Trang chủ Phật học Cầu sanh thiên rất nguy hiểm

Cầu sanh thiên rất nguy hiểm

131
0

Niệm Phật cầu vãng sinh là pháp môn tối thắng, được vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thì không còn tái sinh đọa lạc, hoàn toàn không còn tạo nghiệp, tự mình gia công tiến tu cho đến ngày thành Phật độ chúng sinh. Tu hành các pháp môn khác cố nhiên cũng tốt. Nhưng công phu tu không đạt đến cứu cánh tất nhiên sẽ bị đọa lạc.  

Như thuở quá khứ có ba vị Bồ Tát: Thế Thân, Vô Trước, Sư Tử Giác cùng tu tập Duy thức quán, ba vị phát nguyện sinh nội viện Đâu Suất thấy Bồ Tát Di Lặc. Các vị cam kết với nhau rằng, nếu ai sinh về đó trước thì quay trở lại báo cho những người khác biết. 

+ Đầu tiên, Sư Tử Giác viên tịch, trải qua ba năm không thấy trở lại báo, ba năm sau Thế Thân lại viên tịch. Lúc Thế Thân sắp lâm chung, Vô Trước bảo với Thế Thân rằng :

– “Sau khi ông đến cõi trời Đâu Suất dù bất kỳ lý do gì ông cũng phải trở lại đây báo cho tôi biết”. 

Thế Thân qua đời, đúng ba năm sau ngài quay trở lại. 

Vô Trước hỏi Thế Thân : “Vì lý do gì mà ông trở lại đây muộn thế?” Thế Thân đáp: “Tôi đến nội viện Đâu Suất chắp tay đảnh lễ tam bái, nhiễu quanh Bồ Tát Di Lặc một vòng là quay trở lại liền”.

Vô Trước lại hỏi : “Hiện nay Sư Tử Giác đang ở đâu? Vì sao không thấy trở lại ?” 

Thế Thân đáp : “Ông ấy sinh vào cõi trời ngoại viện Đâu Suất, không có trong nội viện. Do sinh vào cõi trời ngoại viện đang bị ngũ dục trói buộc nên không thấy Bồ Tát Di Lặc, chính vì lý do đó mà không thể trở lại đây được”. 

Vô Trước sau khi nghe nói sinh thiên rất nguy hiểm, nên phát nguyện không sinh thiên mà phát nguyện sinh Tịnh độ (theo Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Đại sư Trí Giả). Thiết nghĩ, ngài Sư Tử Giác là một vị Bồ Tát Đại thừa, sinh thiên còn bị ngũ dục dẫn dắt, hà huống gì là phàm phu chúng ta, qua đó cho thấy rằng sinh thiên là điều nguy hiểm vô cùng! Đối với người tu thiền định, nếu công phu chưa đạt đến trình độ siêu xuất tam giới, không luận sinh lên một cõi trời nào, sau khi hưởng hết phước sẽ bị đọa lạc, rồi tùy theo nghiệp mà thọ báo. Lời này đã được Phật nói cho A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm. Đúng là tu Tịnh độ không có nguy hiểm. Nên nói:

“Nhiều người tu đến Phi Phi Tưởng

Không bằng quy hướng Tây phương.

Ý nói sinh đến tứ không của Phi Phi Tưởng, khi tuổi thọ tận, phước hết đều bị đọa lạc, không bằng sinh về cõi Cực Lạc, dù có sinh nơi hạ hạ phẩm cũng có thể dần dần chứng đến thượng phẩm, so với việc sinh về cõi trời Phi Phi Tưởng tốt hơn nhiều.

Trong thời khóa niệm Phật, mỗi ngày chúng ta nên đọc Kinh Di Đà, thường nên đọc vào công phu chiều. Đọc một lần, là một lần bạn đã huân tập cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm vào trong tàng thức. Giống như bạn xem phim, một lần xem là một lần những hình ảnh trong phim đã huân tập vào tàng thức của bạn. Cũng vậy bạn đọc Kinh Di Đà lâu ngày, cảnh giới thù thắng trang nghiêm của cõi Cực Lạc sẽ dần dần huân tập vào trong tàng thức của bạn. Tuy hiện tại bạn chưa sinh Cực Lạc mà trong tâm đã được bao vây bởi cảnh giới Tây phương. Trong tương lai, đến giây phút lâm chung của bạn, ngoài công đức trì niệm danh hiệu Phật mà hằng ngày bạn huân tập, sẽ được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Lại còn những cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh mà hằng ngày bạn đọc Kinh A Di đã được huân tập, cũng từ trong tâm thức hiện ra trợ giúp cho bạn vãng sinh nhanh chóng hơn.

 Thích Tâm An dịch

(Trích: Luận Niệm Phật)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here