Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Cao sang như Anh

Cao sang như Anh

151
0

Trong thời tiết mưa nắng sụt sùi của mùa thu xứ Huế, người cư sĩ Phật tử, người thầy Nguyễn Tư Trừng, người anh kính mến của các đạo hữu lớn tuổi đất cố đô, đã vĩnh viễn đi xa. Anh không phải quyền cao chức trọng, không phải nhân vật nổi tiếng, cũng không phải là người sang trọng, lịch lãm, thế mà đám tang anh là hiện tượng hiếm có.

Mới nghe tin anh vừa ra đi, rất nhiều người đến viếng, để chia sẻ niềm đau với gia đình và ngắm khuôn mặt thanh thản của anh lần cuối. Quý chư tôn Hòa thượng, chư thượng tọa, đại đức, tăng ni đã thăm viếng, hộ niệm, tổ chức và điều hành tang lễ một cách trang nghiêm, với sự tham dự của các tăng ni sinh Học Viện Phật giáo và trường Trung cấp Phật học, cùng các đoàn sinh Gia đình Phật tử, đông đảo người thân, các Phật tử và các học trò cũ qua các thế hệ. Vào rạng sáng ngày tiễn đưa linh cửu, các em Gia đình Phật tử và các học trò cũ ôm hoa, sắp thành hai hàng, và hàng trăm hoa đăng thắp sáng đặt trong vườn và trước mặt nhà. Trong những học trò cũ của anh, có người đã xem anh như cha, đã tự nguyện cùng với người thân trong gia đình, tận tụy ngày đêm chăm sóc anh bên giường bệnh. Tại nơi an nghỉ cuối cùng của anh, đủ tứ chúng, nổi bật là màu vàng, màu nâu và màu lam của giới xuất gia, của Gia đình Phật tử, và tất nhiên, rất đông học trò cũ và cư sĩ Phật tử thành kính vĩnh biệt anh. Trên những gò đất nhấp nhô và trải rộng xung quanh phần mộ, nằm bên chùa Vạn Phước, tất cả mọi người cùng niệm Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, vang vọng và thiêng liêng giữa ban mai đẹp trời.

Một ý tưởng được nhiều người nhắc nhở : Sao thầy Trừng cao sang thế ? Sao đám tang diễn ra nhằm lúc thời tiết đẹp thế, trong khi mấy ngày qua, trời chuyển nắng mưa bất thường ?
 
Anh cao sang, chúng tôi cùng nói như thế, và vì anh thường hay nói đến cao sang và tinh anh. "Ai cũng có thể bỏ đời thú vật trong mình để thành Như Lai với nhân cách trí thức, cao sang, kỳ diệu. Đừng sống cuộc đời thú vật hèn hạ. Hãy sống cuộc đời cao quý, vi diệu của Như Lai. Đó là sự giải thoát mầu nhiệm trong mỗi người." (1) . "Viên ngọc nằm trong tay hoặc đeo trên áo mà hành giả, mà người lên đường cứ đi tìm đâu đâu, rồi khi tìm ra mới biết ngọc bên mình. Chúng ta hãy tuyệt đối tin rằng viên ngọc quý hơn hết, viên ngọc quý nhất đó chính là nhân cách hoàn hảo, vi diệu, huyền nhiệm của chúng ta. Và con đường đức hạnh đi tới nhân cách là ở trong tinh anh thầm lặng." (2).
 
Cuộc đời anh là thể hiện đúng đắn tinh thần cao sang, trong tinh anh thầm lặng như thế. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, anh gắn bó với chốn thiền môn, là thầy giáo của trường Bồ Đề từ đầu, sau này anh giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Huế, rồi đi du học Mỹ thành đạt trở về, anh vẫn phục vụ giáo dục chuyên tâm, cần mẫn, đặc biệt anh là giảng viên của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và của trường Trung cấp Phật học, và học trò cũ của anh quá nhiều và đa dạng, trong đó có rất nhiều vị xuất gia.
 
Anh sống thầm lặng nhưng khi gặp gỡ nhiều người, anh góp chuyện tươi vui. Anh thầm lặng nhưng vẫn tích cực đóng góp cho đời theo cách của anh. Nơi nào mời anh viết bài là anh hoan hỷ đóng góp bài. Hầu như anh có bài trên hầu hết các số của Nội san Liễu Quán, tuy chủ đề khác nhau, nhưng tựu trung anh tán dương Phật Pháp là cao sang, mình phải cao sang để sống cho xứng đáng. Anh ca ngợi sự huyền diệu của thiên nhiên qua hoa lá, cây cỏ, con chuồn chuồn, bươm bướm… bằng cách sử dụng chút tài hoa về hội họa, dẫu kỹ thuật và nét vẽ còn chưa chín. Mọi người đến xem triển lãm tranh của anh tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, không lưu tâm nhiều đến kỹ thuật cho bằng thích thú cảm nhận qua bức tranh, một thầy Trừng cao sang, yêu đạo, yêu cuộc sống và nhìn đời với nụ cười có đôi chút hóm hỉnh. Trước đây, thầy Trừng cũng ưa thích bóng đá. Nghe đâu, hồi trước anh cũng ra sân đá banh giao hữu, đá vui vẻ, nhiệt tình nhưng chỉ mong trận đấu có kết quả hòa.
 
Tính cách cao sang của anh thể hiện ở cử chỉ, dầu là nhỏ nhặt: Uống nước, đặt ly nước đúng chỗ ; trước khi vào lớp, vuốt áo cho chỉnh tề, soi gương chải tóc cho đứng đắn; đi, đứng, ngồi nhẹ nhàng, khoan thai. Tôi có cảm tưởng anh sống là anh tu, tu với sống là một. Anh ăn chay trường, theo kiểu nhà chùa. Anh vui với những chai tương, thẩu chao, muối mè, mắm chay, hạt bùi… do nhà chùa hay các đạo hữu tặng. Anh thổ lộ chuyện ăn chay: "Chúng ta có thể ăn nghèo, ăn đơn giản (mà ngon, mà vui, và có sức khỏe) để sống vui, êm đềm, thiêng liêng, huyền nhiệm trong cảnh thanh bình" (3). Ăn đạm bạc mà sao cao sang thế ? Sống như vậy, cho nên anh chẳng cần xe máy làm gì, cứ đi xe đạp tà tà, dầu cho đường từ nhà đến Học viện khá xa, dầu nắng rát, mưa tuôn, cứ đi là tới. Nhưng có lần anh gặp tai nạn : trên đường đi dạy, anh bị một thanh niên đi xe máy tông, làm cả hai người bị ngã. Anh thanh niên dựng xe, bối rối, chưa kịp nói năng gì thì thầy Trừng đã ôn tồn: "Sao, anh có bị gì không ?"
 
Càng về già anh càng đạt đạo, anh đổi sang mặc áo dài màu nâu, thay vì mặc như bình thường. Cho đến một ngày… Anh khó thở, người em liền đưa anh đến bệnh viện. Anh đã nhận ra cuộc sống trong thế giới ta bà này sắp chấm dứt. Từ lâu, anh ý thức lẽ vô thường, và bây giờ hạnh phúc của anh là được ra đi một cách an lạc và giải thoát. Anh nhất định đòi người em phải đưa anh về nhà, và khi đòi hỏi của anh được thi hành, trở về ngôi nhà yêu dấu, anh vui thấy rõ. Anh vui khi tiếp những thầy, cô và những người thân, học trò cũ, và dầu phát âm rất khó, anh vẫn trao đổi chút ít và biểu lộ trên khuôn mặt, trên nụ cười. Người thăm anh nhiều lần, cũng là người sau cùng đến thăm anh là Hòa thượng Thích Quang Nhuận, đã tặng anh máy nghe kinh, anh tỉnh táo và vui với thầy. Thế rồi khi Hòa thượng từ giả anh, chỉ mười lăm phút sau, anh ra đi, nhẹ nhàng.
 
Noi theo anh, tang gia, thân bằng quyến thuộc và mọi người đều nhẹ nhàng, im lặng, không khóc than. Tất nhiên, trước cảnh sinh ly tử biệt, người thân ai mà chẳng bùi ngùi, thương tiếc, vẫn có những đôi mắt ngấn lệ của tang gia và những đôi mắt rưng rưng của quý cô, nhưng đồng thời cũng những đôi mắt đó đã an vui chứng kiến người thân ra đi nhẹ nhàng như không, một sự ra đi trong niềm kính tín Tam Bảo, một sự "vi diệu của Như Lai". 
 
Như lời kinh Pháp Cú :
"Hương các loại hoa thơm 
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay"
Anh để lại hương đức hạnh cho đời và nụ cười cho người thân.
 
C.H.H
 
 
 1. Nguyễn Tư Trừng, Tìm hiểu Ngày Phật đản, Nội san Liễu Quán, số 4, tháng 5/2006
 2. Nguyễn Tư Trừng, Trong tinh anh thầm lặng, Nội san Liễu Quán, số 9, tháng 1/2008
 3. Nguyễn Tư Trừng, Sự khác nhau giữa thiện và ác, Nội san Liễu Quán số 6, tháng 1/2007

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here