Trang chủ Vấn đề hôm nay Chính trị & Chánh pháp

Chính trị & Chánh pháp

178
0

Mục đích của chính trị

Từ bao đời nay, khi nói đến chính trị, người ta thường nghĩ đến những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước hay gần hơn là những thể chế mà người hay giai cấp lãnh đạo áp dụng trong việc cai trị (hay quản lý) đất nước và dân chúng. 

Căn bản trong học thuyết Khổng Tử thời phong kiến là người lãnh đạo hay “quân tử” khi cầm quyền phải có kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính tấm gương của mình, và nên đối xử với họ bằngtình thương và sự quan tâm. Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luân thường đạo lý và đạo đức cá nhân. Ông cho rằng chỉ những người liêm khiết và tuân theo đạo của người quân tử thì mới được cầm quyền, và tư cách của những nhân vật đó phải kiên định với địa vị trong xã hội.

Những phẩm chất của một quân vương thể hiện rõ trong tư tưởng Machiavelli qua tác phẩm “Prince” (Quân vương), khi ông cho rằng quân vương nào muốn thành công thì phải học được cách cất lòng tốt sang một bên, có vận dụng hay không tùy thời thế (tr.134). Ông phân tích phẩm chất đạo đức, tính tốt thói xấu theo cách hiểu thông thường và luận chứng cho quan điểm tùy thời. Một quân vương cần biết tùy thời mà tốt hay không tốt, nhưng phải làm ra vẻ mình có đầy đủ mọi đức tính. Điều quan trọng nhất đối với quân vương là cần tránh bị khinh miệt và thù ghét. Qua sự biện luận của Machiavelli, chúng ta có thể thấy, đức tính duy nhất mà ông mặc định cho một bậc quân vương – đó là sự khôn ngoan và mục đích duy nhất của ông khi khuyên quân vương tốt xấu tùy thời là bảo vệ được vương quốc và địa vị của mình. Từ đó thuật ngữ “machiavelli” luôn được hiểu là lãnh đạo “quỷ quyệt”, mị dân, toàn trị… Người ta không nhớ một quan điểm đáng lưu ý của Machiavelli là quan điểm về tầm quan trọng của “lòng dân” (tr.175) và nguyên tắc lựa chọn chính sách trị nước rất hiện đại: không có chính sách nào toàn vẹn, cần phải biết chọn lấy cái bất lợi nhỏ nhất (tr.179-180).

Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, theo Karl Marx, khi đó nhà nước sẽ tiêu vong, thì chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng.

Chuyện vua Ưu-điền

Câu chuyện về một vị vua suy gẫm lỗi lầm của mình được kể trong “Kinh Phật dạy vua Ưu-điền dùng Chánh pháp trị nước”:

Một hôm vua Ưu-điền ngồi trong tịnh thất nơi thanh vắng suy nghĩ: Làm thế nào để biết lỗi lầm thật sự, công đức chân thật của các đế vương? Nếu biết, ta sẽ bỏ các lỗi lầm mà tu tạo các công đức. Có Sa-môn tịnh hạnh nào hiểu rõ để giảng cho ta. Sau đó vua lại nghĩ: Chỉ có Thế Tôn của ta là bậc đại sư trong ba cõi, đầy đủ nhất thiết trí, chắc chắn biết lỗi lầm, công đức chân thật của các vua. Ta phải đến gặp Thế Tôn thưa hỏi việc này.

Nghĩ xong, nhà vua liền đến chỗ Phật thưa hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là lỗi lầm của các vua? Thế nào là công đức chân thật của các vua?

Đức Phật dạy, một vị đế vương có mười điều lầm lỗi,… năm loại hành vi xấu làm đế vương bị suy tổn, và có năm điều khiến cho đế vương được thần dân yêu thích, quý kính.

 Mười điều lầm lỗi là: (1) Dòng họ không cao quý; (2) Không có quyền lực; (3) Bản tánh hung ác; (4) Chính sách hà khắc, hung dữ; (5) Ít ban bố ân huệ; (6) Nghe theo lời tà vạy, nịnh hót; (7) Làm việc không thuận theo quy chế của tiên vương; (8) Không hướng đến thiện pháp; (9) Không xem xét việc phải trái hơn thua; (10) Chỉ ăn chơi buông lung.

Nếu quốc vương nào phạm 10 lỗi lầm này thì dù kho tàng to lớn, binh hùng tướng mạnh, cũng không bao lâu đất nước sẽ gặp tai họa loạn lạc. Đại vương nên biết, lỗi đầu thuộc dòng họ vua, còn 9 lỗi sau thuộc tự tánh của vua.

Còn thế nào là năm hành vi xấu làm vua suy tổn?

(1) Không khéo quan sát, theo dõi quần thần; (2) Tuy khéo quan sát nhưng không có ân huệ, tuy có ân huệ nhưng không kịp thời; (3) Chỉ lo vui chơi, không nghĩ đến việc nước; (4) Chỉ lo vui chơi buông lung, không giữ gìn kho tàng; (5) Chỉ lo vui chơi không tu hành pháp thiện.

Nếu quốc vương nào phạm vào 5 điều trên thì mất phước báo trong hiện tại và cả đời sau…

Lại có năm điều khiến nhà vua được thần dân yêu thích, quý kính: (1) Ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng; (2) Anh dũng đầy đủ; (3) Khéo dùng phương tiện quyền xảo; (4) Lãnh thọ vật dụng đúng đắn; (5) Siêng tu thiện pháp.

Theo đó, người lãnh đạo cũng phải biết đủ, không tham, dùng lời nhân nghĩa kêu gọi, giáo hóa quần chúng…; phải đủ dũng cảm bảo vệ dân chúng chống lại kẻ ác, kẻ xâm hại họ; có hiểu biết, phân biệt rõ ràng đúng sai, dùng phương tiện nhiếp phục tất cả những kẻ thù oán; biết tính toán lưu trữ kho tàng tăng giảm, không xa xỉ, keo kiệt, sử dụng đúng mực, tùy thời cung cấp cho quần thần, đồng bào; đồng thời phải có tín, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh…

Những gì Đức Thích Ca dạy cho vua Ưu-điền cũng là lời nhắn nhủ lại cho các nhà lãnh đạo hôm nay. Trong vương pháp phải có Chánh pháp, trong chính trị phải có chính đạo.

Câu chuyện vua Asoka và những lời khắc trên bia

Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, vua Asoka đã khởi đầu cuộc đời của mình bằng những cuộc tàn sát hãi hùng: giết 99 người anh của mình và sau đó là những cuộc chinh chiến, với những chiến thắng như ở Kalinga nhưng cái giá phải trả bằng xương máu kinh hoàng: 150.000 người bị đày ải, 100.000 người bị giết và nhiều người đã bị tiêu diệt. Asoka từ đó đã ân hận, từ chối bạo lực, sử dụng khí giới độc nhất là lòng từ bi và tính kham nhẫn. Ông ca ngợi: “Chỉ có chiến thắng của Chánh pháp là đáng kể trong cõi đời này và kiếp sau, niềm vui của chúng (con cháu mai sau) sẽ là niềm hoan lạc trong Chánh pháp”.

Và ông đã khắc lên bia những Pháp lệnh, như những huấn thị cho quan dân ngày đó và giá trị của nó đã vượt thời gian đến tận hôm nay khi kêu gọi một nền chính trị dựa theo Chánh pháp.

Chánh pháp là gì? Pháp lệnh thứ I khắc trên trụ đá hồng ở thành Bénares ghi “Chánh pháp rất lành… Đó là sự dứt trừ tận gốc mọi tội lỗi, tăng trưởng những hành động thiện, lòng xót thương, khoan đại, tính chân thực, trong sạch”.

Cai trị theo Chánh pháp tức là phải biến mình thành mẫu mực cho Chánh pháp (cũng như tấm gương của người quân tử nhưng khác biệt lớn nhất là tự tâm mình, không diễn kịch), sau đó mới hô hào dân chúng theo Chánh pháp, và muốn dân theo Chánh pháp, ta phải nghĩ và âu lo cho hạnh phúc của họ.

“… Ta xin nói điều ta nghĩ về quyền lợi và hạnh phúc của thế giới… cũng như đối với cha mẹ bà con quyến thuộc xa gần, ta muốn mang lại hạnh phúc cho họ, ta dùng mọi biện pháp thích ứng để hoạt dụng cho mọi thành phần trong xã hội. Bởi vì đó là nguyên tắc: cai trị theo Chánh pháp, chấp chính theo Chánh pháp, làm đẹp lòng Chánh pháp, bảo vệ theo Chánh pháp (Pháp lệnh thứ I khắc trên bia ở Bénares).

Làm sao thu phục lòng dân

Asoka đề ra những nguyên tắc cho chúng ta hay những người lãnh đạo thời ấy và cả những đời sau:

Hãy biến tác phong mình thành mẫu mực và phải cố gắng kiểm thảo không ngừng. Phải luôn tỉnh thức để nghe nguyện ước của dân như trong Pháp lệnh thứ VI khắc trên núi vùng Girnar ghi: “Bởi ta xét rằng nhiệm vụ của ta là đem lại hạnh phúc cho thế giới, nên nguyên tắc này là thực hiện hoàn mỹ nhiệm vụ… và mọi cố gắng ta phải đạt là trả mối nợ cho nhân loại ở cõi này và ở kiếp sau ta mong muốn họ sinh vào cõi thiện”.

Chí công vô tư (theo Pháp lệnh thứ I tại Kalinga), Asoka dạy rằng: “Hãy thu phục cảm tình quần chúng. Mọi người đều là con của ta, ta muốn cho chúng hết thảy quyền lợi và hạnh phúc trong thế giới này cũng như trong kiếp sau… Chí công vô tư là không có khuynh hướng ganh ghét, gắt gỏng, ác hiểm, nông nổi, bướng bỉnh, lười biếng, buông xuôi”.

Cách giải thích này có phần hơi khác với cách hiểu của chúng ta hiện nay về chí công vô tư, nhưng tựu trung ý nghĩa nền của nó vẫn là tính hỷ xả, lòng khoan dung. Nếu áp dụng vào hành pháp hay tư pháp thì tuyệt vời!

Ngoài ra ta còn phải kể đến tính quảng đại tự do và khai phóng trong tư tưởng của Asoka khi ông kêu gọi tôn trọng tự do tín ngưỡng và chủ trương mọi tông phái đều bình đẳng. Đây là một quan điểm cực kỳ cấp tiến mang tinh thần vô trước của nhà Phật nếu chúng ta biết Cơ Đốc giáo truyền đạo bằng những cuộc thập tự chinh và Hồi giáo bằng những cuộc thánh chiến đẫm máu. 

Để kiến tạo một xã hội an lạc, một vương quốc hòa bình và phồn thịnh, Asoka nhìn thẳng vào thực tại, chuyển hóa mọi phiền não và bất an một cách linh động, không vì giải thoát cho riêng mình, vì danh lợi phù phiếm cho bản thân, luôn vì Chánh pháp. “Vị vua bạn của những thần linh có cái nhìn bằng hữu này, không tin rằng vinh quang hay thanh danh mang đến lợi lộc lớn, trừ khi dùng vinh quang hay thanh danh hiện tại làm cho thần dân những điều phải, tuân theo Chánh pháp và thực thi Chánh pháp” (Pháp lệnh thứ X vùng Girnar).

Điều còn lưu lại đến hôm nay

Nói một cách thực tiễn, mục đích của chính trị là điều hòa nhân tính cho xã hội được an vui, hay nói cách khác, chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh, vì vậy giác ngộ nhân chủ là con người phải tự mình làm chủ, lấy con người làm mục đích phục vụ. Một chế độ dân chủ trên nền tảng con người làm chủ – nhân chủ – là yêu cầu tối thượng. Quyền lực phải đem lại hạnh phúc và bình an, trước tiên, cho người nắm giữ nó rồi sau mới đến những người chịu ảnh hưởng của quyền uy ấy. Nếu không, như đã nói ở trên, chỉ làm suy đồi lương tâm ta và chế độ mà ta phụng sự. 

Trong sự tranh chấp giữa mọi thứ chủ thuyết chính trị, vị nhân sinh hay vì quyền lợi của bè phái, trước những bất an trong đời sống và tâm thức, chúng ta thấy những điều vua Asoka khắc trên bia đá không mòn với thời gian mà vẫn còn nguyên giá trị. Làm sao phục hoạt những nguyên tắc ấy, áp dụng vào chính trị để các nhà lãnh đạo có thể đưa đất nước mình sống trong thịnh vượng, và nhân loại đến bến bờ bình an. Trong công cuộc xây dựng con người, trung trinh tiết hạnh là những phẩm chất cần có để rồi họ tạo nên từng tế bào gia đình. Trong các gia đình theo đạo Phật, phải hiện thực hóa hình ảnh hạnh phúc mẫu mực “trai lành gái thảo” để cộng đồng thấy và ao ước “Đó là gia đình ta những ngày những năm sắp tới”, vì cụm từ “Gia đình văn hóa” hiện nay chỉ nặng phần hình thức mà thiếu thực chất, cần phải có sự điều chỉnh!

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng không giúp họ bớt cô đơn khi thiếu tương tác, tương dung, chưa kể một số người quay cuồng trong thế giới ảo, mất cảm giác tiếp xúc với thực tại: “đi giữa đời mà hồn ở trên mây”. Làm sao bước hai chân trên mặt đất nhiệm mầu trong chánh niệm, tâm linh thăng bằng, hòa điệu cùng nhịp sống của tha nhân, nhận diện “con người” trong mỗi kẻ thù ta – được như thế thì bạo lực sẽ bớt đi và hạnh phúc – mục tiêu của chính trị – sẽ lại trở về trong ta và quanh ta. 

Nguyên Cẩn: Nguồn: GNO

________________

Sách tham khảo:

1. Les Incriptions d’ Asoka (Collection Émile Senart).

2. Asoka – Một chính trị gia vĩ đại… Nguyên Ân – tập san Giữ thơm quê mẹ, số 3 tháng 9-1965.

3. Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận kinh [佛爲優填王說王法正論經 Nītiśastra-sūtra – Spoken by Buddha for the sake of King Udayana]; (tên khác: Chính luận kinh, Vương pháp chính luận kinh), 1 quyển, do ngài Bất Không (705-774, Amoghavajra, Bất Không Kim Cang, người Tích Lan) dịch thời Đường, tạngĐại chánh 14, số 524.

4. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận – Tác giả Kimura Taiken – HT.Thích Quảng Độ dịch.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here