Tại phiên thảo luận của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS ngày 8-8-2012, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH được phân công là người phát ngôn chính thức cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII. Sự kiện này được xem là: “Lần đầu tiên, một Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc cử người phát ngôn chính thức”.
Nói như thế để thấy rằng, trước nay, Giáo hội PGVN nói chung và các kỳ đại hội nói riêng chưa có sự phân công rạch ròi người phát ngôn chính thức. Sau đại hội, khi người phát ngôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, Giáo hội vẫn không có một cơ chế phát ngôn nào được xem là chính thức – điều mà rất nhiều các tổ chức, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… đã làm.
Theo Quy chế Phát ngôn và Cung cấp thông tin cho báo chí (Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg, ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ), người phát ngôn là “người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên và chức vụ người phát ngôn của cơ quan hành chính Nhà nước phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí”.
Như vậy, người phát ngôn chính thức là người nói lên tiếng nói của tổ chức, bày tỏ ý kiến, quan điểm của tổ chức nhằm hướng dẫn, định hướng dư luận. Người phát ngôn chính là cầu nối giữa tổ chức với cộng đồng. Trong tổ chức Phật giáo, người phát ngôn phải là một Tăng sĩ tiêu biểu, có kiến thức, đạo hạnh.
Trong thời gian qua, nhiều vấn đề không hay liên quan đến Phật giáo đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây xôn xao dư luận, làm tổn thương đến niềm tin của đồng bào Phật tử trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng, tổ chức Phật giáo, cụ thể là các BTS Tỉnh hội liên quan lại thường “im hơi lặng tiếng”, hiếm hoi lắm mới có một công văn phúc đáp nhằm làm rõ vấn đề hoặc để trấn an dư luận.
Nhiều trường hợp, phóng viên các báo đài tìm đến những vị giáo phẩm có trách nhiệm để xin thỉnh vấn thì lại bị chối từ… Trường hợp khác, các phóng viên gặp gỡ, phỏng vấn một vài Tăng sĩ không có trách nhiệm hoặc nắm bắt vấn đề một cách phiến diện, dẫn đến việc “nâng ý kiến cá nhân thành quan điểm của tổ chức”. Điều này nhiều khi gây hiểu nhầm và nguy hại.
Do đó, xây dựng một cơ chế phát ngôn chính thức của Giáo hội là điều nên và sớm phải làm. BTS Phật giáo các tỉnh thành cũng cần phân công nhiệm vụ phát ngôn chính thức cho một thành viên cụ thể để làm cầu nối với báo chí, cộng đồng, tránh gây hiểu nhầm Phật giáo “bưng bít” thông tin hay “phớt lờ” dư luận.
Dĩ nhiên, người phát ngôn chính thức là người có khả năng diễn đạt tốt, biết nói chuyện trước quần chúng, biết trả lời trước ống kính truyền hình hay trả lời phỏng vấn một cách tự tin, thân thiện, chừng mực, đúng với Chánh pháp và tác phong của một người đại diện cho tổ chức của Giáo hội. Vị ấy phải biết nắm bắt thông tin, bày tỏ quan điểm rõ ràng, ứng xử tốt trong những trường hợp đột xuất, bất thường…
Lựa chọn người để phân công nhiệm vụ này hẳn là điều không dễ. Tuy vậy, trong thời đại truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng một cơ chế phát ngôn chính thức của Giáo hội là điều không thể trì hoãn, đánh dấu một bước phát triển mới, chứng tỏ sự quan tâm, đồng hành cùng xã hội của Phật giáo Việt Nam.
(GNO)