Trang chủ Phật học tttttttttttttChánh kiến trong triết học Phật giáo

tttttttttttttChánh kiến trong triết học Phật giáo

132
0

Đạo Phật – đạo Giác Ngộ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng như vầng thái dương xuất hiện, xoá tan những tăm tối triền miên của số kiếp con người. Kể từ khi Đạo Phật hiện diện trên thế gian này, uy danh của Đức Đạo Sư không chỉ vang dội trong thời đại của Ngài , mà đạo hạnh của Ngài vẫn còn lưu truyền suốt cả chiều dài lịch sử. Khi chúng sanh chưa trừ hết Tham, Sân, Si, và xã hội chưa thực sự đem lại thanh bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người, thì giáo pháp của Ngài vẫn tồn tại như những giá trị bất diệt.

Ngài ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn, Ngài đã từng tuyên bố: “Ta ra đời vì hạnh phúc của Chư thiên và loài người”. Sự xuất hiện của Ngài đã vén lên bức màn Vô Minh mà đã che phủ Tâm thức của chúng sanh biết bao nhiêu đời nhiêu kiếp. Nhiều học thuyết tranh nhau ra đời để nhằm tìm kiếm lời giải thích về con người và thế giới. Và từ đó, suốt bốn mươi chín năm chuyển pháp luân, đi khắp mọi nẻo đường để giáo hóa chúng sanh, tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà Ngài thuyết pháp. Tuệ giác của Ngài tuôn chảy vào tâm hồn chúng sanh thời đó và lan truyền dần đến các nước lân cận và ngày nay trở thành một tôn giáo có tầm vóc toàn cầu, đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại. 

Chúng ta hãy nhìn lại những vấn đề của xã hội đương đại như là: những nạn nhân với hậu quả nghèo đói; khoảng cách mỗi ngày một sâu rộng giữa các nước giàu và nghèo; sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, bịnh dịch lây lan, chứng bịnh nan y mang tính chất toàn cầu mỗi ngày một lan rộng trên địa cầu; những chiến tranh và tàn sát chủng tộc; những vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp thiểu số; những vấn đề đô thị, bạo động, ma túy; những khủng hoảng gây nên bởi thất nghiệp, ly tán gia đình, rối loạn thần kinh, và còn bao nhiêu vấn đề khác nữa…..Những nhà cầm quyền không ngừng đưa ra những phương pháp cưỡng chế, áp đảo lên những tình trạng đó thì chúng lại xuất hiện dưới dạng khác tinh vi hơn. Như thế thì đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những vấn đề đó? 

Những vấn đề trên là do họ dùng những trái tim băng giá để cư xử với nhau. Thế thì biết đến bao giờ mới xua tan những áng mây sầu não, những giọt lệ đau thương của cuộc đời? Phải có một cái nhìn chính xác về thực trạng của con người, thực trạng đó theo Phật giáo đều xuất phát từ cái nhìn hẹp hòi một chiều mang nhiều thành kiến và chấp thủ như đoạn Kinh “Thiên Tinh” trong Trung Bộ Kinh có đề cập 5 hạng người tiêu biểu:

1. Thiên nặng về vật chất thế gian: Nếu ai nói với họ về bất động thì họ không quan tâm.

2. Thiên nặng về bất động, chỉ ưa nghe về bất động: Nếu chuyện liên hệ đến vật chất thế gian thì họ không quan tâm.

3. Thiên nặng về vô sở hữu xứ: Câu chuyện thích hợp với họ phải liên hệ đến vô sở hữu xứ, nếu không họ không chú tâm. Hạng này sẽ không quan tâm về câu chuyện bất động vì không liên hệ đến kiết sử bất động.

4. Thiên nặng về phi tưởng, phi phi tưởng: Không quan tâm đến những chuyện liên hệ đến vô sở hữu xứ.

5. Thiên nặng về chánh Niết Bàn: không lưu tâm đến câu chuyện liên hệ với phi tưởng, phi phi tưởng. 

Những hạng người trên tưởng minh đã nhổ mũi tên tham ái, trừ khử thuốc độc vô minh với dục và sân, và tự hào với kết quả mình đã được.”

Vì những nguyên nhân trên mà làm cho con người phải đau khổ, không nhận chân được lẽ phải của cuộc đời, chỉ nhìn cuộc đời một cách phiến diện cho đó là thật. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta dùng trí tuệ quán sát để thấy được chân tướng của các pháp. Nhờ thấy được chân tướng của các pháp nên vị ấy được Giác Ngộ, Giải Thoát sanh tử Luân Hồi. 

Chính vì lẽ đó, chúng ta phải có cái nhìn Chánh Kiến bởi vì có Chánh Kiến chúng ta mới có thể hiểu đúng những gì chúng ta cần hiểu và làm đúng những gì chúng ta cần làm để đạt được hạnh phúc tối thiểu mà bản thân chúng ta mong muốn, cũng như hoàn cảnh chúng ta muốn xây dựng cho hôm nay và mai sau, như Đức Thế Tôn dạy trong Kinh Trung Bộ với bài “Kinh Nhứt Thiết Lậu Hoặc”: 

“Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho Người Thấy Biết, chứ không cho Người Không Thấy, Không Biết”. 

Chánh Kiến được Đức Phật đề cập trong toàn bộ giáo lý của Ngài như:Tứ Diệu Đế, Duyên Khởi, Bát Chánh Đạo, Tam Vô Lậu Hoặc, Chánh Niệm Tỉnh Giác, v.v.. Như vậy tầm quan trọng của Chánh Kiến rất cần thiết cho những người con Phật trong mọi thời đại.

Tìm hiểu Chánh Kiến trong Tam Tạng Kinh Điển, chúng ta thấy giáo lý của Thế Tôn dạy vô cùng phong phú, có khả năng đưa con người đến cái thấy biết trọn vẹn tối thượng, thỏa mãn nhu cầu hạnh phúc ở mọi tầng lớp ngay trong kiếp sống hiện tại. Đương nhiên cái thấy biết đó không phải cái thấy biết của con đường thường nhân ở mọi nền học thuật thế gian. Mọi nền học thuật thế gian đều bắt đầu từ cái thấy biết rất giới hạn về con người và thế giới. Chúng luôn luôn tạo ra cho con người tiếp thu nó khổ đau ở mặt này hay mặt khác, dù là bản thân kẻ tiếp thu nó không muốn thế.

Sự thật cho thấy rằng, một sự thể bao giờ nó cũng xuất hiện một cách tùy thuộc vào đôi mắt của con người. Trên cùng một sự thể, nó sẽ là trần thế trong ánh mắt sai lạc mông lung của người vẫn còn Tự Ngã. Nhưng qua đôi mắt của người đã giải thoát Tự Ngã, sự thể ấy lại là Chân Như. Do đó “cái nhìn” sẽ trở thành một vấn đề quan trọng bậc nhất đối với con người và tất nhiên đời sống an lạc hay khổ đau là tùy thuộc vào cái nhìn mang ánh sáng của Chánh Kiến hay là Tà Kiến. Nếu “cái nhìn” không được soi sáng bởi Chánh kiến hay Tuệ giác thì cái nhìn của chúng ta lúc nào cũng bị giới hạn bởi cái chúng ta đang làm.

Cho nên, có thể nói Chánh Kiến là toàn bộ giáo lý của Đức Thế Tôn được trình bày như một vòng tròn khép kín đến đổi chúng ta bắt đầu từ đâu trong toàn bộ giáo lý ấy cũng tìm thấy Tuệ Giác của Thế Tôn như Ngài đã tuyên bố: 

“Này Bà La Môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có trí tuệ ở đó có giới hạnh, ở đâu có giới hạnh ở đó có trí tuệ. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng trên đời.”

Lời dạy trên cho thấy tuệ giác được Đức Thế Tôn giảng dạy nhằm xây dựng giới hạnh của con người, làm cho con người sống có phẩm chất hơn. Con người muốn có giới hạnh cần phải thực hiện tuệ giác của Ngài bằng cách: “Hãy là ngọn đuốc của chính mình, hãy là nơi nương tựa của chính mình. Đừng phó thác vào một chốn dung thân nào khác, hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa”…

T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here