Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Cây Bồ đề

Cây Bồ đề

156
0

Sống ở Saigon ai cũng thấy rõ ngoài vùng phố xá buôn bán, phần còn lại của đô thị nầy chia làm hai: một bên chen chúc, một bên biệt thự kiểu Pháp trong những vườn lá rậm, những bãi cỏ cắt mịn…Ngoài đường cây xanh um tùm che mát bờ tường cổ kính quét vôi màu vàng. Tôi thường đưa nhà tôi qua vùng nầy. Vợ chồng phân tích từng nét kiến trúc trầm trồ khen ngợi nhà nầy nhà kia; rồi cũng có lúc bực mình vì một nhà mới mọc nửa quê nửa chợ. 

Sau mấy lần vượt biên không thành và mất hộ khẩu ở vùng quê, tôi về sống bất hợp pháp ở Saigon. Những lúc cần tránh công an khu trú mới, tôi thường đi lang thang với đôi dép chiếc đực chiếc cái vào khu kiểu cách ấy nhưng không còn ngắm các biệt thự mà cúi đầu. Phần vì buồn cho kiếp đời, phần để tìm các mẫu thuốc lá khá dài như Hoa Mai, Đà Lạt mà người hút bực mình không cháy liệng xuống đất. 

Những bờ tường xi măng còn đó dưới những hàng cây xanh. Vĩa hè rác rưởi khá nhiều. Không ai buồn sơn lại những bức tường kia. Chủ cũ đã đi, chủ mới bận nuôi heo nuôi gà, thèm chi chút thẩm mỹ bên ngoài. Rêu phong ăn dần màu vàng. 

Những cây non xé bờ vôi, mọc ra lởm chởm như hàm râu không cạo. Đó là những cây bồ đề, cây sanh non trước khi thành cổ thụ. Những cây bồ đề vắt vẻo ở bờ tường, mùa nắng chỉ còn vài ngọn lá vàng. Những rễ phụ quá khô không bám nỗi vào vách, buông thả trong gió như sợi tóc lạc lõng. Mới trông như ai nhặt một cây bồ đề đâu đó, dán vào tường cho nó khô nó héo mà chơi. 

Mỗi lần đi trốn công an như vậy, tôi chỉ có một đồng dính túi để đi xe buýt lúc tối về nhà. Một hôm khi đứng nhìn cây bồ đề héo hắt, tôi đánh liều ngồi ở quán cà phê đầu đường, loại quán bỏ túi bán chui bán chạy ở đô thành đổ nát nầy. Vừa pha cà phê cô hàng vừa nhìn đôi dép hai thứ của tôi với con mắt là lạ. Vì thế tôi đứng dậy trả trước một đồng, cái đồng duy nhất. 

Tôi đưa cốc cà phê lên uống, mắt mãi nhìn đằng kia. Nếu có ai chú ý, có lẽ nhìn đôi mắt tôi không cú vọ như công an nhìn người. Thật thế, tôi đang nhìn cây bồ đề trên tường nứt màu vàng chen vào rêu héo. Tôi ngồi xuống đánh canh bạc cuối cùng với cô hàng nầy vì cây bồ đề ấy thôi. Nào có thích gì đâu. 

Xin cô hàng lon nước rửa ly, tôi đến cây bồ đề tưới nhẹ. Nước rút vào bức tường khô không còn một giọt rơi xuống đất. Dấu nước chảy dài rồi bé phía dưới, in rõ lên nền vôi như một nét bút lông thủy mạc. Tay trái cầm cái lon, tay phải chống vào tường, tôi nghiêng mình hướng về cây bồ đề đang giành dựt nước với bức tường khô. 

Khi tôi trở về, thấy tôi làm công việc khá kỳ quái, cô hàng tỏ vẻ bớt nghi kỵ. Cô lại đùa khi chỉ vào gốc cây lớn: 

– Khi cây nầy tàn lụi, cây bồ đề kia sẽ lớn lên che phủ khu nầy; tôi sẽ dời cái bàn nầy qua đó. 

– À ra thế, tôi đáp, tôi vừa giúp cô đấy nhé. Sao cô không tưới nước cho nó? 

– Mặc kệ, cô ta trả  lời, cây ngô đồng không trồng cũng mọc. 

***

Tôi ngồi yên lặng. Tôi nhớ hồi bé khi đi thăm ông bà nội, tôi thích hòn non bộ đặt trên bể cạn, với những tiều phu, những tiên ông, những chiếc cầu nho nhỏ, con cá, con ốc… bằng sứ tráng men. Những thứ ấy ẩn hiện trong rừng cây nhỏ bé, có thác, có ghềnh, có sơn, có thủy. Những cây bồ đề vóc dáng sần sù thả chùm rễ râu xanh xuống nước để nuôi thân. Cả một cây cổ thụ nay chỉ thu nhỏ bằng gang tay, thân khẳn khiu với thời gian, với sương gió. 

Cây cổ thụ tượng trưng cho sức mạnh vô biên phủ cả một góc trời mà thu lại trong tâm can, trở thành nhỏ bé vừa tầm của mọi người, mọi vật, len lỏi vào con tim của ai ai. Cây bồ đề lá nhỏ như quả tim. Thu rút lại mà không khắc khổ, trổ lá xanh tươi như nụ cười mà không nham nhở. Tuy nhỏ mà cây bồ đề vẫn tung ra cánh tay che con đường cheo leo nơi hòn non bộ hay phủ kín một nhịp cầu ước mơ. 

Dưới khối núi với cỏ cây trùng điệp trong hồn nhiên tự tại, dưới đó là nước mát. Cá đỏ lội tung tăng hay nằm lững lờ như diều ngưng cánh buông thả trong gió chiều. Những con cá đứng yên như cây bồ đề đứng yên bên trên. 

Giây phút bên bờ đường với cây bồ đề khô héo đưa tôi lạc cõi nào, không hiểu nằm đâu trong cung bực của thời gian và không gian, làm tôi quên bẵng cảnh khổ đau. Cây bồ đề nhỏ bé lọt lòng tay giờ đây nó an ủi tôi, nó làm bài học của lòng tôi. 

Từ trước đến giờ, tôi chỉ làm việc để tung hoành, để bung ra để bành trướng và mãi mãi thêm lên. Vì thời cuộc đã khựng lại, khựng lại trong khung cửa hẹp của nhà tù, khựng lại trong đôi dép hai thứ, khựng lại trong sự săn đuổi của công an. 

Cây bồ đề cổ thụ ngắn hơn gang tay, tích tụ cả gió sương thu lại thành sức mạnh, sức mạnh của yếu hèn, sức mạnh của con tim, sức mạnh của nguyện cầu. Cây bồ đề tượng trưng cho sự chuyển hoán tư thế trước những cục diện khác nhau mà tâm hồn vẫn là một. Nếu sự vương ra đã là khó thì sự trở về với bản thể con người còn khó hơn nữa. 

Từ hôm ấy tôi nhặt những cây bồ đề mọc ở vách tường mới lớn hay đã có hình thù cổ quái đem về trồng trong những phiến đá nhỏ ghép vào nhau, chưng trong nắp khạp nắp lu. Cứ mỗi sáng ra nhìn rễ trắng chạy trên đá hay thả xuống nước. Tôi uốn cành cong lên cong xuống, uyển chuyển theo mốc đá. Trong số những cây trồng, tôi thích nhất cây có gốc to bằng nắm tay mà chỉ có mầm lưa thưa, lá lại xanh như đôi mắt tinh khôi, khối lòng rộng mở. Tôi khen ngầm cây ấy chỉ biểu lộ bấy nhiêu sức sống. 

Những cây bồ đề không mất tiền nầy là nguồn vui không riêng gì cho tôi mà cho cả gia đình. Mấy đứa con có quyền thêm một hòn sỏi, một viên bi hay một cành rau nước. Một hôm tôi đi về thấy một hình người bằng plastic ngồi dưới gốc cây. Tôi tưởng như một hiền nhân toạ tĩnh, tôi vái chào với tất cả cung kính. Tôi thấy mình nhỏ bé lại. 

Gạt bỏ tính cách triết lý trong cây cảnh Đông phương, những cây bồ đề nhỏ bé trước mắt cho tôi một bài học kiên nhẫn, thu mình để giữ lại sự hiện hữu trước bão táp của cuộc đời. Mỗi cành cây uốn cong tượng trưng cho một u uẩn của lòng tôi. Chuẩn bị một tư thế vươn ra, một vùng đất soạn sẵn để trở về. Tôi chấp nhận sự lắng thinh để cố giữ thành trì cuối cùng làm tư duy thầm kín, một tự tại của cõi lòng. Không để cho nó nát tan. 

Trước một bối cảnh của quê nhà như vậy, làm sao ta cố đừng điên lên mà giữ cho lòng thật yên, cho thật lắng cho dù có lao lung tả tơi. Rất nhiều lần vợ chồng tôi thấy như đang ở trong nhà thương điên. Báo chí Tây phương chỉ trích việc đưa vào dưỡng trí viện những nhà tư tưởng, những nhà khoa học mà họ không biết sau bức màn kia là một nhà thương điên rất lớn. Chỉ khác ở chỗ không có bác sĩ tâm thần. 

Phải tự chữa lấy cho qua cơn khủng hoảng nầy. Chữa bằng những công việc đơn giản. Ở Nhật Bản, khoa xếp giấy thành hoa quả, chim muông là một phương pháp trị liệu tâm thần rất tốt. 

Ngày ở quê, những lúc trời mưa không làm việc được, tôi rất đau buồn nhìn công việc bỏ bê mà khoai củ trong nhà đã hết. Mưa vẫn nhiều; mái tranh dột nát. Một bức bách tâm thần không tránh được. Tôi giải quyết bằng cách chú tâm tuyệt đối vào các thanh tre, những sợi lạt, những đóm thuốc lào tách nhẹ qua cái rựa bén trên tay. Những sợi lạt mềm nhủn dẻo kẹo, những đóm thuốc lào đều đặn xinh xinh xếp trước mắt như những tư tưởng mạch lạc trở về trong trật tự trước bức bách ngoại cảnh, của hiện tại chua xót, của tương lai mờ mịt. 

Khi tôi trở về sống ở Saigon, những cây bồ đề thu hút cả chú tâm của tôi. Tôi đặt vào đấy cả cuộc sống và tìm từ đó sự lắng yên của tâm hồn trước sức công phá của thời cuộc đổi thay. Hình ảnh đạo sĩ bằng plastic nhỏ bé ở gốc bồ đề nhắc tôi một câu nguyện mà tôi xem như một thế liên hoàn chân vạc: 

“Xin cho tôi ba điều: 1. Đủ sáng suốt để phân biệt thiện ác, xấu tốt. 2. Đủ bình thản chấp nhận những gì không thể thay đổi được. 3. Đủ can đảm làm những gì có thể làm được.” 

Thưa đạo sĩ, tôi đã bình thản như những cây bồ đề trước mắt. Tôi đủ can đảm chấp nhận mọi thứ để ra đi, ra đi một mình. Và nay nếu quyết định nầy đưa đến kết quả, chắc chắn tôi sẽ để lại sau lưng mấy cây bồ đề nầy và…và… 

T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here