Ni trưởng thế danh Thái Thị Hậu, xuất thân trong một gia đình quyền quý, nhiều đời kính tín Tam Bảo tại kinh đô Huế. Thân phụ là Đông các Đại học sĩ Thái Văn Toản, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Phước Như Nguyện, thuộc dòng dõi Tùng Thiện Vương.
Từ thuở ấu thơ, Ni trưởng đã sớm kết duyên lành với cửa Phật khi được thân phụ đưa đến quy y thọ giáo với Hoà thượng Chơn Đạo Chánh Thống tại chùa Quy Thiện, được ban pháp danh là KHÔNG LUÂN.
Lớn lên trong cảnh vinh hoa phú quý, Ni trưởng đã sớm nhận ra sự phù trầm của kiếp nhân sinh nên đã nuôi chí xuất trần học đạo. Năm 27 tuổi, xin phép song thân, Ni trưởng xuống tóc cầu xuất gia với cố Ni trưởng Hướng Đạo, trú trì chùa Diệu Viên. Năm 30 tuổi, đến cầu pháp với Hoà thượng ni Trừng Ninh Diệu Hương, đệ nhất Giám đốc Ni viện Diệu Đức – Huế, được ban pháp hiệu là Thể Quán. Năm 33 tuổi, khi tâm đạo đã chín muồi, tại Đại giới đàn Thuyền Tôn, do cố Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu, Ni trưởng được Bổn sư cho phép đề danh lên Tuyển Phật trường, đảnh lễ Thập sư cầu thọ Tam đàn Cụ túc giới.
Kể từ đây, Ni trưởng bắt đầu dấn thân vào cuộc hành trình hoằng pháp lợi sanh, thực hành sứ mệnh của một Như Lai sứ giả.
Năm 1958, cùng với Ni sư Thích Nữ Cát Tường, Ni trưởng đã khai sáng Tịnh thất Hoàng Mai để làm nơi tịnh tu, tiếp dẫn đồ chúng và phụng dưỡng mẫu thân.
Với tư chất mẫn tiệp, bản tính nhu hoà, đạo phong của Ni trưởng không chỉ khiến cho các bạn đồng tu vị nể, thương yêu mà còn là niềm kính ngưỡng của nhiều giới phật tử. Ni trưởng là người đã thắp sáng niềm tin trong trái tim của nhiều thế hệ phật tử mỗi khi đạo pháp lâm nguy, đặc biệt là trong công cuộc vận động bảo vệ chánh pháp năm 1963 và 1966.
Suốt một đời hoằng pháp lợi sanh, Ni trưởng luôn giữ chí nguyện vững bền, vượt mọi chướng duyên, quyết đem lời Phật dạy đến tận hang cùng ngõ hẻm để thức tĩnh lòng người. Bước chân vân du hoá đạo của Ni trưởng đã in dấu khắp mọi nẻo đường của vùng duyên hải miền Trung, từ Thuận Hoá đến tận Khánh Hoà, Ninh Thuận.
Trong sự nghiệp giáo dục và tiếp dẫn hậu lai, Ni trưởng không chỉ góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ Ni chúng đủ đức, đủ tài, đảm đương các phật sự quan trọng của Giáo hội, mà còn hết lòng chăm sóc đến sự lớn mạnh của các tổ chức Phật tử, trở thành bóng mát cho các thế hệ Đoàn sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử, Sinh viên, học sinh Phật tử hướng về.
Với trọng trách “Đặc uỷ xã hội” được Giáo Hội giao phó, kể từ năm 1968, cùng với Ni sư Thích Nữ Cát Tường, Ni trưởng đã tích cực vận động cứu tế đồng bào khổ nạn và góp phần không nhỏ trong việc mở rộng hệ thống các trạm y tế, cô nhi viện, ký nhi viện về tận các địa phương, các khuôn Giáo hội. Và chính Ni trưởng là người đã cho mở khoá Sư phạm Mẫu giáo đầu tiên tại chùa Diệu Đế, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên mẫu giáo theo tinh thần giáo dục Phật giáo.
Tuy bận rộn với nhiều công tác phật sự, Ni trưởng vẫn dành thời gian để dịch thuật kinh điển, trước tác nhiều tác phẩm thi văn nhằm phục vụ cho công tác giáo dục và hoằng pháp. Những trước tác của Ni trưởng chính là những bông hoa đạo hạnh, văn phong nhẹ nhàng mà ý nghĩa vô cùng thâm thuý.
Ni trưởng còn là hiện thân của tấm gương hiếu hạnh. Lúc tại gia đã hết lòng phụng dưỡng song thân, sau khi xuất gia vẫn lo tròn hiếu đạo. Ngày ngày tụng kinh bái sám, cầu cho thân phụ tội diệt phước sinh, cầu cho thân mẫu giữ vững tín tâm hướng về Tịnh cảnh. Có hiếu hạnh nào bằng khi Ni trưởng vẫn hằng tâm nguyện: “Mẹ nhớ đón con bên nước Phật, Mẹ con cùng dự Hội Liên Trì”!
Bảo tháp Sư bà Thể Quán trong khuôn viên Tịnh thất Hoàng Mai.
Ngày 20 tháng Tư (nhuận) năm Nhâm Tuất (11/6/1982), tại Tịnh thất Hoàng Mai, khi hoá duyên đã mãn, Ni trưởng đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 72 tuổi, với 38 hạ lạp. Vậy là đã 26 mùa Hoàng Mai nở hoa mà vắng bóng chủ nhân…
Môn đồ Hoàng Mai