Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Cảm hứng thiền trong bài thơ "Ngư Nhàn" của Thiền sư Không...

Cảm hứng thiền trong bài thơ "Ngư Nhàn" của Thiền sư Không Lộ

147
0

 

 

 

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như  qua đời…”

Câu  thơ ấy tôi đã nghe từ lâu lắm và đã hơn một lần ngẫm thấy trong cuộc nhân sinh. Hôm nay tìm hiểu về cảm hứng Thiền trong thơ Dương Không Lộ, như một phản xạ tự nhiên của tâm thức, tôi nhớ đến câu hát đồng dao và thử tìm hiểu xem vì sao lại có sự liên tưởng ấy qua bài thơ “Ngư nhàn” của tác giả.

“Vạn lý thanh gian vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá  nhất thôn yên
Ngư  ông thụy trước vô nhân hoán
Quá  ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền”.

Là  một Thiền sư ngộ đạo, ắt hẵn thiền sư Không Lộ không cố tình làm một thi sĩ. Bài thơ trên vốn không được tác giả đặt tên, cũng không dụng công chấp bút. Đó chỉ là bài thơ ghi lại một khoảnh khắc đáng nhớ để Thiền sư xuất khẩu thành thơ, để thiền sư hóa thành thi sĩ.

Vạn lý  thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá  nhất thôn yên.

Chỉ  đọc thôi hãy khoan suy nghĩ, để cho nhịp điệu câu thơ nhẹ nhàng, đều đặn lơ lững trong lòng cũng đủ cho người đọc một cảm giác bình yên, thư thái. Hai câu thơ thuần tả cảnh, không có động từ, vẽ nên một bức tranh quê thanh bình yên ả với trời mây sông nước, sương khói dâu đay… tất cả hòa quyện vào nhau thành một không gian, bát ngát…

Nguyễn Du đã rất có lý khi nói rằng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhìn sâu váo bức tranh thiên nhiên ấy, chúng ta sẽ đọc được trạng thái đang là của tác giả. “Tâm bình thế giới bình” là vậy. Đằng sau trời mây sương khói, lấp ló ẩn hiện bóng dáng một con người:

Ngư  ông thụy trước vô nhân hoán
Quá  ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Nếu hai câu đầu hoàn toàn tĩnh thì đến hai câu sau đã xuất hiện động từ. Nhưng là “vô nhân hoán”; không người gọi. Ngư ông ngủ say cho đến khi tỉnh dậy chỉ có tuyết. Tuyết dẫu có bay nhưng vẫn không khuấy động ồn ào. Đó là cái động trong cái tỉnh để góp phần hoàn thiện bức tranh Thiền chứ không xô bồ, náo nhiệt. Bài thơ vẫn kết thúc trong tĩnh lặng.

Ông chài ngủ tít ai hay
Quá  trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền.

Không một tiếng động, một lời nói… Thiền sư vẫn vô ngôn!

Có  một Thiền sư nào đó đã nói rằng, “Ba mươi năm trước khi chưa tu tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi đang tu tôi thấy núi không phải là núi sông không phải là sông. Ba mươi năm sau, khi đã tu tôi thấy núi là núi, sông là sông”. Có gì đó hơi khó hiểu! Nhưng thực sự là vậy. Thiền sư ngộ đạo không phải là ngộ một điều gì huyền bí, cao siêu, mà là nhận chân được bản chất các pháp, nhận lại được bản lai diện mục để rồi vẫn sống trong cuộc đời, vẫn thấy núi là núi, sông là sông nhưng không hề buộc ràng, chấp thủ, sống tự tại giải thoát trong mọi duyên trần cảnh…

Hình ảnh ông chài ngủ tít những tưởng quá bình thường, dung dị, nhưng chính đó là điều khiến con người suy nghĩ. Ông chài quá mê ngủ ư? Hay quá nhiều mộng mị “rớt trong đổ ngoài” quên cả thức dậy? hay vì một lý do khác?

“Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền”. Nếu vì mê ngủ, ắt không có được “tỉnh dậy” và thấy “tuyết mãn thuyền”. Ông chài “tỉnh dậy” chứ không phải “choàng tỉnh” hay “hốt nhiên tỉnh dậy”, như thế ông đã ngủ một giấc say, một giấc sâu và tỉnh dậy trong niệm tỉnh giác.

Con người ta phần nhiều mang cả những nỗi buồn phiền não băn khoăn vào tận trong giấc ngủ thì làm sao có được giấc ngủ của ông chài? Ngủ là ngủ một cách trọn vẹn. Không lo nghĩ đến bất cứ một điều gì khác, không gì làm trói buộc tâm tư.

Trước mắt chúng ta không còn hiện hữu ông chài nữa, thay vào đó  một Thiền sư tự tại giữa cuộc đời: sống hết mình với giây phút hiện tại, không truy tìm quá khứ, không lo nghĩ tương lai. Chính vì thế mà có thể tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của cuộc sống. “Tuyết bay đầy thuyền” cũng rất có thể là tuyết thật của thiên nhiên. Nhưng “tuyết” ở trong hình ảnh biểu trưng của thơ, trong ngôn ngữ biểu tượng của thiền không chỉ như vậy. Thường những gì trong sạch, cao cả, không bị vẫn đục, nhiễm ô được đem ví cho tuyết. Trí tuệ sáng suốt, nhận chân được vạn vật không ngăn ngại bỗng một lúc nào đó chợt bừng lên. Tinh khôi, nguyên vẹn, trong lành!

Khoảnh khắc giác ngộ, tâm thức ngời tỏ được ghi nhận ở đây không như một dấu nhấn mạnh nỗi bật trong cuộc sống, “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” mà là một trạng thái giác ngộ của tâm thức bàng bạc khắp nơi với cái nhìn tự tại giải thoát.

Ngài Huyền Quang đời Trần có một bài thơ rất nỗi tiếng:

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử  khinh hoa hạ chuyển hoàng li
Khả  lân vô hạn thương xuân  ý
Tận tại đình châm bất ngữ  thì”.

Đó là những nét đẹp, những sự nhiệm mầu của cuộc sống xung quanh ta mà Thiền sư đã cảm nhận được chính bằng khả năng giác ngộ của mình. Cũng vậy, qua “Ngư nhàn” Ngài Không Lộ ghi lại sự trực nhận hiện thân cuộc sống trong khoảnh khắc giác ngộ, giải thoát. Sống như vậy mới gọi là thực sống: Trọn vẹn và đầy ý nghĩa.

“Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì”
(Thiền sư Thiền Lão).

Tuy nhiên được mấy ai làm được điều đó vì cứ mãi lo toan, nghĩ ngợi…để một khi giật mình tự hỏi “Mình đã sống được là bao?”. Sống như vậy quả thật “sống mà như qua đời”.

Trong cuộc sống ta có biết bao nhiêu điều mầu nhiệm. Một bông hoa, một em bé, một ánh mặt trời, một tia nắng sớm, một hạt sương mai… đều góp phần nuôi lớn hạnh phúc và vun bồi khả năng giác ngộ của con người. Vấn đề là con người có được tâm hồn trong sáng để tiếp nhận hay không.

Có  những tháng năm đi qua rồi vùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng có những khoảnh khắc trong đời luôn sống mãi với thời gian. Cành mai của Thiền sư Mãn Giác vẫn đang hé nụ. “Ngôn Hoài” vẫn đọng âm vang, và “Ngư nhàn” trắng màu tuyết xóa sống trong lòng người… Ngàn xưa cho đến ngàn sau.

Câu  đồng dao ấy lại hiện về và tôi hiểu vì  sao mình có sự liên tưởng ấy.

      N.T 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here