Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ 'Cậu ấm cô chiêu' lên chùa tập tu

'Cậu ấm cô chiêu' lên chùa tập tu

129
0

Khác với vẻ thanh tịnh thường thấy, những ngày này, sân thiền viện rộn tiếng trẻ thơ. Trong phòng khách trước trai đường, một thiền sư vận áo nâu đang giúp các bậc phụ huynh từ Hà Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội… hoàn tất thủ tục để con em họ được tập tu nơi cửa Phật. Phía ngoài sân, lũ trẻ thành thị lụng thụng trong bộ áo lam ngơ ngác khi lần đầu tiên được đến thiền viện.

Trẻ tập tu tại Thiền viện

Hơn 600 học sinh tề tựu trong lễ khai giảng.
Buổi học thiền đầu tiên.
Không giấu nổi sự hồn nhiên.
Cùng nhau xuống núi đi khất thực.
Cười hồn nhiên trong giờ tiểu thực.
Tập trung trở lại khu nhà ở sau giờ ăn trưa.

Sư thầy nhẹ nhàng nhắc nhở các em nhỏ đi đúng hàng.

Hai em nhỏ tranh thủ giờ nghỉ trưa xem lại bài vở.

Các em cùng nhau học Phật pháp.

Vốn là nơi tu hành của các bậc chư tăng, song để đáp ứng nhu cầu chúng sinh, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã nhận giúp các "cậu ấm, cô chiêu" tập tu, sửa mình mà không thu bất cứ khoản lệ phí nào. Lớp học năm trước chỉ có 40-50 em nhỏ, do tiếng lành đồn xa, năm nay con số đã gấp hơn 10 lần. Các thầy phải chia làm nhiều khóa học để tiếp nhận các em. Khóa học đầu tiên dành cho các em từ 10 đến 14 tuổi, khai giảng vào ngày 13/6 và sẽ kết thúc sau 2 tuần.

Thiền sư Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho biết, do khuôn viên và số lượng thiền sư có hạn nên không thể nhận cùng lúc tất cả em nhỏ. Hiện 90 thầy, cô phải làm việc hết mình để quản lý, dạy dỗ 600 em nhỏ. Nói về lợi ích của việc tu tập, đặc biệt là ngồi thiền, thầy Nguyệt nhận xét: “Thiền là phương pháp tĩnh tâm khai trí. Khoa học đã chứng minh đứa trẻ ngồi thiền thông minh, kiên nhẫn hơn những đứa trẻ không ngồi thiền. Hiện nay, ở nhiều nước đã đưa thiền vào chương trình giáo dục.

Các em tranh thủ đọc sách Phật trong giờ nghỉ. Ảnh: Hải Đăng
Các em tranh thủ đọc sách Phật trong giờ nghỉ. Ảnh: Hải Đăng.

Ngoài việc học thiền, các sư thầy, sư cô sẽ chỉ dạy cho các em thói quen thức dậy từ 3h sáng, gập chăn màn sao cho vuông vức, ngay ngắn, sau đó nhẹ nhàng di chuyển về giảng đường để tọa thiền. Kết thúc giờ tọa thiền lúc 5h sáng, các em sẽ đến với bữa sáng gọi là tiểu thực. Lũ trẻ tay cầm bát, xếp thành hàng dài ngay ngắn đi về phía Trai đường để tự chọn khẩu phần ăn chay cho mình.

7h30 là bắt đầu giờ học đạo. Các em nhỏ được dạy kinh Phật để biết nhìn vạn vật bằng tình yêu thương, biết đúng, biết sai để sớm "phát tâm tỉnh giác, xa lìa chỗ tối tăm". 11h trưa là đến giờ khất thực (ăn trưa). Trước khi ăn, lũ trẻ phải chắp tay cầu nguyện và cùng nghe thầy giảng về nguồn gốc hạt lúa, củ khoai, ý nghĩa của những bữa ăn chay…

Buổi chiều những cậu ấm, cô chiêu vốn quen với nếp sống thị thành, quen với sự nuông chiều, ỉ lại vào cha mẹ, người thân, được dạy cách làm việc nhà như: nấu cơm bằng bếp củi, rửa bát, nhặt rau… Các em kết thúc một ngày bằng lễ sám hối tại chánh điện, tức là xem xét lại tất cả những hành động trong ngày để nhận biết đúng, sai và sửa mình.

Có nhiều lý do để các bậc phụ huynh đưa con em đến tập tu. Người thì muốn con tách khỏi cuộc sống thường nhật để cai games, người muốn con được học Phật pháp để chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, trân trọng những gì đang có, để chúng biết được nguồn gốc của hạt lúa, củ khoai, biết trân trọng thành quả lao động của người khác. Và cũng có những ông bố bà mẹ đưa con lên chỉ để con biết thế nào là nhặt rau, quét nhà, nấu cơm…

Chia sẻ cảm giác về ngày đầu tập tu, cô bé Phạm Phương Thảo, 14 tuổi, thật thà: “Cháu chẳng muốn lên đây, ở đây chán lắm, chẳng qua là bố mẹ ép. Cháu nghiện Audition nặng, chỉ cần hai chai nước, chẳng cần ăn gì, cháu có thể ngồi cả ngày. Giờ này bọn bạn cháu chắc đang ngồi ở quán net đầu đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội)".

Khác với sự bạo dạn của Thảo, hai chị em Nguyễn Việt Hà (14 tuổi) và Nguyễn Việt Hương (6 tuổi) ở Đống Đa (Hà Nội) tỏ ra dè dặt khi tiếp xúc với người lạ. Hương nhỏ tuổi nhất tại khóa học lần này. Thấy bố mẹ đưa chị lên đây để có thời gian nghỉ ngơi sau một năm học vất vả, cô bé nhất định đòi lên cùng chị. Đôi mắt sưng húp, Hà nói: “Hết giờ sám hối chiều qua, em cháu bắt đầu khóc đòi mẹ. Các cô dỗ mãi nó mới chịu nín. 11h đêm nó lại khóc, thế là cả phòng cháu khóc theo. Cháu nhớ nhà lắm. Cho cháu mượn điện thoại để gọi về cho mẹ được không?”.

Được mượn điện thoại, cô bé vừa bấm số gọi cho mẹ vừa nước mắt lưng tròng. Cô chị ôm lấy cô em, thút thít nói chuyện với mẹ…

Cứ đến chiều tối hầu như các em đều muốn gọi điện thoại về cho gia đình. Ảnh:Hải Đăng
Một em trai cũng không cầm được nước mắt vì nhớ nhà. Ảnh: Hải Đăng.

Phía ngoài bậc thang bước lên giảng đường, hai ni cô cũng ra sức dỗ dành cậu bé Bùi Công Huy (10 tuổi) ở Hà Giang đang đòi về. Huy vừa khóc vừa nói: “Cháu không quen ăn chay, nhạt lắm. Ở đây cháu còn phải tự gập quần áo, nấu cơm, rửa bát, đến giờ ăn còn phải tự bưng bát, xếp hàng xới cơm… Cháu không quen, cháu muốn về với mẹ”.

Các em lớn thì tỏ ra cứng rắn và thích nghi nhanh hơn với nếp sống tại thiền viện. Khuôn mặt tuấn tú, đeo kính cận, cậu bé Phan Thành Hưng (16 tuổi) ở phường Bách Khoa, Hà Nội, nhẹ nhàng lật giở quyển kinh. “Đây là lần thứ hai em lên thiền viện. Năm ngoái vì quá nghiện Internet nên bố mẹ đưa em lên. Năm nay, nghỉ hè là em xin bố mẹ lên luôn. Bây giờ em đã quen với việc ăn chay, dậy sớm từ 3h sáng, tự xúc khẩu phần ăn cho mình, tự rửa bát, quét nhà. Các thầy, các cô chỉ bảo ân cần lắm”, Hưng chia sẻ.

Bóng chiều buông xuống, anh Quách Ngọc Huy (Tây Hồ, Hà Nội) đang chuẩn bị chia tay hai cô con gái để về Hà Nội. "Tôi có 3 con gái và muốn cả ba cháu lên đây nhưng vì cháu út mới 4 tuổi nên đành phải ở nhà với mẹ. Thú thật lên đây tôi thấy không khí thật thanh bình. Nhìn thấy con tự rửa bát, quét nhà mà tôi mừng quá. Ở nhà chúng có biết làm gì đâu. Tôi mong nhà chùa mở thêm nhiều khóa học như thế này để các em có được một học kỳ 3 thật hữu ích", anh Huy nói.

18h30 chiều, mặt trời đỏ lự phía sau mái chùa cong cong. Hàng thông reo vi vu. Phía nhà dân dưới chân núi, mấy cột khói bếp mịt mùng hòa vào khói lam chiều. Trên giảng đường ở thiền viện, đám trẻ nghiêm trang chắp tay trước tượng Phật và cầu nguyện theo các thầy để chúng sinh “xa rời đường dữ”, được ấm no, hạnh phúc.

(VnExpress)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here