Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Chiếc áo (p.2)

Chiếc áo (p.2)

143
0

(Tiếp theo và hết)

Học viện của chúng ta là đại học, vì ở đây cũng có văn và có tư. Nhưng ở đây còn có thêm một điều quý hơn tất cả những điều khác: ở đây còn có tu. Văn, tư, tu là châm ngôn của Học viện này.

Bởi vậy, trong mấy chục năm dạy đại học ở Pháp, tôi chưa hề bận lễ phục, kể cả trong những dịp lễ. Trường Luật vốn là trường bảo thủ nên lác đác vài đồng nghiệp của tôi cố níu kéo tập tục trong những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, khi họ ngồi nơi bàn giám khảo. "Phe tả", mà tôi là cảm tình viên trung kiên từ khi cùng chống chiến tranh ở Việt Nam, lắc đầu: bảo vệ luận án cũng là một dịp tranh luận bình đẳng, sao lại đem màu áo trấn áp sĩ tử? Chỉ một lần, cách đây ba năm, tôi không tránh được tập tục, khi trường tôi cấp bằng tiến sĩ danh dự cho một nhân vật danh tiếng quốc tế. Ở trong ban điều hành, tôi bắt buộc phải dự buổi lễ long trọng, với lễ phục. Thú thật, tôi không cảm thấy thoải mái trong suốt buổi lễ. Đó là lần thứ hai tôi bận lễ phục.

Lần thứ ba là hôm nay. Và tôi cũng xin thú thực: tôi rất thoải mái, tôi rất vinh dự. Học viện này, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà giáo dục và đạo đức đang gặp phải, thường xuyên cố gắng, với hai bàn tay trắng, đưa ra một hình ảnh tích cực, góp phần bảo vệ những giá trị mà dân tộc không thể đánh mất được. Đóng góp của Học viện có thể nhỏ nhoi, nhưng càng nhỏ nhoi càng đáng quý, bởi vì đây là niềm tin tưởng rốt ráo mà xã hội đang đặt vào để không đánh mất hướng đi trước bao nhiêu thế lực xô bồ của thời đại. Tôi bận chiếc áo này trong niềm tự hào được chia sẻ công sức đó, nhỏ nhoi, âm thầm, lặng lẽ, như đốm lửa, nhưng nếu đốm lửa đó tắt, xã hội sẽ thiếu bữa cơm. Cho nên buổi lễ hôm nay, đối với tôi, không phải chỉ là một buổi lễ mãn khóa, tốt nghiệp; đây là một buổi lễ long trọng, đánh dấu một chặng đường trưởng thành trí tuệ, qua đó chúng ta nói với nhau một lời thề: thề sống trí tuệ, thề sống đạo đức, để giữ cho dân tộc Việt Nam nền móng tinh thần, văn hóa, trên đó lịch sử đã xây dựng vinh quang. 

Tôi nói đến đạo đức với một cái nhìn rất tươi vui, rất trẻ trung, rất mạnh khỏe, vì tôi không quên rằng tôi đang nói chuyện trong một ngày vui, trong một bầu không khí lễ hội tưng bừng. Tôi đang thấy đạo đức cười với tôi trên chiếc áo này. Học viện của chúng ta là đại học, vì ở đây cũng có văn và có tư. Nhưng ở đây còn có thêm một điều quý hơn tất cả những điều khác: ở đây còn có tu. Văn, tư, tu là châm ngôn của Học viện này. Ngôn ngữ không bao giờ diễn tả đúng sự thật. Sự thật là cả ba việc diễn ra cùng một lúc, không có cái này trước cái kia sau, nhưng cái lưỡi làm sao nói văn tư tu cùng một lúc được! Vậy tôi bận áo này ở đây không giống như khi tôi bận áo này ở đại học nào khác. Cả ba chức năng hội tụ cùng một lúc, không tách ra được, trên chiếc áo này; như vậy tôi bận áo này tức là tôi cũng tu. Vì tôi tu, nên nếu có ai cắc cớ muốn đối thoại bắt bẻ tôi, hỏi: này bác, bác bận chiếc áo đó để làm gì vậy, bác cấp phát văn bằng để làm gì? Tôi sẽ trả lời: ơ kìa, bác hỏi trật lất, chúng tôi tu cho nên chúng tôi không biết cái chữ để. Ở đây, học chẳng để là ông nghè ông cống gì cả, học là học. Thêm chữ để vào là khổ. Để thành cái gì mà thành được, đã gian khổ rồi; để thành cái gì mà không thành được, chắc uống thuốc ngủ quyên sinh. Ở đây, chúng tôi không để, cho nên chúng tôi thong dong lắm. Không để, cho nên chúng tôi không hệ lụy quá khứ. Không để, cho nên chúng tôi không hệ lụy tương lai. Học là học, chúng tôi chỉ biết hiện tại. Và ở hiện tại này đây, chúng tôi đang quá vui với nhau, hạnh phúc của chúng tôi là sống trọn vẹn giây phút này. Sống trọn vẹn giây phút này, đó là đạo đức của chúng tôi. Chốc nữa, chúng tôi lại có một hiện tại khác, vô số hiện tại khác, nấu cơm, lặt rau, và trong hiện tại đó, chỉ có nấu cơm với lặt rau, đâu có chiếc áo nào đâu mà bác hỏi cho mệt. Đạo đức của chúng tôi là thế.

Lễ Tốt nghiệp & Cấp phát Văn bằng Cử nhân Phật học khóa VI Học viện PGVN tại TP. HCM. Ảnh: Lương Hòa

Bác đã hỏi, tôi xin kể hầu bác nghe một câu chuyện thiền. Có ba khách bộ hành đứng đàng xa nhìn một ông sư trên đỉnh đồi. Nhìn một hồi chăm chú, người thứ nhất nói: "Anh chàng kia chắc hẳn vừa mất bò, đứng trên cao để xem bò lạc phương nào". Người thứ hai nói: " Bò đâu mà bò, chàng ta đâu có nhìn quanh quất, đứng yên thế kia chắc đợi bồ". Người thứ ba nói: "Đừng nói thế mang tội, trông người kia có vẻ như ông sư, chắc ông đang thiền". Ba người đánh cuộc với nhau về chân lý hiển nhiên của cái nhìn của mình, bèn leo lên đồi. Người thứ nhất hỏi: "Này, ông ơi, bò của ông lạc mấy con mà ông đi tìm vậy?". Ông sư trả lời: "Tôi có bò với trâu nào đâu mà lạc?". Người thứ hai hỏi, hơi ngần ngại một chút, vì dù sao cũng sợ thất đức: "Ông chờ … vợ hả?". Ông sư đáp: "Mô Phật, tôi tu hành, đâu có vợ với con". Người thứ ba đắc thắng: "Thế thì ông thiền rồi, tôi biết mà, bây giờ có cả thiền đứng đấy". Ông sư ngay thật: "Không, tôi không thiền …". Cả ba người bộ hành bực mình hỏi cùng một lúc: "Thế thì ông đứng đó để làm gì?" Ông sư ngơ ngác: "Chẳng để làm gì cả, tôi đứng  thế thôi!".

Cũng giống như ông sư "đứng thế thôi", chúng tôi học thế thôi: học là học. Bởi vì cái học của chúng tôi khác cái học ở ngoài đời: chúng tôi học mà tu. Học là tu, mà tu cũng là học. Đó là đạo đức của chúng tôi. 

Nói cho đúng, không phải chúng ta không nhắm đến một cái gì, không phải chúng ta không có lý tưởng. Nhưng chúng ta biết phân biệt thệ nguyện với hoài vọng. "Pháp môn vô biên thệ nguyện học" là một trong bốn đại nguyện của chúng ta. Vô biên, mà học hết, là điều không thể có, nhưng chúng ta thệ nguyện và chúng ta làm. Thành công hay không, tát cạn được biển đông hay không, không phải là vấn đề của chúng ta. Vấn đề của chúng ta là làm, là hành động, là tát, là học, một kiếp không thành thì hai kiếp, hai kiếp không thành thì ngàn kiếp. Chỉ làm. Chỉ hành động. Chỉ có cái giây phút này đây để làm. Không ngồi đây mà phóng mơ tưởng vào tương lai, không chờ mong, không hoài vọng, không đắm đuối trong hy vọng, vì có hy vọng thì chắc chắn có bất mãn, bất toàn – nghĩa là khổ. Người đời thường nói: chiếc áo không làm nên ông thầy tu. Đúng! Nhưng nếu ông thầy tu là ông thầy tu thì áo nào ông bận cũng là áo thầy tu, kể cả áo này. Áo này đang nói với tôi: hãy vui cái vui hồn nhiên. Thì tôi vui! Lát nữa, tôi sẽ tiếp tục tát biển đông, và nếu cái áo này làm vướng tôi trong khi tát thì tôi cỡi áo ra. Bận áo vào hay cỡi áo ra, ông thầy tu vẫn là ông thầy tu. Đó là đạo đức của chúng tôi.

Tôi muốn nói thêm vài lời cuối cùng với người đối thoại của tôi lúc nãy. Bác ơi, tôi biết bác có lòng tốt nhắc nhở cho tôi rằng: dù chiếc áo mà tôi đang bận đây có ý nghĩa gì nữa trong lịch sử, dù nó chỉ mang tính cách trang nghiêm của một hành động hay một buổi lễ, nó vẫn tượng trưng cho bằng cấp, cho chức vụ, cho địa vị, cho danh vọng, cho hào nhoáng, nghĩa là những cái bẫy đang rình rập bước chân của người đời. Tôi muốn nói: bác ơi, cám ơn bác, chúng tôi biết lắm, chúng tôi biết nên lại xin kể hầu bác nghe thêm chuyện này cũng trong ý đó của bác. 

Chuyện về một anh chàng háo danh. Anh ta làm bất cứ chuyện gì cũng chỉ cốt tìm danh, kể cả chuyện chơi thể thao giải trí. Anh chơi golf, món chơi thời thượng của thượng lưu thời đại. Một buổi sáng sớm kia, cha anh chết, gia đình bảo anh rượt honda mời thầy về cúng. Chạy ngang qua sân golf, anh ta nghe rộn ràng lên bên tai tiếng vỗ tay ầm vang như sấm chiều hôm qua, khi tay vô địch quất một đường côn chung kết, làm lọt quả cầu vào lỗ cách 50 thước. Tiếng vỗ tay quyến rũ anh đến nỗi anh không đi được nữa. Anh nghĩ bụng: chà, đàng nào cha cũng đã chết rồi, cúng cũng không sống lại, chi bằng ghé qua đây mươi phút, dượt một đường, đâu có hề chi! Anh ngừng xe, vác đồ nghề, bước vào sân. Sáng sớm, sân vắng tanh, khách nhà giàu chưa ai dậy. Anh nhắm một lỗ, cách xa 50 thước như tay vô địch hôm qua, lấy hơi, định thần, quất một đường bay bướm. Trái cầu bay vèo, rơi xuống gần lỗ, lăn từ từ, rồi lọt xuống lỗ. Năm mươi thước! Ngay cú đầu! Không thua gì vô địch! Chà, nghệ thuật như thế này thì sắp đến mức tuyệt chiêu rồi ! Anh dời chỗ, nhắm một lỗ khác, 100 thước. Chú tâm. Định thần. Quất một đường … bướm bay. Trái cầu bay vèo, rơi xuống gần lỗ, lăn từ từ, chậm chậm, rồi lọt xuống lỗ. Một trăm thước! Cú một! Khách sạn 5 sao đâu, khách nhà giàu đâu, ra xem sự lạ chưa từng có! Thế này thì không phải chỉ là nhất Huế nhì Sịa; nhất Huế nhì Đà Nẵng! Anh dời chỗ, nhắm lỗ thứ ba, 300 thước, bướm bay không tới. Trong đầu anh nghĩ: ở giây phút này, chắc chắn cả thành phố Đà Nẵng, nam phụ lão ấu, đều nín thở, dán mắt nhìn quả cầu bay. Chắc chắn cả vùng kinh tế mở Chu Lai, cả chiếc máy bay đang di chuyển trên đường bay dài nhất nước ấy cũng ngừng lại, phập phồng, đau tim. Anh vuốt gậy, trịnh trọng đặt quả cầu đúng chỗ, chú tâm, định thần, quất một đường … chim bay. Quả cầu biến mất trong không khí, biến mất, rồi hiện ra tít đàng xa, rơi xuống, lăn từ từ, lăn từ từ, từ từ, thật chậm, tưởng như đứng lại, phân vân, nhúc nhích, xuống lỗ !

Bác ơi, hãy tin lời tôi nói: ở đâu mà chẳng có tình báo, nhưng không ở đâu tình báo bén nhạy, hiệu quả bằng ở âm phủ. Mình nói gì, làm gì, thậm chí nghĩ gì bậy, tình báo ở đấy biết cả, ghi tất vào sổ đen, để dành đấy. Cho nên tình báo báo cáo ngay với Diêm vương. "Báo cáo Diêm vương, trên dương gian có một thằng bất hiếu, cha chết mà đi đánh golf. Đề nghị Diêm vương quyết định ghi vào sổ đen: kềm, kẹp, hay dùi lửa?". Diêm vương nhắp một hớp trà sâm, khoác tay : " Khỏi cần, chính ta đã làm phép thổi mấy trái cầu ấy xuống lỗ. Tên háo danh ấy đang khổ cùng cực: không có ai ở sân golf để vỗ tay cho hắn cả!". 

Anh chàng ấy, bác ơi, anh chàng hám danh ấy, tôi biết quá, anh ta luôn luôn nấp trong chiếc áo của tôi, nấp trong chiếc áo này. Bởi vậy Phật của tôi ngày xưa mới lấy giẻ rách để may y. Nhưng, tôi cam đoan với bác, cam đoan với quý vị, trong giây phút này đây, trong hiện tại này, chiếc áo của tôi, chiếc áo của chúng ta, đầy ắp lời thề của chúng ta, đầy ắp nỗi vui hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ, không có một chỗ trống nào trong đó cho anh chàng ấy ẩn nấp. Vậy chúng ta hãy vỗ tay thật to, thật hồn nhiên, cho chiếc áo của chúng ta, cho Học viện, cho tất cả quý vị quan khách, cho buổi sáng mùa hè vừa mát cơn mưa này. 

C.H.T.

Chú thích :
1.Về lễ phục đại học ở Mỹ, có thể xem : http://www.willsieco.com/academic_costume.asp 
2.Về lễ phục đại học ở Pháp : Bruno Neveu, Le costume universitaire français : règles et usage, Revue Administrative, 1996, n° 293. . 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here