách thờ tự thì cũng giống như mọi chùa làng khác là ở giữa thờ Phật, hai bên thờ các vị Bồ tát. Đặc biệt là pho tượng Quán Thế Âm bằng đá trắng rất lớn được tôn trí trước bàn thờ Phật.


Người đầu tiên viết về pho tượng này với số đo kỹ càng là ông Nguyễn Đình Hòe. Ở trước chúng tôi đã có dẫn, bài của ông viết rất ngắn, chỉ độ một trang, đăng ở B.A.V.H. 1914 tức năm đầu tiên của kỷ yếu này. Ông Nguyễn Đình Hòe đã mô tả pho tượng, bệ sen và đài tượng rất tường tận, chính xác; toàn thể được điêu khắc bằng một thứ đá trắng. Hình Quán Thế Âm lớn hơn người thật, được tạc theo thế ngồi xếp bàn trên bệ sen. Trên đầu tượng đội mũ Quán Âm, mình tượng khoác áo nhật bình, hai tay chấp trước ngực. Nghệ thuật điêu khắc thật điêu luyện tinh xảo, đường nét mềm mại, uyển áo; nét mặt pho tượng hiền hậu, nghiêm trang.


Sau đây là những số đo của ông Nguyễn Đình Hòe đã thực hiện để miêu tả toàn bộ pho tượng bằng đá trắng này: Riêng pho tượng cao 1m33, từ vai trái qua vai phải rộng 0,m53; chu vi phần tượng ngồi xếp bàn trên tòa sen là 2m38. Toàn bộ phần đài tượng cao 1m70. Ông còn đo chu vi phần đài tượng hình lục giác kiểu cổ bồng ở dưới với ba cấp độ: 2m85, 2m93 và 3m42 [4]. Năm mặt của đài lục giác đều có chạm hình con “giao” một nửa, một nửa hóa thành “hoa lá”. Đây chính là mô-típ “rồng lá” mà trong quyển L’art à Huế, L.Cudière gọi là “mô-típ giao hoa”. Mặt sau của đài bỏ trống, không chạm hoa văn gì. Cũng trong bài nói trên, chính ông Nguyễn Đình Hòe đã được người dân làng Hà Trung cho biết là họ không rõ nguồn gốc tượng như thế nào, mà họ chỉ cho biết mơ hồ là tổ tiên họ đã truyền lại rằng pho tượng ấy đã có từ ba trăm năm rồi. Họ cho biết thêm một huyền thoại: Khi tượng trắng đẹp thì dân được mùa, sung túc; Khi tượng xám màu thì dân mất mùa, đói khổ!…


Từ trước tới nay, sách vở bia ký, văn hóa “folhlore” ở làng Hà Trung đều không nói gì đến nguồn gốc của pho tượng. Nhưng lại có người theo một huyền thuyết đâu đó cho rằng chính Tổ Nguyên Thiều đã thỉnh tượng từ Trung Quốc sang vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691). Hiện nay, giới nghiên cứu đã có người nghi ngờ huyền thuyết này. Trong một bài nghiên cứu về “Ngài Nguyên Thiều với chùa Hà Trung và chùa Quốc Ân”, ông Lê Nguyễn Lưu đã nêu nghi án:


– Đứng trên quan điểm thời đại, quyền uy của một vị lãnh chúa là rất lớn. Ngài Nguyên Thiều phụng mệnh chúa sang Quảng Đông mời danh Tăng và thỉnh Pháp khí, Pháp tượng. Nếu ngài đã thỉnh được pho tượng này về đến Hà Trung lại để đó, không đưa lên trình chúa ở Phú Xuân, có thể bị khép tội “biển thủ”.


Dù pho tượng to lớn, nặng hàng tấn, ngài Nguyên Thiều đã chở được từ Quảng Đông đến Quảng Nam, chắc thuyền đã vào cửa tư Dung được, thì đưa thẳng về Phú Xuân bằng đường thủy có khó gì đâu, mà lại để tượng lại ở chùa Hà Trung!


Chúng tôi thấy nghi án của ông Lê Nguyễn Lưu đã nêu, có thể chấp nhận được. Không những thế, mà người ta còn có thể nêu lên vô số câu hỏi khác. Nếu nói theo lời tục truyền là vì thế này hay vì thế khác mà ngài Nguyên Thiều phải để pho tượng Quán Thế Âm lại tại chùa Hà Trung? Ngài đã được chúa mệnh cho đi thỉnh Cao tăng, Pháp tượng, Pháp khí, nhưng khi về đến Hà Trung thì pho tượng bị trở ngại, không đưa tượng lên phủ chúa ở Kim Long được, tại sao ngài không trực tiếp nói rõ sự việc bị trở ngại khó khăn đó với chúa, để chúa phái quân lính về Hà Trung hộ tống pho tượng lên Chính Dinh Kim Long?


Xét về mặt giáo pháp, một vị Tổ sư cả một Thiền phái lớn, đã để lại một bài kệ rất thâm viễn về Thiền tông: “Tịch tịnh kính vô ảnh, minh minh châu bất dung, đường đường vật phi vật, liêu liêu không vật không” thì có lý do nào lại làm một công việc là chở theo một pho tượng Quán Thế Âm bằng đá to lớn, nặng và cồng kềnh như thế từ Quảng Đông qua xứ Quảng Nam với bao sự nhiêu khê có thể xảy ra. Một pho tượng như thế phải chở bằng thuyền gì? Số người đông đảo bao nhiêu mới có thể giúp ngài chuyển pho tượng lên thuyền, xuống thuyền? Một vị Thiền tổ đã để lại bài kệ sâu xa về thiền mà chúng tôi chắc rằng ai cũng biết và thuộc lòng như thế, liệu có phải là người lại thực hiện những chuyện đầy rắc rối vì pho tượng đá như thế không?


Hơn nữa, kích cở pho tượng và đài tượng cao lớn như thế liệu có phải tượng tạc ra để thờ trong chùa, mà kiến trúc của thời đại cách nay hơn ba trăm năm mươi năm, là “nhà thấp bé, tối tăm, chật hẹp, không chứa đủ mười người, ban ngày đến trưa còn phải thắp đuốc” hay là để tôn trí lộ thiên? Lại còn biết bao nhiêu câu hỏi về nghệ thuật điêu khắc, về hoa văn “giao hoa”, về cách trình bày đài tượng bằng hình khối lục giác cổ bồng; rồi cách chắp hai tay trước ngực, cách ngồi xếp bàn, áo khoác trên mình tượng… thì đó là những nét thuộc nghệ thuật Trung Hoa hay nghệ thuật Đại Việt? Đá trắng ấy là đá của Trung Quốc, hay đá ở Ngũ Hành Sơn, trấn Quảng Nam, nước Đại Việt? Bao nhiêu câu hỏi dè dặt với huyền thuyết cho rằng pho tượng này là do ngài Nguyên Thiều chở từ nước Tàu sang và để lại ở chùa Hà Trung!


Ngoài pho tượng, thì chùa Hà Trung còn có biển hiệu chùa bằng chữ Hán là “Phổ thành tự”, và một quả đại hồng chung mà trên đó có khắc 4 đại tự “Phổ thành tự chung”. Chuông không có minh văn và hoa văn gì nhiều, nhưng lại có khắc tên và chức danh những đàn na thí chủ làm công đức. Các chức danh như Giám sinh, Sinh đồ, Nho sinh, Xã trưởng, Trú trì… điều này đã làm cho nhà nghiên cứu (văn khắc Hán Nôm ở Huế) Lê Nguyễn Lưu lập luận là thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) , ở Nam Hà chưa lập Quốc Tử Giám, làm sao có được chức Giám sinh là người đã học ở Quốc Tử Giám? Lại có ông Sinh đồ Lê Văn Vận, làm chức Đồn-tri-phủ ở phủ Tường Khánh, xứ Lạng Sơn! Lạc khoản ở chuông đồng ấy là ngày tốt 20-11 Cảnh Hưng thứ 23 (1765). Do ba yếu tố này mà ông Lê Nguyễn Lưu cho rằng quan lại lính tráng quê ở Hà Trung theo Nguyễn Ánh ra đánh Bắc Hà, và lấy một quả chuông có tên như thế ở Bắc vào, rồi nhân tên trên chuông mà đăt tên chùa Hà Trung là “Phổ Thành tự”?


Thực sự, lập luận của ông Lê Nguyễn Lưu đã quá xa. Nghiên cứu tất cả các chùa làng trên đất Thuận Hoá xưa đều có hiệu chùa riêng, không phải lấy tên làng sở tại để đặt tên chùa. Từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chùa làng An Lưu, tổng Dạ Lê, huyện Phú Vang đã có tên là “Sùng An tự” và có chuông đồng với bốn chữ “Sùng An tự chung”, được chú tạo vào mùa Đông năm Mậu Ngọ, tức là vào năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1678) đời vua Hy Tông (1675-1679) nhà Hậu Lê ở Bắc Hà, chùa làng Hạ Lang, huyện Quảng Điền, có tên là “Quảng Khánh tự”, chuông chùa có bốn chữ “Quảng Khánh tự chung” được chú tạo vào năm Kỷ Mùi (1799) nhằm niên hiệu Cảnh Thịnh (1713-1800) năm thứ bảy, triều đại nhà Tây Sơn; chùa làng Tiên Nộn có tên là “Tiên Phước tự”, trên chuông đề là “Tiên Phước tự chung”, đúc năm Gia Long thứ 18 (1820) chùa làng Bác Vọng Tây có tên là “Thiện Khánh tự”, chuông đề là “Thiện Khánh tự chung”…và chùa nhiều làng khác nữa đều có tên như thế cả, mà không chổ nào đề tên làng sở tại làm tên chùa.


Thường thường những lần trùng tu chùa khang trang hơn, thì người ta có đúc chuông, chú tượng, sơn biển hiệu chùa. Những dịp như thế đều có đông đảo toàn dân làng chung sức; nhưng thành phần có học và có đi làm quan, đương chức hoặc hưu trí thường là những người chủ xướng; họ được dân làng trọng vọng. Chính những người có Nho học này đề nghị hiệu chùa tạo biển hiệu chùa viết bằng chữ Hán đại tự. Chùa Hà Trung có tên là “Phổ Thành tự” và chuông bốn chữ “Phổ Thành tự chung” hẳn không nằm ngoại lệ đối với kiến thức và văn hoá chùa làng ấy. Còn tên và chức Giám Sinh, hay chức Đồng-tri-phủ thì có thể họ là những người từ Bắc Hà di cư vào. Niên hiệu vua Lê Cảnh Hưng cũng vậy. Thời các chúa Nguyễn trấn ở phương Bam, người ta thường dùng niên hiệu nhà Lê. Cho đến đời Nguyễn Phúc Chu (1725-1738) ở bia tháp Nguyên Thiều vẫn còn để niên hiệu Bảo Thái năm thứ 10 của vua Lê Dụ Tông… trên chuông chùa Thiền Tôn đề năm Cảnh Hưng thứ 7 (1748); trên chuông lớn của chúa Nguyễn Phúc Chu, đề năm Vĩnh Thịnh lục niên (1710). Như thế, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (1763) cũng không có gì lạ cả!


Nói chung, với chuyện ngài Hoán Bích thiền sư được chúa Nguyễn mệnh cho về trú trì Hà Trung tự ghi trong sách sử, với hai văn vật là pho tượng Quán Thế Âm bằng đá trắng rất lớn, với chuông đồng có hiệu chùa từ năm Cảnh Hưng thứ 23, cũng đủ làm cho ngôi chùa Hà Trung thành một “danh lam cổ tự” của Phật giáo Thuận Hóa xưa Huế nay là điều hiển nhiên. Cho nên hiện tại chùa Hà Trung đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh cũng là điều thoả đáng vậy.


Huế mùa Phật Đản Liên Hợp Quốc 2552 (2008 tl)


 


Chú thích


[1] Thích Đại Sán – Hải ngoại kỷ sự, trang 133 – Bản Việt dịch của UBPDSLVN Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963 Huế.


[2] Quốc Sử Quán, sđd, trang 275, bản Việt dịch của Viện Sử học – Nxb Sử Học, HN, 1962


[3] Quốc Sử Quán, ĐNNTC trang 275 lời chú số (3). Bản Việt Dịch của Viện Sử học HN, 1969.


[4] Nguyễn Đình Hòe. La Stutue bouddhique de Hà Trung, B.A.V.H 1914 Số 4 trang cuối cùng 352.



 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here