Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Carnot thời nay

Carnot thời nay

129
0

– Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ  tôi không? – Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò  rằng – Ta bình sinh, nhất là  ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có  thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.

Trên  đây là bài: “Học trò nhớ ơn thầy’ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của tác giả Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Ngọc. Thế hệ chúng tôi mãi cho đến nay vẫn không quên những bài trong sách này. Đó là sách giáo khoa duy nhất của bậc tiểu học về Việt văn vào thời đó, nhưng nội dung, ý nghĩa đạo đức và nhân văn đã đi suốt cuộc đời, để mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ: Con cò mà đi ăn đêm, Cái lưỡi, Cái cân thủy ngân, Thương người như thể thương thân, “Xuân đi học coi người hớn hở / Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng…”, “Mẫn Tử Khiêm mẹ mất sớm, ở với di ghẻ…”, “Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp…”

Trong sách báo, trong đời sống, có biết bao câu chuyện về học trò nhớ ơn thầy, nhưng sao vẫn cứ đọng lại trong tâm trí tôi chuyện ông Carnot. Phải chăng vì chuyện đó được đưa vào Quốc Văn Giáo Khoa Thư để cho tôi được học vào tuổi ấu thơ, tuổi để lại ấn tượng sâu đậm, ngọt ngào về cái đẹp của thơ văn và ngôn ngữ? Phải chăng tuổi chưa xa “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” gặp được những bài học nhân ái mát lành như suối nguồn? Phải chăng vì cách viết giản dị, trong sáng, thích hợp với lứa tuổi thiếu nhi?

“Học trò nhớ ơn thầy” là câu chuyện đẹp với những hình ảnh có vẻ tương phản nhau: ông quan to1 có tầm ảnh hưởng rộng lớn, còn sức trẻ; ông giáo tiểu học vẫn ở quê nhà, đầu tóc bạc phơ, dạy học trò con nít. Tưởng rằng sự tương phản đó sẽ phân chia thứ bậc, nhưng không, ông quan to trở thành “nhỏ” khi găp thầy: ông chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép. Ông lại tự nhận trước lớp học, nhờ ơn thầy, ông mới có sự nghiệp vẻ vang. Cuối cùng, ai cũng lớn trong câu chuyện này: người thầy làm nhiệm vụ cao cả là khai sáng tâm trí cho lứa tuổi ấu thơ, ông quan to biết ơn thầy cũ, biết uống nước nhớ nguồn, biết chân lý “không thầy đố mày làm nên”.

Từ  thời thơ ấu với Quốc Văn Giáo Khoa Thư, con đường học hành đưa tôi đến đến trường sư phạm và trung thành với nghiệp thầy giáo từ đó, mảy may việc chọn nghề không chịu ảnh hưởng của ông giáo làng trong câu chuyện Carnot, nhưng khi tuổi nghề càng lớn thì thế giới của mình không chỉ phấn trắng bảng đen, với học trò hiện tại, mà còn có những hương hoa ngày cũ với bao kỷ niệm về nghề dạy, bao thế hệ học trò với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau; và không chỉ là quá khứ hoài niệm, mà trước mặt thực tế sống động, những Nguyễn Văn A, Trần Thị B, … là học trò cũ thời vài chục năm trước, về thăm thầy.

Ngày nay, có nhiều gương sáng về nhớ ơn thầy như ông Carnot? Tôi nghĩ là có, chắc chắn là có, dĩ nhiên hoàn cảnh là khác nhau, vì ai cũng nhớ ơn những nhà giáo đã cho mình vốn liếng tri thức hôm nay, người bình thường đã vậy, huống hồ người có sự nghiệp lớn. Riêng tôi, vì âm hưởng Quốc Văn Giáo Khoa Thư còn mãi trong đời, ông Carnot vẫn cứ vương vấn tâm trí, nên tôi coi ông như là điển hình về học trò nhớ ơn thầy. Ông là điển hình thì không nên để ông chơi vơi, lẻ loi – ông làm quan to quá! -, nên tôi xem điển hình này gần gũi với học trò cũ của tôi, những học trò không còn trẻ trung gì nữa, biết ơn thầy, nhưng không làm quan to (chỉ ít người quá lắm là to chút đỉnh) mà chỉ là lao động chân chính, làm việc trong cơ quan, trên thương trường, trên bục giảng, trong xí nghiệp, bệnh viện, ngoài nông trường, mà cũng có thể có nghề nghiệp phong phú, khó đưa vào danh mục nghề. Xin “phạm thượng” xếp những học trò nói trên, tuổi tác từ 50 trở lên – chắc là gần gần tuổi ông Carnot thời đó – cùng hàng với ông, và xin gọi là Carnot thời nay.

Một người nào đó phong trần, tóc đã điểm bạc, dáng quen quen, thì ra là một học trò cũ  tha phương mấy mươi năm, bây giờ ôm chầm lấy thầy; một anh học trò cũ học tốt nhưng lận đận thi đại học, hận đời ra đi không chào thầy, giờ trở lai thăm thầy, với quà là bịch nước mắm hảo hạng của nơi quê mới; một chị học trò từ lâu đã về quê xa, chẳng may bị tai biến, bại liệt, ngày hội lớp vẫn nhờ người thân giúp đỡ di chuyển đường xa để đến nơi, thăm thầy, thăm bạn cũ, nghẹn ngào trong hạnh phúc gặp mặt, và khoe còn giữ học bạ đầy đủ có lời phê và chữ ký của thầy cô; một anh học trò cũ có vai vế trong xã hội, tột đỉnh trong danh hiệu thi đua, vẫn luôn luôn cư xử lễ độ với thầy cô, vẫn luôn luôn là hạt nhân đoàn kết của lớp học ngày trước; một anh bác sĩ vào công tác lâu năm tận đồng bằng sông Cửu Long, không bao giờ quên chúc Tết thầy cô, và không bao giờ quên thăm thầy cô khi có dịp về quê hương. Xin nêu một vài Carnot thời nay của tôi, có tính cách đời thường, cũng như biết bao học trò cũ vẫn giữ được tình cảm đối với thầy cũ qua bao năm tháng, để cho tôi cảm động về tình thầy trò thủy chung, vô cùng quý báu, nhất là trong thời buổi này, thủy chung như hoa phượng đỏ với mùa hè.

Thật ra, việc học trò nhớ ơn thầy là phổ  biến xưa nay, nhưng sao tôi vẫn thấy tình cảm thầy trò của thế hệ tôi như có gì đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt. Những nhà giáo cùng thời với tôi đều đã nghỉ hưu khá lâu, và đã có một quá trình dạy học trải qua chiến tranh ác liệt, rồi may mắn qua mốc lịch sử 1975 nước nhà hòa bình, độc lập, thống nhất. Những học trò cũ lâu năm của chúng tôi cũng đi qua cuộc chiến như thế, cũng chịu tác động của lịch sử như thế. Một số học trò phải đi vào chiến trận, có người đi luôn không về, có người về lại cuộc sống bình thường nhưng không biết trôi nổi nơi nao. Một số học trò cũ có đời sống gia đình đề huề nhưng trước khó khăn của cuộc sống quê nhà, cũng ra đi tìm phương kế sinh nhai. Rồi những năm gay go kinh tế của thời hậu chiến tranh, của cấm vận, của bao cấp… ai ai cũng chỉ suy nghĩ gần về thực tại chung quanh mình. Nhưng thật là kỳ diệu, sóng gió qua đi, đất nước mở ra hướng kinh tế thị trường với tiềm lực được khai phóng, đời sống người dân có tài, có trí, có sức được cải thiện. Mọi người lại có cơ hội tìm đến nhau, học trò cũ lại nhớ đến thầy cô, bạn cũ trường xưa bồi hồi ôn lại kỷ niệm, và qua lắm gian nan thì dịp trùng phùng thật xúc động. Những vị Carnot thời nay (cả nam lẫn nữ nhé!) vượt xa về tình cảm sâu lắng so với ông Carnot quốc văn giáo khoa thư!

Tình cảm học trò nhớ ơn thầy khẳng định một nét văn hóa truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp từ ngàn xưa, và cũng là niềm vui tinh thần thanh cao trong cuộc sống xã hội ngày nay. Thế nhưng, đụng chạm với thực tế cuộc sống, nhất là qua vai trò làm cha làm mẹ, cũng như qua các phương tiện truyền thông, những học trò cũ đã qua thời son trẻ có không ít băn khoăn trăn trở. Hiện nay, kinh tế đi lên không kéo theo tiến bộ về mặt văn hóa, mà ngược lại, mặt này mặt nọ về văn minh đô thị, cư xử giữa người và người, tệ nạn xã hội, đạo đức con người, nhất là chuyện giáo dục thời nay, dầu đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng lắm thách thức và gian nan, chưa ra khỏi mê hồn trận để phát triển. Trong những tiêu cực của xã hội, đau lòng thay những chuyện trò đánh thầy không phải là quá hiếm (mới đây là chuyện tạt axít vào thầy giáo 2), chuyện bạo lực, băng đảng trong nhà trường ở lứa tuổi thiếu niên, cả nam lẫn nữ, thầy thì bán rẻ lương tâm bằng dạy bất chính, bán văn bằng, làm bằng giả, còn người quản lý giáo dục lại bịa ra biện pháp làm giảm nhân phẩm người của mình3. Còn đâu là niềm vui tươi hồn nhiên của trẻ, còn đâu là tình cảm cô trò trong sáng, còn đâu là thiên chức nghề giáo khi học trò lớp 1 sợ đi học, “đi học là … bị đau bụng!” vì “ngày nào con cũng bị cô đánh vì tội viết chậm, viết xấu; con sợ lắm!”4

Lâu ngày gặp mặt, thầy trò trong câu chuyện hàn huyên, không thể thiếu một chút ưu tư thế sự, một chút ngậm ngùi: “Trước đây làm gì có học trò như thế!” “Đâu có đóng tiền nhiều khoản như thế!”… Tuy nhiên, ai ai cũng nhận rằng nếu làm cha mẹ thời nay thật khó, thì làm thầy cô thời nay cũng không dễ chút nào nếu muốn giữ lương tâm trong sáng và tấm lòng chính trực trên bục giảng, trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh gay gắt, sức mạnh đồng tiền lấn át giá trị văn hóa và đạo đức, thời buổi đầy rẫy cám dỗ vật chất, thủ đoạn khó lường, loạn xạ thị hiếu nghe nhìn… khiến gia đình thiếu gắn bó bền chặt, cha mẹ bôn ba kiếm tiền, còn con cái thì dễ xa rời mái nhà và mái trường. Nhưng, một mặt khác, bức tranh xã hội không phải toàn màu xám, phải nhìn nhận sức mạnh vươn lên cũa cá nhân nổi trội trong cuộc sống, Chỉ riêng trong lãnh vực giáo dục, có biết bao học sinh, sinh viên thuộc thế hệ sau này vẫn chứng tỏ “con hơn cha là nhà có phúc” bằng khả năng học tập tuyệt vời, bằng tiếp thu linh hoạt công nghệ mới. Và khi đề cập đến hoàn cảnh hiện tại của những học trò cũ, rất mừng là con của họ đều gặt hái những kết quả tốt đẹp trong học tập. Cho hay luật nhân quả nhãn tiền: khi mình sống có đạo đức, trọng văn hóa, nhớ ơn người dạy, thì chính con mình được hưởng phước.

Cũng như thế về phía nhà giáo, chính thế hệ đồng nghiệp của tôi là những người vô cầu mà hưởng phước, vì trãi qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời mà vẫn được hưởng tình cảm của học trò cũ còn chan chứa hơn xưa. Quý mến thay tình cảm của những Carnot thời nay!

Theo VHPG

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here