Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Cha mẹ còn sống là như Phật còn ở đời vậy…

Cha mẹ còn sống là như Phật còn ở đời vậy…

136
0

Nếu ai một lần được thọ học lời dạy của đức Phật về hiếu đạo thì chắc rằng họ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm, bổn phận và hạnh phúc họ đang có được khi còn cha mẹ.

Đức Bổn Sư từ vô lượng kiếp cho đến ngày thành Phật, bằng những lời dạy và cuộc đời của mình, Ngài đã luôn luôn một mực hiếu dưỡng với cha mẹ.Trong một đời quá khứ Ngài làm Thái tử Nhẫn Nhục, đã từng móc hai mắt của mình hoà thuốc cho vua cha uống khi vua cha lâm bệnh.

Ngài đã từng làm Thái tử Tu-xà-đề, đã từng róc thịt của mình để cung phụng vua cha, khi vua cha lâm nạn chiến tranh mà trên đường hết lương thực, và Ngài đã từng làm chú chim oanh vũ trên rặng Tuyết sơn, sớm hôm bay khắp rừng cây khóm lá để kiếm thức ăn về nuôi cha mẹ mù.

Cho đến lúc Ngài làm Thái tử Tất-đạt-đa, Ngài đã một mực hiếu thuận với vua cha Tịnh Phạn, đến khi xuất gia tầm đạo chứng quả vị Đại Giác ngộ, nhưng Ngài vẫn luôn đề cao về tinh thần hiếu đạo.

Vì vậy vừa chứng đạo Ngài đã tìm đến cung trời Đâu Suất để thuyết pháp báo hiếu cho mẹ của mình. Ngài đã trở về vương thành Ca-tỳ-la-vệ để thăm và thuyết pháp cho Phụ vương, săn sóc, hầu cận suốt cả tuần lễ khi vua cha lâm bịnh, lo tang lễ khi vua cha băng hà. Như vậy với đức Thế Tôn, là bậc Đạo sư của trời người mà Ngài vẫn luôn luôn tỏ lòng hiếu đạo đối với cha mẹ, bởi thế Ngài đã từng nhắc nhở hàng đệ tử của mình rằng :

“Phụ mẫu tại tiền, như Phật tại thế”, có nghĩa là Cha mẹ còn sống là như Phật còn ở đời vậy.

Đúng như thế, cha mẹ là những vị Phật sống và là những người có công ơn rất lớn đối với chúng ta, là những người đáng để chúng ta cung kính, cúng dường và chăm sóc tôn thờ. Chính cha mẹ là Phật tại tiền nên trong Truyện cổ Phật giáo đã có mẫu chuyện kể về một chàng thanh niên đi tìm Phật để nhờ Phật giúp mình thoát khỏi cuộc sống khổ cực, buồn bả mà anh đang phải chịu. Chuyện kể rằng:

“Vào thời đức Phật còn tại thế, khi Ngài đang trú tại núi Linh Thứu, ở một ngôi làng nọ, có hai mẹ con quanh năm côi cút sống bên nhau trong một ngôi nhà xiêu vẹo, là một gia đình nghèo khổ nhất trong những gia đình nghèo khổ ở ngôi làng này. Người mẹ với thân hình tiều tuỵ, áo quần chưa được một lần tươm tất, chỉ biết luẩn quẩn chăm nom nhà cửa, giúp con cơm nước qua ngày.

Mẹ ở nhà buồn tủi nhớ con, khóc đến loà mắt, bi ai thành bịnh …(ảnh minh họa)

Tài sản qúy giá nhất của bà là một cậu con trai, cũng đã đến tuổi trưởng thành. Người con sống trong gia đình nghèo khó nên nét khắc khổ cũng đã thể hiện trên khuôn mặt thanh niên của mình. Người con suốt ngày phải vào rừng kiếm củi, đốt than để kiếm tiền lo cơm cháo cho mẹ, chiều về cậu tranh thủ làm tất cả những việc gì mà người ta thuê mướn để mong phụ thêm phần thuốc thang và tẩm bổ cho mẹ.

Năm tháng cứ dần trôi, cuộc sống vẫn cơ cực khiến cậu ta chán nản, thể xác mệt mỏi, tinh thần suy sụp nên cậu ta muốn rủ bỏ tất cả để tìm cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn. Những lần đi lao động ấy cậu ta đã từng nghe dân chúng kể cho nhau nghe về sự ra đời của đức Phật, về giáo pháp mà Ngài đang trao truyền nên lần này cậu quyết tâm tìm cho được Phật, gặp cho được Ngài để nhờ Ngài giúp cho mình có cuộc sống tốt hơn.

Và cậu đã đi thật, người con duy nhất của bà mẹ ấy đã quyết rũ áo ra đi, bỏ lại sau lưng mình bà mẹ già ốm đau tiều tuỵ, không nơi nương tựa, không kẻ chăm nom để tìm cho ra đức Phật. Bà mẹ ở nhà buồn tủi nhớ con, khóc đến loà mắt, bi ai thành bịnh nhưng cậu con trai, tài sản quý giá, duy nhất của bà đã đi rồi. Cậu bôn ba khắp xóm làng, trèo đèo rồi lội suối, đến đâu cậu cũng hỏi thăm về nơi ở của đức Phật, lặn lội cũng đã một quãng đường khá xa, trãi qua cũng đã nhiều ngày tháng mà vẫn chưa gặp được Ngài.

Trên đỉnh Linh Thứu sơn, Thế Tôn đang nhập vào đại định, đang quán sát về nỗi khổ của chúng sanh. Ngài nhìn thấy được cảnh của người mẹ kia, đang ốm đau bịnh tật, ngày đêm vẫn ngồi tựa cửa trong con mà thở ngắn than dài, tấm thân tàn của bà đang mong manh giữa sự sống và cái chết. Ngài lại thấy hình ảnh của cậu thanh niên kia, vẫn không quản ngại đường sá trở ngại, không sợ rừng cao nước độc mà vẫn một lòng quyết chí tìm gặp cho được Phật. Thế Tôn động lòng từ bi, quyết độ cho hai mẹ con đều được như sở nguyện.

Ở đời khéo thờ cha mẹ chính là thờ Phật vậy (ảnh minh họa)

Ngài đã hoá hiện thành một vị Sa môn, hình tướng đoan nghiêm, đang khoan thai khất thực. Gặp được vị Sa môn chàng thanh niên lại hỏi thăm về nơi ở của đức Phật, vị Sa môn đã dạy: “Ngươi hãy quay trở lại con đường cũ, và gặp ai thì ngươi hãy nhìn dưới chân họ, nếu có ai đi dép bị ngược, chiếc trái sang phải và chiếc phải sang trái thì vị ấy chính là Phật”.

Cậu thanh niên nghe lời vị Sa môn và đã quay trở lại, gặp ai cậu cũng chăm chăm nhìn dưới chân của họ, nhưng đã lâu mà vẫn chưa thấy người nào đi dép trái cả. Ngày tháng vẫn thoi đưa, trong người cậu cũng đã thấm mệt, bước chân lần mò đã đưa cậu về lại chốn xưa, và bất chợt cậu đã nhận ra ngôi nhà cũ của mình, cậu quyết định ghé nhà nghỉ ngơi đôi bữa rồi tiếp tục hành trình.

Cậu đưa tay gõ cửa và cất tiếng gọi mẹ, mẹ cậu đang lim dim ngủ, người đang nửa tỉnh nửa mơ, chợt nghe tiếng con gọi, bà vội vàng xỏ chân vào dép để kịp mở cửa nhìn mặt con. Do quá bất ngờ và lại mừng vui quá đổi nên mẹ cậu đã đi nhầm dép ngược. Bà mở cửa ra, người con theo thói quen vẫn chăm chú nhìn vào chân mẹ.

Và niềm vui đã vỡ oà, cậu khóc thật to, khóc như một đứa trẻ vì cậu đã tỉnh ngộ và nhận ra mẹ mình đi dép ngược. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau, mắt bà lờ đờ nhìn con trong bóng tối, người con thì vui sướng, vẫn còn nấc lên những tiếng khóc dài. Bà mẹ đã ôn tồn hỏi con đã tìm ra Phật chưa? Người con thưa mẹ con đã tìm được Phật”.

Vậy Phật ở đâu? Chẳng đâu cao xa cả, chẳng cần cất công tìm kiếm mà Phật có ngay trong nhà của mình. Đó chính là cha, là mẹ, là người đã sinh ra mình. Nên mỗi người con trước khi muốn làm điều gì đi nữa thì trước tiên mình phải là người con có hiếu, phải biết rằng cha mẹ còn ở đời là như Phật còn tại thế vậy.

P.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here