Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Chùa Báo Thiên có bị thực dân Pháp và tay sai phá...

Chùa Báo Thiên có bị thực dân Pháp và tay sai phá đi xây Nhà thờ Lớn?

146
0

Trong vài ngày qua, ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về vụ “đòi” Tòa khâm sứ cũ, một số trang Công giáo ở Hải Ngoại có đưa tin nói rằng không có chuyện phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn, rằng chùa Báo Thiên đã bị phá bỏ từ lâu trở thành gò đất, trở thành chợ, trở thành đất vô chủ trước khi khu đất đó được dùng để xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ. Thậm chí có linh mục còn hàm ý rằng ngôi tháp Báo Thiên, tức báo ân Thiên, báo ân Trời, có nghĩa là Chúa Trời, tức chúa Giê-su và người Việt Nam từ trước đến nay đã thờ Trời, tức Chúa trời mà không biết!!! BTV Phật tử Việt Nam xin tổng hợp những sự thật lịch sử không thể chối bỏ về chuyện phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ.


HÀ NỘI NHỮNG THÁNG NĂM ĐEN TỐI


Sau sự kiện Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam kỳ, đầu tháng 11 năm 1873, F.Garnier đem quân tới Hà Nội. 15 ngày sau, sáng ngày 20/11/1873, y nổ súng tấn công thành Hà Nội. Do triều đình đã chủ hoà nên thành trì không được phòng thủ chắc chắn, thành Hà Nội thất thủ. Nguyễn Tri Phương cùng con là phò mã Nguyễn Lâm lên mặt thành đốc quân chống giữ.


Nhưng khoảng sau một giờ, thành vỡ, anh hùng Nguyễn Lâm tử trận. Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.


Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế khóc các vị công thần và cho lập đền thờ ông tại quê nhà.


Mặc dù thành Hà Nội bị thất thủ nhưng nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục anh dũng đứng lên kháng Pháp bảo vệ Hà Nội như truyền thống ngàn năm không chịu khuất phục ngoại xâm. Ngày 21/12/1873, quân dân Hà Nội kết hợp với quân Cờ Đen khép chặt vòng vây tiêu diệt Garnier ở trận Cầu Giấy.




Quân Pháp tấn công thành Hà Nội


Henri Riviere được phái đến Hà Nội thay cho Garnier. Tới Hà Nội hắn gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu (tổng đốc Hà Nội bấy giờ) đòi quân dân đầu hàng. Ngày 25/4/1882 quân Pháp tấn công Hà Nội gặp phải sự chống trả dữ dội của quân ta dưới sự điều động của Tổng Đốc Hoàng Diệu. Nhưng vì vũ khí thô sơ nên không giữ nổi thành, anh hùng Hoàng Diệu thảo tờ biểu tạ tội với vua rồi lấy khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.



Tổng đốc Hoàng Diệu


Kể từ khi chiếm được Hà Nội đến khi Cách mạng tháng 8 thành công (1945), nhân dân Hà Nội đã không ngừng đứng lên chống lại ách ngoại xâm đô hộ, kiếp nô lệ mất nước. Các hoạt động kháng Pháp ngày càng nở rộ: Đông Kinh Nghĩa Thục (2/1907), liền sau đó là vụ Hà Thành đầu độc (1908). Năm 1919 có cuộc bãi công của một số nhà máy in ở Hà Nội. Từ đó cho đến năm 1929, những cuộc bãi công của công nhân đã nổ ra liên tiếp.


Năm 1925, ở Hà Nội lại xảy ra một sự kiện chính trị làm náo động dư luận toàn quốc, gây nên một phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi suốt từ Bắc chí Nam, đó là vụ án Phan Bội Châu; Lễ truy điệu Phan Chu Trinh… Ngày 1/5/1938, một cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày quốc tế lao động đã diễn ra tại Hà Nội trước cửa nhà Đấu Xảo. Đó là cuộc mít tinh lớn nhất kể từ khi Pháp cai trị nước ta, kết hợp với nhiều cuộc mít tinh lớn nhỏ khác thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội thu được nhiều kết quả to lớn.


THỰC DÂN PHÁP VÀ TAY SAI CÓ PHÁ CHÙA BÁO THIÊN?


Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp tìm mọi thủ đoạn để dập tắt phong trào yêu nước của nhân dân, đặt lên ách cai trị hà khắc để duy trì vị trí quyền lực (đi kèm với quyền lợi) của kẻ xâm lược. Việc phá chùa Báo Thiên và nhiều ngôi chùa khác không chỉ ở Hà Nội mà trên khắp cả nước, thay vào đó là các nhà thờ Công giáo hoặc cơ quan thống trị là một trong các thủ đoạn nhằm hủy diệt nền tảng văn hóa truyền thống – nguồn lực nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân bản xứ.


Giám mục Puginier quả quyết với các tướng soái Pháp: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc Kỳ trở thành Gia tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ” (1).



Tháp chùa Báo Ân. Chùa Báo Ân, bên Hồ Gươm, bị thực dân Pháp phá đi xây bưu điện Hà Nội, cho dù nó không hề đổ nát hay vô chủ


Vậy chùa Báo Thiên đã được thực dân Pháp và tay sai phá đi xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ như thế nào? Hãy xem tư liệu do chính người Pháp thừa nhận, được trang Công giáo Vietcatholic đăng lại tại địa chỉ http://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm:


Một thửa đất đã gây sự chú ý của vị mục tử năng động, đúng hơn là khu đất của một ngôi chùa nằm ở phía bắc nhà chung. Đó là chùa Báo Thiên Tự.


Ông Bonnal, công sứ Pháp tại Hà Nội kể lại câu chuyện thú vị ấy thế này: “Phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất, việc đó xem ra chẳng có gì dễ dàng hơn trong thời điểm chinh phục mà chúng ta đang tiến hành, nhưng bản thân tôi, đúng theo lẽ, e ngại phạm sự lạm quyền khi làm như vậy, và tôi chọn giải pháp thỉnh ý ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông nầy rất có thiện cảm với vị giám mục, cũng như tôi, ông muốn làm cho ngài hài lòng; sau đây là cách thức ông gỡ mối khó khăn. Trước hết ông cho truy tìm xem còn có kẻ hậu duệ nào của người tạo dựng ngôi chùa đã qua đời trước đó hai thế kỷ không, và dĩ nhiên chẳng tìm được ai.


Tiếp theo, ông chỉ thị cho các thân hào trong khu vực, được chọn, như thể tình cờ, trong các giáo dân bản xứ, để xét xem mức độ chắc chắn của ngôi chùa thế nào, và các ông nầy chẳng ngần ngại gì mà tuyên bố rằng: do hư nát, ngôi chùa khi sụp đổ có thể gây nguy hại cho những ai đi ngang qua. Vậy là, bây giờ mọi việc đều đã đúng luật lệ. Cho phá hủy ngôi chùa, sung công thửa đất vô chủ… theo tập quán Việt Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào. Ông Tổng đốc đã xử lý theo cách đó. Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho nhà chung công giáo thửa đất đã sung công, và tôi đã vui lòng trao cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài quyền sở hữu trọn vẹn”. (2)


Qua tư liệu này, chúng ta có thể rút ra các nhận định sau đây:


– Chùa Báo Thiên toàn toàn tồn tại cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp và tay sai phá đi xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ. Công sứ Pháp thẳng thắn thừa nhận (một cách không hề xấu hổ) rằng phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất. Việc tồn tại chùa Báo Thiên đến thời điểm đó là sự thực không thể chối bỏ, bởi vì dưới thời vua Tự Đức, Tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật đã cho trùng tu lại chùa Báo Thiên.


– Tay sai của người Pháp là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã không ngần ngại tiếp tay cho người Pháp phá chùa xây nhà thờ để duy trì sự thống trị lâu dài trên toàn cõi Việt Nam. Ông Độ không thể không có thiện cảm với các giáo sĩ, các vị giám mục (đa số là người nước ngoài) vì đó chính là cánh tay phải của chính quyền thực dân Pháp, những người có trách nhiệm lãnh đạo tinh thần cho giáo dân người Việt – có thể được dùng như một đạo quân. Vì thế ông Độ muốn làm hài lòng giáo sĩ (Giám mục Puginier) bằng cách thực hiện việc cướp và phá chùa Báo Thiên.


– Việc cướp và phá chùa Báo Thiên được thực hiện bằng cách cho rằng ngôi chùa là vô chủ, và để cho nhân dân địa phương (một cách “tình cờ” là các giáo dân) quyết định. Đền, chùa, phủ của người Việt Nam từ xưa đến thời điểm đó (và cả đến nay) không phải thuộc sở hữu cá nhân. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa là của vua, tức sở hữu của Nhà nước, là cơ sở thờ tự của nhân dân. Ngày xưa, vua, quan phát tâm công đức xây dựng các chùa chiền nhưng chưa bao giờ tự nhận là tài sản của cá nhân, mà đó là công sản, thuộc về công thổ.


Thủ đoạn của ông Độ là để cho các giáo dân “tình cờ” ấy quyết định vận mệnh một ngôi chùa nổi tiếng đất kinh kỳ, như thế khác nào giao trứng cho ác. Nhưng đối với ông Độ, việc duy trì quyền lực của bản thân, thiện cảm đối với công sứ Pháp và giám mục mới là quan trọng. Không để giáo dân quyết định thì đời nào người dân Hà Nội yêu nước lại cho phép phá đi ngôi chùa Báo Thiên đó.


Ông Độ đã cho phá chùa, sung công mảnh đất và nhượng lại miễn phí cho nhà chung Công giáo. Thế là ngôi chùa hư nát có thể sụp đổ bất cứ lúc nào đã được phá đi lấy đất và gạch xây nhà thờ Lớn, sau đó là Tòa khâm sứ. (Cũng xin nói thêm, nền đất chùa và tháp Báo Thiên) kéo dài từ bên phải chùa Lý Triều Quốc Sư đến hết phố Nhà Chung ngày nay).


–  Lẽ ra, là một Tổng đốc Hà Nội, thấy ngôi chùa hư nát, ông Nguyễn Hữu Độ phải noi gương Tổng đốc Tôn Thất Bật trùng tu ngôi chùa quốc bảo đó để giữ gìn văn hóa truyền thống, noi gương Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu nuôi dưỡng lòng yêu nước chống ngoại xâm. Nhưng ông là tay sai cho Pháp, bám gót thực dân để mưu cầu lợi lộc thì sao mà ông làm được, vì thế buộc ông phải làm ngược lại, phá hủy chùa dâng đất cho nhà thờ, như một món lễ vật mưu cầu bổng lộc.


Bằng chứng lịch sử việc chính quyền thực dân và tay sai phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn đã rành rành, được chính người Pháp nói ra, vậy tại sao vẫn có một số người cho rằng không có chuyện đó? Đây chính là sự nhầm lẫn giữa đất chùa Báo Thiên và nền đất của tháp Báo Thiên.


NỀN ĐẤT THÁP BÁO THIÊN CŨNG BỊ DÂNG NHÀ CHUNG


Năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Báo Thiên và tháp Đại Thắng Tư Thiên trong khuôn viên Chùa. Tháp Báo Thiên có 12 tầng, cao vài mươi trượng. Tầng trên cùng bằng đồng, những tầng dười bằng đá và gạch. Tháp Báo Thiên được liệt vào hàng An Nam tứ đại khí.


Năm 1258, bão to đã đánh đổ mất phần ngọn của tháp Báo Thiên. Năm 1322, sét lại đánh sạt góc bên Đông của hai tầng trên tháp.


Theo sử nhà Lê thì về đầu nhà Lê, tháp vẫn còn (năm 1427) lúc Lê Lợi đóng quân ở Bồ Đề để bao vây quân Minh ở thành Đông Đô. Ngài cho bó tre dựng làm cái chòi cao ngang với tháp Báo Thiên. Ngài ngồi trên cùng trông sang Đông Đô thấy rõ cả tình thế trong thành, không biết tháp tự đổ hay là do người ta phá hẳn từ bao giờ.


Nguyễn Trọng Thuật viết : “Không biết tháp tự đổ hay người ta phá hẳn từ bao giờ. Sử sách cho biết, đến cuối triều Lê, thời cuộc loạn lạc, thường có những toán loạn quân đi phá các đền chùa vắng chủ để hôi của. Có lẽ tháp bị phá hẳn vào lúc này.” 


Triều đình không xây dựng lại tháp mà trên nền cũ của tháp Báo Thiên, người ta đổ đất lên trên lập thành một ngọn núi nhỏ. Sau đó, nơi đây biến thành pháp trường hành hình tội nhân. Năm 1794, nhà Tây Sơn hủy bỏ nơi pháp trường ấy của nhà Lê, phá núi đất đi, đào nền tháp lấy gạch tu sửa thành Thăng Long.


Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Hòa Thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ. Sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882).


Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng Chính quyền thực dân và tay sai đã phá chùa Báo Thiên để dâng đất cho Nhà Chung, và trên nền đất chùa và tháp Báo Thiên đã mọc lên nhà thờ Lớn, sau đó là Tòa khâm sứ cũ. Đây chính là nỗi đau của một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân tộc, giai đoạn dân tộc Việt Nam chịu cảnh lầm than nô lệ, văn hóa truyền thống bị bôi nhọ, chà đạp và xóa bỏ. Cũng cần phải nhớ rằng dưới thời thuộc Pháp, Phật giáo không được sinh hoạt với tư cách là một tôn giáo, mà chỉ là một hội đoàn.


Ngày nay, bất kỳ ai che dấu, tảng lờ, hoặc xuyên tạc sự thật nói trên là có tội với lịch sử, có tội với dân tộc, với ông bà tổ tiên, với bao triều đại, bao thế hệ người dân Việt – những người suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm đã đổ bao xương máu để giữ gìn mảnh đất thân yêu này.



Giếng đá cổ chùa Báo Thiên – của báu còn lại


Không một tôn giáo nào, một tổ chức, cá nhân nào được cho phép mình cái quyền đòi riêng mảnh đất chùa, tháp Báo Thiên ngày trước, nhà thờ Lớn, Tòa khâm sứ cũ ngày nay về cho riêng mình. Đó là công thổ, là xương máu, là di sản, là thánh địa của tất cả người dân Việt, của nước Việt, của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Mảnh đất Tòa khâm sứ cũ phải được sử dụng vì lợi ích hòa hợp tôn giáo, hòa hợp dân tộc, vì sự ổn định và phát triển của đất nước.


(1) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), NXB Tôn Giáo, 2003, tr. 437.


(2) Đoạn này J.Villebonnet trích từ sách: “ Hanoi pendant la période héroique. 1873-1888 ” trang 125, của tác giả André Masson. Librairie Orientaliste Paul Genthner. 13 rue Jacob (VIe). 1929’


BTV Phật Tử Việt Nam (tổng hợp)






 

Ý kiến độc giả


Cao Minh Sơn Hà Nội ([email protected])


Tôi rất tán đồng và cảm phục sự lên tiếng kịp thời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc này. Đó là sự lên tiếng của  các bậc Bồ tát vô úy, không ngại những lời thị phi, không ngại những sự chụp mũ để nói lên tiếng nói của sự thật, của lịch sử, của đạo đức, của công lý, của từ bi hỷ xả:


– Tinh thần từ bi, hỷ xả, cứu khổ cứu nạn: Giáo hội Phật giáo lên tiếng không phải vì đòi đất, để tranh giành với người Công giáo. Giáo hội Phật giáo lên tiếng vì thương những người giáo dân, cũng là chúng sinh, là đồng bào vì thiếu thông tin đã bị các bậc bề trên điều khiển, xúi giục dẫn đến có những suy nghĩ, cảm xúc sai lệch, phải chịu khổ dầm mưa, chịu rét thấu xương, ăn ngủ vạ vật đòi đất vốn không thuộc về mình. Nếu sự thực không được công bố, nếu trí tuệ không được khai mở, nếu sự vô minh không được vén lên, thì hậu quả sẽ là gì? Những giáo dân người Mường, những giáo dân nông dân chân lấm tay bùn từ các vùng Nam Định, Ninh Bình là những người đáng quý, đáng được biết sự thật, đáng được sống trong an lành, hạnh phúc, chứ không phải trong nỗi hận thù, căm phẫn, hay bất mãn đến mức phải bê tượng đức Mẹ, cắm cây thánh giá, phá cổng Tòa khâm sứ cũ.


– Tinh thần tôn trọng lịch sử: mảnh đất nay là Nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ cũ nằm trên nền đất chùa và tháp Báo Thiên đã rõ, được chính người Pháp thừa nhận. Giáo hội Phật giáo lên tiếng để nói lên tiếng nói lịch sử. Lịch sử là chân thật, là duy nhất, không thể bị tô vẽ hay xuyên tạc. Giáo hội Phật giáo nói lên lịch sử không phải để đòi đất, mà để nhắc nhở mọi người cần biết tôn trọng lịch sử, không thể vượt qua lịch sử. Nếu vượt qua lịch sử một lần (đòi đất Tòa khâm cũ đã bị tịch thu về cho công thổ, cho Dân tộc), thì lịch sử cũng bị vượt qua một lần nữa (Phật giáo đòi đất Nhà thờ lớn và Tòa khâm sứ cũ), rồi một loạt các cá nhân, tổ chức, dân tộc cũng đòi đất, thì hậu quả sẽ khôn lường, xã hội sẽ đại loạn, dân tộc sẽ lầm than. Không ai được phép cho mình quyền vượt qua lịch sử một lần, rồi bắt người khác yên. Cái gì cũng có nhân quả.


– Tinh thần công lý: Phật giáo từng là sở hữu chủ của mảnh đất, Công giáo từng là sở hữu chủ của mảnh đất Tòa khâm, và nay Nhà nước là chủ sở hữu của mảnh đất Tòa khâm sứ cũ. Việc giải quyết cần phải thỏa đáng lợi ích của tất cả các bên. Giáo hội Phật giáo lên tiếng cần có sự tham khảo khi giải quyết vụ việc là một hành động đòi công lý, tôn vinh công lý. Công lý chỉ được thực thi nếu tất cả các bên biết tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự thật.


Tôi nghĩ, với sự tham gia của Giáo hội Phật giáo, cách giải quyết ổn thỏa nhất, phù hợp nhất là Nhà nước tiếp tục sử dụng Tòa khâm sứ cũ vào mục đích văn hóa, giáo dục, hoặc giao phần diện tích đất có Tòa khâm sứ cũ ở trên cho Hội đồng Giám mục Việt nam làm trụ sở, phần diện tích còn lại để phục dựng chùa và tháp Báo Thiên. Mặc dù vị trí chính xác của tháp Báo Thiên nằm ở chính Nhà thờ lớn, nhưng tôn trọng lịch sử nên vẫn có thể thay đổi vị trí Tháp Báo Thiên về vị trí mảnh đất trống của Tòa khâm sứ cũ hiện nay. Chỉ có hài hòa lợi ích các bên, các tôn giáo mới là giải pháp phù hợp. Không ai có quyền đòi riêng mảnh đất đó về cho mình


Thích Lệ ThọTP. Hồ Chí Minh ([email protected])


Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp diễn ra, nên lá thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu gởi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét lại tính pháp lý của ngôi Chùa Báo Thiên nay là Nhà Chung số 42, là một việc làm có ý nghĩa đối với đất nước nói chung và lịch sử nói riêng.


Khi cả nước nghĩ nhớ về ngày kỷ niệm ngàn năm là nói đến tính độc lập tự chủ của dân tộc nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc đến Chùa Báo Thiên là cũng là việc xóa đi một nỗi đau bị xâm lược, vì sự hiện diện của Tòa Khâm sứ trên nền đất của Chùa Báo Thiên nói riêng và 2 nơi còn lại là Nhà Thờ La Vang, nhà thờ Đức Bà.


Những người con Phật chúng tôi ý thức rất rõ về việc phản đối  đạo Kito giáo muốn tái chiếm chùa Báo Thiên, là có thể dẫn đến xung đột giữa Phật tử và con Chiên, làm ảnh hưởng đến sự ảnh sự phát triển chung của đất nước. Nhìn lại quá khứ đã khẳng định sức mạnh của dân tộc và Phật giáo khi bị chèn ép quá mức thì ngay cả  chính quyền Ngô Đinh Diệm cũng phải sụp đổ huống hồ là Tòa Khâm sứ.


Trong thời gian qua, người Phật tử chúng tôi có viết bài phản ứng, nhưng giữ thái độ ôn hòa cần thiết. Bởi biết rằng, giữa 2 tôn giáo xảy ra sung đột thì kéo theo xã hội mất ổn định, chính trị sẽ đi xuống, đất nước này sẽ ra sao? Tuy nhiên, không có nghĩa là Phật giáo chúng tôi chấp nhận cho Giáo phận Hà Nội  đòi tái chiếm đất chùa Báo Thiên.


Chúng tôi tha thiết yêu cầu Chính phủ hãy đứng về phía lịch sử, giúp những người Phật tử chúng tôi xóa vết nhơ quá khứ, và cũng là xóa tư tưởng người dân Việt một thời đã từng bị nô lệ vì ngoại bang xâm lược. Đó sẽ là một quyết định có ý nghĩa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.


ThắngHải Phòng ([email protected])


Việc ông Kiệt xúi giáo dân đòi đất “Tòa khâm sứ” là một hành động hết sức vô lý. Nếu xét về lịch sử thì ai cũng biết mảnh đất đó thuộc về Phật giáo, Dân tộc, chứ không phải của Vatican, của Giáo hội Công giáo. Ông Kiệt, ông Sang cần phải biết nhìn vào lịch sử, tôn trọng lịch sử và phải biết vì sao mình lại có mảnh đất đó, vì sao Nhà thờ Lớn, Tòa khâm sứ cũ lại mọc được trên mảnh đất đó. Giám mục Piginier, Công sứ Bonnal đã thừa nhận, chẳng nhẽ ông Kiệt, ông Sang không dám?


Các ông có biết thực dân Pháp đã gây bao nhiêu đau khổ cho dân tộc, cho đất nước? Bao nhiêu người con Việt đã phải hy sinh để giành lại từng tấc đất, giành lại độc lập cho nước nhà, bao nhiêu bà mẹ mất con, em mất anh, con mất cha?


Tôi tin rằng hương linh của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn qua các cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, không để một ai trục lợi, đòi riêng đất về cho mình, tự nhận mảnh đất đó là của “tổ tiên” mình.


Nguyễn HàHà Nội ([email protected])


Chuyện Tổng giám mục Hà Nội đòi đất thực sự hết sức phi lý và gây ra những hậu quả khó lường đối với tình hình an ninh xã hội. Mảnh đất này không chỉ từng là nơi chứa đựng những di sản Phật giáo, mà còn là di sản của Dân tộc qua các triều đại. Lịch sử cho thấy Công giáo có được mảnh đất đó qua con đường dựa vào ngoại xâm nên việc đòi lại không thể đủ lý lẽ, đạo lý, cũng không đúng với tinh thần tôn giáo. Thậm chí còn tạo cơ hội cho một số thành phần cực đoan hải ngoại chống phá đất nước, đòi làm cách mạng, đòi Mỹ can thiệp.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here