Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa chiền và các tổ sư Phật Giáo Huế qua sự khảo...

Chùa chiền và các tổ sư Phật Giáo Huế qua sự khảo tả của các bài viết đăng trên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (BAVH)

196
0

Có thể nói, các vị Tổ sư những dòng Thiền Nam Hà như Nguyên Thiều, Minh Hải Pháp Bảo (tổ khai sơn dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An), Liễu Quán… có vị trí và vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nam Hà, cũng như trong tiến trình phát triển của Phật giáo Huế và Việt Nam.

Đạo Phật, chùa chiền ở vùng đất này mặc dù đã từng được ghi chép từ cuối thế kỷ XVII, với tác phẩm nổi tiếng Hải Ngoại kỷ sự của Thiền sư Thích Đại Sán, song, chính những người Pháp và cộng sự đầu thế kỷ XX mới được xem là những người chính thức tìm hiểu rõ ràng về Phật giáo xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Các bài viết của những học giả liên quan đến chốn thiền lâm đất Thần Kinh được đăng trênNhững Người bạn Cố đô Huế (BAVH) như Công sứ Bonhomme với bài viết Chùa Thiên Mẫu [Mụ] – Lịch sử (1), Chùa Thiên Mẫu – miêu tả (2), Chùa Thiên Mẫu – các bia (3); linh mục L. Cadière với Chùa Quốc Ân – người sáng lập(4) và Chùa Quốc Ân – các vị trụ trì (5), Nguyễn Đình Hòe – Hiệu trưởng trường Hậu Bổ – với Chùa Diệu Đế (6); J.A. Laborde với Chùa Báo Quốc (7)L.Sogny – Chánh sở Mật thám Trung Kỳ – với bài viết Người An Nam đầu tiên được các triều đại vua chúa nhà Nguyễn thừa nhận là vị tổ sư Phật giáo – tháp mộ của ngài (8)… Có thể nói, các bài nghiên cứu này được xem là những công trình đặt nền móng đầu tiên cho quá trình tìm hiểu sâu sắc mọi mặt đời sống văn hóa Phật giáo xứ Huế cũng như góp phần bảo lưu lại giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, văn hóa của các ngôi cổ tự nổi tiếng đất Thần kinh.

Ở bài viết này, chúng tôi xin được lược khảo vài nét về những ghi chép về chùa chiền, các bậc tăng cang Thạc đức xứ Huế và lược khảo vài nét về những đóng góp của các học giả trên thể hiện qua BAVH.

1. Ghi chép về một số ngôi chùa Huế và các Tăng cang xứ Huế

Trong những ngôi thiền tự danh tiếng của Huế, các học giả Pháp và cộng sự đã lựa chọn khảo sát 4 ngôi chùa gắn liền chặt chẽ với bước hình thành và phát triển của Phật giáo xứ Đàng Trong, đó là các chùa Quốc Ân, Thiên Mụ, Diệu Đế, Báo Quốc, và tháp tổ Liễu Quán (chùa Thuyền Tôn). Những ngôi chùa này được triều đình nhà Nguyễn ban làm quốc tự, là chốn thiền lâm danh tiếng đương thời. Ở đây chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của vương triều, đất nước.

Chùa Quốc Ân: Ngôi tổ đình gắn liền với sự ra đời của dòng Thiền Lâm Tế chánh tông. Nếu như Liễu Quán được xem là ngài tổ sư người Việt Nam đầu tiên của dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam, thì ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch, người khai sơn tổ đình Quốc Ân lại được xem là vị cao tổ của dòng Thiền Lâm Tế ở xứ sở này. Ngôi quốc tự ấy từng được cố học giả Cadière thuộc Hội truyền giáo nước Ngoài – Pari soạn 2 bài liên quan, đăng trên hai số BAVH 1914 và 1915. Đây thực sự là những ghi chép rất quý báu. Nó không những giúp cho độc giả hiểu được nguồn gốc ra đời chùa Quốc Ân, vị Tổ sư (Nguyên Thiều) khai sơn ngôi chùa và các vị tổ sư kế tiếp; mà còn là những cái nhìn đầy ng- hiêm túc, chính xác về từng giai đoạn biến động của ngôi cổ tự này, gắn liền với những biến động thời cuộc. Chẳng hạn, trong bài Chùa Quốc Ân: người sáng lập đăng ở BAVH 1914, học giả Cadière, nghiên cứu khá kỹ về Thiền sư Nguyên Thiều, chùa Quốc Ân và bức văn bia chép về hành trạng của ngài Nguyên Thiều Hoán Bích. Từ đó, ông đã đưa ra những nghi vấn về bức văn bia, cụ thể hơn là về sự nhầm lẫn về thời gian đến Việt Nam của sư Nguyên Thiều, và thời gian soạn văn bia, để rồi đưa ra nhiều kiến giải để giải đáp các thắc mắc đó một cách khá thuyết phục, thể hiện được sức am tường sâu sắc về lịch sử xã hội Á Đông. Bài kiến giải của ông có đoạn “… ngày trên bia này có một đặc điểm mà ta gặp lại trong vài công trình trước thời Gia Long, ngày ghi năm thứ 10 niên hiệu Bảo Thái, tháng tư mồng tám, nghĩa là ngày 05 tháng 05 năm 1729. Thời kỳ Bảo Thái có Lê Dũ Tôn theo sử chính thống kéo dài 10 năm từ 1720 đến 1729. Và đến tháng 4 năm 1729 và chỉ đến tháng 4 thôi. Thời kỳ ấy thực ra Trịnh Cương ép Lê Dụ Tôn thoái vị và đặt lên ngôi Lê Đế Duy Phường mà niên hiệu là thời Vĩnh Khánh và bắt đầu vào tháng 4. Như vậy ngày mồng 8 tháng 4 không thuộc niên hiệu năm thứ 10 Bảo Thái mà là năm đầu niên hiệu Vĩnh Khánh”(9).

Chùa Thiên Mẫu (Mụ): Ngôi cổ tự cổ kính, từng đặt nhiều ấn tích quan trọng trong lịch sử xã hội Huế nói riêng và Đàng Trong nói chung. Chùa Thiên Mụ được biết đến đầu tiên gắn liền với câu chuyện chúa Nguyễn Hoàng cho tạo dựng vào năm 1601. Nơi đây đã từng được tổ chức Đại trai đàn thọ giới vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu mời Thạch Liêm Đại Sán từ Trung Hoa sang vào cuối thế kỷ XVII (1695). Đồng thời, chùa Thiên Mụ xưa nay vẫn thường được xem là nơi hội tụ tinh thần của xứ Huế, nằm ở thế “rồng cuộn hổ ngồi” vậy nên thường xuyên được vua chúa và quan lại vương triều nhà Nguyễn quan tâm, chăm chút.

Với vị trí và vai trò to lớn như thế, chùa Thiên Mụ đã được các học giả Pháp quốc tìm hiểu khá kỹ càng. Công sứ A.Bonhomme, trong 3 bài viết đăng ở Tập san BAVH năm 1915, đã đưa đến cái nhìn toàn cảnh về mọi mặt của chùa Thiên Mụ, từ Chùa Thiên Mẫu: lịch sử – khảo cứu lịch sử hình thành và phát triển của nhà chùa; Chùa Thiên Mẫu: miêu tả – đặc tả cảnh quan không gian, kiến trúc… của ngôi quốc tự này; Chùa Thiên Mẫu – các bia: giới thiệu, khảo tả hình thức – nội dung, dịch bản tất cả các văn bia hiện có tại chùa.

Đây thực sự là một công trình khoa học rất có giá trị, góp phần không nhỏ cho việc tìm hiểu lịch sử ngôi cổ tự này. Đồng thời, thể hiện rõ nét sự quan tâm sâu sắc, am tường và yêu thích văn hóa Á Đông của những học giả Pháp đầu thế kỷ XX.

Chùa Diệu Đế: Ngôi chùa độc đáo này vốn là nơi chào đời và là chốn tiềm để của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị). Với vị thế và vai trò như vậy, chùa Diệu Đế cũng được Hiệu trưởng trường Hậu bổ Nguyễn Đình Hòe chọn khảo sát và giới thiệu khá đầy đủ trong bài viết “Chùa Diệu Đế”, đăng ở số Tập san BAVH năm 1916. Với công trình này, ông Nguyễn Đình Hòe đã miêu tả kĩ càng cảnh quan kiến trúc sơ đồ của chùa, cũng như những sự biến động trong cảnh quan kiến trúc theo thời gian. Đồng thời, điểm nhấn ở công trình này chính là sự khẳng định về yếu tố nhân sự trong chùa Diệu Đế: “… gồm có một vị Tăng cang là chức sắc cao nhất trong hệ thống Phật giáo và đó là sư trưởng của chùa, một vị trụ trì là giám thị của chùa và 15 sư khác. Tất cả đều hưởng lương của nhà nước…”(10) cùng với bản thoát dịch về văn bia chùa đề thơ hiện tồn “Ngự chế thi đề Diệu Đế tự (hữu tự văn)” do Hoàng đế Thiệu Trị – ông vua am tường sâu sắc tam giáo và tài hoa điêu luyện, biên soạn vào năm 1846.

Chùa Báo Quốc: Khâm sứ Đông Dương J.A.Laborde với công trình “Chùa Báo Quốc”(11), đã góp phần giới thiệu khá đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển, những bước thăng trầm của chùa Báo Quốc (núi Hàm Long) cũng như cảnh quan không gian kiến trúc nơi đây. Bài viết này có giá trị quan trọng đối với việc tìm hiểu tổng quan, toàn diện về ngôi chùa Báo Quốc. Đặc biệt, với sự miêu tả rất kỹ lưỡng từng khu vực, từng kiến trúc nhà cửa, hiên, tháp mộ… của ngôi chùa này, chúng ta có thể từ đó để đối chiếu làm sáng tỏ những chuyển biến về hệ thống kiến trúc, và sự dịch chuyển về không gian ngôi chùa trên cơ sở so sánh giữa kiến trúc đầu thế kỷ XX với kiến trúc hiện nay.

Tổ sư Liễu Quán (Chùa Thuyền Tôn):

Tổ sư Liễu Quán – vị thiền sư khởi đầu cho dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam (dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35) – được L.Sogny, viên Chánh sở Mật thám Trung Kỳ khảo cứu giới thiệu khá đầy đủ. Đây là bài viết kể lại chuyến đi của ông lên vãn cảnh tháp mộ Liễu Quán. Mặc dù bài viết mang tính chất đặc biệt miêu tả, song sự miêu tả ấy không đơn điệu, mà trái lại, khá hấp dẫn nhờ những điểm nhấn về các nhận định đan xen của ông. Có thể nói, một số nhận xét như: “Chữ Tổ, người sáng lập, mà người dân dùng để nói về ngài Liễu Quán thì chỉ có nghĩa đơn giản rằng ngài là người đã khai sơn ra ngôi chùa Thuyền Tôn của chúng tôi đây. Ngài cũng là vị sư trú trì đầu tiên có gốc tích là người An Nam đã được vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Huế là Hiếu Minh vương bổ nhiệm chính thức. Tất cả các ngôi chùa trong vùng Huế vào thời đó đều được các nhà sư Trung Hoa khai sơn và trụ trì; thế lực của các nhà sư Trung Hoa này càng to lớn hơn là do vị chúa tiên khảo của chúa Minh Vương là Hiếu Nghĩa vương (1691 – 1725) thỉnh đến. Hòa thượng Liễu Quán đã có một cuộc sống tu hành đạo đức cảm hóa sâu xa đến nỗi người ta xem ngài một vị sư danh tiếng nhất trong cõi này”(12)Điều này đã thể hiện rõ sức am tường văn hóa, quan niệm và đời sống cộng đồng của cư dân Huế xưa. Nhận định sắc sảo cộng với cách dẫn truyện lôi cuốn và sự miêu tả cụ thể, rõ ràng góp phần thể hiện được rõ nét hình tượng Tổ sư Liễu Quán. Bên cạnh đó, bài viết còn góp phần bảo lưu, khôi phục lại cảnh quan kiến trúc và chữ nghĩa tồn tại bên trong tháp mộ, giúp cho chúng ta có thể tham khảo tốt để phục dựng lại hiện trạng của tháp mộ và văn bia tháp hiện nay.

2. Một số yếu tố quan trọng, có giá trị, đóng góp cho Phật giáo Huế trong những công trình liên quan ở BAVH

Các công trình bài viết liên quan đến Phật giáo và Tăng cang Phật giáo xứ Huế nêu trên mặc dù khá ít so với hệ thống chùa chiền trên đất Huế, song vẫn chuyển tải nhiều ý nghĩa sâu sắc. So với “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán, những bài viết về Phật giáo Huế trong BAVH cụ thể, gần gũi, sâu sát và mục đích thể hiện rõ ràng hơn. Đấy chính là ý nghĩa muốn nêu bật những giá trị mọi mặt về chùa chiền, sư sãi xứ Thần Kinh, góp phần đem lại một cái nhìn tổng quan, và cả những nét chấm phá trên tổng thể bức tranh Phật giáo ở xứ sở này.

Một trong những thành tựu và đóng góp lớn đối với các bài viết trên đây chính là sự hiểu biết rộng lớn, am tường sâu sắc và yêu mến văn hóa bản địa của những người Pháp và tòng sự. Một số bài viết còn mang đến tư duy phản biện, giúp khơi gợi cho giới nghiên cứu sau này kế thừa, bổ khuyết những nghi vấn lịch sử.

Những bài viết ở Tập san BAVH liên quan đến Phật giáo là chiếc cầu nối hữu hiệu để nối kết văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, cụ thể đó là sự phổ biến những nét kiến trúc, chữ nghĩa, văn hóa của quê hương đất nước đến mọi người.

Cùng với những ghi chép của sử gia triều Nguyễn trong các thư tịch như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Hàm Long sơn chí…, các bài viết về Phật giáo, chùa chiền trong BAVH chính là những tư liệu tham khảo quan trọng giúp cho giới nghiên cứu Phật giáo nói chung và Phật giáo xứ Huế nói riêng có cái nhìn toàn thể về mọi mặt đời sống xã hội ở nước ta.

Các công trình tập trung nghiên cứu về Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo nói chung tại Việt Nam có lẽ được khơi nguồn từ Việt Nam Phật giáo sử lược của Hòa thượng Thích Mật Thể chùa Trúc Lâm (xuất bản lần đầu: 1942). Và thời gian gần đây lại tiếp tục có thêm rất nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo như Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Những chùa tháp Phật giáo ở Huế của Hà Xuân Liêm… Những công trình trên khi nghiên cứu đều cần thiết phải tham khảo, trích dẫn và bàn luận về những vấn đề, yếu tố được ghi chép trong các bài nghiên cứu liên quan ấy. Bên cạnh đó, một số vấn đề được các học giả khơi gợi, nghi vấn và giải quyết nghi vấn vào đầu thế kỷ XX ở BAVH kia, cho đến nay vẫn đang còn tiếp tục được nghiên cứu, tranh luận.

Mặc dù còn những hạn chế, nhất là sự mất mát ý nghĩa, ý tứ hàm súc trong các câu văn bia trong những bản dịch bằng tiếng Pháp (chuyển ngữ: tiếng Việt), song, đây được xem là những bản dịch “gợi mở” để từ đó chúng ta sẽ hiệu chỉnh, bổ sung nhằm đem lại những bản dịch thuật tốt nhất, thể hiện rõ ràng nhất ý nghĩa và giá trị của nguyên bản.

3. Thay lời kết luận

Những công trình nghiên cứu về Phật giáo, thiền sư, chùa tháp xứ Huế được đăng tải trong Tập san BAVH thực sự là những công trình có giá trị. Giá trị ấy không những thể hiện ở sự phản ánh chân thực, tính gợi mở, phản biện đặc trưng tiêu biểu cho quá trình nghiên cứu khoa học, giúp giải mã thêm nhiều nghi vấn còn tồn tại, mà còn góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa của một vùng đất luôn được mệnh danh là “Kinh đô của Phật giáo Việt Nam”. Trong đời sống thường nhật và trong quan niệm, tín ngưỡng của người Huế, đạo Phật rất gần gũi và thiêng liêng, chùa chiền luôn là nơi thanh tịnh, giúp lắng hồn người để tìm về với bình an mỗi khi sóng gió. Bởi thế, những dấu ấn đậm nét của chùa Huế, giới tăng sĩ Huế… thông qua sự miêu tả cụ thể về các ngôi chùa, các vị thiền sư đức thạc ở BAVH chính là những tài sản quý báu góp phần bảo lưu và gìn giữ nét Huế xưa nay.

VÕ VINH QUANG: TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG – SỐ 299 (T.01-14)

———————
1. Bonhomme, Chùa Thiên Mẫu – Miêu tả (bản dịch). BAVH 1915, tr.228-258
2. Bonhomme,Chùa Thiên Mẫu – các bia (bản dịch), BAVH 1915, tr.417-440
3. L. Cadière, Chùa Quốc Ân – người sáng lập (bản dịch), BAVH 1914, tr.160-177
4. L. Cadière, Chùa Quốc Ân – các vị trụ trì (bản dịch), BAVH 1915, tr.287-292
5. Nguyễn Đình Hòe, Chùa Diệu Đế (bản dịch), BAVH 1916, tr.400-405
6. J.A. Laborde, Chùa Báo Quốc (bản dịch), BAVH 1917, tr.230-245
7. L.Sogny, Người An Nam đầu tiên… (bản dịch)BAVH, tập XV (1928), tr. 385-403
8. Cadière, “Chùa Quốc Ân: người sáng lập”, BAVH 1914 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa 1997, tr.161-162
9. Cadière, “Chùa Quốc Ân: các vị trụ trì”, BAVH 1915 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr.280-281
10. J.A.Laborde, “Chùa Báo Quốc”, BAVH 1917, Sđd, tr.230-245
11. L.Sogny, Sđd, tr.386
12. L.Sogny, Sđd, tr.386

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here