Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cầu siêu có phải là nghi lễ của Phật giáo không?

Cầu siêu có phải là nghi lễ của Phật giáo không?

145
0

Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu xem đạo Phật quan niệm như thế nào về sự Sinh và sự Tử.

Theo quan điểm chung của Phật giáo, con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức qua nghiệp lực dẫn giắt vẫn tiếp tục tìm về cảnh giới tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta khi chưa đạt đạo giải thoát, thì vẫn mãi luẩn hồi trong vòng tử sinh. Về sự sinh và sự tử này, Phật giáo có hai quan điểm, một là tái sinh tức thời và hai là tái sinh qua giai đoạn chuyển tiếp “thân trung ấm” tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sinh. Quan điểm đầu cho rằng tái sinh xảy ra tức thời chỉ trong một sát na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng như làn sóng điện lan trong không gian, tức khắc được phát sinh trong máy thu thanh hay thu hình.  Sự sinh tử theo quan điểm này xảy ra cực kỳ nhanh chóng và được xem là một tiến trình liên tục.  Còn quan điểm thứ hai cho rằng có một số trường hợp phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” lưu lại trong khoảng thời gian từ một đến bảy tuần lễ, thông thường thời gian thọ sinh là bảy ngày, tuy cũng có thể lâu hơn nữa do sở duyên chưa thích hợp. 

Quan điểm tái sinh tức thời được khẳng định bởi giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy.  Theo ngài Hòa Thượng Narada Maha Thera viết trong quyển sách nổi tiếng Đức Phật và Phật Pháp,

(bắt đầu trích) “Cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sống tâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức. Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt. Cũng như ánh sáng, đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng thế ấy, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh của công thức mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể đơn thuần, “chuyển” từ hiện tại sang tương lai. Hiện tượng, chết và tái sanh, diễn ra tức khắc, dầu ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào (antarabhava). Phật Giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai” (hết trích). [1]

Đối với Phật giáo Bắc Tông, hay còn gọi là Phật Giáo Ðại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi người sau khi chết đều tái sinh ngay lập tức. Trường phái này cho là những người có nghiệp cực thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Cực Lạc, cõi Ðông Phương Tịnh Ðộ, vân vân, và những người có nghiệp cực ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là “chết đây sinh kia tức thời”.  Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người chết có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ  1 đến 49 ngày. Trong thời gian đó, người qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện (cầu siêu) để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ được siêu thoát vào các cõi an lành và vì vậy có tục lê cúng giỗ cầu siêu bảy tuần liên tiếp. [2]

Do quan niệm “Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức thời và không có cái gọi là “linh hồn” người chết tạm trú ở một nơi nào” của Phật Giáo Nguyên Thủy, nên có thể nói rằng Phật Giáo không có nghi lễ cầu siêu vì cầu siêu không có tác dụng gì đối với người đã chết, mà chỉ tốn công mất của mà thôi. Để bảo vệ cho quan điểm này, ngoài những điều trích dẫn sách [1] đã nêu trên, chúng tôi xin trích dẫn kinh (chính lời Phật dạy):

(bắt đầu trích) “Người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn chấp tay mong rằng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.  Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như một người quăng một tảng đá lớn vào một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!”. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy với sức nặng của nó không thể nổi lên, không trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người không sát sanh, không lấy của không cho, không sống tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, không theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục! thời lời cầu xin ấy không được thành tựu, người ấy vẫn đựơc sanh vào cõi thiện thú, cõi trời, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu rồi đập bể ghè dầu ấy, thời dầu ấy sẽ nỗi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một số đông quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiện không có kết quả, số dầu ấy vẫn nỗi trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, cầu xin cũng không ích lợi gì.” (hết trích) [3]

Thật ra, Phật Giáo Bắc Tông, truyền từ Ấn Độ qua các nước phương Bắc như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam trong khoảng 700 năm đầu cũng không hề có nghi lễ cầu siêu cho người chết. Nghi lễ cầu siêu này thực sự chỉ bắt đầu từ đời của vua Đường Huyền Tông, tức Đường Minh Hoàng (685-762) vào năm 738 và được truyền qua Việt Nam sao đó.  Vì thế, lễ cầu siêu độ ngày nay tại Việt Nam chỉ là một hình thức văn hóa của Trung Hoa pha trộn với đạo Phật. Để chứng minh cho điều này chúng tôi trích dẫn lời Pháp sư Tịnh Không, một vị cao tăng người Trung Hoa đương thời, rất có uy tín, với một quá trình giảng kinh thuyết pháp gần nửa thế kỷ:

(bắt đầu trích) “Lão pháp sư Đạo An đã từng giảng, nguồn gốc của việc siêu độ bắt đầu từ thời đại Đường Minh Hoàng. Thời đức Phật không có, Phật giáo truyền đến Trung Quốc thời kỳ đầu cũng không ghi chép sự việc này. Đến thời đại của Đường Minh Hoàng, vì vua Đường sủng ái Dương Quí Phi, khiến nhân dân và triều thần bất mãn, mới có loạn An Lộc Sơn nổi tiếng trong lịch sử suýt nguy cấp đến cả quốc gia dân tộc. Với sự đắc lực của Quách Tử Nghi, một vị đại tướng đương thời đã bình định cuộc nổi loạn, tuy nhiên, quân dân tử thương rất nhiều. Sau khi bình định cuộc nổi loạn, triều đình tại mỗi chiến trường chính, xây dựng một miếu thờ gọi là Khai Nguyên tự, vì đúng vào niên hiệu Khai Nguyên, thỉnh cao tăng đại đức, tụng kinh, bái sám truy điệu cho quân dân tử nạn. Đây là lễ truy điệu do triều đình cử hành, gọi là pháp hội siêu độ. Từ đó dân chúng học theo, mỗi khi có người qua đời, người dân cũng thỉnh pháp sư đến làm Phật sự siêu độ, tạo phong tục cho đến ngày nay.” (hết trích) [4]

****

Nói tóm lại, Phật Giáo không có nghi lễ cầu siêu, còn nghi lễ cầu siêu độ ngày nay được tổ chức tại các chùa Bắc Tông ở trong nước cũng như hải ngoại chỉ là một hình thức văn hoá Trung Hoa. Và với lời dạy của Đức Phật được trích dẫn trên, việc cầu siêu không có tác dụng gì đối với người đã chết, mà chỉ tốn công mất của mà thôi, nếu có chăng chỉ là an tâm nhất thời cho người sống. Theo giáo lý đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai, không ai có thể giải thoát cho ai, ngoại trừ chính cá nhân người đó.

Nếu nói rằng cầu siêu là sự báo đáp công ơn cha mẹ thì việc báo đáp ấy cũng không có tác dụng gì.  Nếu muốn báo đáp công ơn cha mẹ thì người còn sống phải tu tâm dưỡng tánh, tránh không làm các điều ác, nỗ lực làm các điều thiện và phát tâm giải thoát nhằm hướng đến công ơn cha mẹ mới gọi là chân thật báo hiếu.

Tuy nhiên, theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, nhưng nên được xem như là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành. Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa chỉ với mục đích tưởng niệm, không thiết lễ cầu siêu dâng sớ và đốt vàng mã theo văn hóa Trung Hoa (vì tin chắc là ông bà hoặc đã lên các cõi Tịnh hay đã tái sanh làm người ngay từ lúc nhắm mắt lìa đời). Nếu đủ phương tiện có thể tổ chức cúng giỗ tại chùa thì rất tốt. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho con cháu, họ hàng tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, họ có thể tìm hiểu để học hỏi thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dường Tam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biến Phật pháp rộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự. Các vị Sư là những Trưởng Tử Như Lai, là những Ðạo Sư, có nhiệm vụ thiêng liêng là hoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tập bản thân để giải thoát luân hồi. Phật tử tại gia cũng vậy, ngoài việc lo cho gia đình, xã hội cũng cần phải tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các vị Ðạo Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.

 Tâm Diệu biên soạn (TVHS)

 (December 2012)

 Chú thích:

 [1] Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp

 http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-3858_5-50_6-3_17-431_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

[2] Dr Evans-Wents viết rằng theo kinh sách Tây Tạng, có một trạng thái chuyển kiếp từ khi chết đến lúc đầu thai. Linh hồn người chết phải ở trạng thái ấy trong 1, 2, 3, 4, 5, 6 hay 7 tuần lễ, cho đến 49 ngày (“The Tibetan Book of the Dead”, trang XLII – XLIII, 58, 160, 165). Quan niệm như vậy trái với giáo lý nguyên thủy của Đức Phật (Xem bản dịch tiếng Việt: Vi Diệu Pháp Toát Yếu Abhidhammattha Saṅgaha – A Manual of Abhidhamma, 

Nārada Mahā Thera – Phạm Kim Khánh dịch: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-61_4-2809_5-50_6-1_17-47_14-1_15-1/

[3] Thích Minh Châu.  Tập IV của Tương Ưng Bộ Kinh – Thiên Sáu Xứ, [42] chương VIII, Tương ưng thôn trưởng (Asibandhakaputta), kinh số 6

[4] Tịnh Không, Vì sao phải siêu độ vong nhân:

http://tinhkhongphapngu.net/bai-giang/1-phuong-phap-tu-tri/52-vi-sao-phai-sieu-do-vong-nhan.html   &

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-70_4-16459_15-1_5-50_6-5_17-241_14-1/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here