Trang chủ Phật học Chân giá trị

Chân giá trị

190
0

Đức Phật dạy: "Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn biển”, đồng thời Ngài lại dạy cho chúng ta con đường diệt khổ. Hạnh phúc thay, một sự chỉ rõ mặt thật của cuộc đời, của kiếp sống sinh linh, và là một tia nắng soi đường cho nhân loại vững bước tiến lên, để tự thân mình giải thoát chính mình!

Bởi do vô minh tà kiến mà chúng ta đã nhiều lần ra vào sinh tử. Nên một khi được sinh làm người và gặp được Phật pháp, thì chúng ta cần phải xác định rằng: "Được làm thân người là khó; được gặp Chánh pháp để tu tập là khó". Do đó, chúng ta phải thường xem "sinh tử là việc lớn". Khi “việc lớn“ chưa giải quyết xong thì vẫn tiếp tục ra vào lên xuống mãi. Và trong mỗi lần như thế bậc Đạo sư đã an ủi: Ngài cũng đã trải qua vô lượng kiếp tu hành mới thành bậc Đại giác. Nên chúng ta ngay trong mỗi kiếp cũng như thế. Vậy phải làm thế nào?

Julian Hu-xley đã nói: “Đời phải dẫn đến chỗ thực hiện những khả năng không kể xiết về thể chất và tinh thần… những gì có thể làm được…và nhân loại có khả năng làm nhiều việc vĩ đại hơn, cao cả hơn”.

Vậy nếu ta muốn sinh ra trong cõi đời này để làm thiện và để mang lại hạnh phúc cho tha nhân, thế thì ta hãy luôn nghĩ đến việc phát triển trí tuệ. Đừng lạm dụng đến đặc ân làm người, nếu không chứng tỏ rằng mình xứng đáng với vị trí mà mình đang có. Bằng không thì ta chỉ phí phạm cuộc đời trong nuối tiếc dĩ vãng, mơ mộng viễn cảnh tương lai hay đắm nhiễm trong ngũ dục trần thế mà thôi. Và như thế sẽ không làm chủ được thân tâm, để rồi bị ngoại cảnh buồn vui đẹp xấu chi phối; bị danh lợi quàng xiên mà trà trộn vào trong cuộc đời đầy hấp dẫn, đầy đam mê bởi tham sân si ngự trị.

Nếu tất cả núi là sách, nếu tất cả hồ là mực, tất cả cây cối là bút cũng không thể tả hết thống khổ của cuộc đời. Vì thế các Đạo sư sau khi thấy đúng sự thật, đã chỉ rõ cho chúng ta rằng cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa nếu để nó chạy vào trong chu trình sanh tử.

Nhắm mắt rồi mở mắt. Bao lần chúng ta cười, bao chúng ta lần khóc, bao lần chúng ta bước trên lối mòn mà tâm trí nơi đầu non cuối bể để cho ngoài kia hoa nở, nắng lên, muôn vật ca hát, khí xuân ban mai lồng lộng, mà ta chẳng có một lần tận hưởng. Thế thì làm sao để biết mấy lần ta vào ra trong sanh tử, bao lần chợt vui vội khóc, bao lần làm người chưa trọn lại phải trở lại nơi u đồ? Nếu đó không phải là "hạ thủ công phu", hàng phục tập khí, xả bỏ bản năng, trau dồi luân lý, rèn luyện trí tâm, thì là gì nữa!? Bởi con người có khả năng siêu việt trong sự giác ngộ, để rồi đi từ tối tăm ra ánh sáng, từ không thấy chân lý tới nơi chân lý, và từ sinh tử đi đến Niết-bàn.

Đó là một lần, dù chỉ một lần thôi ta bắt đầu nhận ra chân giá trị của đời mình. Một giá trị đích thực của đời sống con người mang hoài bảo tu tập. Và người viết cũng thế, cũng mong là dù chỉ một ngôn ngữ cũng được nói lên sự thật. Ở phương diện nào đó, nó chỉ là thiển ý gởi trao quan điểm về giá trị chân thật, dù cái biết đó là của riêng mình.

H.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here