Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Chữ và nghĩa

Chữ và nghĩa

175
0

Trong khoa học, độ chính xác ngày càng cao, chính xác về các số liệu toán học ngày càng tăng, con số Epsilon không còn chỗ đứng trong sai số, mà được thay vào đó bằng con số zero mầu nhiệm.

Đối với khoa học là thế, còn kinh điển, văn chương thì sao?

Văn chương là cái xưa nay để người ta đem mổ xẻ, phê bình, vì nó vốn vô bằng cứ. Nhưng đã là kinh điển, là giáo lý thì phải có tính tuyệt đối.

Trong Thời công phu khuya bài kệ Hồi hướng chép:

Thượng lai hiện tiền thanh tịnh chúng,
Phúng tụng Lăng nghiêm chư phẩm chú.
Hồi hướng Tam bảo, chúng Long thiên,
Thủ hộ Già-lam chư Thánh chúng;
Tam đồ bát nạn câu ly khổ,
Tứ ân tam hữu tận triêm ân.
Quốc giới an ninh binh cánh tiêu,
Phong điều vũ thuận, dân an lạc;
Đại chúng huân tu hy thắng tấn.
Thập địa đốn siêu vô nan sự ,
Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu
Đàn tín quy y tăng phước hụê…

Đó là bài kệ mà mỗi ngày chư Tăng ở trong các chùa tụng sau năm hội Lăng nghiêm, Thập chú và Tâm kinh Bát-nhã. Bài kệ theo lối văn biền ngẫu, mỗi câu có bảy chữ. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi trình bày ở đây chỉ nhằm vào hai câu cuối:

“Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu
Đàn tín quy y tăng phước hụê”.

Nhị khoá hiệp giải quyển hai, trang 20 chú giải: “Tam môn giả: tam giải thoát môn dã. Nhứt Không môn: quán chư pháp vô ngã, ngã sở. Nhị Vô tướng môn: vô nam nữ nhất dị đẳng tướng khả đắc. Tam Vô nguyện môn: quán nhứt thiết pháp vô tướng, vô sở tác, diệc vô sở nguyện. Phi ngu giả: Bất trắc chi hoạ dả…”. Tạm dịch: Tam môn là ba pháp môn giải thoát.

Một là Không môn: tức quán xét các pháp đều không có ta làm chủ tể và không có vật sở hữu của ta.

Hai là Không tướng môn: xét rõ không còn những giả tướng phân biệt nam nữ đồng và dị, không còn có tướng có thể nắm bắt…

Ba là Vô nguyện môn: xem tất cả các pháp đều không có cái tướng hữu tình nhất định, không có chỗ hành động tạo tác, cũng không có chỗ để cầu mong, nguyện vọng…

Phi ngu là điều hoạ xảy ra bất ngờ, không lường trước được.

Trong Nhị khoá hiệp giải, Hòa thượng Khánh Anh dịch, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, 1995 cũng chú thích tương tự mà không có giải nghĩa toàn câu “Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu”.

Căn cứ trên lời chú để giải thích câu này thì câu văn hoàn toàn bị tối nghĩa: Ba pháp môn giải thoát mà thanh tịnh thì xa lìa được điều hoạ xảy ra bất ngờ, không lường trước được.

Nhận thấy ở đây, tam giải thoát môn là pháp môn tu, nên không có cấu tịnh. Nếu nói thanh tịnh thì cái gì thanh tịnh? Còn nếu lấy tam giải thoát môn để chỉ thiền môn thì không có tính thuyết phục. Trong lối văn cổ, chùa chiền thường được thay thế bằng những cụm từ như: già lam, phạm vũ, phạm cung, sơn môn… chứ chưa có chỗ nào dùng “tam môn” để chỉ chùa cả. Mà thiền môn thì vốn thanh tịnh vắng lặng, không có khổ ách, cần gì phải tuyệt!

Nếu nhìn trên phương diện đối đáp ngữ nghĩa thì hai câu này có động từ và tân ngữ đối nhau như sau:

Tuyệt đối với Tăng,
Phi ngu đối vớiPhước huệ.

Nhưng phần chủ ngữ thì Tam môn thanh tịnh không đối với Đàn tín quy y. Như vậy, theo trình bày ở trên thì câu văn này không được sáng tỏ.

Ở đây có ý kiến cho rằng:

Tang môn thanh tịnh tuyệt phi ngu
Đàn tín quy y tăng phước huệ”.

Tạm dịch: Sa môn thanh tịnh dứt hẳn điều hiểm hoạ khôn lường; đàn tín trở về nương tựa tu tập khiến tăng phước tuệ. Như thế thì câu văn mới trở nên sáng nghĩa và chuẩn đối.

Vì sao dám nói như vậy? Chuyển từ Tang môn thành Tam môn là điều khó giải thích một cách trọn vẹn. Nhưng ở hai từ này, âm điệu tương tự thì nhầm lẫn là có thể, và có lẽ đã từ rất lâu.

Nói về Tang môn, sách đời Nguỵ viết: “Tang môn tức tâm, Tỳ-kheo hành khất (Sa-môn nén lòng ham muốn, Tỳ-kheo là đi xin".

Từ Tang môn dùng để chỉ người xuất gia trì giới thanh tịnh, được đặt vào vị trí của câu văn thì sẽ phù hợp hơn từ Tam môn. Đồng thời, hai từ Tang môn và Đàn tín đối nhau rất chuẩn. Hai từ này đều có nguồn gốc từ văn hệ Pàli, được Hán âm hoá. Điều này cũng làm tăng thêm tính thuyết phục khả năng đúng là Tang môn.

Kinh điển chép nhầm lẫn do tam sao thất bản là điều xưa nay có, nay kính đôi lời mạo muội như thế. Cầu mong quý thượng nhân chỉ giáo. Học tăng xin đê đầu sám hối trước hành động nông nổi này.

T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here