Sau khi lên ngôi, năm 1844 vua Thiệu Trị đã cho hạ lệnh biến đổi nơi ở của mình thành một ngôi chùa và đặt tên là Diệu Đế Tự.
Vì sao nhà vua đặt tên chùa là Diệu Đế? Trong bài văn bia hiện nay còn ở bên đình phía phải kể từ trong chùa nhìn ra trong vườn chùa, chính nhà vua đã giải thích như sau: “Thẻ ngọc sách vàng nghi những yếu thuật tốt đẹp khúc đầu; long chương phụng triện làm rõ cái lý lưỡng toàn diệu hóa ở diệu nguyên, phát rõ chân như ở mật để cho nên gọi chung là chùa Diệu Đế vậy. Mục đích cải biến tiềm để của mình ở thành cảnh chùa, cũng đã được chính nhà vua giảng rõ trong bài văn bia ấy: “Nay lập chùa ven sông triều cũng chốn kinh thành, bao che và nhìn ra chốn kinh thành đông đúc, trấn tỉnh những kẻ hiếu lợi mê hoặc tranh cạnh, để hướng dẫn họ vào điều thiện”(1)
Tam quan chùa Diệu Đế
Kiến trúc chùa Diệu Đế
Kiến trúc chùa Diệu Đế vào thời đó rất khác với các chùa ở Huế. Không theo kiểu chữ “Nhất” của chùa Thiên Mụ, cũng không kiểu chữ “Môn” hoặc kiểu chữ “Phẩm” của nhiều nhà khác…Chùa Diệu Đế xây một bên hướng Tây Nam, nhìn ra sông Đông Gia, từ tam quan chùa ra đến bến sông có cách một con đường mà từ đời Tây thuộc về sau gọi là đường Đông Khánh, còn nay gọi là đường Bạch Đằng. Bên bờ sông có xây sáu trụ biểu thẳng tới tam quan chùa là hai trụ biểu cao lớn, hai bên bậc cấp lên xuống sông. Thẳng với đường chùa Ông hiện nay có hai tụ biểu và đường thẳng với đường Diêụ Đế hiện nay cũng có hai trụ biểu cho những bậc cấp lên xuống sông. Như thế là vào thời kỳ này trước chùa Diệu Đé có đến ba bến sông. Hiện nay chỉ còn một bến chính giữa. Tất cả các trụ biểu đều đã mất dấu tích.
Kiến trúc đại thể thì quanh chùa có bốn phía đều có xây thành. Những thành hiện nay vẫn còn dấu tích. Quanh bốn phía thành có tất cả là sáu cửa. Mặt trước có ba cửa, bên trên có cơi lầu tong đó có thờ Hộ Pháp tức là vị thần bảo hộ Phật pháp, hai bên tả hữu đều có cửa ra vào. Hiện nay tất cả đều đang còn, nhưng chắc không phải là lối kiến trúc ngày xưa. Chính giữa đoạn thành ở đường chùa Diệu Đế hiện nay có một cửa gọi là Tả môn đối diện qua phía đường chùa Ông có một cửa gọi là Hữu môn, hiện nay Tả, Hữu môn đều không còn, Bắc môn đang còn nhưng đều đã xây bít.
Biển hiệu chùa
Bên trong vườn chùa được chia làm ba phần, có nhiều đoạn thành ngăn cách (2). Qua tam quan lầu thì phần ngoài hết ở bên trái có cung đình treo cái chuông lớn, chú tạo vào tháng sáu năm thiệu trị thứ sáu, Bính ngọ (1846), đối diện qua bên phải có Bi đình tức là nhà để bia khắc thơ ngự chế của vua, cũng có lạc khoản vào ngày tháng như ở chuông lớn. Chung đình và Bi đình với Đại Hồng chung và tấm Thạch bi vẫn còn với nhiều nét kiến trúc, chạm trổ và nhiều hoa văn rất đặc biệt.
Phần thành thứ nhất có lẽ ngang với hoặc ngoài một chút đối với hai đoạn thành hiện nay, thành cũng chia làm hai đoạn. Chính giữa là trung đạo, có cửa để đi vào phần thứ hai của chùa. Chính giữa thành bên tả có Chung lâu, tức là lầu chuông hiện nay để lầu chuông bên tả tiền đường chùa Diệu Đế. Chuông này cũng được chú tạo vào năm Thiệu Trị thứ sáu vì lạc khoảng đề: “Thiệu Trị lục niên lục nguyệt cát nhật tạo”. Giữa đoạn thành bên hữu có cổ lâu tức là lầu trống. Hiện nay trống ấy không còn.
Vườn chùa
Vào đến phần trong của chùa thì phải qua một bức tường có ba cửa. Cửa chính thẳng với trung đạo từ trưóc ra sau, hai cửa tả hữu thẳng sau lưng hai ngôi nhà Cát tường từ thất và Trí huệ tịnh xá. Qua cửa chính của bức tường này là đến ngôi Đại Giác Điện, thường thường ở các chùa thì ngôi điện chính này, nay gọi là Đại Hùng Bảo Điện. Nhưng ở đây vua Thiệu Trị gọi Đại Giác Điện là thủ cái ý “lập Phạn Cung khai phát Bồ đề tâm mà giáo hóa muôn loài, giúp phương tiện lớn để giác ngộ chúng sanh” như trong bài văn chính nhà vua ngự chế.
Đặc biệt là trước đây, chùa Diệu Đế có tôn trí một bảo tháp bằng ngà với chạm tổ rất mỹ thuật. Tháp này nguyên là của riêng phủ tại Hồng Bảo vào đời Tự Đức. Khi ông này bị vướng vào Đoàn Trung, Đoàn Trực thì bị tịch biên gia sản, trong đó có tòa bảo tháp bằng ngà. Triều đình nghị là nên chuyền về thờ ở chùa Diệu Đế. Vua Tự Đức đã chuẩn y. Kể từ đó, chùa Diệu Đế có tôn trí để thờ một tòa bảo tháp bằng ngà voi, cao khoảng 1m, chính giữa điện trước điện bàn thờ Phật. Mãi đến trước mùa xuân năm Mậu Thân (1968) tòa bảo tháp vẫn còn, nhưng đầu xuân năm đó, một quả canon đã rơi và nổ ngay nơi bảo tháp làm cho tòa bảo tháp bằng ngà tan nát thành nhiều mảnh vụn !…
Từ năm Duy Tân thứ ba, 1910 Tây lịch trở về sau, chùa Diệu Đế đã biến đổi hoàn toàn. Các trụ biểu ngoài sông không còn; phần tường ngăn ngang phần Đại Giác Điện với phần Đạo Nguyên Các ngày trước cũng không còn. Các tòa sở trong chùa chỉ còn lại như sau: Vào Tam quan chùa thì bên trái còn Chung đình, bên phải còn Bi đình; đến phần tường ngang để vào bên trong, qua cửa trung đạo của bức tường này thì có hai nhà Lôi gia đối mặt nhau để thờ Bát Bộ Kim Cang, đi thẳng theo trung bộ thì đến Điện Đại Giác. Bên sau Điện Đại Giác về phía nhà khách hiện nay có một Tăng xá và một Trù gia, hai bên vẫn còn hai cái giếng.
Đồ án này vẫn còn mãi cho đến năm 1950, đến giai đoạn này thì Hòa thượng Diệu Hoằng, có sự hỗ trợ của bà Từ Cung và hàng Phật tử trong hoàng tộc cũ, đã đại sùng tu chùa Diệu Đế và thay đổi hẳn đồ án xây cất hai nhà Lôi gia bị hủy bỏ, đem vào xây hai bên tả hữu điện Đại Hùng hiện nay, với nóc nhà thấp thua phần chung, cổ lầu. Tám pho tượng Kim Cang được thỉnh vào thờ ở đó. Hai Lôi gia này cũng được xây mặt ra cổng chùa. Điện Đại Giác được cải biến gồm có mặt tiền đường, phía trái có Chung lâu hiện nay để cái chuông để đánh hai buổi triêu mộ hằng ngày và các ngày lễ, phía phải có cổ lâu, nhưng hiện nay không có trống. Nóc của Cổ lâu và Chung lâu cao hơn nóc Lôi gia nhưng thấp thua nóc Tiền đường. Trên các nóc đều trình bày lưỡng long triều nguyệt. Phần điện Đại Hùng thì bên tên cửa phía trái còn treo biển đề Đại Giác Điện, cửa phía phải còn treo Đại Nguyên Các. Hai biển này làm bằng đồng, Ngày xưa còn lưu lại, cửa chính giữa treo bức hoành để bằng chữ Diệu Đế Quốc Tự, làm năm Thiệu Trị thứ 4 thàng 3 mùa xuân năm Giáp Thìn (1844) và sơn sửa lại triều Bảo Đại. Bên trong Điện Đại Hùng, phần chính giữa có đại điện, có bốn cột to lớn làm bằng xi măng cốt sắt, các cột và cây trần đều có vẻ mây rồng ẩn hiện vovo cùng mỹ thuật, đây là nét đặc biệt chỉ có chùa Diệu Đế mới có(3). Phía trái từ Chung lâu đi vào là trú xứ của vị trú trì chùa Diệu Đế, phía phải từ cổ lầu đi vào là trú xứ các chư Tăng, học Tăng. Bên sau là bàn thờ Tổ, chính giữa hai bên là bàn thờ linh.
Nhà bia
Sau Đại Giác Điện, hai bên tả hữu rất cân đối, có hai nhà Tăng Xá, rồi đến hai trù gia tức là hai nhà bếp. Cạnh hai trù gia mà xích vào trong là hai cái giếng. Có lẽ là cái giếng phía trái, nước rất trong mà chùa Diệu Đế đang dùng hiện nay là một trong hai cái giếng ngày xưa còn lại.Tất cả các lối đi từ sở nhà này sang sở nhà khác đều được lát bằng gạch tràng rộng…
Vào bên sau nữa, phía trái có dãy nhà khách, phía phải có trù gia và kho chứa. Bên sau nhà khách sát thành có cái giếng rất sâu và rất trong mà đân quanh vùng thường đến gánh về uống trong mùa sông Hương bị nước mặn. Ở góc thành sau phía trái có cái miếu thờ và cây đa cổ.
Trải qua các biến cố lịch sử
Ngày mồng 2 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu, tức năm Hàm Nghi nguyên niên (14.6.1885) chùa Giác Hoàng ở trong nội thành, trước Cơ Mật Viện và Tam Tòa hiện nay, phải triệt bỏ. Người ta đã thỉnh các pho tượng Phật ở đây về tôn trí tại Đại Giác Điện và tại Đạo Nguyên Các. Sau những biến cố của đêm 22 rạng 23 thnág 5 năm Ất Dậu (4.7.1882), kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Toàn kinh thành bị giặc Pháp chiếm. Cùng với vận mệnh của dân tộc, chùa Diệu Đế đã đi vào một khúc quanh lịch sử gần như tan rã của nó. Bởi vì chính phủ Nam triều thất trận, bị giặc chếm hết mọi nơi, cho nên phải chạy về chùa Diệu Đế để làm chỗ tạm dung thân. Cát tường từ thất được chính phủ Nam triều lấy để làm Ngân khố và sở đúc tiền; Trí huệ tịnh xá phải nhường chỗ để làm Phủ Đường Thừa Thiên, nguyên trước ở trong Kẻ Trài phải dọn qua đó. Tất cả tượng Phật và bàn thờ ở hai nơi này đều thỉnh vào tôn trí ở Đại Giác Điện. Một tăng xá phía bên trái tức là phía nhà khách hiện nay, đã bị biến cải thành nhà lao Thừa Phủ, Còn tăng xá phía bên phải đã bị biến cải thành Đài quan tượng, từ đó chùa Diệu Đế bị suy thoái lần, không bao giờ còn thấy vẻ huy hoàng ngay xưa nữa!…Năm 1887, khi có lệnh sắp đặt lại kinh thành, bộ công chánh đã triệt bỏ phần lớn các dãy nhà trong chùa Diệu Đế, chỉ còn tòa Đại Giác Điện, Đạo Nguyên Các, Chung Lâu, Cổ lâu. Chung đình và Tam quan lâu được giữ lại.
Tiền đường chùa
Vào năm Mậu Tý (1888) khỏang cuối đời Đồng Khánh, người ta đã xây thêm dãy nhà ở phía trái và hai bên Đại Giác Điện để làm Tăng xá xây mặt cùng hướng với Điện này(4). Đến năm Duy Tân thứ 3 (1910) có cuộc tu bổ các tòa sở của chùa Diệu Đế, nhưng Đạo Nguyên Các vì bi hư sập nên bộ công tâu lên vua cho dẹp bỏ, cử Tam quan cũng được cải chế, Chung lâu, cổ lâu cũng được dẹp bỏ. Những ngôi tượng thờ ở Đạo Nguyên Các được đưa vào thờ chung ở Đại Giác Điện. Thờ Bát Bộ Kim Cang đối diện nhau ngang bức tường ngang hiện nay trở ra để thờ tám pho tượng lớn tại hai nhà Lôi gia này có khoảng tàm vế đối như sau:
Tế độ mê tân bằng bử phiệt
Siêu thăng khổ hải hữu từ hàng
Tường quan hoạt hiện thông tam giới
Kim bích giao huy tiếp vạn linh.
Đăng minh phạm vũ hồi tam giới
Nguyệt lãng thiền quan phổ thập phương
Diệu tướng đoan cư kim các giới
Thần thông đạo phóng ngọc hào quang(5)
Chùa Diêu Đế trong thi ca.
Nhìn lại cách thiết kế đồ án chùa, chúng ta thấy rất đúng với câu ca dao của đân Huế đã mô tả:
Đông Ba, Gia Hội hai cầu
Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.
Bốn lầu chính là chung đình, bi đình, chung lâu cổ lâu và “hai chuông” chính là cổ Đại hồng chung, trong chung đình và cái chuông thường đánh ở chung lâu, nơi đoạn thành thứ nhất ở phía trái trong chùa cổ vậy. Tiếng chuông Diệu Đế là một âm thanh huyền diệu ở xứ Huế, chỉ thua tiếng chuông Linh Mụ mà thôi. Vào thời Tự Đức, Minh Nhật Thân, vì án yêu thư, yêu ngôn, nên bị bắt giải về Huế để chờ ngày bộ hình chung thẩm, một đêm thu lữ thứ đã làm bài “Thu dạ lữ hoài ngâm” bằng Hán văn rất hay, nhưng lại theo điệu song thất lục bát, trong đó có câu:
“…Dạ văn Diệu Đế chung thanh
Thuận An lãng nộ, ngự thành pháo thôi.
Giang khúc khúc trường hồi khúc khúc,
Lãng du du dạ phục du du,
Tiêu đầu quán lữ tình thu…”
Một môn đệ của ông đã dịch ra tiếng Việt như sau:
Đêm nay Diệu Đế chuông rền
Thuận An sóng vỗ, sung rên thành vàng
Sông quằn quại ruột càng quằn quại
Sóng du du dạ lại du du
Tiêu điều quán lữ tình thu…”
Lại còn một câu ca dao khác, có lẽ mới có khoảng Thành Thái, song cũng có nói đến cái hay của tiếng chuông Diệu Đế:
Chuông ngân Diệu Đế trống run Tam tòa.
Chánh điện
Chùa Diệu Đế hiện nay.
Hiện nay tại chùa Diệu Đé còn có bia, chuông lớn chuông nhỏ, biển ngạch và thơ văn khắc vào bản đồng từ thời Thiệu Trị. Cũng còn có cả tám pho tượng Kim Cang rất lớn, tạc đứng với nhiều dáng điệu khác nhau, nhất là 18 pho tượng nhỏ của thập bát La-Hán với nét vẽ lông mày trắng biểu hiện các tâm trạng trầm tư…vô cùng linh động mỹ thuật.
Bàn thờ chính giữa Đại Giác Điện có hai tầng, tầng trên cao dùng để tôn trí các pho tượng Tam Thế, tức là sắc tướng thể hiện ba thân của Đức Phật: Báo thân, Ứng thân và Pháp thân. Án dưới dành để thờ Thần vị của vua Thiệu Trị, Thần vị này được sơn son thiếp vàng và chạm lưỡng Long triều nguyệt. Bên phải và bên trái Đại Giác Điện thờ Ngài Văn Thù (Mãnd jusri) và Nàgi Phổ Hiền (Samata Bhardra). Trên hai bên vách là những pho tượng của các vị A la hán (Arhat). Trong một phòng ở bên sau thì có thiết trí một bàn thờ để thờ nàh sư đầu tiên của chùa (6). Tại Đại Giác Điện chùa Diệu Đế vào thời Thành Thái-Duy Tân không phải chỉ có những tượng Phật riêng của chùa Diệu Đế, mà có nhiều tượng của chùa Giác Hoàng, của Đạo Nguyên Các, của Trí Huệ tinh xá và của Cát Tường từ thất đem vào tôn trí thờ tại đó nữa, cho nên có tất cả 53 án thờ(7). Hiện nay trong chùa chính giữa còn có các tượng Tam Thế với sắc vàng cháy của nước vàng thếp ngày xưa còn lại. Và có một pho tượng nhở của ngài A-Nan, một tượng của ngài Ca-Diếp, và đặc biệt là pho tượng Chuẩn Đề có nhiều tay rất mỹ thuật. Phía trái có 3 tượng Phật, 3 tưọng Thánh, phía phải còn có 5 tượng Phật, tượng Đức Di-Lặc thờ ở giữa. Sát vách bên trái còn có khám thờ vua Thiệu Trị và một vài công chúa, hoàng tử con vua, phía phải còn có khám thờ chư linh.
Phần giữa chùa thì ngay với Trung đạo và Ngang tả, hữu môn là Đạo Nguyên Các. Đạo Nguyên Các là một nhà lầu hai tầng. Ở tầng trên và chính giữa là bàn thờ Phật Thích Ca, ở bên trái và bên phải là hai bàn thờ của hai vị cổ Phật : Đức Ca-na (Kanakamuni) và Ca Diệp (Kàsyapa Buddha) (8). Ở tầng trệt của “Các” này là bàn thờ của các vị Đại Hộ Pháp Kim Cang. Vào Một chút và rất cân đối thì bên tả có Cát tường từ thất, tức là Thiền đường. Chính giữa ngôi nhà này thờ Đức Chuẩn Đề (Tchndi) bên trái là thờ Quan Thánh Đế Quân, bên phải thờ Huyền Thiên Đại Đế, bên hữu có Trí Huệ Tịnh Xá, tại đây thì chính giữa có bàn thờ Đức Quán Thế Âm (Avalo Kites-vara) bên trái thờ Đức Địa Tạng, bên phải thờ cổ Phật Nhiên Đăng.
Chùa Diệu Đế là một trong những ngôi chùa danh tiếng ở xứ Huế, vẫn biết trong buổi hừng đông lịch sử của nó, chùa Diệu Đế là nơi sinh hoạt tôn giáo Phật giáo của vương triều, nhưng từ khi có phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930 thì An Nan Phật Học Họi cũng đã được vương triềumời đến sinh hoạt tại đây. Trong thời gian này, vua Bảo Đại và các bà trong Cung nội đã có lần đến dự lễ Phật Đản ở chùa Diệu Đế, nhà vua và các bà được tiếp đón long trọng theo nghi thức Phật giáo: có đoàn Đông Ấu đứng dàn chào, có ông Hội trưởng đọc diễn văn chào mừng. Từ năm 1945, vương triều sập đổ, chùa Diệu Đế vẫn được chư Tăng trong Giáo Hội sơn môn tiếp tục quản chế, giữ gìn và thờ tự như một ngôi chùa của Phật giáo Việt Nam ở Huế. Những NĂm 1960, Diệu Đế là nơi hoằng pháp của Giáo hội và hàng vạn Phật tử Huế thường rước tượng Đản sanh từ đây lên chùa Từ Đàm trong ngày lễ Phật Đản hàng năm. Những năm gần đây, chùa Diệu Đế đã được trùng tu, hai dãy nhà hai bên vườn chùa vốn được dùng làm Tuệ Tĩnh Đường và trường Mẫu giáo đã được di dời, chùa đã phần nào trở lại cảnh quang như ngày xưa, tuy nhiên vẫn chưa xứng tầm của một ngôi quốc tự. Trong viễn tượng bảo tồn, bảo tàng cổ tích, di tích lịch sử, văn hóa và tôn giáo xứ Huế, thì chùa Diệu Đế vẫn là ngôi chùa đáng được chúng ta lưu ý vậy.
Hà Xuân Liêm
—————————
Chú thích:
(1) Theo một bản dịch của chùa Diệu Đế.
(2) Xin đọc giả luôn tham chiếu với bản đồ số một của ông Nguyễn Đình Hòe trong BAVH, tr.396
(3) Người thợ vẽ này cũng chính là người thợ vẽ đã trình bày mây rồng ở Lăng vua Khải Định vào trước NĂm 1925.
(4) Xin xem bản đồ số 2 của ông Nguyễn Đình Hòe trong BAVH 1916, tr. 397 mà chúng tôi đã trích lại dể in kèm theo bài này.
(5) Tài liệu trong Châu Bảo triều Nguyễn, đời Duy Tân trích dẫn bởi tác giả bộ chùa tháp, danh Tăng và Phật sự, tập 4 trang 9. sách đánh máy: Từ Đàm Tăng ( bản Thầy Hải Ấn cho mượn)
(6) Phải chăng vị đầu tiên này là Ngài Hứa Bật có pháp danh là Liễu Tính, đi tu lúc 5 tuổi, năm 89 tuổi không ăn uống gì cả, nên gọi làTịch cốc tăng. Được triều đình phong làm trú trì chùa Diệu Đế, mà vua Thiệu Trị có thơ vịnh Ngài.
(7) Châu bản triều Nguyễn, đời Thành Thái Q.6, 2 tờ (trong tác phẩm đánh máy đã dẫn, tr.4)
(8) Tên hai vị Phật, chúng tôi theo ông Nguyễn Đình Hòe trong bài La Pagode Diệu Đế, đăng trong BAVH 1916, tr.395. Chúng tôi nghĩ rằng đây là Ngài A-Nan và Ngài Ca-Diếp nhưng ông Nguyễn Đình Hòe đã lẫn lộn chăng?