Chúng tôi hãnh diện có một ngôi chùa gia đình. Chùa được sáng lập do cụ bà Ưng Dinh, khuê danh là Hồ Thị Thể Anh, chúng tôi gọi bằng bà Dì vì cụ bà là chị ruột của bà ngoại tôi: Cụ bà Hồ Thị Thể Vân – Cụ bà Ưng Dinh không có con nên suốt chuỗi ngày sinh tiền Cụ bà dồn hết vào việc thực hiện những công tác giúp đỡ nhưng người khốn khó chung quanh. Ngày còn bé lắm, tôi nhìn bà Dì tôi như hình ảnh một mệnh phụ với dáng dấp khoan thai quý phái mà đức độ khoan dung khiến mọi người kính phục thương quí. Để phù hợp với đường hướng từ thiện của vị sáng lập, từ lâu chùa cố gắng xây dựng những cơ sở cho công tác giúp đời, thực thi một khía cạnh của triết lý đạo Phật: Nhập thế để tích cực giúp đỡ những người khốn khó. Chùa có tổ chức giúp trẻ mồ côi, người già cả đơn chiếc; chú trọng đến việc giáo dục trẻ em và huấn nghệ cho người lớn. Vì tôn chỉ sinh hoạt của chùa đầy tình người như vậy nên hầu hết cư dân quanh vùng đều là Phật tử và đạo hữu của chùa. Chùa nằm ở phía xa chân núi Ngự Bình thuộc dịa phần làng Thanh Thủy thượng, xã Thủy Dương, chùa nằm phía đông miền núi Ngũ Phong, nhìn ra quốc lộ I, cách thành phố Huế độ 5km.
Cụ bà Ưng Dinh, khuê danh là Hồ Thị Thể Anh…những người sáng lập chùa |
Chùa được thành lập năm 1924. Những ngày xưa mỗi lần được theo mẹ lên chùa bằng xe kéo gọng dài, tôi tưởng như được du lịch một chuyến đi dài, quan trọng và đầy thích thú… Quang cảnh chùa vẫn còn in trong trí tôi, một hình ảnh nên thơ, thanh lịch từ cổng vào chùa đến cảnh trí bên trong.
Cổng vào chùa kiến trúc theo hình vòm có cây leo chằng chịt, xanh tươi như tên gọi là Thanh Trúc Động vì trông từa tựa một cửa động có hai tầng, bên trên có tượng Đức Thế Tôn và tầng giữa có tượng Đức Quan Thế Âm, uy nghi và thanh thoát giữa vòm lá quấn quít mơn mởn; bên dưới là đường vào chùa có hàng thành đá ghép như hàng núi giả. Chùa có nhiều gốc cổ thụ mà dưới mỗi gốc cũng có nhiều đá sắp xếp mỹ thuật làm cảnh trí là lạ và đẹp mắt.
Noi theo gương vị sáng lập đầy đức độ, bà ngoại tôi cũng là một Phật tử thuần thành và rộng ra con cháu luôn cố gắng học theo hạnh từ Bi của bà Dì tôi để xử thế. Đặc biệt là lòng quý mến thương yêu và xem con cụ bà thứ thất như con của mình và vì vậy liên hệ giữa các dì và mẹ tôi thật tốt đẹp thân thương, khắng khít và tôi còn nhớ mãi những cái tên rất đẹp của những bà dì tôi quý mến: Công Tôn Nữ Hạ Huyền, Minh Huyệt, Lạp Kim… Các dì tôi này đã trọng tuổi, có người đã tạ thế nhưng tình cảm với gia đình mẹ và các dì ruột của tôi vẫn bền đẹp như những ngày xưa khi tôi còn bé lắm… Huế là nơi thiên tai bão lụt luôn, lại thêm địa điểm của chùa tọa lạc gần đường lên sân bay Phú Bài nên chiến tranh cũng tàn phá nhiều. Chùa đã bao lần trùng tu và mỗi lần lại mở rộng và xây dựng theo quy mô tốt đẹp hơn. Ngày mới thành lập, chùa chỉ là một thảo am nhỏ và một miếu thờ giữa vùng đồi núi hoang vu u tịch.
Thanh trúc động |
Năm 1927, Cụ Bà hội chủ đã vận động quyên góp thêm để xây chính điện lợp ngói và nhà trai lợp tranh. Chùa vẫn giữ kiến trúc khiêm nhường này cho đến năm 1953, mới trùng tu qui mô hơn để có thêm thiền thất. Năm này, tôi trở lại Huế để theo học lớp Đệ Tam trường Khải Định vì Nha Trang chưa có trường trung học đệ nhị cấp, vì vậy tôi được theo mẹ dự lễ khánh thành chùa. Mẹ chân thành làm lễ tạ Trời đất. Sau bao nhiêu năm nhìn lại ngôi chùa cũ, lòng lâng lâng nhớ lại ngày nào còn nhỏ dại theo chân ba mẹ, các cậu dì trong những buổi “picnic” tại khuôn viên chùa, bên lăng bà Dì tôi có mái che và lót granito mát rượi và từ đó cũng thấp thoáng nhìn thấy hình dáng một vài ni cô trẻ trong tràng y màu khói hương thanh thoát nhẹ nhàng đang nhặt những trái khế chín để thêm vào sửa soạn cho buổi trai chay. Chùa đã khang trang hơn trước nhưng tôi nghe mẹ tôi lâm râm khấn trước di ảnh của bà Dì tôi được rọi lớn treo trước chánh điện, cầu xin chùa được xây cất rộng lớn hơn cho giòng họ, con cháu được về tề tựu đông đảo hơn…
Khi đã rời xa Huế, tôi có nghe chùa sẽ trùng tu hoàn chỉnh hơn cho phù hợp với những sinh hoạt từ thiện chùa đảm trách và kêu gọi đóng góp, đó là năm 1963. Từ đó chùa có tiền đường, nhà khách và nhà tăng được lợp ngói. Lúc này chùa hoàn chỉnh với mô hình chữ Khẩu như đa số các ngôi chùa ở Huế.
Những đá tán của chùa xưa |
Theo tôi biết từ lâu lắm chùa do sư bà Hướng Đạo trụ trì, năm 1974 sư bà viên tịch và đệ tử là sư bà Chơn Thông kế sự cho đến ngày nay. Chùa được thiết trí thờ tự với tượng Đức Thế Tôn chạm khắc tinh vi, thếp vàng rực rỡ trong nét từ bi thanh thoát, khoan dung. Khảm thờ được chạm cẩn xà cừ, đường nét nhẹ nhàng uyển chuyển, tất cả làm cho không khí nơi điện trang trọng mà thanh nhã. Đến nay chùa vẫn giữ được lớp sinh hoạt xã hội như tâm nguyện của vị sáng lập và trở thành cơ sở từ thiện quan trọng của Huế – mọi tổ chức đều do các ni cô của chùa đảm nhiệm. Chùa là cơ sở đạo hạnh của gia đình nên sự liên hệ của gia đình chúng tôi đối với chùa cũng luôn được nhắc nhở. Việc đóng góp trùng tu cũng được con cháu tùy tâm hưởng ứng. Trong giai đoạn chiến tranh, đường từ Huế lên chùa mất an ninh, chúng tôi cũng luôn liên lạc với sinh hoạt của chùa qua một gia nhân thân tín – là một gạch nối quan trọng giữa chùa trên núi và của gia đình ở Kinh thành Huế, đó là Cụ Dưỡng. Hầu hết việc chỉnh trạng, quét dọn các lăng mộ ông bà cố, ông bà ngoại, ông bà chú bác cô dì… nằm trong khuôn viên chùa đều do một tay cụ Dưỡng chăm sóc. Cụ Dưỡng đã mất cách đây mấy năm và gia đình chúng tôi cũng đã đi xa Huế, tuy vậy vẫn giữ mối liên hệ tốt đẹp với chùa Diệu Viên mà chúng tôi luôn yêu mến nơi chốn Từ Bi mà bà Dì tôi đã tạo lập và bà ngoại tôi cũng dày công tu bổ để cho đời sống của con cháu đẹp mãi nét từ tâm.
Những ngày hôm nay, xa Huế đến nghìn trùng… Trên xứ người, chúng tôi vẫn luôn cố gắng giữ lòng hướng về đạo, cầu xin cho tâm thành vững chãi để giữa những điên đảo của cuộc sống, với văn hóa khác biệt trên đất khách duy trì được một tấm lòng Việt Nam sáng suốt biết tìm đến ánh đạo vàng của Đấng Từ Bi cao cả.
Y.L.N.Q