Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cha mẹ thương con

Cha mẹ thương con

157
0

Mỗi năm cứ đến mùa Vu lan, ai ai cũng hướng vọng về cha mẹ để tỏ lòng báo hiếu, để nói lên tâm tư tình cảm của mình đối với cha mẹ. Vì sao vậy? Vì ngày Vu lan là ngày của nhớ ơn và báo ơn. Trên đời này ai đã một lần được sinh ra, thì người đó chắc chắn đã chịu ơn của đấng sinh thành. Nhưng cũng có những người con lại xem thường việc đó, phải chăng họ là những kẻ vong ân, không biết công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ? Nếu có một người con như vậy thì thật cũng đáng trách, và xã hội cũng sẽ lên án họ. Tuy nhiên bậc làm cha mẹ cũng phải biết cách giáo dục con cái của mình. Vẫn biết rằng không một người cha người mẹ nào lại không thương yêu những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng hãy nhìn vào phẩm cách của họ, hãy nhìn vào hành động của họ, có lúc sẽ làm con cái chán nản, không vừa lòng. Và như vậy, con cái sẽ bị chai sạn trước cha mẹ, tình cảm cũng bị phai mờ theo năm tháng.

Chính vì như vậy nên đức Phật đã nhiều lần khuyên hàng đệ tử tại gia của mình phải biết cách sống, cách giáo dục con cái của mình, để sau này khi chúng lớn lên sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, là những người con hiếu thuận với cha mẹ, thuận thảo với anh chị em. Để giáo dục và yêu thương con cái đúng cách, trước tiên cha mẹ phải tự hoàn thiện mình, phải có nỗ lực bản thân để có cuộc sống hạnh phúc. Yếu tố gia đình hạnh phúc sẽ quyết định tính cách và cuộc sống của con cái sau này.

Trong thực tế của cuộc sống hiện đại, xã hội đã có lắm gia đình rơi vào hoàn cảnh tan vở, lắm gia đình vợ chồng phải li dị, con cái thì lêu lỏng ăn chơi, không còn nghe lời của ông bà, cha mẹ. Những tệ nạn xấu ngày càng nảy sinh, làm cho giá trị cuộc sống cũng bị thay đổi và chao đảo theo thời cuộc. Tất cả đều có thể phát sinh từ sự thiếu quan tâm giáo dục của cha mẹ đối với con cái một cách kịp thời, đúng mức ở trong gia đình. Từ đó có thể thấy  tình yêu thương và giáo dục con cái đúng cách của cha mẹ là chiếc thuyền vững chải nhất để đưa con cái đi vào cuộc đời.

Chính sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái là quan trọng nên trong kinh SINGÀLOVÀDA của Trường Bộ Kinh II, đức Phật đã phương tiện dạy cho chúng ta về năm cách mà người cha, người mẹ cần phải quan tâm để giáo dục con cái nên người. Đó cũng chính là năm bổn phận của cha mẹ đối với con cái.

– Bổn phận thứ nhất là ngăn chặn con làm điều ác: Trên đời này chắc không có cha mẹ nào muốn con mình làm điều ác, nhưng cũng có thể có lúc cha mẹ đã làm ngơ trước việc sai trái mà con cái mình đã làm. Vậy nên, là cha mẹ thì chúng ta cần phải kịp thời quan tâm đến việc làm của con cái. Từ lời nói việc làm của cha mẹ đều là những bài học mà con cái sẽ noi theo, nên có thể nói gia đình cũng chính là trường học đầu đời của con cái khi nó còn trẻ, cha mẹ là những thầy giáo đầu tiên, có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đời con cái sau này. Vì vậy, cha mẹ phải tập cho con cái không làm điều ác ngay từ đầu. Có nghĩa là cha mẹ phải nói lời ái ngữ, không được nhiếc mắng, chửi rủa người này, người kia trước mặt con trẻ, làm như vậy vô tình đã gieo vào lòng con trẻ bài học về thù hận, nói dối, nói đâm thọc, và có thể là những lời nói về tham lam, sân hận. Vã lại những việc làm của cha mẹ cũng phải phù hợp, tức là chánh nghiệp, chánh mạng để con cái noi theo. Nếu cha mẹ làm những nghề sát sanh, hại vật, hay những nghề như buôn lậu, ma túy, cần sa…thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn lựa nghề nghiệp và bản tánh của con cái mình. Phải biết ngăn chặn con cái về sự nói dối và làm điều ác, nhưng cũng phải đúng lúc đúng chỗ. Nên một thời, khi La-hầu-la là người con, người đệ tử nhỏ bé của đức Phật đã phạm vào việc nói dối, nên khi La-hầu-la rửa chân cho đức Phật, Ngài đã nhẹ nhàng hỏi La-hầu-la rằng: “Này con, La-hầu-la, nước này sau khi rửa chân xong, người ta có thể dùng để ăn uống không? La-hầu-la bạch Phật. Dạ không được, bạch Thế Tôn. Vì sao? Vì nước này đã rửa chân, rất bẩn nên chỉ đổ đi, không sử dụng được. Phật dạy: Này La-hầu-la, cũng vậy, người nói dối là người xấu và người ta sẽ xa lánh, không còn tin tưởng nữa”. Từ lời dạy ấy của Thế Tôn, về sau Ngài La-hầu-la đã nỗ lực tu tập và chứng quả A-la-hán. Vậy nên, ngăn chặn con làm điều ác là trách nhiệm đầu tiên mà cha mẹ phải làm.

– Bổn phận thứ hai của cha mẹ là dẫn dắt con làm điều thiện: Như đã nói, nếu cha mẹ làm điều ác thì con cái sẽ theo cha mẹ mà làm. Và cha mẹ là tấm gương lớn nhất để con cái soi vào, nếu cha mẹ có cuộc sống hiền lương, đạo đức thì con cái cứ vậy mà làm theo, khi nhỏ thì nó cứ theo như một xu hướng, khi lớn chúng sẽ biết suy nghĩ và bản tánh huân tập từ nhỏ sẽ khiến nó làm điều thện. Theo Phật giáo, muốn bỏ ác làm thiện thì cha mẹ nên dạy con tuân thủ năm điều, đó là:

1. Không được sát sanh, dạy cho con giới không sát sanh là giúp con trưởng dưỡng điều thiện, không để con tự sát hại, hay mình tự làm để con cái tiêm nhiễm điều ác.Mà chúng ta còn phải dạy con phóng sanh để nhờ vậy con cái sẽ biết thương yêu đồng loại cũng như tất cả chúng sanh, là giúp con tránh khỏi tâm tánh hung dữ, nóng nảy của tự thân.

2. Không trộm cắp, dạy con không trộm cắp là giúp con có tấm lòng thanh khiết, không tham lam, bỏn sẻn. Luôn nhắc nhở con cái cứu giúp người nghèo khổ để chúng phát sinh thiện tâm và dẹp lòng vị kỉ của mình, nhờ vậy mà chúng sẽ sống bao dung độ lượng hơn.

3. Sống ngay thẳng, không tà hạnh, có nghĩa là cha mẹ phải sống hạnh phúc với gia đình. Khi đã có gia đình thì phải biết giữ gìn luân thường đạo lý. Cha mẹ sống yêu thương, hạnh phúc bên nhau là nhân tố tốt nhất để nuôi dạy con cái, và nhờ vậy sau này con cái sẽ noi gương cha mẹ để yêu thương vợ con, gia đình của mình.

4. Không nói dối, phải tuyệt đối can ngăn con cái khi chúng nói dối, không để chuyện có nói không, chuyện không nói có, cho con cái này nhưng lại bảo với đứa khác là không…tất cả như vậy sẽ tập cho con thói quen nói dối, và nhân cách của con cái cũng sẽ bị xấu đi.

5. Không uống rượu và các loại gây nghiện, người có tài dõi đến đâu nhưng khi đã rơi vào cảnh hút xách, rượu chè thì sự nghiệp có thể chao đảo, cho nên cha mẹ phải biết cách sử dụng đúng mức, vừa phải, không nên vì rượu chè mà làm ảnh hưởng đến nhân cách của con cái sau này.

– Bổn phận thứ ba là cha mẹ phải dạy con nghề nghiệp và cho con một nền giáo dục xứng đáng: Có thể nói rằng giao lại cho con cả một gia tài đồ sộ cũng không bằng dạy con học chữ học nghề. Học chữ ở đây không đơn thuần là dạy con lấy được bằng cấp học vấn, mà còn phải dạy cho con cách làm người. Dạy cho con đạo đức và nhân cách cao thượng của một con người. Sau này, tài sản ,mà cha mẹ để lại cho con cái có thể mất tất cả nhưng tri thức, đạo đức mà cha mẹ đã gieo trồng cho con cái thì không thể mất được. Nên giáo dục cũng là tài sản quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con, cũng là một phước báu mà con cái được thừa hưởng vậy.

– Bổn phận thứ tư của cha mẹ là cưới vợ gả chồng cho con một cách xứng đáng: Xứng đáng ở đây không phải là phải “môn đăng hộ đối” như quan niệm thường tình, và với đức Phật thì càng tuyệt đối không có chuyện đó. Vì Ngài luôn dạy hàng đệ tử rằng: “Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Cho nên xứng đáng ở đây là lựa người thích hợp, người có đạo đức nhân cách. Trong xã hội ngày nay, khi cha mẹ không còn quyền “đặt đâu con ngồi đấy” nữa, thì cha mẹ phải là người định hướng chọn bạn đời cho con. Cha mẹ phải tuỳ thời gian thích hợp để tâm sự, và lắng nghe ý kiến của con cái, nhờ vậy mà sẽ hiểu nhau hơn, có lắng nghe tức có thấu hiểu, có thấu hiểu tức có chia sẻ. Đó chính là cách dung hoà bổn phận và quyền tự do lựa chọn của con cái. Chúng ta không thể đặt bổn phận quan trọng hay tự do lựa chon quan trọng, khi hai lẽ này đã được dung hoà chia sẻ thì gia đình mới hoà thuận an vui.

– Bổn phận thứ năm là phân chia tài sản cho con cái một cách kịp thời: Tài sản mà cha mẹ phân chia cho con cái bao gồm cả tài sản vật chất và tài sản tinh thần. Để lại cho con của cải đầy nhà cũng không bằng để đức lại cho con. Vậy nên, cha mẹ luôn dạy con biết bố thí, biết nói lời hoà thuận dễ nghe, biết giúp đỡ và quan tâm anh em trong gia đình, biết chia sẻ khó khăn, và lợi ích với nhau. Đó chính là trao cho con cái một nếp giáo dục, một gia tài đạo đức, một chuẩn mực sống vậy. Với tài sản vật chất cha mẹ cũng chia cho con cái thích hợp, không thể giao phó cho con khi nó còn thơ dại, không thể giao cho con khi nó lêu lỏng rượu chè…vậy nên lúc nào con cái mình đã ý thức trong việc gìn giữ và phát huy tài sản thừa kế của cha mẹ thì đó mới chính là phải lúc. Nói chung, cha mẹ phải trao truyền đúng lúc về gia phong cốt cách, lễ nghi tôn giáo của gia đình mình cho con cái. Trao truyền tài sản tinh thần và vật chất đúng lúc là tạo điều kiện tốt cho con cái xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Nếu trao truyền không đúng lúc thì có thể đưa con đến chổ sai lầm, vì con cái chưa đủ khả năng gánh vác trọng trách ấy. Cho nên, sự hiểu biết sáng suốt của cha mẹ là điều kiện tốt giúp con cái trưởng thành, và có trách nhiệm với gia đình, với tài sản mà cha mẹ để lại.

Cha mẹ chính là sợi dây thân ái, là chất keo kết nối tất cả con cái. Sự cư xử của cho mẹ đối với con cái là sự chân thành, là tình cảm phát xuất tận con tim, chứ không thể theo kiểu đầu môi chóp lưỡi. Tình thương cũng được tran trãi như dòng nước mát, không có sự phân chia chổ này chổ kia, con giàu con nghèo. Tóm lại, gia đình được sum họp, an vui, con cái hoà thuận biết hiếu kính đối với ông bà cha mẹ phần lớn đều do sự giáo dục của cha mẹ mà thành. Một gia đình biết giáo dục con cái theo lời Phật dạy, một gia đình được hạnh phúc an lạc. Một xóm, một làng, một quốc gia xã hội biết giáo dục con cái theo lời Phật dạy thì xóm làng đó, quốc gia xã hội đó sẽ được hạnh phúc, sẽ được thanh bình an lạc. Vậy nên, lời Thế Tôn dạy về bổn phận của người làm cha làm mẹ đã cách nay hơn 25 thế kỷ, nhưng lời dạy của Ngài vẫn mãi mãi là Pháp bảo quý giá mà con người cần phải thọ trì, ứng dụng, cần lấy đó làm bài học qúy giá trong việc xây dựng gia đình và giáo dục con cái.

P.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here