Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi CEO Vương Vũ Thắng: Thiền để hạnh phúc chân thực

CEO Vương Vũ Thắng: Thiền để hạnh phúc chân thực

404
0

“Thiền là một trạng thái sống. Bình an, sáng suốt và nhạy cảm với cái tốt (có khả năng phản ứng đúng lúc với môi trường xung quanh) là những trạng thái sống. Bình an là bên trong không có đau khổ, đi vào chỗ khó khăn vẫn không dao động. Sáng suốt là không bị hiểu sai thông tin, có khả năng hành động đúng lúc, đúng cách.”

Quan điểm về thiền được hiểu thế nào cho đúng? Mời độc giả lắng nghe chia sẻ của ông Vương Vũ Thắng, từ đó lựa chọn cho mình con đường phù hợp.

Thiền là gì?

“Thiền”trong tiếng Anh, tùy theo ngữ cảnh, có thể được được dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, có nghĩa là “thiền” không được hiểu đúng theo ý nghĩa tổng quát nhất. Ở Việt Nam hay các quốc gia có đạo Phật, nói đến “thiền” thì đa số mọi người đều liên tưởng đến phương pháp hành trì của Phật giáo. Thiền, trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy dùng để chỉ những phương pháp hành thiền nhằm rèn luyện tâm. Khái niệm thiền của Phật giáo Đại thừa lại sử dụng các phương pháp thiền rất khác biệt. Còn nhiều phương pháp thiền được dùng trong Yoga, Lão giáo,… 

Nhưng với đa số người sơ tâm, “thiền là gì?” luôn là câu hỏi được đặt ra với nhiều trăn trở. Bài viết này, PV Chuyên mục Thiền của Cafebiz đã gặp gỡ ông Vương Vũ Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp), doanh nhân đã ứng dụng thành công triết lý đạo Phật vào kinh doanh để giúp độc giả hiểu hơn quan điểm của ông Thắng về thiền, từ đó vạch ra con đường phù hợp.



* Thiền là gì, thưa ông?

Thiền là một trạng thái sống. Bình an, sáng suốt và nhạy cảm với cái tốt (có khả năng phản ứng đúng lúc với môi trường xung quanh) là những trạng thái sống. Bình an là bên trong không có đau khổ, đi vào chỗ khó khăn vẫn không dao động. Sáng suốt là không bị hiểu sai thông tin, có khả năng hành động đúng lúc, đúng cách. Những trạng thái ấy ai cũng mong ước và nếu dùng cách thông thường không đạt được, mà chỉ đạt được khi áp dụng phương pháp thiền. Nếu không thiền thì không thể đạt đến trạng thái thiền: an lạc, sáng suốt và đặc biệt vào đời có khả năng nhạy cảm, phản ứng đúng cách. 

* Theo ông nói, mong muốn được bình an, sáng suốt và nhạy cảm ai cũng cần rồi. Ngoài hành thiền, còn cách nào để con người đạt đến ba trạng thái trên không?

Nếu không đi theo con đường thiền, người ta dẫu có thành công nhưng không bình an. Xung quanh họ rõ ràng có bao nhiêu sức ép. Càng doanh nhân càng khó bình an. Chỉ một cú điện thoại thôi là cuộc sống bị đảo lộn ngay. Người thành công chưa chắc đã bình an. Càng chức vụ to càng phải chịu trách nhiệm cho nhiều người. Chịu trách nhiệm cao thì  chuyện gì cũng đến tay. Có những người là tỷ phú đôla từng nói với tôi chỉ muốn bỏ hết mọi thứ. Như vậy để bình an rất khó. Để sáng suốt cũng rất khó. Ngay cả những người thành công không phải lúc nào cũng sáng suốt.

Thuyền càng to, sóng càng lớn

* Gần đây nhiều doanh nhân tìm đến thiền như một lẽ sống. Họ kỳ vọng tìm được gì nơi cửa thiền, thưa ông?

Làm lãnh đạo thì thử thách càng lớn. Một quyết định sai lầm ở quy mô nhỏ còn có thể sửa được, sai lầm ở quy mô càng lớn càng khó sửa. Với những người thành công rồi, họ muốn giữ thành công ấy nên cần sáng suốt. Thị trường lên phản ứng như thế nào, thị trường xuống phản ứng ra sao; gặp nhân viên tốt hành xử như thế nào, gặp nhân viên xấu hành xử thế nào cho đúng là điều ai cũng muốn. Phản ứng đúng đắn với môi trường chứ không theo một nguyên tắc cứng nhắc. Hoàn cảnh nào ta cần hành xử như vậy. “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tóm lại, xã hội có đủ thứ nên phản ứng tùy hoàn cảnh là rất quan trọng. Càng làm doanh nhân càng gặp những chuyện phức tạp vì họ chơi với đủ loại người. Do vậy không có con đường nào ngoài thiền để giúp họ thay đổi con người cũ, tập những thói quen mới. 

Ai cũng có giới hạn của mình. Doanh nhân là người biết rõ giới hạn của mình nhất, họ biết điều gì khó làm, biết rằng thiền là con đường giải quyết được những việc khó làm nên tò mò. Một ông doanh nhân đã thành công mà nóng tính thì khó sửa lắm, dùng con đường bình thường không sửa được. Thiền là cách giải quyết những giới hạn của mình và giúp họ hoàn hảo hơn nữa. Còn họ có làm kinh doanh cả đời, rất thành công chưa chắc đã hạnh phúc và không thể an lạc được. 

Con đường đến với thiền

* Trong thiền có nhiều trạng thái sống khác nhau. Vậy thiền có thể được chia làm mấy loại hay mấy cấp độ?

Có nhiều cách thiền để bình an. Có người ngồi 1-2 tiếng mỗi ngày vì họ “động” quá rồi, họ cần ngồi để tĩnh lại. Có người lại thiên về tập cách nghĩ để được sáng suốt. Giống như một con ngựa có bộ cương, nhận thấy dấu hiệu gồng lên là bất an, họ lập tức thay đổi cách nghĩ mới để giữ lại. Bình an trong cuộc sống bằng cách giữ kỷ luật. Một kiểu nữa khó hơn: tập trở thành một người vừa hành động, vừa quan sát nhưng tách rời ra khỏi hành động. Khi quan sát sáng suốt, mọi người sẽ ra quyết định phù hợp hơn, đúng đắn hơn. Như vậy có thể phân chia thiền làm ba loại cơ bản: thiền tĩnh tại, thiền quan sát và thiền chuyển hóa.

* Ông lựa chọn cách nào để tập?

Tôi theo cả ba cách. Kiểu của tôi “tự do” hơn. Mỗi hoàn cảnh tôi dùng những cách phù hợp. Ở nhà một kiểu, đi công tác kiểu khác; gặp người tốt một kiểu, người xấu một kiểu. Cách tôi tập chú trọng đến phần thứ ba hơn, chính là năng lực (khả năng phản ứng). 

* Làm thế nào để mỗi người lựa chọn cho mình cách thiền phù hợp?

Mọi người nên tìm đến thiền, nếu không họ chỉ có được 1 đến 2 trong 3 trạng thái nói trên. Có thành công sẽ không hạnh phúc, có sáng suốt sẽ không hoạt động nữa. Còn cách thứ ba (thiền chuyển hóa) sẽ giúp mọi người có được cả ba trạng thái, điều ai cũng hướng đến. Đấy là lý do phật giáo chưa phổ biến trong giới doanh nhân vì nó thiên về cái đầu tiên với cái thứ 2, không thiên về cái thứ 3. Nhưng đối với những người quá thành công và sáng suốt rồi, họ muốn đi tìm sự bình an. Những người cuộc đời chưa thành công lắm, tương đối phẳng lặng, họ lại mong tìm thành công, phản ứng phù hợp, khéo léo. Nói chung ai cũng cần ba điều đấy nhưng ở mức độ và những thời điểm khác nhau.

Ông nói thiền là một trạng thái sống. Vậy những trạng thái sống ấy suy cho cùng giúp được gì cho con người?

Với những người thích tĩnh tại, an lạc thì thiền là con đường giải thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc chân thực. Những người mong muốn luôn sáng suốt hướng đến thiền như một cách để giải thoát khỏi sự thiếu hiểu biết và đạt được trí tuệ. Đối tượng thứ ba là những người mong muốn giúp người khác thoát khỏi mọi trở ngại và đạt được khả năng giúp đỡ mọi người một cách tối đa.

Mỗi con đường là một trọng tâm khác nhau nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ, những người hạnh phúc thật sự (tức hạnh phúc vô điều kiện) nếu thiếu sự sáng suốt thì không thể hạnh được. Không hạnh phúc là bị điều kiện hóa ngay, cái đó cần trí tuệ. Thứ hai, chúng ta không thể hạnh phúc trong khi những người khác khổ được, nên điều kiện thứ ba là khả năng giúp đỡ mọi người lớn lao. Để đạt được hạnh phúc thực sự phải có trí tuệ và có năng lực giúp đỡ. Nếu muốn giúp đỡ mọi người mà tâm mình không bình an làm sao giúp được. Như vậy ba điều ấy đều cần nhau.

 


Trích dẫn từ: http://toihocthien.com/tin-tuc/CEO-Vuong-Vu-Thang–Thien-de-hanh-phuc-chan-thuc#ixzz2klUF5isk

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here